Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mẹ ơi, con mệt

2021-12-26 01:25

Tác giả: Chu Thanh Thiên


blogradio.vn - Mẹ ơi, giá mà mẹ có thể lắng nghe con, dù chỉ một chút thôi mẹ nhỉ, thì con đã không phải như thế này…

***

Tuổi thanh xuân vốn không hề nhẹ nhàng như người lớn vẫn tưởng. Có biết đâu chính những bậc làm cha mẹ lại khiến cho người người trẻ mang trong lòng những vết thương khó lành

Nó nhìn nó qua tấm gương vỡ, bốn con mắt nhìn nhau chòng chọc, những nét ngoằn ngoèo tạo cho mặt nó những nét đứt gãy đầy ám ảnh. Khuôn mặt trong tấm gương đó mỉm cười đầy khinh bỉ, một tia lấp lánh trong suốt trượt dài trên gò má, rơi xuống, nhập vào làm một với thứ nước màu đỏ đến ớn lạnh, phản chiếu lên thành bồn tráng men bóng loáng những hình thù kỳ quặc. Cảm giác đau đớn từ vết thương nơi cổ tay đang rỉ máu truyền đến, nó ra khỏi trạng thái mơ hồ, nhìn xuống. Một nét cười vẽ lên trên khuôn mặt xinh xắn. Giá như mà máu chảy ra nhiều hơn nhỉ? Sự mong muốn đến gần hơn với cái chết một cách mãnh liệt và điên rồ khiến nó chẳng thiết tha gì cả. Gia đình, học hành, tương lai, ngay cả sự sống cũng chẳng còn làm nó động lòng.

Ngoài kia, mẹ vẫn nói, nói hoài về những áp lực mà mẹ phải chịu, nhưng nước mắt và vết thương đau lòng của một đứa con gái bình thường có một bà mẹ tham vọng thì lại lướt qua không hề đếm xỉa tới. Hà Anh thấy đầu óc choáng váng, thân thể trong chốc lát như không trọng lực, rơi xuống một vực sâu hun hút. Nó thoáng thấy đau phía sau đầu, chắc là đã ngã đập đầu xuống sàn rồi. Hai mi mắt chỉ chực sập xuống, ánh sáng bóng đèn nhà tắm trở nên nhoè nhoẹt, nó chỉ thấy lộn xộn một vùng xám ngoét như cuộc đời chính nó vậy…

“Cô còn định đổ lỗi cho ai nữa?”

“Ý anh là tại tôi mà con bé như vậy?”

“Đúng đấy!”

“Tôi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ làm tròn bổn phận của một người mẹ, tôi có làm gì sai đâu.”

Tiếng cãi vã loáng thoáng bên tai làm đôi mày nó cau lại. Khẽ hé mi mắt nặng trịch, ánh sáng nhờ nhờ khá quen tràn vào mắt. Hai mắt nó nhấp nháy cho quen dần, rồi mở hẳn ra. Ập vào mắt nó là một màu trắng đầy quen thuộc và mùi bệnh viện đặc trưng mà nó đã phải ngửi không ít lần. Nhìn xuống vết thương nơi cổ tay đã được băng lại, nó cười mỉa mai. Chết hụt à? Nó cố tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của cuộc đời đầy phi lý này mà tử thần lại nhất định không thèm lấy mạng nó. Cố gắng ngồi dậy, cơ thể nó như mất hết sự sống, không còn chút sinh lực nào để nó có thể xoay chuyển tư thế. Hà Anh thả người tự do xuống giường bệnh, mệt mỏi và tuyệt vọng. Ngoài kia tiếng cãi vã chưa hề có dấu hiệu dừng lại, việc cố gắng lắng nghe chỉ làm nó thêm chán nản. Khẽ cử động những ngón tay, sự sống dai dẳng vẫn níu giữ nó lại ở thế giới đầy đau đớn này. Nước mắt tràn mi, tại sao không để nó chết đi, lại cứu nó làm gì? Nó có sống, cũng chỉ là sống những tháng ngày dài vô nghĩa chỉ biết đến học và học.

Tiếng cửa mở. Một người phụ nữ bước vào phòng, mang dáng vẻ của một doanh nhân thành đạt. Trên gương mặt xinh đẹp của bà lưu lại một nét lo lắng, bồn chồn và sợ hãi. Bà rảo bước lại giường bệnh, nhẹ nhàng ngồi xuống, cầm lấy tay con gái. Bà nói như gió thoảng, nhưng ghim sâu vào lòng đứa con những áp lực vô hình.

