Truyện Online - Người ta thường nói: Cuộc sống của mỗi chúng ta được nối với nhau bởi sợi tơ định mệnh. Định mệnh đã để cho tôi gặp Hope. Tôi quen Hope qua cuộc trò chuyện mạng. Đến giờ tôi vẫn thắc mắc, sao ngày ấy giữa hàng ngàn trang web kết nối cộng đồng, tôi lại chọn trang web do Hope thành lập.
***
I.
- Chào mừng bạn đến với Radio Hy Vọng.
Tiếng bíp vang lên như tín hiệu báo rằng cuộc hội thoại qua mạng đã được kết nối. Tôi lăn chuột lên xuống để đánh giá về trang web mình vô tình click vào. Radio Hi Vọng là nơi chia sẻ những dòng tâm sự, suy nghĩ như bao trang khác, chỉ có điều mới thành lập nên thưa thớt hơn hẳn. Gọi là Radio Hi Vọng vì Hope mong trang web này có thể lắng nghe và chia sẻ tâm sự cùng mọi người.
“Hi vọng ư, cái tên có vẻ ý nghĩa phết”
- Chào bạn, mình là Hope! Mình có thể giúp gì cho bạn?
Tôi khá bất ngờ khi Hope là con gái, chất giọng trong trẻo khiến chị ấy dễ dàng thu hút người nghe. Nếu nhìn nhận về cuộc đời của chính mình, tôi sẽ nói: Quá bất công. Ông trời run rủi khiến tôi mang trong mình thể chất yếu đuối của một người mắc bệnh suy tim. Tôi từng ước khi mình còn nhỏ, tôi có thể rong ruổi khắp phố với đám trẻ hàng xóm. Tôi cũng từng ước khi mình trưởng thành lại có thể được theo bạn bè cắp sách đến trường. Thế nhưng những ô cửa sổ phòng bệnh trên những bức tường bệnh viện trắng toát, rồi cả mùi thuốc nồng nặc như xộc thẳng vào mũi, tất cả đã cướp đi của tôi quá nhiều. Đã bao lâu rồi tôi tự hỏi liệu cuộc sống của người bình thường sẽ như thế nào nhỉ, chính vì vậy:
-Chị có thể kể cho em nghe về cuộc sống của chị. Ở nơi đó, chị đã trải qua tuổi thơ như thế nào. Cảm giác được đi học, có bạn bè, được chia sẻ những ước mơ, hoài bão trong tương lai.
Hope đã hỏi tôi tại sao lại yêu cầu như thế. Tại sao ư? Tại tôi chỉ còn nửa năm nữa thôi.
–Vì đó là những thứ trước đây em chưa từng được cảm nhận.
Chị ấy im lặng hồi lâu, lâu đến mức tôi tưởng chừng chị chẳng còn ở đấy nữa. Rồi sau đó Hope kể rất nhiều về cuộc sống của chị, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Những câu chuyện ấy không hề buồn nhưng nó khiến tôi khóc, khóc rất nhiều.
II.
Đó là một buổi chiều, trời không nhiều gió khiến bầu trời càng trong và cao vời vợi hơn. Bác sĩ khuyên tôi nên ra ngoài để hít thở không khí. Vì vậy mẹ đã sắm cho tôi chiếc xe lăn này. Ngồi trên xe khiến tôi thấy khó chịu vô cùng. Tôi chẳng có thể làm gì tới mức ngay cả đến đi cũng phải nhờ vào người khác. Tôi để mặc cho những cảm xúc đó lớn lên mà không dám biểu hiện ra ngoài, vì tôi biết mẹ sẽ buồn. Buổi chiều ngày hôm ấy được tôi gọi là buổi chiều định mệnh, vì tôi đã gặp lại người con gái đó, Hope. Hope là một cô gái đẹp. Dáng chị ấy dong dỏng cao. Đôi mắt sâu hun hút khiến người ngoài nhìn vào dễ bị thu hút.
