Lá sầu đâu
2021-03-17 01:10
Tác giả: Văn Thành
blogradio.vn - "Thằng Lành đi mấy năm biền biệt, bây là con gái, cũng phải yên nhờ một tấm chồng chứ con". Hồng bị những cụm gió lao xao thổi qua miệng, khiến chúng khô sạn lại, chẳng thể kêu tiếng "Má" lần nữa. Nhưng nó vẫn lì với bà già: "Má nói sao chứ con phải chờ chồng con về, má đừng có lo cho con mà má".
***
"Trong tình yêu, chúng ta nhận ra người mình muốn trở thành. Còn trong chiến tranh, chúng ta nhận ra mình là ai". Một bản nhạc buồn day dứt để lại sau cuộc đời của người lính. Bi thương, ai oán và đầy lòng trắc ẩn sẽ được thể hiện qua hình tượng người lính mang tên Lành. Sau biết bao năm, ngày anh quay trở về cũng là ngày đau thương nhất mà trên ai hết, những người yêu thương anh phải gánh chịu nỗi đau ấy.
Cơn gió tháng Tám hãy còn xiêu, dữ tợn từng cơn và ồ ạt trên những nhánh me cao. Tiếng bìm bịp kêu chiều, gió lại rít thêm từng hồi và chiếm hữu lãnh thổ đất Mường U. Mưa trải hết đường, đổ thêm nước cho những chiếc gàu lớn đang giương mình ra hứng từng giọt một. Giờ thì mưa đã tạnh trên chòi lá, mà hơi nóng vẫn bốc lên hôi hám như loài bọ xít. Hồng đội chiếc nón lá mục ruỗng, cầm theo mớ tiền lẻ, Hồng ra chợ. Chợ Mường U thưa người mà chen nhau mới đáng sợ. Người dân ở cù lao thu hoạch hàng hoá, giao đến các chủ buôn ở chợ là nhiều, ít miệng ăn nhưng cơm áo đủ xài. Họ chen nhau bởi những thồ xe lớn, chất hàng đống thứ linh tinh: bột ngọt cờ-no, nước mắm, nước tương, dầu ăn,… nhìn hoài phát bực.
Hồng men theo bờ tre đến quán nước cù lao, đặt mông xuống kêu dõng dạc: “Ly cà phê Bảy ơi”. Những thanh niên trai tráng ngồi quán nước đánh bài thấy ham, mặt mài láo toét và miệng thì cứ càm ràm tiếng có tiếng không. Đàn bà mà uống cà phê, chúng nói thẳng thừng. Hồng cười ngượng, chuyện bao đồng mà nghe chi cho nhột lỗ tai. Một số khác thì mắt nhìn chăm vào những mặt báo cũ mèm, đáng được vứt đi. Họ tìm đọc về vụ tai nạn ở Mường U, chuyện thầy giáo trẻ xin về dạy ở cù lao hay cụ già bị con cháu ruồng bỏ, nghe chán phèo. Có hôm Hồng ghé chợ, mua 500đ bột ớt, 1000đ tỏi, mua những thứ tạp nham hằn đợi phong thư buồn thiu ghé đến. Người ta đồn đại thằng Lành chết bay mạng ở chiến trường rồi, quan ngại hay lo âu gì nữa cho chồng chất. Nó cười nhếch mép cho qua, định kiến ở cù lao chiếm đông hơn tỉ lệ học sinh biết chữ, nó nghĩ vậy rồi cắp nón bước đi.
Chiếc ghe gập ghềnh trên sóng nước, lướt qua những bụm nước và bị chẻ ngang bởi lát cắt của ngọn gió thổi xuôi về Tây. Lại có hơi thở từ lòng đất, những vụn sắt hoen gỉ nằm trấn giữa đường. Mưa dột trên mái lá vào những buổi chiều, những giọt nước trong vắt rơi xuống rãnh đất. Lành mặc áo lính, đôi chân trần phong phanh, vai áo gắn quân hàm hạng thiếu uý. Lành theo đồng đội về lại Mường U thăm má và em Hồng. Lành nhớ đất, thèm hơi ấm khi đi ngang bồ lúa. Chiếc lược khắc bằng gỗ đề “Thương nhớ em Hồng” vắt bên nửa túi quần sau, đồng chí ngó bên rào thấy người con gái xoã tóc cạnh vạn nước. Đắc chí hô to tiếng "Hồng". Hồng day dứt nghe tần ngần tiếng người đồng chí. Hồng hơi nhếch người, đôi tay phẩy những kẻ nước cho ráo lại. Nó hướng về phía Lành, đứng chết lặng, giá mà nó biết phương hướng để dịch chuyển tấm thân mảnh khảnh. Thấy ánh dương như sắp sụp xuống, Lành bạo dạn mở rào khẩy khẩy bước vào trong. Hồng lúc này mới dám ôm Lành bằng cái ôm ngây dại, vầng trán trau lại làm trồi lên vết chàm và đôi vai rũ xuống hằn che đi sự vụn vỡ của năm tháng.
