Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bình minh

2024-01-02 01:05

Tác giả:


blogradio.vn - Nó vẫn không ngủ được, tự nhiên hai ngày nay nó thấy nhớ nhà kinh khủng, cái ngôi nhà mà nó muốn bỏ đi và đã bỏ đi cách đây mấy năm rồi. Không biết ba mẹ nó sống ra sao, không biết ba mẹ nó còn hay chửi nhau nữa hay không?

***

Nó quay qua quay lại trên cái phản gỗ, mấy hôm nay trời cứ nóng dữ quá làm nó không ngủ được. Mà cái xóm trọ nhỏ này sao cứ như chẳng yên tĩnh được một lúc, người ta cứ đổ xô về đây rồi sinh sống bằng đủ nghề buôn bán với đủ các loại kiểu buôn bán và đủ kiểu hàng hóa khác nhau. Nó nghĩ cũng đúng, vì gần như ai gặp khó khăn hay muốn có một cuộc sống tốt hơn là đều tấp đến thành phố này, rồi tìm một chỗ trọ ổn định và rẻ tiền là công việc đầu tiên của họ, cũng giống nó vậy. Và sau đó là lao đi kiếm sống, với bất cứ nghề nào với bất cứ công việc nào mà họ tìm được và làm được.

Nó năm nay chỉ hơn hai mươi tuổi, quê nó ở một thành phố nhỏ của miền trung đất nước, nó chỉ học xong hết lớp mười hai là bỏ vào đây. Ngay từ những năm vào cấp ba nó đã xác định là sẽ không học lên đại học, vì bản thân nó không thích, vì gia đình nó không đủ điều kiện và cái chính là nó chán không muốn học nữa. Nó chỉ mong mau mau học cho xong và thi tốt nghiệp cho đậu rồi sẽ đi xa, đi đâu thì nó chưa biết, nó chỉ mong thoát được khỏi cái nhà đó, ngôi nhà suốt ngày chỉ làm nó đau đầu và mệt mỏi.

Người ta nói ai cũng thích cũng mong được có một nơi chốn một chỗ để đi về, ai cũng mong có một ngôi nhà của riêng mình. Để được dừng chân để được nạp thêm năng lượng và sức lực, để được biết thế nào là hạnh phúc. Còn nó, nó chỉ mong được đi khỏi ngôi nhà của chính mình càng nhanh càng tốt, để không phải nghe những trận cãi nhau tóe lửa của ba mẹ nó, để không phải nghe mày tao suốt ngày của những người mà nó gọi là ba là mẹ.

Từ lúc nó lớn lên và hiểu được chút ít về cuộc sống thì cũng là lúc nó bị khủng hoảng vì ba mẹ nó. Ba nó đi làm thợ mộc trong một xưởng gỗ tư nhân, ba nó cũng là thợ rất chuyên nghiệp nên có lương mỗi tháng cũng khá cao, nhưng ba nó lại hay nghiện ngập uống rượu. Một ngày mà ba nó không uống là không chịu được, rồi mẹ nó chắc đã khuyên răn nhiều rồi mà ba nó không nghe nên đâm ra cáu gắt và chửi ba nó. Lúc đầu còn ông ông tôi tôi, sau dần là mày tao luôn, có lẽ sức chịu đựng của mẹ nó đã cạn kiệt, nó nghĩ vậy. Rồi tiếp theo là mỗi tháng ba nó chỉ đưa đủ tiền đóng tiền học cho nó, còn bao nhiêu là bia rượu hết, mẹ nó phải nai lưng ra. Đó là từ mà nó nghe nhiều thứ hai sau từ mày tao trong ngôi nhà nó, mẹ nó phải nai lưng ra để lo cho cả gia đình.

Nó vẫn đi học đều và cố học cho xong chứ thật sự nó chẳng thiết tha gì nữa đến học hành. Nó cứ nhìn thấy nghe thấy thầy cô nó nói bao nhiêu lời tốt đẹp về cuộc sống về gia đình, rồi nó thấy ba mẹ của các bạn nó đưa đón hay đi họp phụ huynh là nói năng đàng hoàng, xưng ba xưng mẹ và con đàng hoàng chứ không như ba mẹ nó, cứ gọi nó là thằng kia rồi gọi nhau chửi nhau như cơm bữa. Riết dần nó uất lên nó cũng chẳng xưng con với ba mẹ nó nữa, nó xưng là tui.

