Phát thanh xúc cảm của bạn !

‘One Piece Live Action’: Chuyến hải trình của những giấc mơ vĩ đại

2023-10-26 04:20

Tác giả:


blogradio.vn - Hành trình theo đuổi giấc mơ có thể phức tạp, đôi khi khiến bạn chịu nhiều tổn thương, nhưng chắc chắn hạnh phúc sẽ nở hoa nơi cuối con đường. Nếu bạn không là Thuyền trưởng, hãy là thuyền viên trên một con tàu với những người bạn đồng hành đáng tin cậy mà nhờ họ, bạn đủ sức mạnh và niềm tin để tìm thấy One Piece của chính mình. 

***

‘One Piece Live Action’: Chuyến hải trình của những giấc mơ vĩ đại

Băng Mũ Rơm đa sắc tộc, câu chuyện bị cắt giảm tình tiết, một số nhân vật không có ngoại hình đúng như kỳ vọng, nhiều chi tiết làm khác đi so với manga/anime… One Piece live action hội tụ tất cả những yếu tố dẫn đến thất bại của nhiều tác phẩm chuyển thể trước. Thế nhưng, tác phẩm lần này của Netflix đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ fan và non-fan trên toàn thế giới, là ngọn đèn sáng trong nền phim ảnh đang ảm đạm hiện nay và phá bỏ “lời nguyền” phim chuyển thể bất ổn từ trước đến nay.

Không chỉ là một cuộc phiêu lưu tìm kiếm kho báu của những tên hải tặc, những nét vẽ trau chuốt chứa đựng tính lịch sử, những giá trị thẩm mỹ, đạo đức và hệ tư tưởng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, One Piece còn là tượng đài truyện tranh bền bỉ khó có thể thay thế trong hàng chục năm tới. Bộ truyện sở hữu một thế giới giả tưởng màu mỡ, rộng lớn và sáng tạo bậc nhất, đến mức khó mà tưởng tượng chuyến phiêu lưu kỳ thú này sẽ được hiện thực hóa trong phiên bản live action. 

 

CẬU CHUYỆN RA KHƠI TÌM KHO BÁU DƯỚI MỘT LĂNG KÍNH KHÁC 

Cho đến hiện tại, Monkey D. Luffy đã trở thành một đại hải tặc vang danh khắp đại dương rộng lớn, mở khóa những sức mạnh khủng khiếp, kết nối với những người bạn đồng sinh cộng tử và trải qua vô vàn chuyến phiêu lưu đầy màu sắc. Hơn hai thập kỷ tồn tại và phát triển, có thể nói hành trình trưởng thành của Luffy cũng là hành trình lớn lên của một thế hệ tuổi trẻ nhiệt huyết. 

One Piece Live Action là một chiếc vé về tuổi thơ cho những đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn. Bộ phim đưa người xem đến điểm khởi đầu East Blue Saga để “yêu lại từ đầu” với câu chuyện đồ sộ và những khái niệm nền móng của thế giới này. Cái chết của vua hải tặc Gold D. Roger và bí mật về kho báu One Piece mà ông ẩn giấu đâu đó trong Đại Hải Trình (Grand Line) đã mở ra kỷ nguyên hải tặc náo nhiệt nhất trong hàng trăm năm qua. Đâu đó giữa đại dương, cậu nhóc Luffy – một thiếu niên có khả năng co giãn cơ thể như cao su sau khi ăn trái ác quỷ Gomu Gomu – bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ trở thành Vua Hải Tặc với một chiếc thuyền con nho nhỏ, chiếc mũ rơm được tay hải tặc Shanks Tóc Đỏ trao tặng và trái tim dũng cảm chẳng sợ điều gì. 