-Tìm em khó thật đấy.
Định mệnh là gì. Thật khó để diễn tả thành lời. Tôi nhớ ngày ấy, Hope bảo sẽ đi tìm tôi: “Chẳng phải em muốn biết người bình thường sống như thế nào sao? Chị sẽ cho em thấy thế giới người ta sống như thế nào. “
Tôi vốn nghĩ câu nói bâng quơ đó chỉ để an ủi tôi, vì thật sự khi nghe câu đấy, tôi đã hi vọng, hi vọng được gặp Hope. Thế nhưng giữa dòng đời tấp nập, bộn bề, ai chắc một người lạ sẽ giữ lời hứa với một người lạ khác.
III.
Hope bảo với tôi cô ấy không tin vào định mệnh vì nó do chính chúng ta tạo ra. Hope hứa sẽ cho tôi cảm nhận thế giới của những người bình thường, nhưng cô ấy chỉ đưa tôi quẩn quanh hết ngõ này đến ngõ khác của bệnh viện. Lúc đó, tôi đã bực tức và mắng cô ấy rằng:
-Đây có phải là điều em muốn thấy đâu chứ. Ở đây chỉ toàn là bệnh nhân, những người như em thôi.
-Không phải chứ, đây chính là cuộc sống bình thường mà em muốn thấy đấy.
-Khác chứ. Em muốn xem người bình thường sống như thế nào cơ.
-Vậy em nói em khác người thường chỗ nào?
Câu hỏi của Hope khiến tôi ngập ngừng. Tôi khác người bình thường chỗ nào ư. Chẳng phải đã quá rõ ràng rồi sao. Thế giới của tôi là bệnh viện, mỗi ngày qua đi là thêm một nỗi lo về tương lai. Tôi luôn luôn hỏi: Không biết mình của ngày sau sẽ ra sao nhỉ?
-Nếu em chịu khó quan sát, em sẽ hiểu thế giới em đang sống không khác mấy thế giới ngoài kia đâu.
Quan sát ư? Mỗi ngày của tôi đều lặp lại như thế, nhưng tôi chẳng còn cảm giác nhàm chán nữa. Tôi bắt đầu quan sát nhiều hơn cuộc sống của những bệnh nhân như tôi. Cái cách họ chật vật đấu tranh chống chọi bệnh tật, có người lạc quan cũng có người gục ngã đâu khác mấy cuộc sống đời thường. Chẳng phải mỗi chúng ta cũng đang vất vả chống chọi dòng chảy của cuộc đời, có người thành công nhưng cũng có người thất bại đó sao? Sau tất cả, tôi lại nhận ra: Cuộc sống này thật nực cười, thật tàn nhẫn nhưng cũng thật đẹp biết bao, được sống đã là điều tuyệt vời lắm rồi.
Tiếng xe lăn cọc cạch trên nền gạch trắng toát, lạnh lẽo. Đâu đó nơi hành lang dài dăng dẳng này, chúng tôi nghe tiếng khóc tức tưởi của một người phụ nữ. Bà ấy tầm tuổi mẹ tôi. Nước mắt hàng nối hàng lăn dài khiến vầng trán cao chau lại, nếp nhăn vì thế mà hằn thêm sâu. Người đàn bà ấy không ngừng gọi tên người con của mình thảm thiết, muốn ôm chặt để níu giữ đứa bé lại bên mình mà không được nữa. Nó đã đi xa rồi.
Nhìn cảnh trước mắt, tôi chợt bật ra câu hỏi hết sức khùng điên:
-Chị có sợ chết không Hope?
Ánh mắt Hope đăm đăm nhìn vào một khoảng không vô tận nào đó, mông lung đến khó tả. Người Hope thoáng run, giọng chị ấy bỗng trở nên trầm hẳn:
-Có. Rất sợ là đằng khác. Những khi nghĩ đến nó, chị đã không ngừng run lên.