Lành kể Hồng nghe về đời lính, mang máng là bụi trần, hoang phí nhưng phải nhiệt thành. Lành vờn mái tóc mây của Hồng để những sợi dài, sợi ngắn cắt mình vươn ra gió. Lành ngắm đôi mắt nhung huyền của Hồng hãy còn trong và sâu lắm. Lành nói chỉ còn ở lại đây re rắt từng giây. Lành hỏi má đâu, Hồng không thấy điểm tựa để bám víu, nói má đi lên huyện xa mai mới về. Nghe câu nói chua xót như bâng quơ, Hồng lụi hụi chạy sau chái bếp lấy chiếc khăn tay thêu đôi uyên ương màu đỏ tía. Hồng nói Lành cất kỷ, sợ mai này ra mặt trận Lành quên. Hồng gói chiếc khăn trắng vào tay Lành. Anh đồng chí hì hụt mở ra, nhìn đăm chiêu vào chiếc khăn với cái cách thưởng thức say mê của người lính. Lành đã nhiều phen dúi chiếc khăn trao lại cho Hồng vì sợ những đường chỉ mỏng như tơ bung ra rồi vỡ lỡ, ắt khó khâu lại được. Hồng nói anh cứ giữ đi, dù sao thì em cũng trót khâu rồi. Lành nói khoan, cặm cụi lục túi sau lấy chiếc lược rồi day qua Hồng. Hồng hỏi anh tự làm sao, Lành buông tiếng “ừ”. Hồng mò mẫm chiếc lược trên tay và thưởng ngoạn những đường khắc tinh xảo của người đồng chí mặc quân phục. Hồng bảo anh có tài rặc ri với ba anh, cũng mặc áo lính giống như anh nhưng ông già đã hi sinh khi vẫn còn sỏi lắm.
Hồng nắm chặt lấy lòng bàn tay anh. Tay Lành đã bít kín những hơi thở từ lòng đất và giờ len lỏi mùi hoa cúc trắng. Hồng bảo: “Ngón trỏ này sao tới tận 4 đốt, chắc anh tài lắm”. Hồng nói anh đi mạnh giỏi, gương mặt hóc hác hướng về chiếc tàu lá, môi mím chặt. Lành cắp ba lô lên, đội nhanh chiếc mũ, chỉnh lại quân hàm. Lành lên ghe và nghe tiếng động đậy từ những tán cây bần khi chiếc thuyền de khỏi bờ lá. Hồng rào lại cánh cổng bọc nứa, chỉ dám nức nở khi biết mạn thuyền đã xuôi một lần nữa ngược về Đông...
Vào khoảng chừng 5 năm sau, Hồng thấy một dãi sương mờ loang loáng thoảng mặt hồ. Má Sáu giăng cánh võng mắc từ thân cây xoài qua tới cột nhà. Má ngồi lựa từng lá sầu đâu, vò vỏ bên thúng lá rồi từ xa kêu tiếng "Hồng". Hồng kêu má cứ ngồi yên một chỗ. Hồng lấy tàn lá sầu đâu chà lên đầu gối sưng phù của má Sáu. Rồi rầy bà già sao để ra nông nỗi vậy. Má Sáu hít hà, trau mày nhìn song song hàng dừa nước, má nói: “Đi mua đồ xa, về vấp té nên ra vậy". Hồng dặn má đi đứng khẽ khàng, có mện hệ gì nó chịu chui xuống đất. Bà già tặc lưỡi, chua chát ở vòm họng, lại lục tìm những chiếc lá sầu đâu mồ côi èo uột trong rỗ. Ngồi hồi lâu, nóng giãy giụa, bà già mới chịu tra gạn khi xực nhớ rằng con Hồng đã gần ba mươi. Từ dạo Lành đi lính đến nay là 5 năm hơn, Hồng vẫn còn xếp gối đợi chồng về. Bà già kể mỗi đêm thấy nó ngồi bên ngọn đèn chông viết huỵch toẹt vài đường mực, thấp thỏm lên giường khi thấy bà già trộm nhìn. Hồng gửi điện tín báo về cho Lành. Thư nhận về chỉ được một, hai ba tờ giấy bị nhoè vì đường mưa trải khắp Mường U. Một số thì mặt chữ còn rõ, nhưng những đường chữ sao hệt như những lời trăn trối phù phiếm, trách thân trách phận.
