Phát thanh xúc cảm của bạn !

'Điều Ba Mẹ Không Kể': Bao nhiêu oán trách, lỗi lầm rồi cũng tìm được đường để quay về

2019-07-31 08:25

Tác giả:


Khi xem bộ phim Hàn Quốc Điều Ba Mẹ Không Kể (Tên gốc: Romang), khán giả có lúc trách móc người cha, rồi lại chán ghét người con trai. Có lúc, họ thương cảm cho cả hai. Còn bà mẹ rất đáng thương, nhưng có lúc cũng đáng sợ. Nhưng đọng lại sau tất cả, chính là cảm giác xót xa vì bi kịch này quá gần gũi với mọi gia đình.

Trailer Điều Ba Mẹ Không Kể

Trong gia đình, ai làm khổ ai?

Giống như phim truyền hình Về nhà đi con của Việt Nam, Điều ba mẹ không kể tạo ra một hệ thống nhân vật rất đời: họ đều có sứt mẻ, đều phạm sai lầm, đều có lỗi trong bi kịch chung của gia đình.

Bộ phim kể về một gia đình Hàn Quốc điển hình ngày nay, với đời sống kinh tế khó khăn. Trụ cột kinh tế trong nhà là người ông Ja Nam Bong ("ông ngoại quốc dân" Lee Soon Jae) đã ở tuổi gần đất xa trời, cộng với cô con dâu Kim Jung Hee (Bae Hae Sun). Người con trai Jin Soo (Jo Han Chul) có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp còn bà mẹ già Lee Mae Ja (Jung Young Sook) cả đời làm nội trợ. Niềm vui tuổi già của bà là cô cháu gái bé bỏng, dễ thương.

Cả gia đình năm người sống chung trong một căn hộ hai phòng ngủ chật chội, cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ do bàn tay chăm sóc của người bà. Thế nhưng, ngay từ những cảnh đầu tiên của phim, người xem lờ mờ nhận ra những bất ổn trong gia đình này khi ông Nam Bong liên tục quát tháo, gắt gỏng với vợ vì những đòi hỏi nhỏ nhặt. Còn Jin Soo có vẻ rất sợ cha mình và không dám ra bếp ăn cơm khi ông ở nhà.

Một đứa con thất nghiệp (tức thất bại?) và một người cha vô tâm? Đứa con đáng thương vì bị coi là kẻ vô dụng, kém cỏi? Người cha đáng thương vì già nua vẫn phải chạy xe taxi mỗi ngày, một mình nuôi 3, 4 miệng ăn? Một người mẹ cam chịu cả đời vì chồng con? Một người con dâu áp lực vì ngày đi làm kiếm tiền, tối về thấy chồng nằm khểnh vô dụng, cô muốn chuyển ra ở riêng nhưng chồng nhất quyết đòi sống chung với bố mẹ trong căn nhà chật chội, hay to tiếng cãi vã?

Dấu hỏi đặt sau những câu trên có nghĩa là: ai trong số đó là người khổ sở nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất? Có lẽ không có câu trả lời chính xác. Vì chuyện gia đình là như vậy, tất cả chúng ta đều gây áp lực lên nhau. Mỗi người đều phải chịu đựng thiệt thòi riêng. Ba thế hệ của nhà họ Jo buộc phải chung sống vì kinh tế khó khăn, người ở tuổi sung sức thì thất nghiệp, người già cỗi thì vẫn phải lao động. Họ dường như không có lối thoát.

Đổ lỗi cho nhau, nhưng rồi gạt đi và sống tiếp

Trong các bi kịch gia đình như của nhà họ Jo, không ai không có lỗi nhưng cũng không ai phải chịu tất cả lỗi lầm. Vấn đề là, những đứa con thường sống lâu hơn để nhung nhớ và hối hận. Ba mẹ già rồi cũng sẽ yếu dần, suy kiệt sức khoẻ và trí lực. Cái chết tìm đến cũng là điều tự nhiên và đẹp đẽ, đôi khi là sự giải thoát. Nhưng những đứa con vẫn còn "sót" lại trên đời. Đó là lý do nếu còn cơ hội đối xử tốt với nhau, thì hãy làm.

