Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nơi chốn bình yên (Phần 1)

2022-09-13 01:05

Tác giả: Yeuyeu98


blogradio.vn - Ông Thắng quyết định về lại thành phố sớm hôm sau dù Lợi và Lộc có cố níu giữ, ông để lại cho gia đình em thêm mấy lời động viên nhưng chẳng có lời hứa hẹn nào về một sự giúp đỡ, ông Thắng về rồi nhưng mối lo còn ở lại với vợ chồng Lợi Lộc, để họ phải chấp nhận rằng thằng Hạ sẽ tự lo lấy việc của nó thay vì trông chờ, dựa dẫm vào quyền lực người khác.

***

- Chú ơi, chú dậy đi ạ, còn có một đoạn nữa là đến nơi rồi - đó là tiếng anh thanh niên phụ xe khách khẽ lay gọi để đánh thức một người đàn ông có lẽ khoảng tuổi lục tuần ngồi ở hàng ghế cuối. 

Người đàn ông khẽ mở mắt với vẻ mệt mỏi chẳng rõ vì vừa trải qua quãng đường xa hay cả vì sự gì nữa rồi từ tốn nói “ Cảm ơn cháu, chú ngủ ngon quá may sao có cháu đánh thức không lại đi quá mật rồi”.

Anh phụ xe lịch sự đáp lại vị khách vừa tỏ rõ sự ái ngại lẫn tò mò.

- Dạ không sao ạ, nhưng bác thông cảm vì xe không dừng lại trả khách giữa phố lâu được, lại hôm nay đường đông dễ là về bến chậm thể nào chúng cháu cũng bị trừ lương nên chú  chuẩn bị hành lý dần đi rồi cháu đỡ chú ra cửa... mà chú này, đi đường dài như thế đến cánh thanh niên chúng cháu còn thấy mệt mà chú lại ngủ ngon được cơ ạ?

Người đàn ông chỉ  mỉm cười,  nguồn cơn chỉ có từ hiện thực cuộc sống khiến ông mỏi mệt, nhiều ngày miếng ăn giấc ngủ không được trọn vẹn, có chăng phải là người từng trải và sự nhạy cảm thì mới có thể nhận ra được người đàn ông ấy đang có tâm tư. Chẳng thể giải bày cho hết với một người xa lạ hẵng còn trẻ và lại ở trong lúc cấp bách phải chuẩn bị xuống xe cho khỏi phiền người ta; dẫu vậy ông cũng đáp lại vài lời với cậu thanh niên cho hết câu chuyện trước khi đáp xuống điểm dừng. 

Đã hơn một năm mới về lại quê, người đàn ông đứng lại bên đường ngắm quang cảnh chung quanh một lượt những thay đổi ít nhiều và phần để thư giãn cho cơ thể bớt nhức mỏi. 

Đã lâu chứ không phải lâu quá ông chưa về thăm dưới quê, thăm họ hàng xa gần ở chốn ấy, gọi là "ở dưới" cho thuận miệng chứ kể chuyện vùng miền thì từ phải nói "đi lên, đi ngược" mới đúng. Ông đảo mắt nhìn quang cảnh phố xá thấy ít ra là cái vẻ bề ngoài có phần đẹp đẽ bóng bẩy, chốn này là phố huyện có đường quốc lộ chạy qua và hai bên đường nhà cao san sát, người xe qua lại đông đúc hơn cái ngày xưa rất nhiều.

lang_-_que_3

Trong lòng thầm nghĩ cuộc sống nơi đây phát triển quá nhưng thực ông chẳng dám vui hay buồn về tín hiệu thay đổi của quê nhà bởi ông rõ sự phát triển cũng kéo theo những hệ lụy của nó. Tiếng "quê" giờ đối với ông là quê hương nơi để ông tìm về thanh thản tâm hồn khi tuổi xế chiều chứ không phải là chốn nhà quê cơ cực mà ông đã phải rời đi mấy chục năm. 

Ông chợt nhớ lại cái ngày xưa của bản thân cái hồi  còn đầu ngố đầu đinh "lên" thành phố mưu sinh, tâm tưởng ông khi ấy bị hấp dẫn trước sự xa hoa chốn đô thị qua những lời bàn tán của người đi ngược xuôi buôn bán trong vùng và dần dà sâu thẳm thâm tâm, ông muốn cắt đứt với chốn nghèo khó sinh ra mình và xuất thân nhà quê từng khiến ông chạnh lòng, chính vì lẽ ấy lần về thăm quê này lòng ông cảm thấy thực có lỗi khi mà ông cần quê hương thì những người ở đó vẫn chào đón ông. 