“Con đừng tưởng con muốn làm gì thì làm. Mẹ sinh ra con đấy nhé.”

“…”

“Mẹ làm gì mà con phải tìm đến cái chết? Người ngoài không biết lại trách mẹ nặng nề với con…”

“…”

“Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi…”

Nó đã rất muốn gào lên rằng nó đã rất mệt mỏi, nó không cần tốt hay gì cả, nó chỉ muốn nghỉ ngơi, rằng nó đã quá chán ngán cuộc sống bế tắc quẩn quanh chỉ có học và học như bao nhiêu năm nay nó đã sống. Nhưng cổ họng nó như có vật gì đó chặn lại, không sao cất lên lời, đành chỉ biết nhìn mẹ bằng ánh mắt ai oán, van xin đến đau lòng. Nhưng người mẹ mà nó rất thương yêu lại không biết, cúi xuống chiếc máy điện thoại, tập trung vào màn hình, hoàn toàn không để ý những giọt lệ tiếp tục lăn dài trên má nó. Mẹ ơi…

Người mẹ thông minh sinh ra đứa con gái ngốc nghếch thật đáng thương. Đứa con gái ngốc nghếch có một bà mẹ thông minh, luôn yêu cầu cao cũng thật đáng thương.

Sau những ngày nằm trong bệnh viện, cuối cùng Hà Anh cũng thoát khỏi cái nơi ngột ngạt đó. Nhưng nó biết nó sẽ phải về một nơi mà nó gọi là nhà, nơi mà ngột ngạt hơn, tù túng hơn, và cũng đáng sợ hơn. Ngôi nhà ấy rất đẹp, rất bề thế, và tràn đầy thứ tình thương nặng mùi ích kỷ và sĩ diện.

“Hà Anh, con không còn nghĩ đến mẹ hay sao, tại sao con lại làm như thế?”

“…”

“Chí ít thì con cũng phải nghĩ đến mẹ chứ, mẹ dù gì cũng là người sinh ra con, nuôi con bằng ấy năm trời, con nghĩ con muốn chết là được à? Hả? Mẹ chưa cho phép con chết, thì con không được có bất cứ suy nghĩ nào liên quan đến chết.”

“…”

“Hà Anh ơi, mẹ rất yêu con, mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi.”

Nó câm nín, không thể nói nên lời. Phải, nó cũng rất yêu mẹ. Nhưng sao mẹ có thể nói ra từ đó nhẹ nhàng và vô cảm như thế? Dường như lối thoát duy nhất cho nó thoát ra khỏi cuộc sống bế tắc này chính là cái chết… Nó run bắn người khi nhắc đến từ đó. Bên cạnh nó, mẹ vẫn nói mãi về tình cảm của mẹ. Nó biết điều đó chứ, còn gì có thể sánh bằng tình cảm mẹ  dành cho con. Giá mẹ có thể ngừng lại một chút thôi để lắng nghe nó, giá như nó có thể nói ra. Nhưng nói ra thì sao chứ? Mẹ nào có quan tâm, nào có hiểu nó đâu?

“Mẹ ơi! Con mệt…”

“Mệt thì mau lên phòng nghỉ đi. Con đã lớn rồi, làm gì cũng phải suy nghĩ, không thể tuỳ tiện được. Đừng để mẹ lo lắng nữa…”

“…”

Mẹ lại đi. Công việc kinh doanh đã biến mẹ thành một người phụ nữ thành đạt và có địa vị, nhưng con gái mẹ lại chỉ là một đứa con gái bình thường. Công việc đã cuốn lấy mẹ đi, cuốn luôn cả chút thời gian và sự lắng nghe vốn đã rất ít ỏi đi mất. Từ ngày mẹ và bố ly hôn, mẹ và nó vốn đã cách xa lại càng xa cách. Ám ảnh về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, mẹ tạo áp lực lên nó, dành cả tâm huyết để đào tạo nó trở thành một đứa con gái chuẩn “con nhà người ta” để xứng đáng với mẹ nó, xứng đáng là con gái của một tổng giám đốc.

Hà Anh tận mắt chứng kiến những buồn đau đi qua đời mẹ, tận mắt nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài khi ly hôn, tận mắt thấy gương mặt buồn phiền lo lắng vì công việc, vì việc học hành của nó. Vì vậy nó rất sợ phải nhìn thấy nét ưu phiền trên khuôn mặt mẹ, sợ phải nhìn thấy mẹ khóc…

Nhưng… nó cũng rất sợ mệt mỏi, sợ áp lực, càng sợ hơn những câu nói như cứa vào lòng của mẹ, rằng nó không thương mẹ… Chính vì vậy, nó chưa bao giờ một câu cãi lời mẹ, dù thế nào cũng nghe lời mẹ, chăm chỉ học đều tất cả các môn, dù mệt mỏi như nào chưa bao giờ cất một câu than thở, chưa bao giờ bỏ bất kỳ buổi học nào dù là học thêm hay học chính.

