Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tình yêu tìm lại

2018-11-14 01:25

Tác giả:


blogradio.vn - Nó nắm lấy tay tôi, mười ngón tay đan lồng vào nhau, khắng khít. Tôi nhắm mắt, nghe nỗi buồn trải dài giăng kín cả tim…

***

blog radio, Tình yêu tìm lại

Ảnh minh họa: Walf's Kurai

Tôi về đến nhà lúc đồng hồ đã chỉ mười một giờ đêm. Má ra mở cửa, nghe gió quất vào mặt rát buốt mà nhìn tôi xót xa:

- Ngày nào cũng tăng ca vậy sao con?

Tôi vừa cởi chiếc áo khoác to lùm lùm, vừa cười cười bảo má:

- Có sao đâu má, tăng ca vầy cuối tháng mới lãnh nhiều tiền mà.

Má chặc lưỡi, hít hà:

- Vầy hoài sao được, mày sắp ba mươi rồi đó con…

Tôi không kiên nhẫn ngắt lời:

- Má!

- Rồi, tao hổng nói nữa. Ngồi chút cho ấm rồi vô ngủ với má con cái Thu đi.

Tôi quay qua hỏi má:

- Út Nhỏ còn sốt hông má?

- Còn chút chút. Thằng Tâm nó qua thăm từ hồi chiều, cũng vừa mới về xong. Tội nghiệp thằng nhỏ, nó ưng con Thu mà con Thu cứ từ chối hoài. Còn bay nữa, tuổi một nắm rồi rồi còn đi đi về về có một mình. Phải chi hồi đó, mày ưng thằng Phi…

- Má! - Tôi nhăn mặt, gắt khẽ.

Má thôi không nói, lụi cụi đi vào gian trong, tiếng thở dài vẫn còn cất trong lòng ngực. Tôi ngồi lặng trên ghế, nghe tim mình có gì đang trồi lên, nhức nhối.

Ba bỏ má con tôi khi tôi mới tròn tám tuổi. Cả cuộc đời này, tôi đến chết không quên cảnh người đàn ông ấy lạnh lùng bước lên chiếc ô tô nổ máy đang chờ sẵn, bỏ mặc tiếng khóc của má, tiếng gọi khàn giọng của chị em tôi. Mà thương làm sao, chị Hai tôi cuộc đời lại y chang má. Mười tám tuổi, chị về làm dâu nhà người ta, tới năm hai mươi tuổi, chị nước mắt ngắn dài bế con Út Nhỏ quay về ở với tôi và má. Ba người đàn bà sống nương tựa vào nhau trong căn nhà bé xíu nơi cuối con hẻm sâu thăm thẳm, mùa mưa nước ngập lênh láng và dột tứ tung. Má và chị Hai yếu đuối, hiền như bông điên điển bên bờ kinh mỗi mùa nước lớn nên tôi tự biến mình thành người mạnh mẽ, tôi tập làm tất cả những gì một người đàn ông cần biết, để che chở cho hai người phụ nữ tôi yêu thương hơn cả bản thân mình.

Năm tôi mười bảy tuổi, má dẫn Phi về. Cậu trai kém tôi hai tuổi, cao lêu nghêu với mái tóc rối bù. Phi là con trai dì Tám, bạn thân của má ở dưới Cà Mau, má nó gửi nó lên đây trọ học. Tôi càm ràm má, nhà mình đâu có khá giả gì, má sao toàn lo chuyện bao đồng. Má nhìn tôi, thở dài:

- Thằng Phi nó giống hai đứa bây, không có cha, giờ lại sắp không còn má.

Tôi im lặng, nghe gió thổi vù vù xuyên qua hàng cau đang đơm trái.

Vậy là Phi ở với chị em tôi. Má kê thêm cho nó chiếc giường tre ngay phòng ngoài, rồi tất tả may cái ruy đô che lại, quây tạm cho nó. Má áy náy biểu nó,

- Nhà bác không có rộng, bây ở tạm nghen.

Nó cười thật hiền, dạ, hổng sao đâu bác, như vầy là tốt lắm rồi. Đến ở ngày hôm trước, ngày hôm sau nó đã trèo lên mái, kéo lá dừa lấp lại hết những chỗ dột nước, còn ngồi sửa lại cái vòi rửa suốt ngày rỉ nước. Má với chị Hai quý nó lắm, chỉ có tôi đối với nó không mặn cũng chẳng nhạt. Có lần, thấy tôi lụi hụi sửa lại chiếc xe đạp cà tàng, nó nhăn mặt hỏi:

- Chị lúc nào cũng tự làm mọi thứ hết hả?

