Phát thanh xúc cảm của bạn !

Kỷ niệm luôn mang lại những điều tốt đẹp

2019-07-29 08:10

Tác giả:


blofradio.vn - Kể cả sau này khu phố ấy không còn vẹn nguyên như thủa ban đầu thì trong tâm tưởng tôi khu phố nhỏ với bãi đất rộng vẫn ở đó cất giúp chúng tôi – những đứa trẻ nhỏ cả một bầu trời tuổi thơ không gì thay thế được.

***

Tôi ở đây cũng được khoảng mười lăm năm gì đó rồi. Cũng khá lâu. Từ hồi tôi còn nhỏ xíu xìu chừng hai, ba tuổi. Ban đầu khu nhà tôi rộng rãi thoáng mát lắm. Cây xanh rợp cả đường. Nắng mùa hạ cũng như nắng mùa thu thôi. Nhà cửa hồi đó còn thưa thớt. Toàn những căn nhà thấp lè tè. Mãi nhìn ra đằng bên khu đất gần sông thì mới có một căn nhà ba tầng cao vút.

 

Tôi nhớ ngày xưa mẹ bảo đó là nhà bác tổ trưởng đấy. Bác ấy là to nhất xóm. Chà chà... Thảo nào tôi thấy bác ấy nhiều thức ngon lắm! Hồi đó với tôi đồ ăn vặt là những thứ quý giá nhất. Cứ hôm nào tổ mất điện là bác lại mang bao nhiêu là bánh kẹo ra cái sân chơi bóng chuyền cho trẻ con. Mặt bác ấy hơi "dữ" một chút. Ban đầu mới chuyển đến thấy bác, tôi còn hơi sợ. Cơ mà sau này tôi lại thấy quý bác lắm.

Nhắc đến chuyện mất điện thì nhiều cái để nói thật! Khu nhà tôi mất điện như cơm bữa vậy. Cái thời xưa thì số ngày có điện mùa hè phải nói là hiếm hơn cả kim cương cũng không sai. Nhưng như đã kể rồi khu này mát lắm. Tôi thấy chả sao cả. Tôi lại còn hay đợi đến 8 giờ tối để mất điện. Để còn ra đường, đến cái bãi đất trống để chơi đùa với các bạn. Phải nói là vui ơi là vui!

Mẹ tôi thì rất hay đi tán ngẫu. Mất điện lại ra sân bóng chuyền ngồi nói chuyện với các mẹ khác. Tôi chả hiểu sao chuyện gì mà mẹ nói lắm thế. Tôi hay chạy theo mè nheo đòi mẹ chơi với tôi: "Mẹ ơi chơi với con đi!", "Mẹ ơi xây lâu đài cát đi!", "Mẹ ơi mua xê cam đi mẹ!"

Thường tôi cứ mè nheo đòi mẹ chơi cùng thế thôi. Cơ mà mẹ chả đi đâu. Mẹ lại bảo: "Chơi với các bạn thôi con. Lại còn gọi mẹ. Chơi cho cẩn thận vào. Không được leo lên đống đá nghe chưa". Tôi gọi mẹ chơi cùng cho vui thôi chứ có mẹ chơi lại mất cả tự do. Mỗi lần vậy tôi cũng chỉ "Vâng ạ" rồi chạy luôn cùng các bạn.

Tôi nhớ hội tôi có con Minh, thằng Vũ là chúa khỏe nghịch. Chúng nó leo cây ổi rồi trèo cây nhãn dễ như ăn bánh. Còn tôi nhát chết chưa từng. Tôi sợ ngã đau, lại cũng hay sợ bị mắng nữa. Nên vì vậy mà tôi chỉ đứng nhìn thôi. Khu đất trống đấy có cái cây ổi rất chi nhiều quả. Không biết ai trồng cơ mà bọn trẻ chúng tôi tự hái ăn thường xuyên. Ngon tuyệt vời! Chơi chán bãi đất trống, bọn tôi chạy ra sân bóng chuyền để ăn. Mẹ lại đút cho tôi hôm thì mấy múi bưởi, hôm thì mấy miếng táo, hôm ngon quá lại ăn bao nhiêu là trứng cá.