Nhưng nó cùng là một con người, nó cũng đã rất cố gắng, và cũng rất mệt mỏi rồi…

Hà Anh bước vào lớp với nét mặt tươi cười rạng rỡ. Ngay lập tức, cả đám con gái vây lấy nó, hỏi han bằng giọng lo lắng.

“Này, sao nghỉ học những một tuần thế? Bọn này nhớ bà lắm đấy!”

“Tuần vừa rồi lớp mình kiểm tra nhiều môn lắm, vậy mà Hà Anh không đi học, chẳng có ai nhắc bài cho cả lớp…”

Nó cười cười, bỏ cặp xuống.

“Tôi chỉ nghỉ có mấy ngày thôi, làm gì mà căng?”

May mắn sao, cuộc sống này vẫn có những người bạn.

Nhưng không hiểu sao nó vẫn cảm thấy cô đơn lạ. Như thể không ai có thể hiểu được cảm giác của nó, không ai có thể hiểu được những suy nghĩ, hoàn cảnh của nó… Bởi vì họ thật hạnh phúc…

Nó là một người hạnh phúc? Một căn nhà to, đi học có xe đưa đơn hàng ngày, mẹ là một doanh nhân thành đạt, nhiệt tình với các hoạt động của trường, lớp, bề ngoài khá là tâm lý. Nó lại là một học sinh ưu tú, diện mạo xuất chúng, ai cũng chơi và chơi cũng được, được thầy cô quý mến, bạn bè tôn trọng và yêu quý. Nó đang sống một cuộc sống của một học sinh trung học thực thụ, nhìn vào đều thấy đó quả là một cuộc sống thật đúng nghĩa với từ “thanh xuân”, nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ, ước ao có được cuộc sống như nó…

Hà Anh nhìn xuống vết thương nơi cổ tay đang có dấu hiệu liền lại, cười chua chát. Cuộc sống hạnh phúc ư? Cuộc sống của nó đang hạnh phúc đến mức nó không thể nào chịu nổi đây…

Điện thoại của nó rung lên. À, mẹ đang gọi. Nó đưa lên tai, trả lời bằng giọng ngoan ngoãn.

“Mẹ ạ!”

“Chút nữa mẹ sẽ đón con sớm nhé!”

“Ơ, tại sao lại thế ạ? Con đã nói với mẹ rồi, thứ 5 hàng tuần con có lịch họp câu lạc bộ mà…”

“… Câu lạc bộ?” giọng mẹ đột nhiên trở nên gay gắt “Ai cho con tham gia ba cái thứ vớ vẩn đấy? Tí nữa con có ca Hoá với thầy X ở trường chuyên lúc 17h30’ đấy. Liệu mà về cho sớm.”

Tiếng một người bạn vang lên làm nó giật mình.

“Hà Anh, bà làm sao thế? Mặt bà sao lại tái mét đi thế kia?”

“À à, thế… thế hả?” nó cười gượng “Có gì đâu. Dư âm bệnh tật vẫn hành hạ đấy.”

Nó cười xòa.

16h30’…

Tiếng trống trường vang lên, đám học sinh được “tự do” ùa ra ồn ào, náo nhiệt. Cả sân trường đang lặng lẽ với những vệt nắng cuối thu nhoè nhoẹt trong chốc lát đông đúc, nhộn nhịp như một buổi họp chợ vậy.

Hà Anh đi như người mộng du giữa đám học sinh đó, trước mắt chỉ thấy những vệt mờ mờ ảo ảo, chẳng rõ ràng hình nét. Đi nhanh lên nào, nó tự nhắc nhở cái chân của mình như vậy. Mẹ đang chờ ngoài kia, đợi mình về, để đưa mình đi học.

Đối với mọi học sinh, “học” là một điều gì đó vừa ngọt ngào vừa đáng ghét của cuộc đời, nhưng với nó đó lại là điều đáng sợ nhất. Nó sợ học hơn ai hết, nhưng chưa bao giờ dám phản kháng lại mẹ về chuyện này. Nó luôn tự nói với bản thân, mẹ chỉ muốn tốt cho mình thôi, mình cũng phải cố gắng vì mẹ như mẹ đã kỳ vọng vào mình.