Tôi thờ ơ gật đầu, cũng không mặn mà tiếp chuyện. Nó giật chiếc cờ lê khỏi tay tôi, buông ra hai tiếng:

- Để em. - Rồi nhanh nhẹn tra cái xích đã trùng vô khớp cái rụp. Tôi rửa tay, vô bếp nấu cơm, lúc ngoái lại thấy nó nhoẻn cười với vệt dầu quệt ngang mặt mà thấy lòng có chút gì là lạ.

Nhà nghèo, cả ba chị em tôi đều kiếm việc làm thêm sau giờ học. Má nhận mối dán vàng mã, vừa làm vừa trông Út Nhỏ để chị Hai chạy chợ. Tôi với Phi đi xin làm chân chạy bàn ở quán cà phê trong phố, đi từ lúc nắng chiều chưa tắt tới khi đêm muộn mới về. Hồi đầu, má với chị Hai phản đối dữ lắm. Má với chị thương tôi, còn áy náy với thằng Phi. Chỉ tới lúc tôi dọa, nếu còn không cho tôi đi, tôi bỏ học đi làm công nhân luôn cho má biết. Má sợ tôi làm thiệt, đành phải đồng ý, mà lần nào trước khi đi làm cũng dặn dò cẩn thận. Phi cười cười, kêu có con lo cho chị Ba rồi, bác còn lo chi nữa, má mới thôi, còn bắt tôi hứa đi đâu cũng phải có Phi đi cùng. Tôi miễn cưỡng gật đầu, còn má lúc này mới mỉm cười, xem chừng hài lòng lắm.

Chớp mắt đã tới ngày tôi tốt nghiệp cấp ba, Phi cũng lên lớp mười một. Cũng ngày đó, má nó mất. Tôi theo má với chị Hai về tới Cà Mau. Đám ma nhà nghèo, rạp bắc đơn sơ, đứng chơ vơ bên cạnh dòng kinh lục bình dập dình nở tím ngắt. Đầu Phi chít khăn tang, mắt nó khô bong mà đỏ quành quạch. Nó đứng cạnh di ảnh má, vô thức cúi đầu chào những người đến viếng, hệt như con robot được lập trình. Má tôi ôm lấy nó mà nước mắt giàn giụa, mới có mấy ngày mà nó như già xọm hẳn đi. Khi chiếc quan tài được vùi vào trong đất, Phi ngồi bệt xuống, thẫn thờ như cỏ dại sau mưa. Tôi lại gần nó, khẽ kéo đầu nó gục vào vai mình, xót xa nghe những giọt nước mắt đang thấm vào bờ vai tôi lành lạnh.

blog radio, Tình yêu tìm lại

Sau đám tang, tôi quay trở về thành phố chuẩn bị cho kì thi đại học đã sát gần. Má kêu tôi bỏ làm thêm, tập trung vô mà ôn mà tôi không đồng ý. Cứ đi làm, đến đêm về tôi lại chong đèn ngồi học. Phi lên, nụ cười trên mặt nó dường như trôi đi đâu mất. Nó ít nói chuyện hơn, chỉ có ban đêm khi tôi đã vô bàn, nó mới lặng lẽ đưa cho tôi li sữa nóng rồi kiên nhẫn ngồi chờ tôi uống xong mới vén mùng chui vô giường ngủ tiếp…

Tôi đỗ đại học, chuyển vào kí túc xá ở cho tiện đi lại, đến cuối tháng mới về nhà một lần. Mỗi lần về, luôn thấy Phi ở nhà đợi sẵn. Lúc tôi đi, nó giành đeo cái balo đã nặng trĩu những đồ má với chị Hai tiếp tế, lặng lẽ đi cùng tôi ra bến xe buýt. Tới nơi, nó móc trong người ra chiếc phong bì, dúi vào tay tôi. Tôi mở ra, những đồng một trăm, hai trăm nghìn nằm thẳng thớm. Phi không nhìn tôi, chỉ ngập ngừng:

- Em mới lãnh lương, chị Ba cầm đi lo học.

Tôi ngẩng lên nhìn nó, bàn tay nó to bè chi chít những vệt chai sần bao lấy tay tôi, giọng nó nghe sầu muốn khóc:

- Chị Ba đừng từ chối. Giờ Phi còn có mỗi chị Ba…

Tôi nhìn ánh mắt nó đau đáu xót xa, lời từ chối nghẹn lại nơi đầu lưỡi. Tôi khẽ gật đầu, nghe nghèn nghẹn trong cuống họng.