Mẹ tôi rất thân với mẹ cái Minh. Nhà cái Minh khá nghèo. Nhà nó lụp xụp, tối um. Tôi thấy ngõ vào nhà nó đáng sợ chết khiếp. Kiểu không bao giờ mà ánh sáng Mặt Trời chiếu vào. Lạnh mà lại tối. Tôi chỉ dám đến vào ban ngày. Tầm tối thì không bao giờ. Mẹ cái Minh rất hiền. Hiền từ những nét mặt đến cách nói chuyện. Mẹ cái Minh bán đậu ở chợ. Nhà tôi cũng rất hay ăn đậu của nhà Minh. Thật sự mà nói nếu về cảm nhận của tôi thì tôi thấy nó cũng không ngon lắm. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng khen ngậy. Mẹ tôi rất thích. Bố cũng thế.

Bố tôi giỏi vô cùng. Bố mà nhận số hai thì không ai dám nhận số một. Bố giỏi nấu ăn hơn cả mẹ nữa. Bố nấu gì cũng ngon. Bố mua quần áo cũng đẹp. Bố mua cho tôi một cái áo len năm lớp ba. Đến tận lớp sáu tôi vẫn còn mặc đẹp. Cái áo len màu đen đỏ bắt mắt. Mà giờ tôi vẫn giữ, không cho ai cả. Hình như cái áo đấy ba trăm ngàn lận. Bây giờ ba trăm ngàn là bình thường nhưng ngày xưa đó là số tiền khá lớn.

Rồi đến năm tôi lớp bốn. Sao tự nhiên cái bãi đất trống của chúng tôi lại mọc lên bao nhiêu là nhà. Nhà cao nhà thấp có hết. Toàn những ngôi nhà đẹp. Đẹp hơn cả nhà bác tổ trưởng. À không, bác tổ trưởng giờ chả thấy đâu. Hình như bác ấy lên Hà Nội với con trai. Còn căn nhà kia cho thuê. Bãi đất trống được san lấp bê tông hết. Rồi nó trở thành khu đô thị. Sau bãi đất ấy có một cái ao to như cái hồ giờ cũng đã bị lấp. Cây ổi cũng đã bị chặt. Giờ khu đất trống là "xịn" nhất tổ rồi. Đèn điện được lắp tươm tất hết cả dọc đường. Sáng trưng cả phố. Tôi để ý là cứ đến đêm khoảng hai giờ thì điện mới tắt.

Đã thế, khoảng nửa năm sau, cả phố tôi đồng loạt cùng quy hoạch, cải tiến. Đường được sửa vô cùng rộng, ổ gà ổ voi biến mất tăm. Điện đường được trang bị đầy đủ. Sân bóng chuyền được xây hẳn thành sân tennis. Tôi thích vô cùng. Nhưng đường nắng chói chang. Nhất là mùa hè. Còn đâu nhưng cây hoa sữa, những cây xanh tươi mát ven đường. Nghĩ lại cũng thấy nhớ nhớ.

Nhà tôi cũng xây lại. Nhà xây hướng Đông. Vì thế ánh nắng luôn đong đầy. Có thể tận dụng tối đa để tiết kiệm điện.

Đến năm tôi lớp năm "khu đất trống" xây thêm cái nhà văn hóa của phường. Trẻ con tụ tập rất đông vào mùa hè. Rồi tổ chức sáng dậy sớm tập thể dục. Tôi tham dự hoạt động của tổ tích cực lắm! Được bao nhiêu là sách vở vì sự tích cực ấy. Mẹ tôi cũng ủng hộ tôi hết mình.

Rồi đột nhiên, khu đó bên góc khu lại đi xây một cái miếu. Từ đó người ta đồn thổi là có ma.  Mẹ tôi cũng hơi mê tín. Mẹ không cho ra đó buổi tối. Lúc đầu tôi chả tin. Nhưng sau này, thấy có mấy bác hàng xóm nói nhìn thấy ma. Với thỉnh thoảng còn nghe chim lợn kêu nữa. Người ta bảo chim lợn là lời thông báo có người sắp chết. Lại mấy con chó đem canh miếu mắt nó sáng quắc, răng nó nhọn hoắt, dữ tợn, đúng thể y như vong nhập vậy. Mà kì lạ là cái miếu xây xong lại chả có ai.