Nghĩ đó quả là điều đáng quý mà giờ ở cái tuổi này ông mới ngẫm ra tình yêu thương của người thân không chỉ là quan trọng mà còn đáng để ông dành nhiều tâm sức vun đắp, chợt nghĩ tới lần những người họ hàng ra thành phố thăm ông đều tha lôi theo bao nhiêu những là "cây nhà lá vườn" làm quà đem biếu đem cho, ấy vậy mà ông ở thành phố về lại quê trên người lúc nào cũng chỉ độc có cái ba lô và chút quà bánh mua quấy quá nơi hàng xá ven đường, điều này khiến ông cảm thấy xấu hổ nhưng có điều là ông nghĩ nó khác việc cho nhận từ lợi ích xã giao ngoài xã hội kia mới khiến ông an tâm hơn. 

Rảo bước trên con đường đất nhỏ dẫn từ đường lớn vào đã thấy sự khác, chốn đây dường như chỉ còn là cái bóng của cuộc sống ồn ào cách đó một tầm mắt, nhưng đó mới chính là quê hương mộc mạc, nơi dung dưỡng ông từ tấm bé. 

Ông vừa nhìn hiện thực chung quanh vừa hồi tưởng lại chúng của cách đây mấy mươi năm, những gì hiện lên trong đầu ông như một thước phim đen trắng, những thửa ruộng vừa được chuẩn bị cho mùa vụ mới còn tanh nồng mùi bùn, những cây cỏ dại vướng lại dưới chân và mắc vào quần bao nhiêu là hạt khô, những sự ấy làm ông liên tưởng những hình ảnh của tuổi thơ mình, sự hào hứng và sôi nổi cũng theo đó trở lại như thuở con trẻ xắn quần lội bùn để bắt nòng nọc hay là đùa nghịch dưới cái nắng mưa để quần áo lấm lem, đầu tóc rối bù như tổ đỉa thì sau ấy phải ăn vài trận đòn cũng vẫn nhe hàm răng cười thích thú. 

lang_-_que_6

Tiếc thay, những ngày ấy chẳng được dài lâu khi mà con người ta lớn lên, cùng trải nghiệm cuộc đời dễ làm nảy nở những tâm niệm khác, ở tuổi thanh niên, quan niệm về cái sĩ diện thực rất quan trọng và trong họ hàng xa thi thoảng có những người ở phố về - những con người lịch sự, ăn vận đồ âu, nam thì đầu tóc chải chuốt gọn gàng còn nữ  để kiểu tóc "phi dê" trông đến là phải ngưỡng mộ rồi cứ thế tư tưởng trong ông là sự thôi thúc phải đi thoát ly, mà cũng theo đó nhiều thứ không còn.

Về sau ông mới ngẫm ra cuộc đời ông lắm khi nghĩ đến cái được của ngày mai cũng vừa hay mất luôn những gì đang có hôm nay mà khó lòng giữ cho trọn vẹn, giống như đứa trẻ mải mê chạy theo cánh diều để đôi chân chơi vơi mặt đất. Và đã mấy chục năm trôi qua, khi những lần về lại quê ông sự hồi tưởng và từng trải khiến ông trân quý thứ cảm xúc đồng điệu giữa mình với những người chân lấm tay bùn. 

Trên đường ông có bắt gặp một vài người nhìn dáng vẻ khắc khổ chẳng thể đoán nổi tuổi chỉ có vì nắng mưa suốt gần nửa đời người với công cuộc mưu sinh, ông có lịch sự chào hỏi người ta thì có người chào lại, người đáp lại bằng cái gật khẽ; cũng lại có người làm thinh bước qua rồi sau ấy mới quay lại dòm dòm như thể thấy sự lạ. 

Quãng đường đi bộ chừng một cây số dẫn người đàn ông đến trước một căn nhà lọt thỏm giữa xóm. Ông vừa tới trước cổng nhà, con chó nằm trong sân thấy người lạ liền cất tiếng sủa khiến chủ nhà phải chạy ra.

- Ô kìa bác Thắng, bác về sao không gọi cho em - Lợi đon đả chạy ra đón người nhà như tay buôn vớ được khách sộp.

