Nắng hè phơi tuổi thanh xuân
2017-05-17 01:15
Tác giả:
Mùa đầy nắng.
Nắng đỏ lửa, chiếu vô nửa căn nhà, đợt nắng nóng đầu tiên của năm, đầy oi ả và bức bối, khiến tôi rã rời với đống đồ đạc đang dọn dẹp. Giá như không phải dọn dẹp, tôi đã thả mình trên chiếc ghế lặng nghe những bài hát, đầy du dương, nhẹ nhàng. Nhưng căn phòng đã quá chật chội bởi những giấy tờ và sách.
“Chú ơi, tập này có bán giấy vụn không?” Thằng cu Hớn khiến tôi giật mình với đống suy nghĩ hỗn độn. Tôi chợt nhớ ra còn có nó đang đồng hành. Dọn dẹp luôn là việc khiến tôi mệt mỏi, còn nó thì không. Hớn vui vẻ, xông xáo dọn phòng cho tôi, bởi đống giấy vụn mà nó đang có, sẽ giúp con lợn của nó thêm no bụng.
Tôi ngoảnh lại nhìn và không rời vào tập giấy Hớn đang cầm, một điều gì đó xa xôi, gần gũi và khó gọi tên. Đôi chân của tôi muốn chạy đến ngay, đôi tay muốn cầm tập giấy ấy…
“Chú… chú, có bán không?” Cu Hớn đến gần khẽ lay cánh tay của tôi.
Tôi lắc đầu.
“Thứ này không bán được.”
Bất giác, tôi thèm nghe một bản nhạc. Dù căn phòng vẫn bừa bộn, nhưng tôi đã dừng lại để thưởng thức. Nhìn Hớn, tôi đưa cho nó tiền để đi mua kem. Ngay lúc này, tôi muốn ngồi một mình.
Qua ô cửa sổ, tôi thấy lũ trẻ đang huyên náo chỉ trỏ và bẻ vội những cành phượng vĩ khiến tôi chợt nhớ đến những ngày tháng tuổi học trò. Ngày ấy tôi cũng đã từng trèo lên cây phượng vĩ giữa sân trường, bẻ cành, hái hoa. Và hậu quả, khiến tôi phải rời xa chiếc bàn đang ngồi, để chuyển lên dãy hàng ghế đầu.
Vào thời điểm ấy, phải lên bàn đầu ngồi và phải ngồi giữa hai bạn nữ, chẳng khác gì một hình phạt tàn nhẫn với lũ học sinh chúng tôi. Mấy thằng bạn bụm miệng cười cợt, tôi uất ức lắm nhưng chẳng nói lên lời.
Tôi không nói chuyện với hai bạn nữ ngồi cạnh và tự cho mình đặc quyền, bành trướng chỗ ngồi khiến Lam và Lê rất ghét tôi. Nhưng tôi mặc kệ, dù trong lòng cũng đã thấy có điều gì đó sai. Nếu tôi không làm vậy, lũ con trai sẽ cười tôi mất.
Ban đầu, họ cũng chấp nhận việc làm của tôi. Sau dần tôi đã quá đáng đến mức họ không chịu đựng được. Mọi chuyện đã diễn ra khác, tất cả là do Lam cứng đầu, cô ấy đã mách cô giáo, khiến tôi phải viết bản kiểm điểm. Tôi ghét cô ấy, một cô gái cứng đầu, ương bướng và lỳ lợm. Từ một kẻ thích bành trướng, tôi phải chấp nhận một ô nhỏ ngăn cách bởi chiếc thước. Mỗi khi muốn ra ngoài, tôi cũng đều phải xin phép Lam. Thấy vậy, lũ bạn cười cợt chế giễu, khiến cho tôi chỉ muốn đào một lỗ dưới gầm bàn và chui xuống.
Hơn một học kỳ trôi qua, tôi phải chấp nhận điều đó. Cho đến một hôm, mùi tóc gội bằng bồ kết của Lam, khiến tôi không thể cưỡng lại nổi. Tôi đã dang tay quá phần vạch ngăn cách, để kéo mái tóc của Lam lại gần hơn… Khiến cô ấy bất ngờ, quay sang nhìn phía tôi. Tôi nép mình nhỏ bé lại, run rẩy như sắp hứng chịu một cơn thịnh nộ từ Lam.