-Em cũng vậy. Tôi tiếp lời.
-Đã có lúc em tự hỏi: Không biết con người sau khi chết sẽ như thế nào?
Người phụ nữ đó làm tôi liên tưởng đến mẹ. Nếu chẳng may tôi từ giã cuộc đời này, liệu bà có suy sụp tưởng chừng như không còn ánh mặt trời nào trên Trái Đất nữa không?
- Thật ra chị cũng không biết con người sau khi chết sẽ ra sao. Cái này có nhiều cách lí giải lắm. Em thử nghĩ nếu chúng ta đi hết hành lang này, thì sẽ thế nào?
Câu hỏi của Hope khiến tôi khó hiểu. Tôi im lặng mà chẳng biết câu trả lời.
-Nếu băng qua đây, chúng ta sẽ bắt gặp bầu trời trong xanh đến kì diệu. Em xem này, nắng đã chiếu vào thềm rồi.
Quả là đi qua hành lang dài, tăm tối, buồn bã này, tôi có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, cao vời vợi thật.
- Có người đã từng nói với chị rằng con người sống để tồn tại trong trái tim của gia đình và bạn bè thông qua các kỉ niệm. Vì vậy chị nghĩ điều cần làm là sống và tạo những kỉ niệm đẹp. Hơn nữa, đừng từ bỏ hy vọng. Em còn có thể được cấy ghép tim mà. Giờ người hiến nội tạng sau khi chết nhiều lắm.
Ông trời cho tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng cũng nhờ vậy tôi nhận ra những giá trị mà chúng ta vô tình bỏ quên trong cuộc sống tấp nập. Những ánh mắt thương cảm, dèm pha khiến tôi nhận ra vẫn còn đó những người quan trọng, luôn vì tôi mà cố gắng.
-Tại sao chị lại giúp đỡ một người như em? Tôi thắc mắc
-Đon giản vì em là một người dưng.
-Vậy vì sao em lại tâm sự mọi chuyện với chị mà không là ai khác?
Hope quay đầu nhìn vào mắt tôi rồi cả hai cùng bật cười.
-Đơn giản vì chị là một người dưng.
IV.
Tôi nhớ một ngày, không phải bác sĩ hay ai khác, Hope báo đã có người đồng ý hiến tặng tim cho tôi. Tỉ lệ tương thích là 100%. Ca phẫu thuật chắc chắn sẽ thành công, nhưng chị nói là phải đợi hai tháng nữa. Vì khóc nên lời Hope nói bị đứt quãng. Nhiều khi nghĩ lại, bộ dạng Hope lúc đó khiến tôi bật cười. Tại sao khi nghe tin, người khóc to nhất lại là chị mà không phải tôi? Được phẫu thuật ghép tim khiến tôi vui sướng tột cùng. Nó mở ra cho tôi một tương lai mới. Chưa gì tôi đã mường tượng tôi của ngày mai thế nào. Tôi muốn đi học lại, muốn tham gia các hoạt động thể thao và muốn có một chuyến du lịch với bố mẹ.
Lúc Hope báo tin cho tôi, mẹ cũng ở đó. Bà đã khóc. Giọt nước bà rơi có niềm vui lẫn nỗi buồn. Bà khóc rất lâu, ôm tôi miếu máo, bảo tôi phải trân trọng cuộc sống mà người nào đó đã mang đến cho tôi này. Tôi cười. Nhất định tôi sẽ trân trọng cuộc sống này, sẽ lạc quan như Hope đã từng.
Nhưng Hope, từ tuần sau chị không còn xuất hiện nữa. Tôi chỉ biết tin lời hứa sau cuối, chị sẽ cùng bố mẹ tôi chờ tôi làm phẫu thuật. Đã nhiều lần tôi hỏi mẹ vì sao chị không tới, bà cũng vẫn chỉ cười rồi nói : “Con cứ yên tâm. Hope vẫn luôn bên con.” Bà cũng chưa bao giờ nói về người đã hiến tim cho tôi.