- Tôi chứ ai đâu mà chú phải đón rước, hôm qua tôi gọi cho chú  thì thấy thím nghe máy. Chẳng hay thím có nói với chú không?

- Bác về khi nào chẳng được, cần gì phải báo trước. Có trách là trách nhà em, nó đoảng quá phải cái tính hay quên nó chẳng bảo em gì cả,  biết bác về thì em đã ra đón bác từ ngoài quốc lộ rồi.

Nghe thấy thế, Lộc liền nói với ra.

- Em chào bác, em phải cái công nọ việc kia rồi quên chẳng nói với nhà em, em còn đang dở tay một tí. Bác lên nhà nghỉ ngơi, đoán bác về giờ này em pha sẵn ấm trà hẵng còn nóng bác xơi rồi chờ em lát em dọn cơm lên là vừa.

- Vâng, thím đang dở công chuyện gì cũng thong thả mà làm, cứ kệ tôi - Ông Thắng vui vẻ đáp lại cùng lúc Lợi nói xen vào.

- Bác bỏ quá cho nhà em thế là rộng lượng quá  ạ, em thì biết bao phen bị nó làm cho những chuyện đã rồi chỉ còn biết ôm cục tức vào người thôi

- Đón với rước gì, tôi đi bộ có một quãng ngắn được cái thư giãn gân cốt  vừa được ngắm cảnh quê mình luôn, nhất cử lưỡng tiện thôi chứ có làm sao đâu, chuyện nhỏ mà chú  làm như chuyện hệ trọng lắm ấy.

- Vâng, thôi thì tại tính em nó thế bác biết rồi còn gì. Giờ bác  vào trong nhà ngồi nghỉ một lát rồi để em bảo nhà em dọn cơm ăn cho đỡ đói, cũng trưa muộn rồi - vừa giành lấy cái ba lô, Lợi kéo ông Thắng vào nhà như sợ ông đi mất rồi ấn ông ngồi xuống chiếc ghế băng. 

- Bác cứ ngồi xuống nghỉ, một lát nữa ra rửa chân tay mặt mũi rồi ăn cơm là vừa. Nhà em chuẩn bị tươm tất cả rồi.

lang_-_que_1

Ông Thắng khẽ cự lại.

- Chú này, tôi đâu phải người ngoài mà chú cứ khách sáo thế. Chú cứ kệ tôi, đi xa người còn mỏi chú để tôi đi lại cho thư thái - miệng nói thế chứ tay ông với lấy chiếc ba lô lấy ra gói bánh và cân quả, đứng lên chiếc ghế đẩu rồi cẩn thận xếp đặt ngay ngắn lên ban thờ, thắp nhang và lẩm nhẩm mấy câu thành kính. Lợi còn chưa thôi chuyện đi về của ông Thắng để ỉ ôi, lầm bầm một mình:

- Dù sao trên kia bác cũng làm quan to, xe con có thì  không đi mà bác lại đi xe khách cho nó khổ ra, đã thế về còn không thèm gọi để em ra đón mà mất công đi bộ.

Ông Thắng vờ như không nghe thấy rồi cố nói xuống bếp rõ to:

- Thím làm cơm những gì thế, có phải vẽ vời không để tôi còn phụ giúp.

- Việc của đàn bà con gái ai lại để bác phải đụng tay, mà em xong rồi đây... gà sẵn bắt trong chuồng, rau hái ngoài vườn. Toàn mấy thứ sẵn của nhà chứ có phải ra chợ đâu nên là tươi ngon lắm. Bác với mình ngồi xuống đi, em chạy ra đằng này một tí - vừa lúc Lộc bưng vội mâm cơm lên nhà rồi mau mắn trải chiếc chiếu ra xong lại tất tả chạy đi để Lợi phải giải thích.

- Nhà em nó đi mua chai rượu để hai anh em mình nhâm nhi.

- Tôi ít uống rượu mà chú cũng phải người uống được rượu đâu bày vẽ mà làm gì. À chú này, hai đứa cháu tôi không có nhà hả chú?