Đôi mắt ấy từ từ nhìn về phía tôi và nở một nụ cười. Khoảnh khắc ấy rộn rã như tiếng ve sầu kêu râm ran, ngọt ngào như búp phượng và phảng phất như những cánh hoa phượng rơi lả tả trong đợt gió nhẹ. Tôi cứ hoang tưởng sau nụ cười ấy, Lam sẽ phá bỏ vạch ngăn cách và nới rộng cho tôi thêm không gian. Nào ngờ, những ngày sau đó, cô ấy còn nghiêm khắc hơn, khiến tôi vẫn phải bó mình như cũ. Nhưng có một điều, mỗi khi tôi nghịch mái tóc của Lam, cô ấy thường không nói gì.
Cho đến một ngày… tôi thấy Lam thẫn thờ ngắm những chùm phượng vĩ.
“Cậu làm sao thế?” Tôi đánh liều hỏi cô ấy.
Một khoảng thời gian im lặng.
“Cậu hái cho tớ chùm hoa phượng kia, tớ sẽ bỏ vạch ngăn cách này.” Lam chỉ tay vào chùm phượng vĩ giữa ngọn cây, nhiều hoa nhất.
Tôi suy nghĩ và nhìn cô ấy lắc đầu. Chẳng dại gì mà tôi phải hái chùm phượng vĩ ấy. Nếu xui xẻo tôi sẽ bị bác bảo vệ tóm thêm lần nữa. Nhưng đôi mắt của cô ấy vẫn không rời khỏi chùm phượng vĩ. Dường như có một điều gì đang gợn lên trong đôi mắt ấy, một vẻ hiền dịu khác lạ hình ảnh tôi hay bắt gặp.
Tối hôm ấy.
Tôi lén đứng ở cổng nhà cô ấy.
“Lam ơi…”
“Ai đấy.” Giọng mẹ của Lam khiến tôi giật mình. Mẹ cô ấy đang tiến gần, khoảng cách cứ gần theo nhịp đập mạnh của tim tôi. Tôi cất vội chùm phượng vĩ vào lùm cây, khi cánh cổng bước ra.
“Linh Anh à… vào nhà đi cháu.”
“Cháu… cháu gặp Lam đưa cái bút thôi. Cháu không vào đâu… bác bảo Lam ra đây hộ cháu với ạ.”
“Lam đang bận học bài. Cháu cứ đưa cho bác là được.”
“Không… À cháu hỏi bài Lam nữa ạ.”
Vừa nói, tôi vừa vò đầu bứt tai, dáng điệu khổ sở. Không biết có phải vì điều ấy mà mẹ của Lam quay vào nhà và gọi Lam ra. Lúc ấy, tôi đã thầm cảm ơn một điều gì đó không có tên. Nếu mẹ của Lam còn đứng đấy, không biết tôi còn run rẩy đến mức nào nữa.
“Có việc gì đấy cậu?” Tiếng của Lam cất lên.
Tôi nhìn cô ấy, đưa vội chùm phượng vĩ và quay đầu chạy. Vừa chạy, tôi vừa nói chới với.
“Của cậu đấy.”
Không biết vì điều gì mà tôi trèo tường vào trường để hái trộm hoa phượng. Có lẽ không phải do tôi muốn không gian ngồi học thêm rộng hơn. Cũng không phải bởi ánh mắt nhờ vả của Lam. Càng không phải bởi tôi là một kẻ ga lăng… Bởi một điều gì ấy, mà tuổi học trò của tôi mãi mãi không có câu trả lời.
Năm tháng cứ thế vô tình trôi.
Không thể nhớ rõ ràng, bằng cách nào đấy mà tôi đã ngồi cùng bàn với Lam suốt thời học cấp hai. Đến ngưỡng cửa thi vào phổ thông, tôi đã đắn đo với việc lựa chọn trường. Cuối cùng, tôi đã bị Lam thuyết phục để cùng cô ấy thi vào trường xa nhà hơn.
Gió khẽ lùa qua ô cửa sổ, tôi đưa tay chạm vào ngọn gió đầu tiên, rung rinh… Cảm giác ấy gợi nhớ tới những ngày còn chở Lam đi học, cô ấy thường giữ mái tóc của mình tung bay trước gió. Khi đó, tôi thường trêu đùa Lam.
“Tóc đã rối, còn bày đặt phơi gió.”
Cô ấy thường véo lưng tôi và cười.
“Mình phơi tuổi thanh xuân đấy.”
Đoạn đường từ nhà tới trường dài hơn năm cây số, nhưng tôi thường ước nó dài hơn để chở Lam đi thật lâu, cùng cô ấy phơi tuổi thanh xuân, hong khô quãng thời gian thuần khiết nhất của tuổi trẻ, cất kỹ vào hành trang kỷ niệm cho sau này.