Năm tôi hai mươi tuổi, Phi đỗ đại học. Nó chọn học chung trường với tôi. Phi học rất giỏi, kì nào cũng giành học bổng. Thằng nhỏ càng lớn càng đẹp trai, bao nhiêu người thích, thư tình gửi tới nó nhiều như nấm sau mưa. Mà nó cứ thờ ơ hoài, tôi hỏi nó cứ cười cười không đáp.

Năm tôi lên năm tư đại học, cậu bạn lớp trưởng đột ngột mở lời tỏ tình. Giữa sân trường rực nắng, xung quanh là hoa hồng kết thành hình trái tim thiệt đẹp, cậu ngỏ lời yêu tôi. Tôi không từ chối ngay lúc đó, vì tôi hiểu sâu sắc cảm giác bị cự tuyệt giữa đám đông là như thế nào. Giống như ngày ấy, giữa xung quanh chòm xóm chỉ trỏ, giữa tiếng khóc của má, tiếng gọi ba đến khàn giọng của chị Hai, người đàn ông đó vẫn lạnh lùng bước đi. Thời gian và không gian lúc ấy như dừng hẳn lại, mọi giác quan đều tê liệt, chỉ có nỗi đau là chân thực tới từng tế bào. Tôi trả lại bó hoa cho lớp trưởng sau buổi học cùng lời xin lỗi. Xin lỗi, vì tôi không thể yêu cậu, cũng như yêu bất cứ người đàn ông nào trong đời. Kể từ ngày người ba tôi bước đi, kể từ ngày chị Hai bồng Út Nhỏ quay về bên má con tôi với tâm hồn và trái tim rách nát, tôi đã không còn niềm tin vào tình yêu nữa. Cho dù không phải là cậu, mà với bất cứ ai, tôi cũng không thể mở lòng.

Tôi quay về kí túc xá trong cơn mưa hè sũng nước, giật mình thấy Phi đã đứng đợi tự lúc nào. Mái tóc rối bù, nước chảy thành giọt, lăn xuống gò má rồi dừng lại ở bờ môi đang run rẩy. Phi tiến lại gần, nắm chặt tay tôi, đôi mắt không che giấu nổi ánh nhìn hoảng hốt:

- Chị Ba, đừng nhận lời…

Tôi gỡ tay Phi ra, bình thản:

- Ừa. Chị Ba từ chối rồi. Đang bận học bận làm muốn chết, đâu có thời gian mà yêu đương chi. Mưa ướt thế này, không ở phòng lo học tìm chị chi?

Phi lúng túng không nói được thành lời. Nó ngập ngừng quay về, vừa đi vừa len lén liếc tôi. Tôi thở dài, dúi cho nó cái ô rồi lặng nhìn bóng nó cô đơn trong màn mưa giăng trắng xóa.

blog radio, Tình yêu tìm lại

Một ngày cuối năm, tôi bị xe tông lúc đang cắm cúi đạp xe trên đường sau ca dạy thêm buổi tối. Cũng còn may, chỉ bị gãy chân. Tôi nằm trong bệnh viện, má với chị Hai thương tôi cứ nhìn tôi mà nước mắt ngắn dài. Phi bỏ thi, chạy tới chạy lui lo giấy tờ. Tôi nạt nó hoài, mà nó làm như mắt điếc tai ngơ, còn kêu má với chị Hai về nhà, mọi việc để nó lo. Tôi làm mặt giận, nó cũng không để ý. Tôi ở lại viện khoảng vài ngày để theo dõi, nó cũng giành ở lại chăm. Đêm nó trải cái chiếu ngoài hành lang, nằm còng queo ngay sát cửa, tôi động một chút là nó bật dậy, nhìn thương hết biết. Đêm cuối trong viện, tôi giật mình dậy giữa đêm. Nhìn sang thấy Phi đang ngồi ngủ gục bên cạnh, đầu nó áp sát vào tôi, mái tóc hơi rối lòa xòa phủ kín mắt. Nó nắm lấy tay tôi, mười ngón tay đan lồng vào nhau, khắng khít. Tôi nhắm mắt, nghe nỗi buồn trải dài giăng kín cả tim…