- Ôi dào, hai đứa chúng nó con chị thì mới xin được việc làm trên tỉnh cứ cách tuần lại về xin phụ cấp còn thằng em thì cũng sắp tốt nghiệp nên cháu nó cũng về, đợt này chúng nó cùng về mà hễ cứ về nhà là chúng nó lại đàn đúm với mấy đứa trong xóm. Em có bảo với chúng nó hôm nay có bác ở trên thành phố về mà chơi  chả đứa nào chịu ở nhà,  mới sớm ra đã rủ nhau đi chơi, đến trưa cũng chưa thèm mò mặt về đấy bác xem, con với chả cái.

- Đang còn thanh niên thì cứ để cho chúng nó bay nhảy, chứ dăm năm nữa công việc rồi gia đình vào thì còn đâu mà vô tư được nữa.

- Bác thoải mái vậy chứ chúng nó cứ thế mà em sốt hết cả ruột đây này, bằng ý tuổi đầu rồi mà vẫn lông bông lắm bác ạ, chẳng biết khi nào mới trưởng thành cho vợ chồng em được nhờ.

- Chú nói vậy có quá lời không, dù gì thì hai đứa cháu tôi nó cũng là người có ăn học mà cháu Hạ, nó con trai thật lại còn trẻ hơn thằng Bách nhà tôi tới gần chục tuổi ấy vậy mà tôi thấy nó còn hiểu chuyện hơn cả thằng anh nó đấy.

- Khổ nỗi, chúng nó đi thì thôi chứ được nghỉ về là suốt có chơi. Mà học đến năm cuối rồi chứ còn gì. Bác ạ, bác trông chừng giúp vợ chồng em thế nào để cho cháu... Chưa kịp dứt lời thì Lộc bước vào nhà và còn một người đàn ông nữa lững thững theo sau; thấy vậy Lợi đành gác lại câu chuyện, và lôi vợ ra một góc thì thào to nhỏ.

- Đã bảo rồi, hôm nay có chuyện quan trọng sao lại để cái lão say kia lù lù cái mặt ở đây thế? 

- Thì em vừa đi mua chai rượu về, thế  là lão  ấy vừa từ đám ma nhà Ích đi ra trông thấy tôi và chai rượu  rồi cứ đi theo, em rứt ra chả được.  Thấy có khách ông Thắng định đứng lên chào hỏi nhưng chưa kịp thì vị hàng xóm kia đã sà ngay mâm cơm. Lợi liền mở lời.

- A bác đây rồi, chỉ đợi có mỗi bác thôi; gớm mời bác khó thật đấy chả chịu sang sớm cứ đúng giờ cơm mới sang để em mất công sai vợ em đi rước. Phải rồi, xin giới thiệu với bác đây là bác Thắng ở Hà Nội về chơi, bác ấy với em là con bác con chú đấy ạ, cũng gần gũi lắm. Thế còn xin thưa với anh đây là bác Trực...

- Chú Lợi cứ để anh tự giới thiệu - người hàng xóm tên Trực vừa cắt ngang lời của Lợi một cách quả quyết vừa quay sang ông Thắng với vẻ trang trọng:

- Kính thưa với bác, tên tôi là Trực, Trần văn Trực. Trực là tên tôi, Trực "tê e rờ" chứ không phải "chực xê hát"- Trực nói với một sức nhấn mạnh và uốn lưỡi để phát âm đúng chuẩn tên mình. Nhận thấy hoàn cảnh có vẻ nghiêm trọng, ông Thắng vẫn điềm tĩnh chào lại và đưa tay xã giao.

- Chào anh, tôi tên Thắng. Thật là vừa hay về nhà thăm chú thím tôi đây lại được gặp anh. Sẵn tiện chú thím tôi vừa dọn cơm thôi thì cũng tiếm quyền chủ nhà mời bác ngồi lại ăn cơm với gia đình.

lang_-_que_4 

Không mấy để ý đến câu nói của ông Thắng nhưng gã vẫn đưa tay ra bắt theo cái phản xạ nhanh như kẻ nhận của người cho, Trực lại gật gù và nói tiếp như thể cắt nghĩa cho lời nói của mình với vẻ đau khổ:

- Số là mụ vợ tôi tên Chầu, còn tôi tên Trực. Ấy thế mà người ta cứ gọi nhà tôi với tôi là "chầu chực" nó mới đau... mà đúng ra phải là "Chầu Trực" mới đúng. Trực phát âm như thể khiến người ta cảm nhận được câu nói cũng viết hoa tên riêng của vợ chồng gã. 