Từ khi học phổ thông, tôi không còn được ngồi cạnh cô ấy nữa. Tôi không biết khi ấy, có phải cảm giác đã có là yêu hay là cảm nắng. Chỉ biết rằng, tôi luôn nhung nhớ cô ấy, dù ở ngay bên cạnh. Luôn tự hỏi mình, cô ấy sẽ nghĩ gì, thích gì và có mơ nào cho tương lai… Nhưng khi ấy, tôi đã không dám hỏi Lam. Bởi tôi còn quá nhút nhát, luôn khó khăn để nói ra những lời muốn nói khi gặp cô ấy.
Ngày ấy, chúng tôi thường dùng Yahoo với những nick sặc mùi ẩn danh. Tôi đã kết bạn với cô ấy với cái tên - Tiếng mưa. Bởi lẽ tôi thích mưa, thích những chiều mưa chở Lam trên chiếc xe đạp để những giọt mưa tan nhanh. Cũng có thể khi ấy, tuổi thanh xuân đẹp như những hạt pha lê, trong sáng, đầy hồn nhiên…
Cho đến khi tôi nảy sinh ra ý tưởng sẽ viết thư..
Tôi rời khỏi chiếc ghế. Đến lúc này, tôi mới cầm tập giấy mà cu Hớn để trên bàn. Đó là những lá thư mà Lam đã trả lời tôi trong suốt ba năm học trò. Không biết cô ấy có còn giữ hay nhớ đến những lá thư mà tôi viết.
Từng nét chữ nguệch ngoạc trong lá thư gợi cho tôi một cảm giác bâng khuâng, nhung nhớ. Khoảng thời gian ấy, Lam trả lời những lá thư của tôi bằng một giọng khác lạ, khác cách nói chuyện mà tôi biết. Một cô gái nội tâm, chất chứa những ước mơ và hoài bão và cả những trầm tư mà đáng lẽ cái tuổi ấy chưa có.
Những bức thư, tôi thường để dưới gầm bàn và lấy tên Tiếng mưa. Điều lạ là cô ấy cũng không thắc mắc, tôi là ai? Và tôi là người như thế nào, cô ấy tâm sự như thể tôi là một người bạn lâu năm của cô ấy. Cô ấy không thắc mắc, nhưng tôi thì khác, băn khoăn đến khó tả… Ngộ nhỡ cô ấy tưởng nhầm thằng tiếng mưa là người khác, thì có phải tôi đã mất bao công sức vô ích.
Tôi cười.
Tự cười mình khi nghĩ lại sự ngây ngô, ngốc nghếch đến khó tin mà tôi đã từng có. Và sự ngốc nghếch ấy còn thể hiện bằng hành động khôi hài. Đó là một giờ ra chơi, khi nhìn thấy Lam đọc bức thư ẩn danh và cười… Trong bức thư ấy, tôi viết sẽ chở Lam bằng xe đạp tới bất kỳ đâu cho đến hết đời. Nhìn thấy Lam cười, bất giác trong tôi thấy khó chịu một cách vô cớ. Cô ấy cười với một kẻ lạ mà không phải tôi, một suy nghĩ chạy dọc sống lưng, khiến tôi không giữ được đôi chân chạy đến cạnh cô ấy.
Khi ấy, tôi đã giật bức thư Lam đang đọc và xé nó vụn vặt thành nhiều mảnh. Lũ bạn không hiểu tôi đang làm gì, chúng nhìn tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Còn Lam, trong đôi mắt của cô ấy, dường như đang kìm nén những giọt nước mắt không rơi. Nhìn thấy vậy, tôi càng điên hơn, tức giận xé nát bức thư, dù nó đá nát tới mức vụn vặt thành từng mảnh nho li ti.
Lam giận tôi, cô ấy không nói chuyện với tôi trong nhiều ngày.
Mỗi ngày chở Lam trên chiếc xe đạp, cảm giác nặng nề, hối lỗi lại đè nén tôi từng giây phút… Cho đến một ngày tôi cũng đủ dũng cảm để nói lời xin lỗi Lam, khi cô ấy đang phơi tóc trong gió.
“Lam…cho tớ xin lỗi nhé.”
Cô ấy im lặng.
“Lam…tớ xin lỗi thật lòng mà.”
“Cậu xin lỗi vì điều gì cơ?”
“À… vì đã xé bức thư hôm nọ.”
“Sao bạn lại xé bức thư?”
Tôi lấy hết can đảm để nói sự thật.
“Thì… tớ muốn chở cậu đi bất kỳ đâu, suốt cuộc đời này. Không phải là thằng nào khác và cũng không muốn cậu cười với thằng nào khác, ngoài tớ.”