Thời gian trôi nhanh một cách lạnh lùng và tàn nhẫn, còn nó thì không hiểu sao lịch học thêm của nó cứ càng ngày càng dày thêm, thêm mãi. Cũng không hiểu sao trên lớp nhiều lúc chỉ muốn gục xuống để quên hết mọi thứ, nhưng vẫn phải mở mắt hết cỡ để học. Bạn bè gọi nó là mình đồng da sắt, nhưng ai biết rằng để tỉnh táo như thế, nó đã phải uống bao nhiêu lon cafe mỗi ngày. Ai biết rằng, sau một ngày dài hết học chính lại đến học thêm, 10h đêm nó quỳ ở nhà tắm nôn khan vì nôn nao mà không thể ăn vào vì quá mệt.

Bạn bè trên lớp nhìn nó bằng ánh mắt ngưỡng mộ vì điểm số của nó luôn hoàn hảo, nhưng ai biết rằng nó phải trả giá bằng sức khỏe, thời gian của bản thân. Ngay cả thời gian tự thưởng để chăm sóc bản thân thôi nó cũng chẳng có, vì sợ chỉ cần rời bàn học là mẹ nó sẽ quát mắng, sẽ than thở…

Thời gian đi học đối với ai đó có thể là quãng đời đẹp đẽ thơ mộng và đầy kỷ niệm, với nó chỉ toàn là áp lực và nước mắt. Nó thông minh đủ để thừa hiểu những ao ước và tham vọng của mẹ thật quá đáng. Ai bảo cứ cha mẹ thông minh thì con cái phải xuất chúng, và cũng đâu có chuyện cha mẹ thất học không thể sinh ra những đứa con thiên tài! Nó gần như không có tuổi thơ để chơi đùa hay thư giãn. Ngày nào cũng phải học, phải nhồi nhét những gì nó còn yếu kém để mẹ không phải mất mặt với địa vị của mình, trong mắt người khác.

Trên trường, nó là học sinh ưu tú nhất, luôn nở nụ cười rạng rỡ khiến ai cũng phải ngưỡng mộ vì nụ cười của nó tràn đầy sức sống thanh xuân, nhiệt huyết, tươi tắn,

Ở nhà, nó tự ép xác bên bàn học, đến mức không còn thời gian để mà ăn, đến mức không thể đứng dậy nổi, lúc nào cũng căng thẳng tập trung vào bài học như chỉ sợ chỉ cần sao nhãng chút thôi thì sẽ không hiểu được bài học của mình.

Sáng hôm sau, nó lại đeo chiếc mặt nạ rạng rỡ đến trường…

Mười sáu tuổi, nhưng nó đã dành toàn bộ sức lực của tuổi trẻ để sống vì tính háo danh, sĩ diện của người mẹ mà nó yêu nhất trên đời… Nó đã cố gắng vì nụ cười của mẹ, vì những buồn đau mà mẹ nó phải chịu đựng khi bà còn trẻ…

Nhưng nó còn quá trẻ để gánh trên vai thứ gọi là “danh dự” của người lớn…

“Mẹ ơi,

Tất cả đều nói con hạnh phúc. Vì sao? Vì họ thấy mẹ con là một người phụ nữ thành đạt, vì con có một cuộc sống sung sướng trong một căn biệt thự thật to, vì con học rất giỏi, nhưng ngay bản thân con cũng không biết hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là những ca học thêm triền miên, là nỗi lo lắng sợ làm mẹ buồn, là sự bất lực không thể phản kháng trước áp lực đến bất công và quá đáng mà mẹ đang tạo cho con hay sao?

Mẹ ơi, giá mà mẹ có thể lắng nghe con, dù chỉ một chút thôi mẹ nhỉ, thì con đã không phải như thế này… Giá như mẹ đừng lấy con làm tấm bình phong cho những hiếu thắng và ích kỉ của mẹ, thì con đã không phải đi vào ngõ sâu tuyệt vọng ngay từ sự khởi đầu của cuộc đời rồi…

Con đánh rơi mất rồi, sự mơ mộng, chân thành, ngốc nghếch của tuổi trẻ. Con đánh rơi mất rồi, quyền được sai và được làm lại của thanh xuân. Vì mẹ con phải trưởng thành, con phải lớn, con phải chịu áp lực…

Nhưng con mệt lắm mẹ ạ, con buồn ngủ nữa, mẹ cho con ngủ nhé…?”

© Chu Thanh Thiên - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Bạn có hạnh phúc không? | Radio Tâm sự

Chu Thanh Thiên

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top