Nhìn bộ dạng của Trực, ông Thắng đoán biết gã vừa đánh chén một bữa ở đâu đó rồi, nhưng với kinh nghiệm của mình ông nghĩ chắc hẳn hắn cũng  chỉ uống cho đầy mồm chứ chẳng ăn được miếng nào, cũng có thể đấy là một gã bê tha tối ngày bên chén rượu, hay một kẻ đang mang trong mình tâm sự buồn rồi nốc rượu suông. Nghĩ vậy ông lại thấy tội nghiệp cho gã. Về phần Lợi, việc xảy ra đó là ngoài ý muốn; sự suồng sã và bặm trợn trong cơn say nó thô lỗ quá khiến Lợi lo lắng sẽ chẳng được việc bèn tìm cách bào chữa  cho những cử chỉ của Trực. Lợi vội cười xòa phân bua.

- À, chuyện vốn cũng có gì đâu chẳng là chúng em ở sát bên nên chúng em biết, bác Trực là người thật thà lại phải cái tính thẳng như ruột ngựa; có tâm sự gì hễ gặp ai cũng cũng giãi bày nghĩ sao nói vậy thành ra ai không ưa thì thấy phiền và chấp nhặt với bác ấy thôi ạ.

- Chú thím tôi là hàng xóm với anh thì có thể biết chuyện. Như là tôi thì xin lỗi anh, nếu gọi tên vợ chồng anh kiểu đánh vần ấy nó gượng lắm. Cách phát âm đúng chính tả ấy chỉ thường gặp ở một số vùng miền như ở Trung Bộ, mà tôi nghĩ ở đây không phổ biến. Hơn nữa, tôi nghĩ tên vợ chồng anh ghép lại có phần đặc biệt quá lắm họ chỉ trêu miệng thôi chứ không có ác ý gì cả, anh nghĩ có phải vậy không?

Trực lúc lắc cái đầu, trả lời với vẻ lơ đễnh.

- Bác nói cũng đúng, nhưng tôi cảm thấy hàng xóm cũng khốn nạn lắm..

- Tôi cho rằng ý tứ trong suy nghĩ nó mới là thứ quan trọng như khi nhắc đến tên anh và chị nhà, dù không phát âm chuẩn nhưng trong đầu tôi nghĩ đến đôi vợ chồng nhà ấy là hàng xóm của chú thím tôi và anh chồng tên Trực là người ngay thẳng, đáng trọng - ông Thắng dịu giọng phân tích và an ủi Trực một cách chân thành. 

lang_-_que_2

Có vẻ như hiểu ý, nghĩa câu nói của ông Thắng hoặc là do say xỉn mà đâm ra khiến Trực xúc động, mắt gã rưng rưng và khóe miệng lắp bắp:

- Bác Thắng ạ, sống bằng này tuổi đầu tôi mới gặp được người kính trọng tôi như thế. Nói thế xong Trực lại ngay tức khắc tỏ ra hớn hở và xử sự như gã là chủ nhà, tay với lấy chai rượu rót đầy hai chén rồi đưa cho ông Thắng một chén. Cổ họng gã ậm ừ tưởng chừng như khó nhọc lắm mới nói được:

- Đối với tôi ấy mà, cỗ không thịt thì cỗ vẫn ngon, tình không chén rượu thì cái vui chẳng còn. Đây, tôi kính riêng bác một chén, chúc bác sức khỏe bác phải uống cho cạn chén này đấy nhé.

Hai vợ chồng Lợi Lộc suốt một hồi ngơ ngác đã kịp nhớ ra mình là chủ cái nhà của mình để cùng nhau lên tiếng.

- Thôi thì cả nhà ta hãy cùng ăn cơm, chuyện vui để vừa ăn vừa nói.

- Dạ, phải đấy ạ.

Tất cả đều đã ngồi chung quanh mâm cơm một cách ngay ngắn. Người này người kia hăng hái gắp cho nhau nhưng dường như cả bốn con người đều ăn kiêng theo mỗi nỗi sướng khổ khác nhau. 

