Trả ơn cuộc đời
2023-01-28 01:15
Tác giả:
blogradio.vn - Nó hiểu căn bệnh mẹ đang mang đáng sợ biết nhường nào. Nhưng nó không giống mọi người. Không hẳn vì nó là con trai chị. Bởi vì nó không muốn chị chết, không muốn chị xa rời nó.
***
Tùng thích những chuyến đi thiện nguyện. Công việc này vốn đã là niềm đam mê của anh từ những ngày còn là sinh viên đại học. Trong hành trình lên non đầy ý nghĩa, điều mà Tùng ngạc nhiên và vui sướng nhất có lẽ là cuộc gặp gỡ với chị Na. Mười năm rồi, thiếu chút nữa anh chẳng thể nhận ra nếu như không được Tân, bạn thân của anh giới thiệu.
Tùng đang loay hoay bê đồ từ xe vào cùng mọi người thì Tân vỗ vào vai anh, cười toét:
- Giám đốc, cậu vào đây, tớ giới thiệu cho cậu biết một người. - Tùng tò mò nhưng cũng cố nán lại khuân thêm mấy thùng đồ nữa. Vuốt mồ hôi trên trán, chỉnh lại bộ quần áo sơ mi cho gọn gàng, tề chỉnh, Tùng bước theo Tân.
- Cậu định giới thiệu tớ với ai?
- Cậu cứ vào đây rồi biết.
Dừng lại trước một nguời phụ nữ có mái tóc chắn ngang vai, chị mặc cái áo sơ mi trắng, đóng thùng cùng chiếc quần jean màu xanh và đang cười nói vui vẻ với mọi người trong đoàn. Tân cất giọng gọi:
- Chị Na ơi!
- A, chào Tân! Chị rất vui khi song hành cùng đoàn mình trong chuyến thiện nguyện này.
Nhìn thấy chị, Tùng ngờ ngợ. Chị Na? Có phải người mà mình đã viết thư cho chị cách đây 10 năm? Nhưng sao trông chị khác hẳn. Dáng vẻ năng động, hoạt bát, khỏe mạnh như một người bình thường. Lẽ nào… Tùng nhớ lại cách đây mười năm. Ngày ấy, trông chị gầy sọp, phờ phạc và tiều tụy. Vậy mà … Tùng băn khoăn. Chắc chị không nhớ mình? Vì ngày ấy, trong lá thư gửi tới chị, Tùng đâu có gửi kèm theo ảnh của mình. Vả lại cũng cả mười năm rồi còn gì? Trong suy nghĩ của Tùng dấy lên bao cảm xúc. Chẳng biết có nên nói ra cho chị biết hay cứ cất giấu trong lòng? Khuôn mặt Tùng trở nên tần ngần. Tân mỉm cười nhìn chị Na rồi đưa tay về phía Tùng:
- Giới thiệu với chị đây là Giám đốc của công ty em. Nguyễn Thanh Tùng! Tân cười giòn giã. - Chị Na nhìn Tùng trìu mến. Chị đưa tay về phía Tùng:
- Chị rất vui vì được biết em. Chị thích những người như em. Chúng ta có cùng chung đam mê thiện nguyện, đúng không em?
Tùng đang chưa biết nói gì, anh đưa tay lên gãi đầu, gượng cười thì Tân xen ngang:
- À mà chị còn nhớ Tùng không? - Trước câu hỏi của Tân, chị Na bối rối:
- Chị…
- Nguyễn Thanh Tùng… cậu ấy chính là người đã gửi thư cho chị cách đây mười năm!
- Em… Em chính là cậu sinh viên ấy? - Chị Na hướng về Tùng, tay bắt mặt mừng đầy xúc động.
- Mười năm rồi chị vẫn giữ lại cho mình lá thư em đã gửi. Chị xem đó là một nguồn động viên để chị tiếp tục sống và trả ơn cuộc đời. Cảm ơn em rất nhiều! Trước lời cảm ơn, Tùng lại trở nên bối rối thay chị.
Đêm về trên thôn bản. Không ồn ã, sôi động, không tiếng còi xe, tiếng nhạc xập xình như nhịp đời ở phố. Bản làng im ắng, trong veo bên tiếng chim rừng lạc bầy thảng thốt. Tiếng vượn hú. Tiếng gió thổi. Và trăng. Và sương lạnh. Bên lửa trại bập bùng giữa sân nhà văn hóa thôn bản, câu chuyện về cuộc đời chị Na qua lời tự thuật của chính chị khiến ai nấy không cầm được nước mắt.
Chị Na lập gia đình khi vừa tròn 25 tuổi. Một tổ ấm hạnh phúc bên người chồng làm công chức nhà nước và cậu con trai kháu khỉnh. Ở tuổi 35, tưởng như ông trời ưu ái khi cho chị hạnh phúc trọn vẹn cả về gia đình lẫn sự nghiệp. Đâu ngờ chồng chị bị tai nạn qua đời. Ngày chồng mất cũng là ngày chị được cân nhắc lên chức trưởng khoa. Nghe điện thoại báo tin dữ, chị lảo đảo ngã gục nhưng rồi vẫn cố gượng dậy và chạy đi như một mũi tên bay.