Nó có một đứa bạn thân trong lớp cũng không thích học tiếp đại học như nó. Bạn nó nói sẽ vào thành phố này để đi làm vì có nhà người thân trong đây nên rủ nó đi, nó mừng rỡ gật đầu ngay tắp lự. Rồi ngày nó đi nó cũng chẳng nói cho ba mẹ nó biết, nó chỉ lấy của mẹ nó một triệu và ghi mấy chữ để lại:

“Tui mượn đỡ một triệu và sẽ trả lại sau, chưa biết khi nào, khi nào tui làm đủ tiền sẽ trả lại. Tui muốn đi khỏi đây lâu rồi, ba mẹ đừng tìm tui.”

Từ đó nó đi luôn, nó chỉ mang theo mấy bộ đồ và cái máy nghe nhạc nhỏ xíu là đồ dùng mà nó quý nhất. Mà ba mẹ nó chắc cũng chẳng quan tâm xem nó sống ở đâu hoặc sống chết ra sao, nó nghĩ vậy. Nó theo bạn nó vào đây và chỉ hơn tuần sau là chú của bạn nó xin được công việc phụ bếp cho hai đứa nó cùng làm trong một nhà hàng khá lớn của thành phố này, vì chú của bạn nó làm bảo vệ ở đó. Thời gian đầu nó còn sống chung với gia đình chú, rồi sau hai tháng bạn nó và nó thấy bất tiện nên tìm được chỗ trọ này, rồi hai đứa nó tự lo tự đi làm và gắn bó với nhau đến tận giờ.

Nó thấy một tia sáng rất nhỏ đang le lói ngoài cánh cửa nên biết là trời gần sáng, nó cố nhắm mắt lại để ngủ tiếp. Vì công việc của nó mỗi ngày cũng khá nặng nên nó cần ngủ để có sức làm suốt một ca, có lúc khách đông là phải ở lại suốt một ngày đến gần tối khuya mới về. Mà cái phản gỗ này là do cái ông ở trọ trước hai đứa nó cho lại nên nó không phải ngủ dưới đất, chỉ là đau lưng quá đi.

Nó vẫn không ngủ được, tự nhiên hai ngày nay nó thấy nhớ nhà kinh khủng, cái ngôi nhà mà nó muốn bỏ đi và đã bỏ đi cách đây mấy năm rồi. Không biết ba mẹ nó sống ra sao, không biết ba mẹ nó còn hay chửi nhau nữa hay không? Không biết những con tàu còn suốt ngày suốt đêm cứ rùng rùng ầm ầm ngang qua nhà nó hay không, không biết người ta có còn inh ỏi gọi nhau và chào mời buôn bán rần rần khắp con đường nhà nó hay không? Vì nhà nó sống trong một xóm toàn người lao động có thu nhập thấp và không ổn định, và ngay sát với đường ray xe lữa nên gần như mọi người ở đó sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và cứ bám lấy những con tàu để sinh sống.

Nó đã gởi về trả cho mẹ nó một triệu qua đường bưu điện, chắc mẹ nó đã nhận được rồi mà sao cũng chẳng gởi lại cho nó dù chỉ một từ. Nhưng nó biết mẹ nó đã nhận được, vì nếu không thì bưu điện đã gọi nó rồi. Nó không thấy giận không thấy trách ba mẹ nó, nó chỉ quá nhức đầu khi ngày nào cũng nghe ba mẹ nó chửi nhau. Mà nó tự ra đi tìm cuộc sống mới cho nó cũng chẳng có gì sai, biết đâu mẹ nó còn mừng nữa là khác, vì đôi lúc nó cảm nhận như vậy. Nó cảm nhận nó như cái gai như một sự khó chịu trong nhà với ba mẹ nó, nó chỉ nghĩ nó đi để ba mẹ nó tha hồ chửi nhau, khỏi phải lo ai nghe khỏi phải lo ai biết.