Ra viện, Phi giành việc ngày ngày cõng tôi tới lớp, mua đồ ăn cho tôi. Nó dính lấy tôi như sam, nhiều lúc tôi phát cáu. Tôi nạt, kêu nó về ôn thi còn thi lại mà nó cứ ngó lơ, cho đến tận ngày tháo bột, tôi mới thấy mình dễ thở một chút. Cuối tuần, tôi với Phi về qua nhà thăm má. Nó lại lăng xăng sửa cái nọ, lắp cái kia bận rộn suốt một ngày. Buổi tối, chị Hai chờ Út Nhỏ ngủ say, rồi ra ngồi cạnh tôi trên cái chõng dưới vườn cau. Trăng sáng vằng vặc, gió thổi từ ngoài sông vào nghe mát rượi, văng vẳng cả tiếng ầu ơ. Chị vén tóc, ngó tôi đăm đăm một hồi, mới nói:

- Hân à, chị coi… hình như thằng Phi nó thương bây.

Tôi im lặng, vòng tay ôm lấy gối. Không phải tôi không biết, chỉ là tình cảm này tôi không muốn nhận, cũng nhận không nổi. Chị Hai lại hỏi, giọng nhỏ như tiếng muỗi kêu:

- Bây thì sao?

Tôi bặm môi, lắc đầu. Chị Hai thở dài, vươn tay vuốt tóc tôi, những ngón tay dài mảnh khảnh luồn vào tóc :

- Chị biết, bây nhìn má với chị, bây không tin ai nữa. Nhưng đàn ông có dăm bảy loại, đâu phải ai cũng giống ai. Thằng Phi nó thiệt bụng thương bây, bây đừng cố chấp nữa.

Tôi ngẩng đầu nhìn chị, nghe giọng mình khàn đi:

- Hai à, em thương không nổi. Nếu không thương, thà coi như đừng biết. Đàn ông trưởng thành còn khó nói, huống chi, Phi nó nhỏ hơn em hai tuổi. Em thà không tin, còn hơn tin rồi lại khổ.

Chị Hai lắc đầu, ánh mắt buồn rười rượi trải xuống mặt sông. Tôi úp mặt mình vào gối, nghe gió trong lòng đang vần vũ.

Năm tôi học năm cuối đại học, Phi giành được suất học bổng sang Úc. Buổi tối nó tìm tôi, hai đứa dạo bước trong công viên gần trường, nghe gió mơn man trên những cành cây xào xạc. Phi nắm lấy tay tôi, mắt nó nhìn tôi bỏng rát:

- Hân, chờ Phi được không?

Tôi giật mình hoảng hốt, cố gỡ bàn tay ra khỏi đôi tay nó đang xiết chặt:

- Gọi chị là chị Ba!

Phi vẫn cố chấp, giọng nói quyết liệt khác hẳn với ngày thường:

- Tôi không phải, cũng không muốn làm em Hân. Tôi thương Hân, thật lòng.

Nói rồi, nó ghì tôi thật chặt. Tôi vùng vẫy, chợt thấy môi mình bị cọ xát. Cảm giác giận dữ trào dâng trong ngực, tôi đẩy nó ra rồi vung tay tát thật mạnh. Nó sững sờ, còn tôi, cảm giác đau buốt từ lòng bàn tay truyền vào tim, rồi trào ra thành giọt nước mắt nóng hổi lăn khỏi khóe mi. Phi ôm má, cay đắng:

- Thì ra, tim em quả thật làm bằng đá, Hân à.

Nó quay lưng, thất thểu ra về. Tôi ngồi bệt xuống đất, ôm lấy ngực, thầm ước tim mình làm từ đá, để không phải thấy đau như lúc này.

Ngày Phi đi, tôi không tiễn. Tôi ngồi lì trong căn phòng kí túc nhìn qua cửa sổ. Nắng chiếu lên mặt chói chang. Tôi che mặt, nheo mắt ngước lên bầu trời trong vắt, thấy tim mình trống rỗng…

Tốt nghiệp, tôi làm sales trong một công ty nước ngoài. Thu nhập ổn, nhưng thường xuyên phải tăng ca về muộn. Má với chị Hai lo tôi đi làm xa, kêu tôi mướn nhà trọ trong trung tâm thành phố, nhưng tôi từ chối. Phi đi rồi, tôi không muốn ở thành phố một mình, về nhà với má, với chị Hai, với Út Nhỏ mới thấy lòng ấm áp. Phi đi, đều đặn vẫn gửi thư về hỏi thăm. Chị Hai nói, Phi bảo viết thư về cho má còn đọc, chớ Zalo, Facebook má già rồi hổng biết mần sao. Má với chị Hai cũng viết thư đáp lại, hỏi tôi có muốn viết cho Phi vài chữ không. Tôi lắc đầu, đâu biết viết gì đâu. Má nhìn tôi, mắt buồn rười rượi.