Ngày ấy, chị chỉ biết khóc. Khóc như là phương cách để trút hết nỗi buồn đau trong lòng. Chị bỏ công việc, bỏ ăn uống, bỏ sau lưng tất cả những thói quen hàng ngày và chỉ biết ôm con trai, buồn bã. Tùng hiểu cảm giác của chị bởi anh cũng từng mất ba. Trong chuyến lên thành phố thăm Tùng, ba anh đã bị tai nạn và cũng không qua khỏi. Buồn cùng nỗi đau mất mát của chị, nỗi nhớ ba lại chực trào khiến hai mắt Tùng đỏ hoe. Chị Na nhìn mọi người, gượng cười. Giọng chị đặc lại:
- Chị phải tiếp tục sống vì con, cho con. Chị thương con còn nhỏ. Thế nên sau một thời gian dài chỉ biết trải lòng bằng nước mắt, chị đã vực dậy và đi làm. Ngày đầu tiên chuẩn bị đến cơ quan, em trai chị điện thoại, giọng thất thanh giục:
- Chị đến giúp em, kẻo em chết mất.
Chị lật đật phóng xe về nhà ba mẹ cách đó hai cây số xem sự thể. Lâm, em trai chị vốn bị nghiện mấy năm nay, đang lên cơn khát thuốc, co giật và cần một mũi tiêm. Chị là một bác sĩ. Chị sẽ có cách giúp em trai mình. Mũi tiêm sẽ suôn sẻ và không có gì phải nói nếu em trai chị không giật mình rút tay lại. Kim tiêm vô tình chệch hướng đâm vào ngón tay út của chị. Trong giây phút ấy, chị tự nhủ lòng: Chắc không sao. Một tháng sau đó, Lâm qua đời sau một cơn sốc thuốc. Mẹ chị vì thương con, khóc nhiều nên cũng héo úa dần và ra đi. Cú sốc ấy khiến chị phải nằm viện. Điều chị thấy lạ là các bác sĩ lấy mẫu máu của chị để làm xét nghiệm đến ba lần. Chị tò mò thì họ bảo muốn kiểm tra cho chính xác về bệnh. Chị trộm nghĩ, bấy nay mình vốn khỏe mạnh. Có mấy khi đau ốm, bệnh tật. Hay là… Bất chợt chị nhớ đến mũi kim tiêm đâm vào ngón tay mình khi đang tiêm cho em trai và nghĩ ngợi vu vơ. Có lẽ nào.... Cảm giác sờ sợ cứ thế hiện dần lên trên khuôn mặt xanh xao, gầy rạc. Cho đến khi bác sĩ lặng lẽ nắm lấy tay chị, thông báo chị bị nhiễm HIV, chị mới thật sự thấy sốc. Đôi mắt chị ngơ ngác, thảng thốt đến tội nghiệp. Toàn thân run lẩy bẩy. Chị lắc đầu không tin và vụt chạy ra khỏi bệnh viện như con thiêu thân.
Sau hai lần xét nghiệm lại, chị biết mình không thể thay đổi được hiện thực. Chị tiếp tục đắm chìm trong đau khổ, mặc cảm và tự ti. Ba mẹ chồng vì sợ chị lây bệnh đã chủ động đề nghị mẹ con chị chuyển đi nơi khác ở. Chị dẫn con đi tìm thuê một phòng trọ nho nhỏ. Suốt thời gian đầu, chị chỉ muốn chết. Nhưng rồi con trai chị đã không cho chị làm thế. Thằng bé khi ấy mới lên 10 tuổi, thấy chị rầu rĩ, nó cũng buồn theo. Bạn bè xa lánh, trêu chọc và cách li nó giống như mọi người cách li mẹ nó. Nó hiểu căn bệnh mẹ đang mang đáng sợ biết nhường nào. Nhưng nó không giống mọi người. Không hẳn vì nó là con trai chị. Bởi vì nó không muốn chị chết, không muốn chị xa rời nó. Nó nói trong tức tưởi:
- Mẹ dù thế nào cũng vẫn là mẹ của con. Mẹ chết rồi con ở với ai! Con không muốn sống với bất kì ai ngoài mẹ đâu!
Câu nói của con trai khiến tim chị thắt lại đau đớn. Cả đêm thức trắng. Chị ngồi đấy, nước mắt chảy ròng. Khi con đã đi vào giấc ngủ, đôi mắt chị vẫn đăm đăm nhìn ra bên ngoài ô cửa nhỏ, nơi tất cả đang ngập chìm trong màn đêm. Ngắm nhìn vẻ ngây thơ đến tội nghiệp của con, chị biết mình không thể chết.