Dưới sự dẫn dắt của Luffy, người xem đến Shells Town cướp tấm bản đồ Đại Hải Trình từ đô đốc Morgan, kéo tay thợ săn hải tặc Roronoa Zoro và cô nàng đạo chích Nami nhập hội. Tiến thẳng đến làng Syrup, họ được tặng con thuyền Going Merry sau khi giải cứu tiểu thư Kaya khỏi băng hải tặc Mèo Đen và thuyết phục Usopp cùng ra khơi. Băng Mũ Rơm đối diện với nhiều kẻ thù mạnh và mâu thuẫn tại nhà hàng Baratie, kết thúc với việc tay đầu bếp Sanji gia nhập chuyến hành trình. Cuối cùng, One Piece Live Action phần đầu tiên kết thúc tại Arlong Park, nơi họ cứu rỗi Nami khỏi quá khứ đen tối. 

Trong một thế giới truyện tranh nơi gần như tất cả bối cảnh đều giàu chi tiết và hoành tráng theo một phong cách riêng, đây là một thách thức đối với các nhà làm phim bởi bất cứ sự cẩu thả nào trong xây dựng khung hình cũng dễ dàng phá hỏng không khí và tinh thần mà tác giả Eiichiro Oda truyền tải trong nguyên tác. Song, khó khăn cũng là cơ hội để họ tạo nên sự đột phá. Đội ngũ thực hiện One Piece live action đã sử dụng những kỹ thuật sẵn có trong truyện tranh để tạo ra bộ ngôn ngữ điện ảnh riêng cho thế giới hải tặc. 

Những đại cảnh làng mạc, thị trấn không khác gì những trang truyện được tô màu sắc hiện thực đã cho thấy mức độ kỳ công và tôn trọng nguyên tác đến từ phía ê-kíp. Đồng thời, thiết kế kiến trúc trong phim là sự pha trộn giữa các phong cách từ khắp nơi trên thế giới, phản ánh yếu tố đa văn hóa mà Oda luôn cố gắng truyền tải trong One Piece – không biên giới và không phân biệt. Cách sử dụng góc quay cận mặt hay đặc tả tầm vóc của nhân vật trong những mảng sáng, tối tuyệt đẹp và cách tái tạo các khung truyện trên màn ảnh đã thực hiện hóa tham vọng cho phép khán giả bước vào bên trong manga của nhà làm phim. Các tạo vật biểu tượng như con tàu Going Merry, con tàu Red Force của băng hải tặc Tóc Đỏ, nhà hàng Baratie trên biển, ốc sên truyền tin Den Den Mushi… cũng được tái hiện sống động như cách nhà làm phim nâng niu trải nghiệm của fan, đồng thời tạo sự hào hứng cho những người lần đầu tiếp xúc với thế giới rộng lớn của One Piece.

Nếu có điều gì chưa thỏa mãn từ phiên bản live action thì đó chính là những phân cảnh giao chiến chưa thực sự hoành tráng, nhiều lỗi nhỏ liên quan đến kỹ thuật dựng phim trong các phân cảnh này cũng khiến trải nghiệm xem phim bị ảnh hưởng ít nhiều. Song, những màn đối kháng trong phim vẫn truyền tải trọn vẹn những nét đặc trưng của các nhân vật trong nguyên tác. Zoro linh hoạt sử dụng tam kiếm, hắc cước uy lực của Sanji, cú đấm cao su Gomu Gomu No huyền thoại của Luffy… thực sự nhấn chìm người xem trong sự phấn khích. Việc tác giả Oda giám sát trực tiếp vào quá trình sản xuất là một lý do giúp One Piece live action giữ vững được tinh thần nguyên tác, nhưng tình yêu đối với câu chuyện của các nhà làm phim đã góp phần mang đến trải nghiệm tràn trề năng lượng, thỏa lòng những khán giả xem One Piece là quyển truyện tranh gối đầu giường. Điều này còn được thể hiện qua cách họ thiết kế logo riêng đại diện cho mỗi nhân vật đại diện cho mỗi tập phim. 

Tuy nhiên, hào quang hành động của phần phim này tập trung phần lớn vào tay kiếm sĩ, trong khi các trận đánh của Luffy bị hạn chế khá nhiều. Mặc dù mỗi tập phim được đầu tư lên tới 20 triệu đô, nhưng có thể thấy một khoảng lớn kinh phí đã được dùng để xây dựng bối cảnh đồ sộ của phim. Vì thế, việc thiếu hụt kỹ xảo trong các phân cảnh của nhân vật Luffy cũng là điều dễ hiểu. 

