Nhớ nơi cà phê đợi
2016-10-21 01:22
Tác giả:
Gặp Hà Nội trong những ngày thu đang gói ghém mình đi về phía xa!
Hà Nội rất đẹp, thi vị và hơn hết Hà Nội rất tình. Hà Nội rất say. Hà Nội khiến người đi xa rất nhớ thương. Giữa một sớm mai ẩm ướt hơi sương, giữa bàng bạc mây khói thời gian, giữa những ngày gió mùa tràn về gọi cửa và giữa phố phường vẫn đông người lại qua.
Gặp Hà Nội trong những ngày thu đang gói ghém mình đi về phía xa!
Gặp Hà Nội trong những ngày đông lững thững ôm gió mùa bước tới!
Gặp Hà Nội trong những tiếng còi xe inh ỏi, tiếng leng keng nơi cuối phố!
Gặp Hà Nội trong những góc quán cà phê cổ bình lặng nép mình giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại và đồ sộ. Tôi đã gặp em, gặp Hà Nội đó trong cái hương vị "sắc", "khét" và “thanh thanh” đến lạ nhưng rất quyến rũ, rất nồng ở Lâm. Lâm có từ những năm 50 được biết đến như một trong những quán Cà phê cổ nhất của Hà Nội. Qua năm, qua tháng, những bức tường ở Lâm đã được mài mòn và phủ kín bằng tranh về con người và phố phường Hà Nội, những bức chân dung tự hoạ kèm bút tích, những bản thảo văn chương chép tay nằm yên lặng trong không gian của quán với đủ sắc màu kích cỡ của các họa sĩ: một Bùi Xuân Phái vừa cổ kính vừa hiện thực; một Tô Ngọc Vân thả hồn dân tộc vào sơn dầu; một Dương Bích Liên phảng phất ánh nhìn cô đơn; và tiêu biểu của sơn mài truyền thống không thể không nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm … Tất cả đều hiện hữu ở đó trên nền thời gian của Lâm như để đếm độ dài của năm tháng, của những quên nhớ giữa đời.
Người ta vẫn tìm đến cà phê với những lý do, với những cảm xúc và trạng thái khác nhau. Có những người vì “nghiện”, có người vì “thói quen”, có người gọi đó là “thú” có người vì muốn “tỉnh”, có người là để “hẹn”, họ hẹn việc, hẹn tình, hẹn chuyện và hẹn chính mình hay đơn giản là họ yêu cái chất men say ấy chẳng vì lý do cụ thể nào cả. Uống cà phê không phải chỉ là để giải khát, để thưởng thức một thứ ăn chơi tao nhã, uống cà phê dần dà đã trở thành một nét văn hóa, để nói dăm ba câu chuyện làm thức quà, để làm cái cớ gặp nhau, để thả mình vào mùi hương phảng phất cho gió bay đi và để tìm về với những hồi ức có khi chót ngủ quên, có khi chót đánh rơi ở một nơi nào đó xa lắm.
Tùy từng người mà ly cafe đó mang tên của espresso, cappuccino, mocha, Latte macchiato hay chỉ đơn giản là một tách cà phê pha phin. Phụ thuộc sở thích mỗi người, người ta có thể cho thêm một chút đường hay sữa để giảm bớt vị đắng của cà phê hoặc thêm một chút đá lạnh. Với tôi cà phê không chỉ là một món đồ uống thông thường mà nó như một người tình không hò hẹn, tôi vốn không thích vị đắng của cà phê bởi uống cà phê vào sẽ gây mất ngủ, và một khi đã nghiện cái thức uống đậm đà này thì khó mà cưỡng lại được, không hẳn vì trong cà phê có chứa caffeine mà ngồi uống cà phê một mình dễ khiến con người ta thấy cô đơn.
Tôi sợ cô đơn! Nhưng cô gái đó thích cà phê, lại thích ngồi ở một góc nhỏ trầm ngâm, tĩnh tại trong lòng Hà Nội. Đó không phải là quán cà phê sang trọng nhất, đẹp nhất nhưng là quán cà phê của thời gian, của năm tháng, của riêng em. Có lẽ cà phê chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thứ thuộc về đám đông, ồn ào và vội vã. Càng một mình, cà phê càng ngon, càng đen, càng đắng, càng sâu. Và tôi gọi em là Cà phê! Cà phê của riêng tôi!
Cà phê luôn ngồi ở đó và chỉ với một mình, tôi chưa từng thấy cô ấy đến đây cùng ai, mỗi ngày tới Lâm cô ấy đều mang theo một cuốn sách với đủ các thể loại trên đời. Mặc kệ những ánh mắt có chút hiếu kì của người ngồi xung quanh, Cà phê say sưa vào từng trang sách hiện hữu trước mắt mình. Cô ấy thường ngồi đó lặng yên làm bạn bên một ly cà phê. Màu đen huyền sóng sánh đang nhỏ từng giọt, từng giọt trong khi khói nóng đang bốc lên nghi ngút và rồi em nhấp từng ngụm nhẹ nhàng như một thói quen có khi quên không cho đường. Nhưng có lẽ vì ngại đứng lên mà em vẫn tiếp tục uống cho hết ly. Không biết từ khi nào, tôi bắt đầu có thói quen dừng lại ở Lâm mỗi khi đi ngang chỉ để được nhìn thấy em, một cô gái xa lạ và rồi thưởng thức thứ uống đắng nghét mà cô ấy hay dùng.