Ông Thắng ở cái tuổi này thèm ăn rau hơn ăn thịt mà gắp lên thì bát đã đầy những gà luộc và giò lụa; nhà Lợi Lộc cũng khá giả lắm nhưng luôn theo đuổi cái nếp nhịn miệng đãi khách miễn sao cho được việc mình; đối với Trực thì cơm no chẳng bằng rượu say, gã vẫn nhiệt tình mời rượu ông Thắng với tinh thần không say không về mà say rồi thì ngủ lại. Còn ông Thắng vốn ghét uống rượu vì nhiều lẽ nhưng cũng lịch sự trước tấm thịnh tình của Trực nên có uống thêm lấy một vài chén rồi khéo từ chối:

- Tôi uống vậy đủ rồi anh ạ, ta vừa chuyện trò còn riêng anh với chú Lợi nhà tôi cứ uống tiếp. Chẳng là tôi đi về thấy trong người hơi mệt, lại thân đang mang bệnh nên chỉ dám cố dăm ba chén thôi.

Trực liền gàn.

- Bác ốm đau gì cứ bảo cô Lộc chạy ra mua mấy viên thuốc hoa cà hoa cải ấy, có vài đồng bạc thôi nhưng mau khỏi lắm. Tôi ốm đau, bệnh to bệnh nhỏ cứ uống thứ ấy là khỏi.

Nghe vậy ông Thắng vừa cười vừa nói nửa thật nửa đùa.

- Bác có đau chỗ nào thì nên đi khám tìm nguyên nhân để bác sĩ kê đơn thuốc chứ sao uống thuốc tùy tiện thế được, dùng thuốc thế thì đến là đi gặp các cụ sớm đấy bác ạ. Còn sức khỏe của tôi, tôi rõ mà.

- Tôi là người nhà quê, có nhiều thứ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng tốt cho mình đấy thì cũng tốt cho người - Trực kể cả với giọng lè nhè, chẳng rõ là tỏ ý dỗi nhưng ông Thắng cũng lại dịu giọng phân trần.

- Tôi xuất thân ở chốn này, cũng người nhà quê anh ạ, người mình hầu hết xuất thân nông dân mà anh.

- Bác khiêm tốn quá, bác làm sao mà phải ngang hàng như chúng tôi đây, nghe đâu bác quan trên tỉnh hay những tận thành phố kia mà - Trực nói thực những gì gã nghĩ nhưng điều này khiến ông Thắng cảm thấy ái ngại rồi vẫn nói ra ý của mình.

- Tôi lại nghĩ hơi khác một chút, nhận mình là người nhà quê không phải đó là khiêm nhường, mà chỉ là sự thật. Dù giờ đây tôi có chút danh phận nhưng  bản sắc trong tôi và cái gốc con người tôi vẫn con nhà nông và gắn với xứ này. Bản thân con người ở vùng quê không có gì thấp kém so với người nơi khác, tôi hiểu anh nhắc tới khác biệt đời sống vật chất và sự hiểu biết nhưng bản thân tôi vậy, cũng phải vật lộn với cuộc sống nơi thành phố; còn hiểu biết của con người ta đặc biệt ở chỗ không hiểu biết của ai bao hàm hết sự hiểu biết của ai, chưa kể việc anh biết mà tôi không biết lại cái hiểu biết mà tôi biết chắc gì đã là chân lý, đối với tôi sự khác biệt lớn nhất giữa người với người là ở quan điểm và mục đích sống mà thôi.

lang_-_que_31

Ông thắng nói tới nỗi Lợi, Lộc và Trực há hốc miệng nhưng không có ai lắng nghe bằng tai và mảy may suy nghĩ, họ chỉ ngạc nhiên việc bỗng dưng ông nói nhiều quá, mạch lạc quá khiến họ chẳng hiểu gì cả bởi không vì ông Thắng nói những thứ cao siêu mà chỉ do ý nghĩa của những lời lẽ ấy không phải thứ mà ba kẻ kia quan tâm. Tuy vậy Trực cũng gật gù mấy nếp nhăn hằn lên... trên mũi với khuôn mặt rúm ró rồi mới đáp lại như một kẻ biết suy nghĩ trước khi nói.

- Tôi rất hiểu những gì bác nói nhưng chắc điều gì bác đã nói thì đều phải đúng cả thôi vì bác là người thành phố cơ mà.

- Phải đấy ạ, hồi anh Thắng lên thành phố, em với nhà em còn chưa biết nhau. Sau về đây làm dâu, các cụ kể lại luôn cái dạo ấy nghe mà em bị lây cái xúc động của các cụ, chẳng gì anh Thắng cũng là người duy nhất trong họ tính từ cái thời chúng mình là có sự nghiệp và thành đạt, phận làm em như chúng em đây cũng lấy làm vinh dự cho anh ấy lắm có phải không mình - Lộc tươi cười nói rồi quay qua chồng do vậy Lợi cũng góp vào nỗi xúc động chung như nhớ lại chuyện ngày xưa.