Mùa mưa, nước về lênh láng. Út Nhỏ phải vô viện vì sốt xuất huyết. Tội nghiệp con nhỏ, sinh thiếu tháng, bệnh triền miên. Năm nay nó mười hai tuổi, mà gầy nhẳng nhơ như đứa trẻ mới lên chín, lên mười. Má, chị Hai với tôi thay phiên nhau túc trực trong bệnh viện. Anh Tâm hàng xóm cũng theo lên cùng chăm cái Út. Cả nhà ai cũng biết anh thương chị Hai nhiều lắm, thương suốt mấy năm dài ròng rã. Mà tội, chị Hai khuyên tôi mở lòng với Phi mà với anh Tâm chị cứ xua đuổi hoài. Chị bảo tôi, đời chị lỡ dở một lần rồi, giờ chị chỉ sống vì con Út, vì má với tôi. Con chim bị bắn sợ cành cong, chị co mình lại không dám bước về phía trước, đóng chặt cánh cửa lòng với anh Tâm. Má khuyên hoài, chị không nghe, đành giấu kín nỗi buồn ở sâu trong lồng ngực.

blog radio, Tình yêu tìm lại

Đêm, má ở lại viện với Út Nhỏ. Mùa dịch, phòng bệnh đông nghẹt người, hành lang bệnh viện mùng mắc ken nhau dày đặc. Tôi về đến đầu hẻm, thấy anh Tâm với chị Hai đang nói chuyện. Không biết anh nói gì, mà chị tôi đưa tay lên chùi nước mắt, rồi quày quả bước vô nhà đóng cửa lại, chỉ còn anh đứng lặng bên hông nhà, mưa bay lất phất dính đầy lên tóc. Tôi nghe nỗi sầu héo hắt kéo lên, giăng cả một mùa mưa ướt đầm tê tái.

Tôi bước vô nhà, chị Hai trùm mền nằm trong giường, bờ vai run lên khe khẽ. Tôi ngồi xuống cạnh chị, kéo tấm mền ra khỏi mặt chị Hai, thấy mắt chị sưng đỏ. Tôi gạt giọt nước mắt đang lăn dài trên má, bảo chị:

- Sao phải làm khổ mình vậy Hai? Em biết Hai thương người ta, sao Hai cứ đuổi người ta hoài hoài. Hai như vầy, má với em khổ tâm lắm, biết hông? Út Nhỏ nó cũng lớn rồi, Hai để cho nó như vầy hoài sao được?

Chị Hai không nói gì, chỉ có tiếng thút thít không kìm được khẽ bật ra khỏi bờ môi khô nứt. Tôi nắm tay chị, nói tiếp:

- Hai à, Hai biết em không tin đàn ông, nhưng mà với anh Tâm, em tin ảnh thiệt lòng với chị. Người ta thương chị, chờ chị từ hồi con Út còn tí xíu. Gần mười năm trời rồi, chớ đâu có ít. Bằng đấy thời gian, nếu không thiệt bụng người ta đã lấy vợ sinh con từ lâu lắm rồi. Ảnh đối với con Út cũng đâu có khác gì ba ruột. Chị không nghĩ cho mình, thì cũng thương lấy con nhỏ. Đời chị em mình thiệt thòi vì không có ba, chị cũng đừng bắt nó giống mình.

Chị Hai bật khóc thành tiếng, những nức nở nghẹn ngào chen nhau trào ra, nước mắt đuổi nhau rớt từng giọt xuống gối. Tôi để chị khóc một lúc cho nhẹ lòng, tính đứng dậy thay đồ thì chị níu lấy tay tôi, đôi mắt sưng húp còn giọng thì khàn đặc:

- Hân à, có cái này Hai cần cho em biết…

- Nói rồi chị Hai dúi vào tay tôi một quyển sổ. Đúng hơn, nó là một quyển vở thời học cấp ba tôi vẫn thường hay viết. Tôi ngồi xuống giường, lật giở từng trang viết. Ở trang đầu tiên, là bức hình của tôi, được vẽ bằng nét bút chì mộc mạc. Tôi ngơ ngác nhìn chị Hai, chị quệt nước mắt bảo tôi:

- Chị tìm thấy trong chiếc hộp dưới gậm giường thằng Phi ngày trước.