Có ngọn gió mù u thổi ù qua tai, lạnh gáy sống lưng. Má Sáu chà cho nhừ những tàn lá sầu đâu trên đầu gối, nhấc đôi chân nặng nề lên cánh võng, lúc này bà mới dám nói. Bà già kêu Hồng bưng chén chè trôi lên bàn hương cúng Ông. Tiếng thở như nhào nặng từ thứ bột dày cộm, thoát ra khỏi lỗ mũi nghe nổi da gà. Bà già gác cổ tay lên trán, khuyên Hồng đi kiếm người chồng mới để yên bề gia thất đi. Hồng mới gạt ngang, cãi bà già rằng nói quỡn, bông đùa hay sao. Bà già kể lể: "Thằng Lành đi mấy năm biền biệt, bây là con gái, cũng phải yên nhờ một tấm chồng chứ con". Hồng bị những cụm gió lao xao thổi qua miệng, khiến chúng khô sạn lại, chẳng thể kêu tiếng "Má" lần nữa. Nhưng nó vẫn lì với bà già: "Má nói sao chứ con phải chờ chồng con về, má đừng có lo cho con mà má". Bà già lại thở hốc lên một tiếng nghe chán quá, phù phịt nói: "Tao coi bây như con ruột chứ có phải con dâu đâu, tao cũng muốn cho bây có một người chồng để sau này đỡ khổ". Bà già thôi không nói nữa, làm Hồng trốn tít ở sau nhà. Đợi khi bọn gà vườn loắt choắt nhảy chân sáo, rủ nhau ra vét hết cám ở mé sau thì Hồng mới dám lên. Đám mục đồng ra về trễ, lục lọi những đồng tiền lẻ nhem nhuốt và phì cười. Chúng cười vào mặt những ông nghiện bài, say rượu khi té xuống đường mương và những lần trượt ngã từ triền dốc của nông phu gánh lúa về.
Một chuyến đò đưa lại neo đậu bến cũ, trước một căn nhà tranh có mái che. Người đồng chí mặc áo lính tự xưng là Quân bước hì hụt xuống bờ đất. Vai trần mang cắp táp trên lưng, nhiều phen dịch người để phóng thẳng lên bờ. Hồng cắp giỏ đi mua mắm cho má Sáu, thấy người bộ đội mặc quân phục tựa tựa Lành. Hồng vờ nghi thoáng qua, mới bạo dạn hỏi bâng quơ: “Chú tìm ai ở chốn này”. Quân nói chứ “Tôi tìm em Hồng và má Sáu”. Trong chính cái ngu dại vỡ nát của những lần chờ đợi héo úa, Hồng đã hiểu rằng người bộ đội ấy không phải là anh Lành. Hồng cười ngượng, hằn che đi cái nhuốt nhơ từ những phen nuốt nước bọt và trau mài căng thẳng. Hồng hơi nghiêng quai nón, cởi chiếc nón lá, thổi vô phương những tán lá trúc ven rào. Hồng mời anh vào nhà thăm má. Bà già đang trám bánh sau vườn nghe thấy tiếng thù thì của đám người phiền phức phía trước, bà nhỉn mông bước đi. Quân chạy đến quỳ dưới chân má Sáu, hai tay vòng qua hết eo, ôm má vào lòng. Bà già hớt hải đứng lặng, nhìn thấy khuôn mặt đỏ hon của máu mủ đang quỳ gối dưới chân mình, nước mắt bà già lại tuôn. Má Sáu vuốt lưng Quân khi nó tựa đầu vào đùi bà già. Quân đỡ má Sáu xuống cánh võng, nắm lấy đôi bàn tay đồi mồi, dò dẫm từng đường tay bong tróc. Rồi bèo lấm tấm xanh, rau ngổ, rau muống mọc đầy, vươn những cái ngọn non nhuốt, trắng phau phau. Quân ngoi ngóp trong khoảng lặng, hai tay gạt nước mắt của má. Hồng thấp thỏm vùi mặt mình dưới vạn nước, trấn từng cơn một để nước quật mạnh hết cỡ vào da thịt. Chạy dọc từng hàng đước lao xao buổi ban trưa, khung cảnh trơ trọi mà sụt sùi nước mắt.