Gần đó có một cái đường nhỏ xíu mà ngày xưa tôi hay đi đường đó để đi học. Đường này là đường tắt. Đi mất ít thời gian hơn. Hơn nữa lại xe máy, ô tô không vào được. Chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe đạp nhỏ. Thường tôi đi với các bạn, nhưng có một hôm, tôi đi một mình, đường vắng tanh không bóng người, khoảng mười một giờ trưa, lại đúng tháng cô hồn thì sao lại cứ có cảm giác lạnh lạnh khó tả. Rõ ràng buổi trưa, bất chợt không gian tối đi một cách kì lạ, lại cộng thêm cả gió mà cảm giác hơi lạnh buốt. Chân tay tôi run lên bần bật, mồ hôi bắt đầu chảy dòng dòng, chỉ muốn chạy thật nhanh lên đường to. Sợ chết mất! Sau này tôi không bao giờ dám đi đường đó và ngày nào cũng đem thêm vài nhánh tỏi bên người.

Mẹ tôi cũng hay dặn tôi rằng "Đi đâu nhớ phải mang theo tỏi không ma theo đấy". Mẹ luôn đặt một con dao ở đầu giường để tôi không bị mơ ngủ. Mẹ tôi hay dọa tôi rằng chải đầu buổi đêm là ma theo. Khóc buổi đêm là bị ngáo ộp bắt. Xong mẹ cũng nói ăn cơm mà đổ thừa, chuột ăn là học dốt đi. Ngày xưa tôi tin sái cổ, giờ thì chỉ thấy buồn cười thôi!

Khu nhà tôi đặc biệt rất nhiều chó, mèo. Thì công nhận mấy con chó cũng khá đáng yêu. Mình nó trắng, lông nó xù lên như cục bông. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn sợ. Tôi sợ chó từ nhỏ. Do ngày xưa, tôi bị chó cắn vào chân, ám ảnh đến tận bây giờ. Còn mèo thì đêm nào bọn nó cũng "meo meo" ầm ĩ. Rồi thêm tiếng mấy con chó kèm vào. Âm thanh tưởng như khó chịu ấy lại trở nên quen thuộc đối với tôi.

Mèo ở khu nhà tôi nhìn béo ú, rất mê. Hầu như toàn những con mèo một màu, không phải loại tam thể, nhị thể. Mà mặt nó to lắm. Hai mắt sáng, tròn xoe, nhìn đáng yêu chưa từng. Nhưng tôi nhớ những con mèo ấy có lần làm tôi một phen hú vía. Ngày xưa, nhà vệ sinh nhà tôi đặt ở ngoài. Đêm mà buồn phải mở mấy lần cửa mới đi được. Tôi hồi đó còn nhỏ, nên mẹ hay dẫn tôi đi. Vừa mở cửa ra, đột nhiên có một con mèo, nó "meo" một phát rồi nhảy cái "độp" vào người tôi. Tôi giật mình, tè cả ra quần. Mẹ tôi thì đứng cười hì hì.

Gần nhà tôi còn có một trường học. Ở đó dành cho những học sinh trượt cấp ba công lập của tỉnh. Ngôi trường này lụp xụp, sân đá, xây hai tầng. Rồi mới ba năm gần đây, trường bị giải tán. 

Đối diện trường có một căn nhà chuyên nghề khắc bia mộ. Đường bên trường đó rất ít được đón sáng vào buổi chiều. Nhất là khi chiều tối lại càng âm u. Vào mùa đông gió thổi lạnh ngắt, lá bàng đua nhau rụng xuống từng đợt ào ạt. Không gian ấy làm cho người ta cảm thấy sợ. Tôi không yếu bóng vía, cũng chả sợ ma gì. Nhưng sợ thì vẫn sợ thế cơ chứ. Đi qua đó buổi đêm nhìn vào tôi vẫn thấy ớn ớn. Không gian và cảm giác làm cho người ta sợ.

Năm lớp bảy trường tôi cũng xây lại. Nên phải đi học ở nơi khác. Lúc đầu nghe bảo học tạm ở cái Bệnh viện đa khoa cũ bị bỏ. Sau lại nghe bảo học ở trường cấp ba bỏ hoang kia. Lúc đó học sinh trường nói nhiều quá tôi mới biết chuyện vong ma gì đó. Rồi có con bạn lớp tôi nó kể gì mà:"Chúng mày cầm một que hương với một cái gương đi vào trường đó buổi tối. Lúc đấy là bắt đầu gọi hồn. Rồi vong nó sẽ hiện lên trên cái gương. Sau khi làm xong phải đập ngay cái gương đi, gói vào túi, đốt đi."

Bọn học sinh trong lớp xúm vào nghe. Còn tôi chả tin lắm. Sau này trường tôi chính xác là học ở trường Chuyên của tỉnh cũ, rồi sau học kì II học ghép với trường cấp hai rộng nhất tỉnh.