- Thời ấy khó khăn, em nhớ lúc bác đi các cụ nhà có đưa cho bác mấy đồng gọi là lộ phí, còn thì bác cũng chỉ có độc một bọc quần áo; lên thành phố với chỉ từng ấy thứ, vậy mà bác được như bây giờ, vợ đẹp con khôn thôi thì cứ gọi là nhất bác ấy, em ngẫm chắc phải là các cụ nhà em ở dưới cũng mát lòng mát dạ, âu cũng là không phụ công sức của người đã khuất... 

- Vâng kể anh Trực nghe, song thân của tôi chẳng may qua đời lúc tôi hẵng còn trẻ con nên các cụ thân sinh của Lợi, cũng là chú ruột của tôi khi ấy cưu mang. Vẫn nhớ các cụ bảo: "chú như cha mà dì như mẹ, thương cháu mong cháu thành người chứ không mong được đáp đền...". Tôi chỉ biết khắc cốt ghi tâm những lời ấy, tiếc là khi có chút thành tựu thì các cụ đã khuất núi cả chẳng còn cơ hội phụng dưỡng. Chỉ mong có tấm lòng thì hương hồn hai cụ chứng cho được.

lang_-_que 

Trực dù đã say quá nhưng mấy lời này đều lọt tai của gã. Chẳng gì cũng là hàng xóm có thâm niên với Lợi Lộc nên Trực không lạ gì tính cách và những toan tính của đôi vợ chồng này lại vốn tính gã có sao nói thế nên đốp thẳng mặt gia chủ.

- Người ta được vợ hỏng chồng thế mà cô chú nhà này lại được cả đôi; giỏi mưu toan lại khéo đằng ăn nói, ấy thế thì lợi ích còn chạy đi đâu được.

Nói xong Trực ngả lưng vào tường và chẳng mấy chốc ngáy như kéo bễ; vợ chồng Lợi không bận tâm và cũng khinh không thèm hiểu những lời lẽ từ miệng một kẻ say. 

- Bác xem, hàng xóm nhà em vô tư thế đấy, có mấy chén rượu vào thì nói đủ thứ mà chả ra cái gì, chứ khi không say đâu có như thế, cũng tử tế và đàng hoàng lắm. Khổ nỗi có thằng con thì mất dạy, đi biền biệt chẳng đoái hoài gì đến bố mẹ thành ra bác ấy cũng bất mãn với cuộc đời lắm.

Lộc nói như hiểu chuyện nhà Trực thành ra cái vẻ thông cảm. 

- Biết thế nên vợ chồng em cũng chẳng chấp nhặt hay để bụng làm  gì.

- Chắc không phải dăm chén rượu làm xấu đi cốt cách con người ta đâu thím ạ, cũng chẳng thể đổ tại rượu để mà thanh minh cho hành động và lời nói.

- Vâng

- Cái uất hận trong người khi không không nói, để khi say thì mới nói ra, ấy là không còn tự chủ hoặc mơ hồ lấy thêm dũng khí, gạt bỏ mọi trở ngại về đạo đức lề thói. Chẳng kể kẻ chưa tìm ra bản sắc thì toàn nói nhí nhăng còn phần đông khi say nói ra là mớ hỗn tạp trong lòng nhưng đúng với lương tâm yêu ghét, như thế chẳng tốt xấu gì mà chỉ là chân thật.

- Vâng, bác nói phải ạ. Bác vừa chuyện vừa ăn thêm cơm, ấy kìa bác gắp ăn đi kẻo thức ăn nguội cả rồi.

Đấy! Chẳng biết những gì tôi đang nói là phải trái đúng sai tại uống mấy chén rượu vào tôi cũng thấy lâng lâng rồi. Ông Thắng chỉ nói vài lời bâng quơ vô thưởng vô phạt.