Những ngày trước khi phẫu thuật, tôi muốn trò chuyện với Hope nhiều hơn, muốn chia sẻ những lo lắng và cả hồi hộp cho ca mổ sắp tới nhưng không thể. Ca phẫu thuật diễn ra sớm hơn ba ngày.
“Vậy là không thể báo cho Hope biết được rồi.” Tôi thầm nghĩ.
Việc phẫu thuật tiến hành thuận lợi như dự đoán. Giờ tôi đã có thể cảm nhận trọn vẹn cuộc sống bằng trái tim nóng hổi đang đập thình thịch trong lồng ngực này.
Rồi từng ngày trôi qua, tôi háo hức chờ Hope nhưng mãi chẳng thấy. Một tuần, hai tuần, một tháng, và cho đến khi tôi xuất viện, vẫn chẳng thấy Hope đâu. Tôi đã rất thất vọng và khóc rất nhiều. Mỗi lần mẹ thấy tôi như vậy, bà cũng khóc theo. Tại sao mẹ chỉ luôn nói Hope vẫn luôn bên con ? Tại sao?
Chẳng lẽ, cuộc đời này gặp quá nhiều người mà vẫn chỉ là người đi qua thôi sao...?
Hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở bệnh viện. Dạo quanh nơi đây một lần nữa, đã lâu lắm rồi tôi không tự đi bằng chính đôi chân của mình. Tôi nhớ hành lang nơi mà bánh xe lăn lăn bánh, nhớ về kỉ niệm có Hope. Đó là miền kí ức chẳng thể nào phai nhạt trong trái tim tôi.
V.
Bẵng đi bốn năm, giờ tôi đã là học sinh cuối cấp. Trong suốt thời gian đó, tôi vẫn chưa từng gặp lại Hope. Kể cũng lạ, tôi làm bạn với chị ấy mà chẳng biết chị là ai, tuổi tác cụ thể, chị làm gì. Hope như ngôi sao băng hi vọng xẹt qua cuộc đời của tôi vậy. Trên bầu trời kia có bao nhiêu ngôi sao, cũng như một cuộc đời có bao nhiêu người đi qua mà biết được ai sẽ là người ở lại mãi tới tận sau cùng...?
Đêm trước khi chọn trường đại học, mải mê lục lọi ngăn kéo tủ tìm hồ sơ, tôi vô tình tìm được lá thư đã cũ, không tựa đề, không tên người gửi, không người nhận nhưng tôi biết nó gửi ai.
“Khi đọc được lá thư này, chắc em đã là cô bé khỏe mạnh lắm rồi phải không? Chị biết em sẽ trách vì sao chị lại mất tích lâu như thế. Chị xin lỗi. Giá mà chị có thể nói với em sớm hơn. Chị vẫn còn nhớ cô bé lần đầu tiên khi tìm đến Radio hi vọng: Em đã nói em chưa bao giờ cảm nhận được thứ mà người ta gọi là cuộc sống bình thường. Thật ra lúc tự mình lập ra Radio Hi Vọng, là sau một tháng chị biết mình mắc ung thư. Thật chẳng dễ dàng gì để vượt qua nó,em nhỉ?Đã có những lúc chị nghĩ về cái chết rồi vô tình làm đau những người thân yêu, vô tình quên mất những giá trị mà cuộc sống đã ban tặng, nên chị hiểu rõ cảm giác của em. Em hỏi vì sao chị lại giúp em, vì cô bé là thính giả đầu tiên cũng là cuối cùng của Radio. Nó có được coi như một đặc cách không em? Thời gian xét nghiệm và kiểm tra tỉ lệ tương thích giữa nội tạng chị hiến tặng cho cơ thể em rất dài. Ngày biết kết quả, em không biết chị khóc nhiều như thế nào đâu. Cảm giác vui sướng còn hơn cả người được tặng là em nữa chứ. Cũng nhờ em đó cô bé, nhờ em mà lúc đối diện với lưỡi hái tử thần, chị đã không còn sợ nữa. Dù nhỏ nhặt nhưng chị đã làm được một việc có ích phải không?”