Chắc chắn, những khuyết điểm đó không thể phủ nhận công sức của nhà làm phim. Phần nhìn của bộ phim đã đạt hiệu quả trong việc tái hiện cảm xúc choáng ngợp vẹn nguyên như khi ta đắm chìm vào quyển truyện tranh ngày trước. Đối với các khán giả mới, đây thực sự là một trải nghiệm điện ảnh thực thụ mà nhiều bộ phim chiếu rạp khó có thể truyền tải trọn vẹn. 

VẪN LÀ NHỮNG TÊN HẢI TẶC ĐƯỢC MẾN MỘ, NHƯNG ĐỜI THỰC HƠN

Mỗi khi một tác phẩm live action ra mắt, tạo hình nhân vật luôn là yếu tố được quan tâm nhiều nhất và vấn đề này cũng là bài toán đặc biệt khó nhằn đối với One Piece live action bởi các nhân vật của bộ truyện đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Ngoài bộ sậu thuyền viên của băng Mũ Rơm, thế giới hải tặc của Oda đầy rẫy những con người, sinh vật có tạo hình lập dị và siêu thực đặc trưng. Vì thế, chỉ cần quá tay trong khâu tạo hình, bộ phim có thể trở thành lễ hội cosplay nghiệp dư thiếu chất điện ảnh. 

Ngay từ khi công bố dàn diễn viên, bộ phim đã gây ra làn sóng tranh cãi lớn. Một tác phẩm đến từ Nhật Bản nhưng chỉ có một diễn viên Nhật Bản trong hệ thống nhân vật chính, không khỏi khiến người ta liên tưởng đến những bản chuyển thể manga tệ hại trong tay các nhà làm phim Hollywood. Thật may, đây không phải là sự nhồi nhét của Netflix hay chạy theo trào lưu bởi vấn đề đa sắc tộc và quyền con người đã được tác giả khai thác từ rất lâu. Eiichiro Oda đã chia sẻ rằng nếu One Piece là một thế giới, thì mỗi người trong băng Mũ Rơm sẽ mang một quốc tịch khác nhau. Chính tầm nhìn phá cách mang tính thời đại này là một trong những lý do bộ manga được yêu thích trên toàn thế giới. 

One Piece live action đã đem đến những phiên bản bằng xương bằng thịt tốt nhất của các nhân vật mà người hâm mộ cảm mến và yêu thương. Usopp không có mũi dài và Sanji không có lông mày xoắn có thể khiến nhiều người phật lòng. Nhà làm phim đã có thể dễ dàng hóa trang cho diễn viên nhưng họ đã không thực hiện điều đó để khiến các nhân vật trở nên gần gũi, đời thực hơn. Bên cạnh tạo hình nhân vật tiệm cận 90% nguyên tác, điểm cộng của bộ phim còn đến từ việc dàn diễn viên đều rất hiểu con người mà mình hóa thân vào. Không chỉ khắc họa trọn vẹn tính cách và những đặc trưng của từng người, họ còn chủ động khai thác những khía cạnh khác bên trong những nhân vật quen thuộc.

Qua màn thể hiện của Inaki Godoy, khán giả có thể hiểu vì sao Oda nhận định rằng nam diễn viên chính là hiện thân của Luffy trong đời thực. Inaki không cố gắng cường điệu diễn xuất để ra được cái chất của tay hải tặc khét tiếng, cậu rất biết cách kiểm soát bản thân để gia giảm năng lượng cho màn trình diễn của mình. Luffy qua diễn xuất của Inaki vô tư nhưng đã biết lắng nghe và chững chạc hơn, vừa đảm bảo nét tinh nghịch của thuyền trưởng Mũ Rơm vốn được yêu mến, vừa có những nét đột phá so với hình tượng nam chính trẻ con trong các tác phẩm shounen (truyện tranh dành cho thiếu niên được xuất bản trên tạp chí shounen) – vốn không quá thích hợp để thể hiện trên màn ảnh trong thời đại ngày nay. Inaki đã chứng minh mình là sự lựa chọn không thể thay thế. 