Hôm nay nó làm ca chiều nên cố ngủ thêm một lát, thằng bạn nó thì được nghì bù nên bạn nó nói hôm nay bạn nó sẽ nấu cơm. Nó nằm thêm một lát mà nghe cái bụng sôi lên òng ọc nên ngồi dậy gấp chăn màn gọn gàng rồi vệ sinh để còn ăn sáng.

Nó chạy xe về trên con đường thật vắng, bây giờ đã gần mười một giờ khuya chắc người ta đã vào giấc ngủ hết rồi. Nó nhìn thấy lác đác bóng những người công nhân của công ty vệ sinh cứ lặng lẽ làm công việc của họ, nó lại thấy nôn nao trong lòng cái cảm giác muốn gặp lại ba mẹ nó. Đã mấy năm rồi, chắc ba mẹ nó vẫn khỏe, mà ba mẹ nó có mong nó về hay không? Mà nó đã quyết liệt muốn ra đi lắm mà sao bây giờ lại thấy nhớ ba mẹ lại thấy nhớ gia đình. Nó không trả lời được, nó chỉ biết nó đang muốn quay về thật để được gặp lại ba mẹ nó. Nó muốn nhìn lại ngôi nhà nó, ngôi nhà sát với những đường ray những con tàu và những tiếng ồn mà nó đã quá thân quen. Chắc là do mấy ngày trước nó tình cờ nghe được trong ti vi nói câu này, đó là một bộ phim thì phải, vì nó không xem ti vi và không chú ý lắm, vì nó đang lên ca.

Đó là giọng của một người phụ nữ đã lớn tuổi:

“Con nên biết là chỉ có con cái bỏ ba mẹ chứ ba mẹ chẳng khi nào bỏ con cái của mình.”

Có đúng vậy không, nó chỉ biết câu nói đó đã ám ảnh nó suốt mấy ngày nay, và lòng nó cứ cồn cào cứ như sôi lên một điều gì đó rất khỏ tả. Nó cứ muốn được bay về lại ngôi nhà cũ năm xưa, dù là có ồn ào có nhức đầu hơn vậy nó vẫn chịu. Nó muốn được bay về lại để nhìn lại những đường ray với những con tàu cứ đều đều chạy qua trước nhà nó. Nó muốn về lại để nhìn xem thử cái xóm nhỏ đó có còn ngày giống đêm và đêm giống ngày không, là luôn ồn ào luôn khua rộn những tiếng động những âm thanh đủ kiểu khác nhau. Nó muốn xem thử bóng đêm và ánh sáng của xóm nhỏ, nó muốn xem hoàng hôn và bình minh của xóm có còn giống nhau không.

Nó về nhà trọ và đêm đó nó ngủ được ngon giấc, nó mơ thấy một giấc mơ tuyệt đẹp. Mẹ nó đang âu yếm gọi nó và đưa cho nó một cái áo mới, còn ba nó đang đứng nhìn nó và cười rất tươi. Nhìn ba mẹ nó rất khỏe mạnh, nó cũng nhìn thấy bình minh đang phủ đầy lên ngôi nhà nó và bình minh cũng dịu dàng ôm nó.

Nó chìm sâu vào giấc ngủ mà còn kịp nghe tiếng lòng nó đang gọi rất nhỏ ba mẹ và tim nó tràn ngập hình ảnh của ánh bình minh. Lúc mờ lúc hiện, lúc màu này lúc màu khác, nhưng chắc chắn nó sẽ nhìn thấy lại được bình minh và cả hoàng hôn nữa ở xóm nhỏ thân thương đó, nơi có ngôi nhà và có hai người thân ruột thịt của nó.

© HẢI ANH - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Giáng Sinh Này, Ai Là Người Nắm Tay Anh? | Radio Tâm Sự

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

Yêu xa

Yêu xa

Dù chỉ là một cuộc hẹn ngắn ngủi, nhưng mỗi lần được ở bên nhau, chúng tôi đều tận hưởng từng khoảnh khắc và tận dụng thời gian để tận hưởng hạnh phúc. Những kỷ niệm đẹp và những giây phút ngọt ngào ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy động viên và tiếp tục bước đi trên con đường yêu xa.

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Cổ nhân có câu: “Hổ báo không thể cưỡi, lòng người cách một tầng da bụng”.

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

back to top