Tôi giở trang tiếp theo, mỗi một trang là một bức hình Phi vẽ tôi, lúc tôi đang học, lúc tôi làm thêm, cả lúc tôi ngồi co mình trong gió. Dưới mỗi một tấm hình, là một chữ “Thương” được viết nắn nót. Trang cuối cùng, những dòng chữ cứng cáp đâm vào tim tôi nhức nhối:

“Tôi thương em. Thương từ lúc nào cũng không hề biết. Có lẽ từ lúc thấy em cứ gồng mình lên mà sống. Em không dịu dàng, không nhõng nhẽo. Em tự ép mình làm mọi việc mà không mở lời nhờ cậy. Em ép mình không rơi nước mắt trước má, trước chị Hai, chỉ âm thầm mà chịu. Tôi thương em, vì có lẽ em cũng giống tôi, tổn thương nhiều nên tự bắt mình mạnh mẽ. Nhưng buồn thiệt, tôi thương em như một người con gái khiến tim tôi rung động, còn em lại chỉ coi tôi như một đứa em trai. Tôi biết quá khứ đau lòng vẫn ám ảnh em, bởi vậy em từ chối mở lòng mình, cự tuyệt với tất cả những người có tình cảm với em, bao gồm cả tôi. Tôi không giận em tát tôi khi tôi hôn em, dù rằng đó là nụ hôn đầu đời của tôi, cũng như em là tình yêu đầu và duy nhất của tôi. Tôi giận mình chưa đủ lớn, đủ chín chắn để che chở cho em. Tôi giận mình yêu em chưa đủ nhiều để em có thể đặt niềm tin nơi tôi. Vậy thì, chờ anh Hân nhé. Cho anh thời gian để chứng minh rằng tình yêu của anh là thật, cho anh cơ hội nói với em rằng, Anh yêu Em!”

blog radio, Tình yêu tìm lại

Tôi gấp quyển vở lại, nước mắt đã lâu lắm không rơi bất chợt lăn xuống, rơi tròn xoe trên bìa vở. Hai xoa đầu, kêu tôi đi ngủ sớm. Tôi nằm xuống gối, thấy trong đầu mình tràn ngập nụ cười hiền như nắng của Phi.

Sáng hôm sau, mưa đã ngừng rơi. Mặt trời xuất hiện sau những đám mây, rải đầy nắng xuống sân vườn vẫn lấp lóa nước. Hôm nay Út Nhỏ ra viện, anh Tâm lên đón má với Út Nhỏ từ sớm, chị Hai với tôi ở nhà lo cơm nước. Chừng một lúc, đã nghe tiếng con nhỏ véo von từ đầu hẻm. Chị Hai chùi tay, tất tả chạy ra cửa ngóng. Con nhỏ thấy má, sà vô lòng, cười tít mắt khoe:

- Má, ba Tâm mua quần áo mới cho con nè.

Tiếng ba phát ra từ miệng con nhỏ ngọt xớt, làm người lớn sượng lại. Má tôi khẽ gắt:

- Út, sao gọi bác Tâm là ba? Bác đồng ý cho con gọi chưa mà gọi bậy gọi bạ vậy?

Con nhỏ quay lại, ánh mắt long lanh nước nhìn anh Tâm. Anh cười gượng, đưa mắt sang nhìn chị Hai, giọng buồn buồn:

- Chỉ sợ Thu không đồng ý, chớ con mong còn không được.

- Má! - Tiếng con nhỏ vang lên giục giã.

Chị Hai bối rối, tránh cái nhìn đau đáu của anh Tâm, mãi một lúc mới lắp bắp:

- Hai ba con vô nhà đi!

Tôi mỉm cười còn Út Nhỏ reo lên sung sướng. Nó chạy lại nắm tay anh Tâm dắt vô nhà, lúc anh bước qua tôi, tôi thấy trong mắt anh ngập đầy niềm hạnh phúc. Má vẫn đứng ngoài sân, bần thần một lúc rồi mới lấy khăn lên chấm chấm nước mắt. Tôi bước ra sân, dìu má vào trong. Phía đằng sau, bóng áo trắng với nụ cười thật hiền nhìn tôi đăm đắm:

- Anh về rồi nè, Hân ơi!

© Nguyễn Thị Loan – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết Nợ thanh xuân một lời xin lỗi. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top