Phiên bản Sanji của Taz Skylar chuẩn phong thái của một quý ông lịch lãm. Dù kinh nghiệm diễn xuất khá khiêm tốn nhưng Taz đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền tải cảm xúc tới người xem, đặc biệt là phản ứng hóa học đầy xúc động với Zeff – Craig Fairbrass. Emily Rudd đã mang đến một Nami xinh đẹp, mạnh mẽ hệt như trong ký ức của tất cả những người hâm mộ One Piece. Nhưng do sự thay đổi trong cốt truyện, Nami thiếu đi sự tinh quái để xuất hiện sinh động hơn trên màn ảnh và chắc hẳn Emily Rudd sẽ thể hiện được điều này trong những phần tiếp theo khi cô đã gỡ bỏ gánh nặng trong lòng mình. 

Dàn diễn viên chủ chốt đều thể hiện 100% công lực nhưng có lẽ, Mackenyu chính là ngôi sao của phần phim này. Anh chiếm trọn trái tim khán giả vì vẻ ngoài điển trai và thần thái kiếm sĩ mạnh mẽ. Mackenyu không chỉ khắc họa tốt mặt lạnh lùng của tay thợ săn hải tặc, mà còn thể hiện được nét hài hước ẩn giấu, điều đó cho thấy nam diễn viên thực sự là Roronoa Zoro bước ra từ trong trang sách. 

Bên cạnh các thành viên chủ chốt của băng Mũ Rơm, những nhân vật phụ cũng có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng. Nhân vật hải tặc Buggy trong One Piece live action được xây dựng thậm chí còn tuyệt vời hơn bản manga/anime. Nếu trong nguyên tác, Buggy gian xảo nhưng bản chất vẫn là một tên hề tươi sáng, thì phiên bản đời thực của tên hải tặc hề qua diễn xuất xuất thần của Jeff Ward lại mưu mô, nguy hiểm và thực sự đáng sợ gấp nhiều lần. 

Nhân vật có sự thay đổi lớn nhất và gây bất ngờ nhất chính là Monkey D. Garp. Vốn vô cùng được yêu mến vì tính cách tưng tửng, bất cần đời nhưng giờ đây ta có một Phó Đô Đốc hải quân quyền lực, nghiêm khắc, công tư phân minh. Phiên bản live action cũng sớm tiết lộ Garp là ông nội của Luffy, trong khi điều này mãi về sau mới được bật mí trong bản manga. Phần phim dành khá nhiều thời gian để khắc họa tình yêu thương của ông dành cho đứa cháu bướng bỉnh của mình. 

TÔN TRỌNG NGUYÊN TÁC, NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP VÀ SÁNG TẠO

Quay về với lý thuyết, live action là sự tái trải nghiệm tác phẩm gốc dưới một hình thức mới. Mặt khác, nhiều nhà phê bình đã nhận định rằng một bộ phim chuyển thể có thể được xem là một thực thể nghệ thuật biệt lập với nguyên tác. Có nghĩa là các nhà làm phim có quyền sáng tạo dựa trên tinh thần sẵn có của tác phẩm gốc và người hâm mộ sẵn sàng chấp nhận những cải biên nhằm khai phá tầm nhìn mới. 

Cô đọng hơn 100 chương manga vào 8 tập phim, câu chuyện của One Piece live action phải thay đổi rất nhiều là điều tất yếu. Nhưng chung quy, những cải biến đều nhằm mục đích mang đến cho bộ phim màu sắc hiện đại hơn mà vẫn không làm mất linh hồn của tác phẩm chuyển thể, đồng thời không làm khó những ai không nắm rõ cốt truyện. 

Đội ngũ làm phim đã tìm được tiếng nói chung giữa họ, tác giả gốc, người hâm mộ lâu năm và những khán giả mới. Phiên bản người đóng đã có định hướng kể chuyện khôn ngoan khi dành cả phần phim này để phác họa bức tranh tổng thể. Mỗi diễn biến đều được xử lý nhanh gọn, một số nhân vật phụ cũng được dứt khoát lược bỏ để đảm bảo tính trực quan cho câu chuyện. Back-story của từng thành viên trong băng Mũ Rơm đều được tái hiện trên màn ảnh một cách xúc động nhất. 