Nói rồi ông Thắng đặt bát đũa xuống, hồi lâu chăm chú nhìn di ảnh của người quá cố bồi hồi nhớ lại và như tự nói chuyện một mình:

- Đời tôi có biết bao sự giúp đỡ mới được như bây giờ, đầu tiên phải kể cái  ơn của hai cụ nhà mình đã cưu mang tôi; sinh ra là nhờ ơn cha mẹ nhưng công sinh thực chẳng bằng công dưỡng, ấy vậy tôi mới có tình cảm đặc biệt dành cho hai cụ, mà cảm phục nhất ở các cụ nhà mình là cái máu đồng bào, ngày đó nói đi đâu xa quê thì ai ai cũng sợ mất con mất cháu vì nghe ở những đâu vẫn còn chiến tranh, ấy thế riêng hai cụ chỉ một hồi xơi trầu vừa ngẫm nghĩ xong là đồng ý cho đi ngay. 

que_7

Cuộc đời thực chẳng mấy ai sướng khổ mà biết trước từ đầu, chú thím có lẽ không biết tôi cũng lăn lộn với đủ thứ việc lặt vặt, rồi cơ duyên nào gặp được một ông. Rõ là tôi hồi ấy ngu ngơ chẳng biết quan hệ, nhờ cậy gì người ta; chỉ tâm sự là mình thích được làm người nhà nước thì dù có khổ mấy cũng làm, chứ nhất quyết không về quê làm ruộng. Thế là ông ta liền ngỏ ý xin cho tôi làm công nhân viên quốc phòng. 

Ừ thì cũng chả biết nó là việc gì, nhưng cứ nhận lời đã, cũng xác định là không sung sướng gì mà đúng như vậy thật, công việc rồi cuộc sống khó khăn thấy bao người bỏ về nhưng tôi thì nhất quyết ở lại... rồi thì cuộc đời đưa đẩy cho đến được ngày hôm nay cũng xem như là có chút thành tựu, mãi về sau cũng gặp lại ông đó để mà kể chuyện cũ rồi nhắc nhớ ơn nghĩa.

Nhưng ông ta gạt phắt mà rằng "Chú cứ nghĩ tôi giúp chú vì lẽ gì, khi ấy tôi chẳng dám chắc tương lai cho chú; chú có chịu gắn bó với nghiệp ấy và cuộc đời chú sẽ tốt vì nó hay không, của tôi giúp chú là của ngon hay của ôi, chú ăn vào sẽ khỏe hay ốm, chưa kể tôi biết được chú sẽ ăn cả hay dành một phần làm vốn đem đi  buôn. 

Tôi chỉ biết chắc những điều tôi dành cho chú nảy nở từ thiện căn trong tôi, tính thiện là ý niệm tốt đẹp chưa cần suy nghĩ nó đã nảy đến trong mình mà nếu cần suy nghĩ đắn đo thì có khi nó chẳng còn là cái thiện căn nguyên thủy, dẫu vậy thì tâm tính gì cũng cần vun đắp và đáng quý hơn khi qua cả sự suy nghĩ toan tính thiệt hơn mà con người ta vẫn giữ được cái  tốt đẹp và dành nó cho những người xung quanh. 

Chú đừng mang ba xu mua tôi lòng tốt vì dẫu có là xu vàng hay bạc nó cũng không đồng màu với cái tâm của tôi. Chú cứ nghĩ chuyện giữa chúng ta là kỷ niệm để nhớ thay vì xem đó là đống nợ đời đã giải quyết xong để rồi quên việc quên người". 

Đó là những gì cuối cùng tôi được nghe từ ông ấy, khi ấy không hiểu hết nhưng tôi cũng cố ghi nhớ để sau này ngẫm ý. Thôi thì đến tuổi này cũng có hiểu nghĩa tận câu chữ mà ý tứ con người lại là vô cùng. Ngẫm cũng phải, nếu bản thân tôi không có nhiệt huyết, gan lì và sẵn sàng chấp nhận cái khó cái khổ mà nhiều người từ chối, buông xuôi thì tôi đã không có được địa vị như giờ dù người ta có giúp tới mấy đi nữa, làm đến cái chức danh ấy tôi cũng mới lấy được bà ấy, và cũng có lẽ vậy mà bà ấy mới chịu lấy tôi. Bao nhiêu năm chung lưng đấu cật mà giờ chỉ thấy tình nghĩa vợ chồng mỏng manh quá. Nói tới đây ông Thắng khẽ thở dài rồi chìm vào im lặng suy tư.

(Còn nữa)

©Yeuyeu 98 - blogradio.vn

Xem thêm: Nhật ký tự do của tôi | Radio Tâm sự

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

back to top