Giữa lúc ranh giới giữa người nhiễm HIV với xã hội ngày càng phân định rạch ròi, đáng sợ, chị lại công bố cho mọi người biết về căn bệnh thế kỉ mình đang mang. Người bảo chị gàn dở mới đi làm chuyện ấy, ai đời lại đi vạch áo cho người xem lưng. Người lại gật đầu khen chị mạnh mẽ. Sau lần ấy, rất nhiều người đã đồng cảm và chia sẻ với chị. Trong những lá thư, những dòng tin nhắn và cả những món quà ý nghĩa mọi người gửi cho chị, có lá thư của Tùng. Tùng khi ấy đang là cậu sinh viên năm cuối của trường Đại học công nghiệp thành phố. Xa quê lên phố học, Tùng vừa học vừa tranh thủ làm thêm. Xem ti vi, Tùng biết được hoàn cảnh của chị Na. Tùng viết thư bày tỏ sự khâm phục trước nghị lực phi thường của một người mẹ, người vợ là chị. Và để động viên chị, Tùng gửi thư kèm với số tiền 300.000 đồng mình đã tiết kiệm được. Chị Na đã thực sự xúc động khi đọc được bức thư Tùng gửi. Dẫu không biết Tùng là ai, đến từ đâu nhưng chị coi đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để tiếp tục sống có ích. Chị nhận ra, quanh chị vẫn còn rất nhiều người tốt. Cuộc đời đem đến cho chị nhiều bất hạnh nhưng đổi lại cũng cho chị gặp gỡ những tấm lòng nhân ái, bao dung.
Chị nhớ từng chén cháo của bà Hai hàng xóm nấu và đem sang bới từng muỗng cho chị ăn lúc chị yếu ớt. Chị nhớ những người bạn thân đã thường xuyên ở bên để khích lệ tinh thần khi chị suy sụp nhất. Chị nhớ những vòng ôm thân thiết, nụ cười và câu nói yêu thương của con trai suốt thời gian chị ngỡ như mình sẽ đầu hàng số phận. Và nhớ những người biết đồng cảm, sẻ chia như Tùng. Một lần nữa, chị lại quyết tâm đứng dậy. Hàng ngày, chị uống thuốc đều đặn và xem đó như là một nguyên tắc sống bất di bất dịch. Chị bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, tham gia các lớp tập huấn dành cho những người bị nhiễm H trong thành phố. Chị đảm nhiệm vai trò thuyết giảng, tư vấn trong các buổi nói chuyện với những người nhiễm H. Nhất là tích cực tham gia các phong trào từ thiện. Chị được đi đây đi đó và gặp gỡ rất nhiều những mảnh đời bất hạnh. Kể đến đây, bỗng nhiên chị nở một nụ cười thầm lặng thật tươi. Tùng nhận ra nụ cười lạc quan cả trong đôi mắt của chị. Tùng cảm phục chị bởi chị đã sống, đã cho mọi người thấy rằng chị là người không dễ dàng bỏ cuộc, không dễ dàng chấp nhận cái chết.
Chị nhìn Tùng và Tân, chị Na tiếp tục trải lòng:
- 10 năm nay, chị đã và đang sống để trả ơn cuộc đời.
Tân chân thành:
- Chị đã làm được rất nhiều điều mà ngay cả một người bình thường cũng chưa làm được. Chị đưa lên vén lọn tóc đang xõa xuống, cười thanh thản, nụ cười có đôi má lúm càng tô thêm vẻ duyên dáng. Ở người phụ nữ ngoài 40 tuổi ấy, Tùng nhận ra sự mạnh mẽ, quyết đoán, sự lanh lợi nhưng cũng rất điềm đạm, nữ tính. Người phụ nữ trải qua rất nhiều sóng gió, khổ nhục trong đời ấy đã nói về cuộc đời mình thật nhẹ nhàng tựa như một cơn gió mùa thu thổi qua. Tùng thoáng nghĩ, chốc chốc lại không quên ngắm nhìn vào đôi mắt thẳm sâu của chị.
Trăng đã tà tà cuối ngọn núi xa tít. Đốm lửa trại đã vạc tự lâu song câu chuyện về chị cứ mãi giằng giai. Sau cái hít thở thật sâu không khí trong lành về đêm giữa núi rừng, chị mỉm cười:
- Chị chỉ muốn một điều, ấy là ông trời tiếp tục cho chị sức khỏe để có thể đi làm từ thiện được nhiều hơn. Điều ước của chị khiến mọi người càng động thêm lòng. Trước khi lên xe về phố vào sáng hôm sau, chị Na mời Tùng đến thăm nơi làm việc của chị trong tuần tới và hứa sẽ tặng tùng một món quà ý nghĩa. Tùng vui vẻ nhận lời. Trong lòng anh bất chợt rộn lên một niềm rưng rưng rất lạ.
© Xanh Nguyên - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Nhật ký hành trình làm mẹ | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?