Tuyến truyện của mỗi nhân vật không quá dài nhưng được thực hiện đủ sâu để lột trần, mang tới cái nhìn chua xót rằng thực chất bên trong họ đều là những đứa trẻ từng trải qua tổn thương sâu sắc. Ta sẽ vô thức nín thở trước trận chiến sinh tử giữa Zoro và kiếm vương Mihawk, rơi nước mắt trước lời thề không bao giờ thua cuộc một lần nào nữa của tay kiếm sĩ ngạo nghễ. Thông qua câu chuyện của Sanji, ta được cảm nhận nỗi tuyệt vọng cùng cực đi cùng cái đói kiệt quệ và vỡ òa trước sự hy sinh của Zeff dành cho cậu nhóc xa lạ có cùng mơ ước. Để rồi trong giây phút chia tay Baratie, anh đã gạt hết sự gai góc để cảm tạ người ân nhân cũng là người thầy đầu tiên trong cuộc đời. 

Nhà làm phim đã thêm thắt một chi tiết cực kì hợp lý. Đó là khi Zeff định nêm nếm oregano vào món velouté sauce của nhóc Sanji khiến cậu bé phẫn nộ quên mình đang ẩn trốn để lao vào tên hải tặc to lớn và hét “Oregano is for savage”. Tiểu tiết này đã đặc tả cái tôi của một đầu bếp và sự bướng bỉnh của Sanji, làm rõ thêm căn nguyên của mối quan hệ hầm hè giữa cả hai sau này.

Đến với arc Arlong Park – cao trào của phần phim này và nơi quá khứ của Nami được xoáy sâu, ta được thấy một Nami cô độc tuyệt đối, khác với một Nami máu lạnh nhưng vẫn có người hiểu và ủng hộ như trong manga. Sau khi mẹ Bell mất, cô phải bắt tay với kẻ thù, hứng chịu căm thù của hết thảy dân làng Cocoyashi. Qua đó, bộ phim lý giải vì sao Nami có phản ứng rất gay gắt khi ai đó xem nhẹ tính mạng bản thân như Zoro, bị người khác kiểm soát như Kaya hay về vấn đề tiền bạc. Việc biến tấu quá khứ của Nami trở nên u ám hơn đã làm nổi bật tình cảm giữa cô và băng Mũ Rơm. Sau cùng, cô đã có những người bạn sẵn sàng bảo vệ cô bằng cả tính mạng. 

Một thay đổi đáng chú ý nữa đó là những phân cảnh làng Syrup có màu sắc kinh dị và nặng nề hơn so với bản gốc. Việc lựa chọn cách kể này rất hợp lý với thiết lập nhân vật kẻ phản diện Kuro, mang đến những trải nghiệm vừa lạ vừa quen cho những fan lâu năm, đồng thời cũng cuốn hút người xem mới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là câu chuyện của Usopp trong chương này thật sự nhạt nhòa. Trong manga, Usopp luôn nói dối và đến khi nói thật thì mọi người hoàn toàn không tin, để rồi dẫn đến quyết định mạnh mẽ là biến lời nói thật trở thành lời nói dối. Kịch bản chuyển thể đã không tái hiện được động lực cốt lõi trong tuyến truyện này. 

HÃY LUÔN TIN TƯỞNG VÀO NHỮNG GIẤC MƠ VÌ CHÚNG TA KHÔNG CHỈ CÓ MỘT MÌNH 

Cuối phần phim đầu tiên là phân cảnh những thành viên đầu tiên của băng Mũ Rơm tuyên thệ về ước mơ của mình trước khi tiến vào Đại Hải Trình. Luffy chinh phục ước mơ vua hải tặc. Zoro muốn trở thành tay kiếm mạnh nhất thế giới. Sanji muốn đến vùng biển huyền bí All Blue – nơi có đủ mọi nguyên liệu và gia vị để thỏa chí bếp núc. Nami muốn vẽ lại bản đồ thế giới. Ngay tại thời điểm này, Usopp vẫn chưa thực sự biết giấc mơ của đời mình là gì nhưng cậu vẫn dũng cảm tham gia vào cuộc phiêu lưu. 