Má Sáu vào trong dọn cơm, ngoài này còn Quân và Hồng. Quân hất ba lô xuống thềm đất, dõi mắt tìm Hồng. Anh thấy Hồng đang mân mê những tàu lá chuối, chốc chốc lại thấy Hồng xé nát từng sợi một. Hồng sụt sùi khóc, nước mắt thấm trên những tàu lá chuối mục ruỗng. Quân lại gần hơn, thấy bộ dạng của Hồng tàn tạ quá, tê dại quá. Hồng phủi những sợi tóc tèm nhem, ướt át pha vào giọt lệ đài trang năm nào. Hồng tức lòng mình quá, buông câu hỏi trớ trêu: “Anh là ai? Sao anh lại giống hệt như chồng tôi”. Quân đã sẵn lòng đối mặt với lời trớ trêu ấy, hòng chờ đến lúc Hồng nín dứt mới bộc bạch: “Tôi là Quân, đồng đội của anh Lành. Các anh trong tiểu đội vẫn thường nói chúng tôi giống nhau từ hình dạng đến cả giọng nói. Rất tiếc, anh ấy đã hi sinh rồi chị ạ”. Hồng nín thật rồi, hơi thở của nó đã đong lại trong một nắm lá sầu đâu đắng nghét, nó nhìn mông lung, vô định. Nó cố tìm một chỗ dựa để bám víu lấy, nhưng rõ ràng là không có điểm tựa. Nó bị đánh lụi bằng một đòn roi của nỗi nhớ, phải chi nó mường tượng đến được. Hồng cất đi những vết sẹo từ cây roi vô hình, và lại trấn mặt xuống vạn nước để gột rửa…
Những nhánh cây lớn đã biết cách co mình lại khi nắng lưng chừng chiếu thẳng vào tán lá. Những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời… Hồng xoã mái tóc dài thẳng tấp, vuốt sang một bên. Anh múc từ trong vạn, anh gội đầu bằng gáo nước với lớp bọt lộng lẫy từ bồ kết. Hồng ngửi thấy mùi hương của làn tóc như những cánh hoa oải hương. Mái tóc mà ngày đưa dâu, Hồng theo Lành về đây, ít nhuốt nhơ và tơi tả như bây giờ. Má Sáu nấu xong bữa cơm, ra võng nằm đong đưa và trộm nhìn thấy đôi hàng lệ ướt sũn của Hồng. Bà già lại gác trán hoài nghi, bà già tự hỏi cớ làm sao Quân lại không hề có ngón tay 4 đốt. Má Sáu tháo ba lô xanh lăn lóc dưới cánh võng. Lục lọi thấy dung nhan thằng Lành trên một cái hũ đen quằn quại thu mình còn lại bằng cùm tay. Nhà có tang khi nào mà thấy má Sáu khóc còn hơn Hồng, cái tiếng não nề đứt ruột. Anh lính chiến coi như đứa bé đọt hỏn, nằm dễ chịu nghe bà già ngoài sáu mươi ru cho ngủ… ầu ơ…
Gió hiu hiu thổi về…
Mặt trời lịm sau hàng lau sậy, đám đàn bà đã thôi rủ nhau ra giặt áo ở bờ sông. Lại có tiếng cười hả hê của đứa con nít khi bắt trúng đài ra-đi-ô cổ lỗ sỉ. Hồng tiễn Quân về lại căn cứ, cảm ơn anh hết lời. Hồng nghe thấy mùi ểnh ương kêu sau vườn, chắc tới mùa nước nổi, nó đi lượm thượm và chợt thấy bà già đang ngồi mân mê hũ cốt. Nó run hết đôi bàn tay, ngộ nhận về quá khứ gian lao đi kiếm tìm mảnh ghép ngày xưa cũ. Thôi bỏ đi, quên đi, giờ chỉ là giấc chiêm bao lớn tồng ngồng đeo bám mà thôi. Có những dĩ vãng tầm thường, nhưng gặp lại chình ình trước mặt lại hết hồn.
Hồng chạy xấp xãi vào nhà lấy rỗ, thấy bà già vẫn còn rươm rướm nước mắt, nó thưa má đi vườn. Má Sáu hỏi đi đâu, nó nói đi hái lá sầu đâu. Má hỏi thằng Lành đi chừng nào về. Hồng bảo chưa biết nữa, đi lính mà, tới đâu hay tới đó. Nhưng chắc chắn có ghé biển. Lành đã chờ sẵn. Hải lưu chắc đưa tro của Lành đi khắp góc biển chân trời…
© Văn Thành - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Replay Blog Radio: Thương một người không cần những đắn đo
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu