Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bà tôi là người se duyên cho tôi đấy

2023-03-18 01:15

Tác giả: WINTER


blogradio.vn - Sau này tôi mới biết được, chính bà đã xin số điện thoại của thanh niên trẻ và gọi cho anh ta khi bà đến, và bị đau chân là vở kịch do bà diễn. Bà đã cố tình sắp xếp cho tôi gặp anh một lần nữa.

***

Năm tôi lớp 11, bà nội đổ bệnh khiến việc đi lại khó khăn, rồi còn bị ngã cầu thang bong mắt cá chân. Lúc ấy đang vào dịp hè, bố mẹ đi làm cả, nhà cũng chẳng có ai. Lúc ngồi trên xe cấp cứu đưa bà đến bệnh viện, tôi không sao kìm được sự sợ hãi và những giọt nước mắt đang chực chờ để tuôn ra. 

Tay tôi run lẩy bẩy như một bà lão 80 nắm chặt lấy tay bà nội, như rằng chỉ cần trong một khoảnh khắc bàn tay tôi không siết chặt lại trong một giây thôi thì bà sẽ buông tay tôi ra ngay lập tức. Bà nội nhìn tôi, cố cử động bàn tay gầy gò nhỏ nhắn và đầy những vết đồi mồi, ra hiệu cho tôi đừng sợ, muốn nói với tôi rằng bà vẫn ổn. Thấy cảnh đó tôi liền bật khóc thành tiếng lớn, mấy chị y tá bên cạnh thì giật mình, tưởng như có chuyện không hay xảy ra đến nơi. Lúc lau đi màn nước mắt, tôi thấy bà đang mỉm cười nhè nhẹ đầy yêu thương.

Bác sĩ thông báo cú ngã của bà chỉ làm bà bị trật chân, sau này cẩn thận một chút, ngoài ra không có gì quan trọng. Tôi lấy cớ bà nội đã già yếu, cú ngã vừa nãy rất mạnh ép vị bác sĩ kiểm tra cho bà thêm vài lần nữa để an tâm. Vị bác sĩ kia cũng rất chiều lòng người nhà, ông cũng cố kiểm tra những hạng mục mà tôi yêu cầu kiểm tra, nhưng tới khi tôi nhờ ông kiểm tra xem răng của bà tôi có bị ảnh hưởng bởi cú ngã đó không, ông liền bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt đầy phán xét và ngờ vực. 

Chị y tá bên cạnh còn che miệng cười, nhưng tôi lại thấy việc kiểm tra toàn bộ như vậy chẳng phải là rất cần thiết sao, huống hồ gì bà tôi năm nay cũng gần 80 rồi, nhỡ bị thương ở một chỗ nhỏ không ai nghĩ đến cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sau này. Vị bác sĩ kia có lẽ cũng đã chịu đựng tôi ít nhiều, liền lấy cớ phải nghỉ ngơi trước một ca phẫu thuật dài mà chuồn đi. 

ba_26

Tôi hướng mắt sang chị y tá bên cạnh khiến chị ấy đột nhiên giật mình, mặt liền tỏ ra vẻ bất an tột cùng, sau cùng thì chị cũng lấy cớ chăm sóc bệnh nhân mà chạy vào thang máy mất hút. Tôi đứng ngơ ngác giữa một hành lang bệnh viện trống không, tai truyền đến những tiếng ồn ào nói chuyện từ các hành lang bên cạnh. 

Tôi bước vào trong phòng thăm bà. Bà đang ngủ, những sợi tóc bạc bị những cơn gió lùa qua cửa sổ hất bay lên rồi lại nhẹ nhàng chạm vào má của bà. Tôi khẽ lấy chiếc ghế nhựa đặt xuống đất, ngồi ngay ngắn bên cạnh, ngắm gương mặt bà nội đầy hiền từ nhân hậu, mái tóc bạc phơ cùng thân hình gầy gò. 

Tôi bỗng thấy có lỗi với bà vô cùng. Nếu tôi không xuống phòng khách bật loa um trời lên, nếu như tôi nhận ra có tiếng chuông điện thoại vang lên thì bà đã không phải leo lầu xuống đưa điện thoại cho tôi, bà đã không phải trật chân ngã. Tôi ước gì người bị ngã kia là tôi, người nằm đây bây giờ cũng là tôi, cho dù hậu quả có gấp 10 lần hay 100 lần tôi cũng đồng ý. Đáng tiếc tôi là đứa đứng nhìn và rơi những giọt nước mắt vô ích. Tôi xoa xoa cổ chân đang được băng lại của bà, nhẹ nhàng kéo chăn lại ngay ngắn, rồi nhón bước thật khẽ ra ngoài để khỏi làm bà thức giấc.

Tôi bước ra ngoài, đi đến cuối hành lang, nơi có những ô cửa sổ gắn kính trong suốt to đùng hướng ra con đường đông đúc nhộn nhịp ngoài kia. Lúc trưa đường xá vắng tanh vì nắng nóng, nhưng trước cổng bệnh viện thì lại khác, ồn ào náo nhiệt, tiếng cười tiếng nói vang ngập trời như đang đi trẩy hội. 

Tôi nhấc điện thoại gọi cho mẹ, tôi cố giữ bình tĩnh, thật bình tĩnh mà thông báo. Giọng mẹ tôi cũng run run, nhưng dần trở lại bình thường khi nghe tôi nói bà vẫn ổn, bác sĩ nói cuối ngày có thể xuất viện. Sau đó tôi lại gọi cho bố, không hiểu vì sợ hãi hay tội lỗi mà giọng tôi lại run lẩy bẩy không kiểm soát, rồi bật khóc lúc nào không hay. 

Bố tôi nghe thấy tôi khóc thì cuống cuồng cả lên, âm thanh vang lên cũng bắt đầu run cầm cập. Tôi lau nước mắt, lấy lại bình tĩnh bảo bố mọi việc đã ổn, bà đã khỏe và đang nằm ngủ. Lát nữa tôi sẽ xuống canteen đi mua cơm trưa cho bà, mọi việc ở đây đã có tôi lo, bố cứ yên tâm làm việc tiếp. Bố tôi ừ, bảo rất tin tưởng ở tôi. Tôi cúp máy. Bố luôn tin tưởng ở tôi, mẹ tôi cũng vậy, bà tôi lại càng như vậy, nhưng tôi lại liên tiếp làm mọi người thất vọng. Tôi là con gái một trong nhà, còn bố tôi là con trai một trong gia đình có nhiều chị gái. Lúc sinh tôi ra thì sức khỏe của mẹ tôi vô cùng yếu ớt, khó mà sinh thêm một đứa nữa. 

ba_24

Trong nhà bắt đầu có người không thích mẹ tôi, nói ra nói vào. Trong đám giỗ ông nội còn cố tình bắt mẹ tôi làm nhiều việc, mà thậm chí lúc ấy mẹ tôi vừa sinh xong thì đã phải bê một nồi nước nóng to đùng. Mấy cô bác bên cạnh thấy vậy mà cũng chẳng ai ra giúp một tay. Chính bà nội tôi đã bênh mẹ tôi, mắng các cô ngồi nhìn một trận. 

Trong nhà cháu trai cháu gái đủ cả nhưng hiển nhiên tôi lại được bà cưng nhất. Ấy mà khi lớn lên tôi mới biết ngày xưa tôi đã bị ghét bỏ như nào, tôi quyết tâm chứng minh cho họ thấy rằng một đứa con gái như tôi thì cũng có thể mạnh mẽ không thua kém gì một thằng con trai. Chưa chứng minh được gì thì tôi đã gián tiếp làm cho “đồng minh” thân thiết nhất của mình ngã bong chân. Nghĩ đến đây tôi xấu hổ vô cùng.

Qua ô cửa kính nhỏ trên cửa tôi thấy bà vẫn đang say giấc. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế trên hành lang, tay bần thần ôm lấy mặt đầy tuyệt vọng. Tôi bật camera điện thoại, thấy đôi mắt đỏ lừ cùng cái đầu bù xù của bản thân hiện lên trông bần cùng đến lạ. Tôi vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo, rồi lại ra hành lang ngồi thơ thẩn một mình.

“Em đang làm gì thế? Đợi người nhà à?”

Một giọng con trai vang lên làm tôi giật mình. Hóa ra là một thanh niên trẻ với sơ mi xanh cùng quần tây đen. Chân đi giày da cũng đen nốt trông rất trẻ trung và lịch sự. Tôi nhìn lên mặt thanh niên ấy tầm chừng 2-3 giây, chắc mẩm tầm 25 tuổi là cùng.

“ À....e..m....em đang chăm bà bệnh”

Tôi bỗng thấy ngại vô cùng mỗi khi phải xưng “em” với một thằng con trai lạ.

“Bà em ổn không?”

“Ổn! Nhưng vẫn chưa kiểm tra xong! Bởi vì bà của em bị ngã cầu thang, mà cái cầu thang nhà em cũng khá dốc”.

Không hiểu sao tôi lại trả lời như vậy.

“Thế còn gì chưa kiểm tra vậy?”

“À, còn cũng khá nhiều! Mà.....anh là?”

“À! Anh là bác sĩ khoa thần kinh!”

“Trẻ thế mà là bác sĩ à?”- Tôi thầm nghĩ.

Anh ta không trả lời, chỉ bật cười một cái.

Bỗng dưng tôi muốn kết thúc cuộc hội thoại tại đây, tôi vốn không thích nói chuyện nhiều với người lạ.

co_gai_2

Anh ta bỗng ngồi xuống chiếc ghế kế bên tôi, đặt một xấp tài liệu khá dày xuống một chiếc ghế khác, nhanh nhẹn xắn lại tay áo. Không hiểu sao tôi ngượng chín cả mặt, cố nhìn đi hướng khác và cố tỏ ra vẻ ta đây không thân thiện.

“Nếu bà của em cần kiểm tra gì thêm thì cứ nói anh nhé! Anh sẽ giúp hết mình!”

Tôi im lặng không đáp, mắt ngu ngơ nhìn anh ta. Bỗng tôi nghe tiếng bà tôi ú ớ gọi tên tôi, tôi liền mở cửa xông vào trong. Bà tôi đã dậy, chỉ là không thấy tôi nên mới gọi, làm tôi giật cả mình. Tôi hỏi bà cảm thấy sức khỏe như thế nào, có bị đau chỗ nào hay cảm thấy khó chịu ở đâu không. Trước những câu hỏi tới tấp của tôi, bà tôi đánh nhẹ vào tay tôi, bảo tôi nói năng từ từ, coi chừng nuốt mất cái lưỡi rồi mà không hay.

Tôi xuống canteen mua hai hộp cơm cùng một ly nước ép rồi mang lên cho bà. Chị y tá bước vào, bảo tôi xuống dưới lầu đóng viện phí. Lúc trở lên thì tôi thấy có một vị bác sĩ blouse trắng cùng một cô y tá khác nữa đang hỏi han tận tình bà tôi. Tôi mon men lại gần, chẳng phải đây là thanh niên trẻ khi nãy hay sao?

Tôi ngồi ở ghế kiên nhẫn nhìn thanh niên kia thao tác chậm hơn cả con rùa lúc kiểm tra cho bà của tôi, trong lòng có chút nôn nóng. Sao sắc mặt anh ta lại nghiêm trọng đến vậy, lẽ nào đã có gì đó không ổn hay sao. Tôi quan sát vẻ mặt anh ta một lúc lâu rồi lao đến hỏi với vẻ cực kì hấp tấp. Thanh niên trẻ bảo cô y tá ra ngoài chuẩn bị cho ca phẫu thuật lúc chiều, tay ghi ghi chép chép thêm vài dòng nữa rồi mới bỏ khẩu trang ra nói chuyện với tôi.

“Bà em hoàn toàn bình thường!”

“Thế sao vẻ mặt anh lại nghiêm trọng vậy?”

“Không có gì. Tại anh chăm chú quá thôi, với lại ở đây ai cũng vậy”.

Tôi thở phào ra không thèm đáp. Cúi người vén tóc bà ra phía sau, mỉm cười hỏi bà có đói chưa, có muốn ăn chút gì không. Bà gật đầu bảo bụng đã réo lên từ lâu lắm rồi mà vẫn chưa được bỏ gì vào miệng. Tôi bật cười lên một tiếng “hì” rồi lấy từ bọc nilon ra một hộp cơm định đút cho bà ăn.

“Người bệnh nên ăn cháo chứ”.

Giọng thanh niên vang lên nhắc nhở.

co_gai_1

Não tôi dường như sau câu nói này mới được lắp vào, khó khăn lắm mới xử lý và hiểu hết những lời thanh niên kia nói. Tôi nhìn lại hộp cơm trong tay mình, lần nữa cảm thấy có lỗi vô cùng. Tôi im lặng, quay sang nhìn bà bằng đôi mắt ướt át, còn bà thì đáp lại bằng vẻ mặt đầy bao dung khiến tôi cảm thấy tội lỗi chồng thêm tội lỗi.

“Để anh xuống canteen mua cháo cho bà. Em không cần phải đi đâu!”

Thanh niên trẻ nói xong liền cất bước ra ngoài, tôi cũng chẳng buồn gọi lại, dự tính lúc anh ta đem đến thì trả cho ít tiền xem như tiền công đi. Tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh bà, lấy tay mình xoa xoa đôi bàn tay nhỏ bé đầy gân guốc của nội.

“Cháu bóp chân cho bà nhé”.

Tôi chạm hai đầu ngón tay lại thành một vòng tròn vào bắp chân của bà, vừa đủ một vòng ngón tay. Tôi quay ngoắt lên, ánh mắt giận dỗi.

“Bà vừa bảo lên kí mà cái chân lại nhỏ xíu thế kia”.

Bà cười khà khà cho qua. Tôi nâng nhẹ cái chân đang bó lại của bà lên đầy dịu dàng, khéo léo đấm chân cho bà chừa chỗ bị đau kia ra. Đấm mới chừng được vài cái thì thanh niên trẻ kia đã về tới, nhanh hơn tôi tưởng. Sau khi tôi nhìn lại cặp chân dài của thanh niên thì cũng không nghi ngờ gì về tốc độ này.

Thanh niên đặt hộp cháo xuống bàn rồi cẩn thận thổi từng muỗng nhỏ đút bà ăn. Tôi đang lúi húi lấy tiền từ trong ví ra, lúc quay ra nhìn thấy cảnh này thì há hốc cả mồm. Ấy thế mà bà tôi vẫn chịu cho thanh niên trẻ kia đút cho, còn luôn miệng cười bảo ngon lắm. Tôi ganh tị vô cùng, bỗng thấy thanh niên kia thật chướng mắt biết bao. Tôi hùng hổ đi đến chìa tờ hai trăm nghìn ra trước mặt thanh niên.

“Tiền hộp cháo cộng thêm tiền công cho mấy muỗng cháo anh vừa đút”.

Thanh niên ngơ ngác nhìn tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhẹ nhàng đặt hộp cháo xuống bàn, đẩy từ hai trăm lại phía tôi, ý từ chối.

“Anh không lấy đâu, lấy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Bà nội nhìn thấy tôi không hài lòng thì liền bảo thanh niên đưa hộp cháo cho mình tự ăn. Rồi còn bảo tôi đưa hộp cơm cho thanh niên kia để ba người cùng ăn trưa. Và cuối cùng tôi cũng có bữa ăn ở bệnh viện đầu tiên trong đời mình, mà không ngờ lại còn được ngồi ăn cùng bác sĩ nữa. 

co_gai

Sau khi ăn trưa thì thanh niên cũng phải rời đi để đến phòng phẫu thuật. Bà nội đã ngủ, tôi cũng bắt đầu thấy lim dim, đành gục đầu bên tay bà mà nhắm mắt. Cái nắng lúc trưa hôm nay không hiểu sao dịu đi rất nhiều, trong tai tôi thỉnh thoảng vang lên tiếng còi xe cùng tiếng cười giòn giã của mấy người bán hàng dưới cổng bệnh viện. Tôi mang tất cả những thứ đó vào giấc mơ trưa.

Không biết đã chợp mắt bao lâu, lúc tỉnh dậy tôi ê ẩm hết cả người. Tôi cố ngồi thẳng lưng, vươn vai rồi ngáp một cái thật dài. Bà tôi đã trở mình sang phía cửa và vẫn đang say giấc nồng. Cũng đúng, vì thường bà mỗi ngày đều ngủ trưa đến tận chiều. Tôi lấy điện thoại ra xem, đã gần 5 giờ chiều. Tôi lật đật chạy như bay xuống canteen mua cháo cho bà. Điện thoại vang lên, là bố mẹ gọi đến hỏi bà đang nằm phòng nào, tôi chỉ tường tận rồi cầm hộp cháo thong thả đi lên.

Tôi một mực đòi bà phải để tôi đút cho ăn, miễn cưỡng lắm bà mới đồng ý. Ăn được nửa hộp thì bố mẹ tôi cũng đến, bố tôi liền lập tức lao đến như muốn ngã khuỵu dưới chân bà. Bà nội vỗ vỗ đầu bố bảo không sao thì bố mới cố ngăn mình sắp sửa khóc.

Ở được tầm 3 tiếng thì bố mẹ tôi phải đi về do bị bà “đuổi”. Mẹ tôi đòi ở lại chăm bà nhưng bị bà từ chối vì mai còn phải đến công ty làm việc. Bố tôi bảo chẳng phải là bà không có gì nghiêm trọng nên được xuất viện ngay trong ngày hay sao, bà bảo là tại tôi sợ bà có chuyện gì nên đăng kí ở lại đây đến hết tuần. Đến khi bố đã bước ra khỏi phòng rồi thì tôi vẫn còn nghe được tiếng thở dài đầy não nề của bố.

Tôi giục bà đi ngủ sớm để dưỡng bệnh, còn mình thì ngồi lướt facebook một lát. Lúc sau vì chán quá nên tôi cũng lăn ra ngủ lúc nào không hay. Đến khi tiếng nói vang trời của mấy cô y tá làm tôi giật nảy cả mình, họ đang thông báo mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm thôi, ra lệnh cho những người khác mau chóng ra về. Tôi ngẩng đầu dậy, nhưng thế nào mà thanh niên trẻ kia lại nằm ngủ đối diện tôi vậy. Tôi thở dài một cái, lòng thầm suy nghĩ không biết có nên đánh thức anh ta không, nhưng nhìn cái cách anh ta ngủ ngon lành thế kia mà đánh thức thì cũng rất là tội lỗi. Thế là gần 30 phút trôi qua tôi ngắm cả 2 người nằm ngủ say mê trước mặt mình.

Một tiếng “rầm” vang lên, tôi cá là chiếc xe đẩy của mấy chị y tá va vào tường. Thanh niên kia thế lại mà tỉnh dậy, tay vuốt vuốt mặt rồi dụi dụi mắt mơ màng. Thực tình là đến lúc này tôi luôn tự hỏi bản thân tại sao lại còn cho phép anh ta ở đây.

“Xin lỗi, anh ngủ quên”

Thanh niên nói với giọng ngái ngủ. Tôi chăm chú nhìn biểu hiện trên khuôn mặt anh ta, gương mặt khá trắng bệch, đầu tóc bị vò rối lên, đôi mắt thâm quầng lộ rõ vẻ mệt mỏi.

“Sao lại ngủ ở đây ?”

Giọng tôi không có tí cảm xúc.

“Lúc nãy do mệt quá. Với lại từ phòng phẫu thuật đến đây gần hơn văn phòng của anh”

“Làm phẫu thuật mất bao lâu thế?”

“Hơn 5 tiếng”

Thanh niên xoa xoa gáy nói.

Tôi đứng dậy, lấy cho thanh niên ly nước ép tôi mua từ trưa nhưng không uống. Thanh niên khá ngạc nhiên rồi cũng nhận, trả lại cho tôi một nụ cười đền công.

em_361

Tôi có thói quen thức khuya, đêm nay lạ chỗ lại càng khó ngủ. Hơn 12 giờ đêm thanh niên đem đến cho tôi một tấm nệm nhỏ trông rất êm ái, bảo tôi mau đi ngủ còn bản thân thì ngồi xem một xấp tài liệu dài cộp. Tôi thầm nghĩ chắc thanh niên này học hành nhiều quá nên đầu óc chắc chắn có vấn đề rồi, anh ta lại còn thuộc khoa thần kinh, có khi khám cho mấy bệnh nhân thần kinh riết rồi bản thân cũng bị bệnh luôn. Chứ ai lại đi tá túc ở phòng bệnh nhân thế này được. Tôi nghĩ chắc bản thân tôi cũng điên luôn rồi, vì chẳng đuổi cổ anh ta ra ngoài ngay lập tức.

Nguyên đêm qua tôi hầu như chẳng ngủ được, một phần vì khó ngủ, phần còn lại là để canh chừng thanh niên kia. Mới sáng tinh mơ mà anh ta đã đi đâu ra ngoài rồi. Tôi tiến lại gần bà nội, bà vẫn đang nằm ngáy khò khò. Tôi vào nhà vệ sinh rửa mặt súc miệng, lúc ra thì đã thấy bố mẹ mang một vali đồ đạc và đồ ăn đến rồi phải rời đi ngay để kịp giờ làm

 Tôi bày thức ăn ra chiếc bàn nhỏ rồi đợi bà dậy cùng ăn chung. Căn phòng bắt đầu đón những tia nắng đầu ngày đầy dịu nhẹ. Tôi kéo hết rèm cửa ra như muốn bắt trọn cả ánh Mặt Trời lúc này vẫn còn êm ái kia. Tôi rướn người, mỉm cười một cái chào buổi sáng. Quay lại thì thấy thanh niên kia đang đứng cạnh giường của bà, lần này có thêm một chị y tá. Xong xuôi anh ta lại bảo chị y tá ra ngoài, còn mình thì ngồi lì trong phòng. Ngay đúng lúc tôi định đuổi anh ta thì bà nội chợt thức giấc. Tôi đành để anh ta ở lại, xem như tôi thuê đứt anh ta trong mấy ngày này.

Vẫn như ngày hôm qua, anh ta lại đến đây ăn chực và ngủ ké. May mà bố mẹ tôi mang cả một núi đồ ăn, nếu không một miếng thôi anh ta cũng đừng hòng ăn được. Ngày cuối bà ở lại bệnh viện, thanh niên đề xuất kiểm tra tổng quát lại một lần nữa trước khi xuất viện. Lần kiểm tra này lâu hơn tôi dự tính, kéo dài tận mấy tiếng đồng hồ, tôi ngồi chờ mà sốt cả ruột gan lên. May thay kết quả kiểm tra rất tốt. Đêm cuối ở đây, tôi ngồi xếp đồ đặt ngay ngắn vào vali, ngày mai bố tôi sẽ lái xe đến đón. Thanh niên kia lại bước vào. Lúc này bà tôi đã ngủ say, anh ta nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi, chăm chú quan sát tôi xếp đồ. Tôi có chút không thoải mái, định cất giọng hỏi anh ta lần đầu thấy người khác xếp đồ à.

“Ngày mai em về anh sẽ buồn lắm đấy!”

Tôi không đáp, chỉ nhìn anh ta. Lòng tôi thầm nghĩ chắc anh ta buồn vì hết đồ ăn chứ gì.

“Em rất dễ thương, em cho anh cảm giác rất quen thuộc”

Tim tôi đập thịch lên một cái, thanh niên này mà lại đang khen tôi à.

“Và bà của em cũng cho anh cảm giác như người nhà vậy”

Tôi chớp chớp mắt, bà của tôi khi nào biến thành bà của anh vậy? Có lẽ thanh niên cũng hiểu ý của tôi, miệng mấp máy bồi thêm mấy chữ.

“Bà anh mất rồi, lúc bà anh mất anh còn đang trong phòng cấp cứu”- 

Tôi nghe giọng thanh niên chùng lại đầy nặng nề, pha chút hối hận tột cùng. “Cuối cùng ca phẫu thuật đó thành công, anh cứu sống được mạng người khác nhưng lại không cứu sống được bà của mình”.

em_12

Trái tim tôi như có một vết xước nhỏ, tôi xịu mắt nhìn thanh niên, không ngờ thanh niên lại có quá khứ buồn đến vậy. Nếu anh ta chịu nói sớm thì tôi đã cho anh ta “mượn” bà nội vài ngày rồi. Trong mấy ngày ở đây, ngày nào anh ta cũng nói chuyện cười đùa với bà của tôi cả.

Tiếng chị y tá lại vang lên, thúc giục anh vào phòng phẫu thuật. Tôi nghĩ ca phẫu thuật này ít nhất cũng phải kéo dài hơn 5 tiếng.

Tối hôm đó anh ta không đến ngủ nhờ nữa. Sáng hôm nay thức dậy cũng không thấy anh ta đâu, tôi thấy lòng bỗng thiếu thiếu cái gì. Sau câu chuyện hôm qua khiến tôi thấy anh hoàn toàn khác. Nhìn bề ngoài có vẻ khá lạnh lùng nhưng bên trong lại là một con người hòa đồng, và sâu bên trong nữa là một trái tim đam mê bất tận với nghề nghiệp cùng một nỗi đau đớn tột cùng.

Tôi kéo vali ra cổng bệnh viện, nhìn bố đang cất vali vào cốp xe, lòng tôi thấy tiếc vô cùng. Đột nhiên bà tôi bảo muốn đi vệ sinh nên tôi phải dẫn bà vào lại bệnh viện. Lúc đi trở ra thì lại gặp thanh niên đang từ xa chạy đến, thở không ra hơi. Anh trao cho tôi một hộp thuốc, bảo là rất tốt cho xương khớp người già. Tôi nhận nhưng chẳng nói nổi một lời cảm ơn, có chút không nỡ rời đi. Quả thực là sau khi biết câu chuyện về cuộc đời ai đó, bạn không thể đối xử với họ theo cách bạn đã từng làm được.

Tiếng xe rồ lên tiến vào dòng người tấp nập. Tôi nhìn đến khi bệnh viện đã khuất khỏi tầm mắt. Bà nội ngồi cạnh khẽ xoa đầu tôi rồi mỉm cười.

Về nhà được mấy ngày thì bà bỗng nhiên bảo chân đau dữ dội. Tôi hoảng loạn đưa bà đến bệnh viện trong sự lo lắng tột cùng. Chính vị bác sĩ kiểm tra cho bà tôi lúc đầu đưa kết quả xét nghiệm cho tôi, ngay lúc tôi vừa mở miệng ra nói thì ông đã chạy mất rồi, có lẽ ông lại ám ảnh về mấy lời đề nghị vô lý của tôi.

Tôi lặng lẽ cầm tờ giấy xét nghiệm của bà ra xem, cho dù không hiểu nhưng vẫn biết được kết quả hoàn toàn bình thường. Vậy bà tôi rốt cuộc bị gì chứ. Tôi đẩy cửa phòng bệnh của bà vào trong, thấy bà đang ngồi đung đưa chân ăn một miếng dưa hấu to đùng. Bên cạnh còn có thanh niên kia. Thấy tôi vào bà liền lập tức kéo kéo tay áo anh ta.

“Nó là cháu gái kiêm luôn cháu nội độc nhất của bà. Bà đây không thiếu cháu ngoại cháu nội, chỉ thiếu mỗi cháu rể thôi”

Sau này tôi mới biết được, chính bà đã xin số điện thoại của thanh niên trẻ và gọi cho anh ta khi bà đến, và bị đau chân là vở kịch do bà diễn. Bà đã cố tình sắp xếp cho tôi gặp anh một lần nữa. Tôi chỉ muốn nói là bà diễn đạt thật đấy.

“Anh là Trung. Anh có thể biết tên em không?”

“Em là Hạ! Rất vui được gặp anh. Lần nữa”.

© WINTER - blogradio.vn     

Xem thêm: Hạnh phúc là khi được cùng em già đi

WINTER

Người ta thường thương xót cho giọt nước mắt của công chúa, nhưng đâu biết rằng phù thủy cũng biết đau.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top