Thế giới của chúng ta cũng được vận hành như thế, hẳn sẽ có những người xác định đam mê từ khi còn bé, nhưng cũng có những người phải lao vào hành trình mới thực sự biết được ước mơ mình muốn theo đuổi. Đôi khi chúng ta bối rối giữa biển khơi mênh mông, nhưng cứ ra khơi rồi sẽ đến nơi mình muốn đến trong đời. 

Bài học One Piece gửi gắm trong những khung hình nhiệt huyết không phải là hoài bão quan trọng đến đâu, mà là sự kết nối với những người giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi thành viên của băng Mũ Rơm “lên thuyền” để thực hiện lý tưởng riêng của mình nhưng vẫn là những người bạn thân thiết của nhau. Nếu Luffy lên đường một mình, có lẽ cậu sẽ không đi xa được đến thế. Sanji sẽ tiếp tục làm đầu bếp trên con tàu Baratie nếu không chứng kiến nỗ lực theo đuổi ước mơ đến vứt bỏ mạng sống của Luffy. Nami sẽ cô độc thế nào nếu những người bạn mới này không dang rộng vòng tay giúp đỡ cô. 

Hành trình theo đuổi giấc mơ có thể phức tạp, đôi khi khiến bạn chịu nhiều tổn thương, nhưng chắc chắn hạnh phúc sẽ nở hoa nơi cuối con đường. Nếu bạn không là Thuyền trưởng, hãy là thuyền viên trên một con tàu với những người bạn đồng hành đáng tin cậy mà nhờ họ, bạn đủ sức mạnh và niềm tin để tìm thấy One Piece của chính mình. 

Theo Elle

Mời xem thêm chương trình

Cạm Bẫy Tình Yêu

 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Con yêu ba nhiều lắm ba à

Con yêu ba nhiều lắm ba à

Ngày mẹ đồng ý kết hôn là ngày hạnh phúc nhất với ba, rồi ngày biết tin có con là ngày vui nhất của ba. Và ngày con chào đời lại là ngày đau buồn nhất của ba. Chưa bao giờ con thấy ba khóc trước mặt con và bà ngoại.

Nếu muốn tiết kiệm tiền, hãy bắt đầu từ 10 điều nhỏ này

Nếu muốn tiết kiệm tiền, hãy bắt đầu từ 10 điều nhỏ này

Dưới đây là 10 điều nhỏ có thể giúp bạn phát triển thói quen tiết kiệm tiền theo thời gian.

Chuyện tình như mơ

Chuyện tình như mơ

Viết làm gì một nỗi niềm riêng Màu giăng lối ta đi trong niềm nhớ

Anh người em từng thương

Anh người em từng thương

Em chưa kể câu chuyện cũ cho anh nghe vì em biết khi kể lại nhưng chuyện cũ lại khơi về quá khứ lại khiến mình tự trách và buồn nhiều hơn. Kể ra rồi cũng chẳng thay đổi được gì cả, nếu có chắc mình đã tua đi tua lại chuyện ấy hơn trăm vạn lần rồi. Chuyện của anh cũng thế thôi…

3 tháng đầu năm chỉ là

3 tháng đầu năm chỉ là "nháp", kể từ tháng 5, 3 con giáp này bứt phá trong công việc, tình tiền song hành thuận lợi

Trong thời gian tới, những con giáp này có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Lấm tấm cơn mưa

Lấm tấm cơn mưa

Cô nghĩ hoa có thể làm được như vậy, những cánh hoa mong manh dịu dàng quá đỗi kia và cả vô số những hạt nước li ti được đọng lại trên đó sẽ nhắc người ta về những điều thiện lương của cuộc sống. Sẽ nhắc người ta về tình yêu thương giữa con người và con người với nhau trong cuộc sống

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

back to top