Tôi nhớ có lần vào tháng sáu, trong một đêm, chợ tỉnh tôi bị cháy, cháy cả một cái hiệu sách rất to gần chợ nữa. Chợ tỉnh tôi là "Chợ Bầu". Chợ Bầu bị cháy mấy lần liền rồi. Sau mỗi lần cháy lại tu sửa. Giờ nó to và đẹp lắm. Rồi trường Mầm non cũng được xây lại khang trang, đẹp đẽ. Trường Tiểu học cũng sửa cho đồng nhất với trường cấp hai của tôi.

Bây giờ tôi chả thể hình dung được toàn cảnh khu nhà tôi mười lăm năm trước như thế nào. Chỉ nhớ một vài chi tiết quen thuộc. Xã hội hiện đại hơn, công nghệ cũng phát triển. Tôi ít ra đường hơn, ít có thời gian để cảm nhận mọi thứ xung quanh, cũng không để ý nhiều biến đổi như trước. Tôi ở trong nhà thường xuyên, đi học thường xuyên. Cô bạn ngày xưa chơi cùng tôi hằng ngày, giờ hai đứa gặp nhau cũng ngại chào.

 

Khu phố nhà tôi vẫn thay đổi không ngừng. Nhưng nhìn lên bầu trời lúc hoàng hôn, Mặt Trời vẫn tròn to và đỏ rực sau tán cây bàng. Vào mùa đông, vẫn có những đợt lá bàng rơi xào xạc từng cơn. Vẫn có những cánh én liệng qua liệng lại lúc giao mùa. Nhìn xa xa vẫn luôn là những dãy núi trùng điệp. Tất cả là những gì vô cùng quen thuộc... Đôi khi chỉ cần ngồi yên tĩnh lặng, ngắm nhìn bên ngoài một chút thôi, ta vẫn có thể thấy được nhiều điều đẹp đẽ vô cùng!

© Tác giả ẩn danh – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Giá có thể trốn phố về quê

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Đứa con bất hiếu

Đứa con bất hiếu

Không phán xét, không đồng cảm vì những hành đồng động đó, nhưng trong tôi luôn có những dấu chấm hỏi cho những hiếu kì trong lòng mình. Có những đứa con yêu mẹ nhiều, thương mẹ ít, nhưng làm gì có đứa con nào không thương mẹ của mình. Và, chắc cũng không có người mẹ nào không yêu thương con mình.

5 cuốn sách hay để đối phó với lo âu và trầm cảm

5 cuốn sách hay để đối phó với lo âu và trầm cảm

"Tôi đã đọc rất nhiều sách về chứng lo âu và trầm cảm. Những cuốn sách này có đủ trình độ hơn tôi rất nhiều để giúp bạn vượt qua mọi khó khăn mà bạn đang gặp phải", Mark Manson.

Nụ hôn đắm đuối

Nụ hôn đắm đuối

Cô được thực sự sống là một con người, được tự do hít thở những tình cảm ban đầu của tình người, được có những người bạn, được cảm nhận sự an toàn và cả bình yên nữa. Anna thấy thật là may mắn và cả êm đềm nữa đã quay lại với cô đã chạm đến được cô, sau quá nhiều đau thương nhọc nhằn và cay đắng.

Mưu cầu hạnh phúc ở thời đại số, tại sao lại không?

Mưu cầu hạnh phúc ở thời đại số, tại sao lại không?

Hạnh phúc đôi khi với trẻ con nó đơn giản, nhưng với người lớn, ngoài được những thời gian nghỉ là quý báu, thì còn lại đều đánh đổi bằng tiền bạc, thời gian để có được.

Em có biết

Em có biết

Anh đã yêu và hỏi nắng yêu anh Anh muốn xóa ký ức trong niềm xanh Để ao ước không đến tìm anh nữa

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

Ngay cả khi người yêu hoặc người bạn đời của bạn có vẻ trưởng thành về mặt cảm xúc, điều đó cũng chưa thể chứng minh được rằng họ là người đáng tin.

Ấu thơ tươi đẹp!

Ấu thơ tươi đẹp!

Mặc cho bạo chúa thời gian nhẫn tâm xóa nhòa mọi thứ, mặc cho tuổi tác ngày càng chồng chất thêm, tôi vẫn nhớ mãi bức tranh sống động ấy, dù nó luôn gợi lên một chút buồn, một chút nhớ thương về những mùa hoa tươi đẹp...

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

back to top