Trong Điều Ba Mẹ Không Kể, bệnh mất trí nhớ của người bà Mae Ja là một bước ngoặt trong chuỗi ngày thiếu thốn, nhàm chán của gia đình Jo. Ban đầu, ông Nam Bong vẫn rất vô tâm, ông nói "Bệnh thì phẫu thuật là hết chứ gì". Về sau, khi đã tỉnh ngộ, ông nói một câu khác hẳn: "Không phải cái gì cũ, hỏng là cứ bỏ đi được đâu" (nói về cái xe taxi, nhưng khác nào nói về con người).

Hơn nữa, bệnh tình bà Mae Ja không phải là thứ bệnh cắt bỏ là xong. Đó là bệnh tâm trí, do cả đời bà sống trong cam chịu đè nén, từ cách đối xử của chồng và nỗi đau mất con. Khi bệnh đến, bà chìm trong ký ức về Jin Sook, cô con gái qua đời khi còn nhỏ. Bà để lộ một nỗi oán hận: bà luôn đổ lỗi cho chồng vì không đưa con đi bệnh viện khi nó đau ốm.

Khán giả những tưởng bà Mae Ja đúng khi đổ lỗi cho chồng. Nhưng khi phim điểm lại dòng hồi tưởng, người ta nhận ra ông Nam Bong cũng có nỗi khổ riêng. Vì muốn tu chí làm ăn, nuôi vợ con nên ông mua chiếc xe taxi. Quá vui vẻ và hào hứng, ông đi nhậu cùng nhóm bạn thân để ăn mừng. Không ngờ, đó lại là đêm Jin Sook qua đời.

Khi ký ức của ông Nam Bong được lật mở, hoá ra ông cũng tự đổ lỗi cho mình. Điều đó được tiết lộ khi ông mắc bệnh mất trí nhớ ngắn hạn, điên cuồng đập nát chiếc taxi vì nghĩ rằng vì nó mà ông mất con gái.

Chuyện gia đình không phải một vở kịch sắp đặt, có vai thiện vai ác rõ ràng. Đôi khi, sau một bi kịch, tâm trí người ta có thể trở nên vô cùng hỗn độn. Sau khi đổ lỗi cho chính mình hoặc đổ lỗi cho nhau, người ta chỉ còn cách gạt đi và sống tiếp. Vì đơn giản, họ là một gia đình. Mà đã là gia đình thì sẽ luôn tha thứ, luôn cho nhau một con đường để quay về.

Nỗi hối hận khôn nguôi vì đã xử tệ với cha mẹ

Bao nhiêu khán giả, hầu hết còn trẻ, đã khóc dàn dụa trong buổi công chiếu Điều ba mẹ không kể ở Việt Nam. Một cô gái nói, suốt cả bộ phim, cô rất nhớ và thương ba mẹ mình. Cứ nghĩ đến cảnh ba mẹ rồi sẽ già, yếu và lao đao vì bệnh tật như hai ông bà lão trong phim, cô không kìm được nước mắt.

"Càng xem, tôi càng nhớ đến những lỗi lầm mình đã gây ra với cha mẹ, tôi vô cùng hối hận", một chàng trai chia sẻ, nước mắt giàn giụa sau buổi chiếu.

Nhân vật khiến anh đồng cảm nhất trong Điều Ba Mẹ Không Kể chính là anh con trai Jin Soo, người luôn cảm thấy mình thất bại và vô dụng, luôn oán trách cha vì quá khắc nghiệt, để rồi cuối cùng ân hận vì không quan tâm đến cha mẹ. Khán giả khóc nhiều nhất với cảnh Jin Soo cùng vợ con quay lại ngôi nhà, phát hiện ra bố mẹ đều bị mất trí nhớ, anh mếu máo khóc và gọi cảnh sát.

Con cái oán trách cha mẹ, đó là điều có thật. Không phải gia đình nào cũng có hành trình êm đẹp, không áp lực độc hại hay kỳ vọng nặng nề. Chúng ta vẫn đang bực bội, hục hặc, to tiếng, oán trách, rồi quay lưng bỏ nhau đi. Nhưng hãy nhớ, cuối cùng, những điều này cũng trở thành nỗi hối hận khôn nguôi.

Không phải mọi áp lực hay kỳ vọng cha mẹ đặt lên con cái mình đều đúng. Có những nỗi kỳ vọng như nuốt chửng một con người. Nhưng nếu có thể, hãy sống sao cho bớt hối hận khi phải lìa xa.

Theo Amy Lee/Helino

Mời xem thêm chương trình:

Về nhà đi con và những câu thoại đi vào lòng người

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top