“Sao cậu biết bức thư viết như vậy?”
Lúc ấy, tôi giật mình nhớ ra, bức thư đó ẩn danh. Tôi đã lỡ miệng và thật nực cười. Khuôn mặt đầy ngớ ngẩn của tôi biểu hiện lúc ấy, may mà Lam không nhìn thấy.
Lam khẽ cười.
“Tớ biết những bức thư là của cậu mà. Ai mà không nhận ra chữ xấu như gà bới của cậu.”
Tôi dừng xe lại, quay lại hỏi Lam.
“Thật à?”
Lam khẽ gật đầu, khiến tôi mừng rỡ như một đứa trẻ thấy bà đi chợ về. Tim tôi đập nhanh những tiếng thổn thức, nghẹn ngào.
“Bạn sẽ chở tớ đi đâu tớ muốn thật chứ?”
Cô ấy áp sát người vào tôi và vòng tay ôm chặt. Tôi luống cuống như một đứa trẻ, nhịp tim càng đập nhanh hơn, rạo rực một cách lạ kỳ.
Khẽ gật đầu, tôi thầm ước quãng đường về nhà sẽ xa hơn nữa.
Tôi và Lam đã yêu nhau, tôi cũng không chắc chắn lắm về điều đó. Bởi khi ấy, chúng tôi chưa từng nói lời yêu. Chỉ biết rằng, mỗi khi ở bên Lam, tôi thấy ấm áp và bình yên đến lạ thường.
Và dù có gần nhau, nắm chặt tay nhau mỗi ngày. Chúng tôi vẫn chưa từ bỏ những bức thư viết cho nhau. Ngay lúc này, tôi đang cầm từng bức thư với đôi tay run run, với cảm xúc nghẹn ngào khó diễn tả. Tiếng trái tim đang thì thầm những lời thổn thức của thời đã xa vắng…
Tiếng huyên náo bên ngoài cửa sổ của đoàn học sinh đi học về, khiến tôi giật mình. Tôi đã chìm đắm trong những bức thư của Lam, quên hết thời gian đang trôi. Tự dưng tôi cảm giác thấy mình đã trẻ ra, thấy những kỷ niệm đã qua thật đáng trân trọng biết bao. Từng câu chữ trong bức thư khiến tôi như đang được sống lại thời đẹp đẽ, hồn nhiên và mát trong như những cơn mưa mùa hạ.
“Chú ơi…”
Tiếng thằng cu Hớn đang gọi tôi đâu đó. Tôi loay hoay tìm và không thể biết nó đang ở đâu.
“Cháu đây nè.”
Lúc này thì tôi đã nhận ra, nó đang ngồi vắt vẻo trên cây phượng. Tôi định kêu nó xuống, nhưng chợt nhớ ra ở cái tuổi của nó, tôi cũng đã từng trèo cây, hái hoa bẻ cành và có những kỷ niệm cho riêng mình.
Tôi cười với nó, rồi tìm đến kỷ vật cuối cùng, đó là cánh phượng đã ép từ khi còn là học sinh. Khi ấy là thời điểm mà tôi với Lam sắp bước vào kỳ thi Đại học. Lam chọn thi khối A. Còn tôi quyết định thi một trường khối C.
Không phải tôi muốn rời xa Lam, mà cô ấy đã từng khuyên tôi nên làm theo những gì trái tim mách bảo. Dù có ở xa nhau, chúng tôi cũng luôn hướng về nhau, luôn nhớ những cánh phượng vĩ.
Tay tôi nắm chặt cánh hoa phượng vĩ. Đó cũng là cánh thư mà Lam đã trả lời tôi bằng ba chữ ngắn ngủi, sau khi tôi gửi một bức thư cũng bằng ba chữ trên cánh phượng vĩ. Tôi nhìn cánh thư vẫn còn nguyên nét chữ, bất giác tôi cười và thầm cảm ơn tuổi thanh xuân đã có Lam bên cạnh…
“Chú ơi… nhìn cháu này.” Tiếng cu Hớn gọi to.
Tôi nhìn nó, Hớn đang thả tung những cánh phượng vĩ trôi theo cơn gió… Cảnh tượng đó khiến tôi chỉ muốn từ bỏ tất cả để chạy tới gặp Lam, để thực hiện lời hứa sẽ chở cô ấy đi bất kỳ đâu trên chiếc xe đạp đầy giỏ hoa phượng.
Năm tháng không quay trở lại… tôi xoè bàn tay đang nắm chặt cánh thư phượng vĩ, để gió cuốn đi những tháng năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân bay đi mãi mãi.
© Tác giả ẩn danh – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?