Tay tôi run bần bật, những giọt nước mắt vô thức rơi ướt đẫm lá thư...
Thì ra là vậy nên chị mới mất tích lâu như thế. Thì ra là vậy nên chị mới chắc chắn rằng có người hiến tim cho tôi trước cả khi bác sĩ thông báo. Thì ra là vậy nên ngày đó chị lại khóc to nhất. Thì ra là vậy nên mẹ mới buồn mỗi khi tôi hỏi về Hope. Thì ra là vậy nên mẹ chưa bao giờ cho tôi biết về người đã hiến tặng tim. Thì ra là vậy nên dù cho tôi có đợi mãi chị vẫn không xuất hiện dù chỉ một lần. Làm sao cô gái hay cười, tràn đầy sức sống ấy lại mắc ung thư được chứ? Em rốt cuộc chỉ là một người đi qua đời chị, em chẳng làm gì cho chị cả, vậy sao chị vẫn nghĩ cho em đến phút cuối? Tại sao vẫn tốt với em như thế!?
“Vốn dĩ chị định dành nhiều thời gian hơn cho em nữa nhưng mà không được, bệnh tình chị phát triển nhanh quá, nhưng may mắn vì vẫn có thể cứu được em. Trái tim hiện đang đập trong lồng ngực em là của chị! Mạnh mẽ lên, sống tốt và yêu quý nó nhé. Chị sẽ mãi ở bên cạnh em. Cô bé, chúc em một đời bình an.”
Đêm đó tôi khóc rất nhiều, khóc sưng cả mắt. Khi mẹ chạy đến, nhìn lá thư, tôi biết bà đã hiểu chuyện gì. Mẹ chỉ đến ôm tôi thật chặt và nói:
“Hope muốn giữ bí mật này càng lâu càng tốt vì sợ nó sẽ ảnh hưởng xấu đến con.”
Tôi nhớ Hope đã từng nói mỗi người được gắn kết với nhau bằng sợi tơ định mệnh. Chị ấy muốn sợi tơ của chị kết nối được với nhiều người hơn, muốn chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Nhưng mà Hope à, Radio Hi Vọng chỉ có mỗi chị đứng ra thành lập và duy trì, liệu có thể tiếp tục được ước nguyện dang dở này nữa hay không?
VI.
Nhìn thời gian trôi qua kẽ tay, mới đó đã bảy năm rồi. Qua đi những năm tháng ngây ngô, khờ dại, tôi đã là một bác sĩ tâm lí trưởng thành, chín chắn. Mọi người có từng thắc mắc suốt bảy năm qua tôi đã làm gì? Tôi đã tiếp tục ước nguyện chưa thành của Hope.
Tiếng bíp vang lên như tín hiệu báo rằng cuộc hội thoại qua mạng đã được kết nối. Tôi hít một hơi thật sâu rồi khẽ mỉm cười.
-Chào mừng bạn đến với Radio Hi Vọng. Mình là Hope, mình có thể giúp gì cho bạn?
Bài dự thi "Hạnh phúc vẫn đủ chỗ cho ta". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn để lại bình luận cuối bài viết tại website hoặc like và chia sẻ lại link bài viết từ trang fanpage facebook.com/yeublogviet
VIẾT ĐỂ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC, LAN TỎA HẠNH PHÚC VÀ NHẬN NHỮNG GIẢI THƯỞNG HẠNH PHÚC!
MỜI BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TÌM HIỂU VỀ CUỘC THI VIẾT "HẠNH PHÚC VẪN ĐỦ CHỖ CHO TA"
Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.