Quán nhỏ đơn sơ, mang đậm dấu ấn Tràng An nét dung dị không thể trộn lẫn giữa lòng phố. Người ta khó có thể tìm thấy một nơi như thế này, Lâm đã lặng lẽ bảo tồn, gìn giữ cái bình yên Hà Nội giữa những khắc nghiệt trong nhịp chảy của xô bồ, của guồng quay cuộc sống hiện đại và của thời gian trong sự thay đổi của phố phường theo từng nhịp qua. Người ta yêu Lâm bởi hương vị quyến rũ đặc trưng chỉ riêng quán nhỏ này mới có, từ khâu chọn cà phê, từ cách rang xay, cho tới khâu pha trộn hạt để cho ra một ly cà phê đậm đà, có chút khen khét nhưng là cái khen khét khoan thai dễ chịu. Đó là lí do vì sao người ta có thể chạy xe một vòng quanh thành phố chỉ để được chạm đầu lưỡi hương vị cà phê yêu thích.
Cạch.
Tách cà phê đổ xuống loang lổ một góc bàn. Đặt cuốn tiểu thuyết sang bên cạnh, Cà phê với người, cúi nhặt những mảnh vỡ và ngăn cho nước khỏi lênh láng trên mặt bàn. Tôi vội tiến lại gần, lần đầu tiên tôi đến gần Cà phê thế nhanh tay nhặt trước. Cà phê bối rối ngẩng đầu, mỉm cười và cảm ơn tôi.
- Em không sao chứ?
Cà phê không trả lời câu hỏi của tôi.
Có lẽ đôi lần em thấy tôi nhăn mặt khi uống cà phê, thật ra tôi không hề thích cà phê nhưng từ khi nhìn thấy em, tôi lại muốn thử cảm giác đắng, thử cảm giác mà một người con gái xa lạ đã mang đến cho tôi. Em kéo tôi lại gần với cà phê hơn.
- Tại sao em lại thích cà phê?
- Anh hãy để ý cốc nước nóng, hết nóng nó sẽ nguội,và chỉ là một cốc nước không hương không vị. Nhưng khi anh bỏ vào đó chút cà phê, nước có cà phê bỗng trở nên rất đậm đà và thơm hơn.
- Nhưng nước cà phê rất đắng? Tôi thắc mắc.
- Nhưng chắc chắn nó sẽ giúp anh nhớ rằng đã có lần mình uống phải một thức uống rất đắng và đó là cà phê.
Phải! Những cái gì ngọt ngào có thể khiến người ta cảm giác thích thú ban đầu nhưng lâu dần họ sẽ nhanh chóng quên đi, đã từng nếm trải vị đắng sẽ khiến người là nhớ lâu hơn, thậm chí cái bao lâu đó còn là suốt đời. Con gái thật ra cũng giống như cà phê. Có ngọt ngào như cà phê sữa. Có đắng ngắt như cà phê đen. Có người cầu kỳ như Chocolaccino, Eiskaffee, Kaffee Kirsch… Còn em lại giống như một ly cà phê đen. Đơn giản nhưng đắng và thật sự rất khó uống với những ai chỉ mới thử lần đầu.
Tôi đã yêu cà phê, không biết từ bao giờ, có lẽ từ lần đầu tiên nhìn thấy em. Tôi đã nhiều lần mất ngủ vì cà phê. Cà phê đích thị là thứ khiến người ta say, đích thị là thứ gây nghiện bởi một khi đã quen rồi chỉ thấy mùi là muốn uống mãi. Người nghiện cà phê thường chỉ thích một loại cà phê cố định như một người tình chung thủy, anh ta có thể thử nhiều loại nhưng khi đã tìm được thứ mình thích thì anh sẽ yêu nó cả đời. Không biết Sake ở Nhật có khó uống như thế này không? Tôi không sợ chất men trong Sake kia sẽ làm tôi say, hẳn cái đậm đà trong cà phê sẽ chẳng thua kém gì hương vị trong Sake, chỉ khác là Sake hoàn toàn có thể hâm nóng thậm chí là ngon hơn khi uống nóng giữa cái lạnh đến vài độ của Tokyo và rằng xứ xở Anh đào ấy sẽ đưa tôi rời xa em.
Nhắc đến cà phê, Sài Gòn có cà phê vợt, Hà Nội có cà phê phin. Dù là cách pha chế khác nhau thì người uống vẫn phải đợi chờ. Đợi chờ có khi làm người ta khó chịu, ít ai thích thú với việc phải đợi chờ nhưng hãy coi đó là một loại hương liệu mà nếu thiếu đi cà phê của bạn sẽ không phải là một ly cà phê hoàn hảo. Tình yêu cũng đơn giản như cà phê phin vậy, từ tốn và nguyên chất, nếu muốn có một ly cà phê ngon bạn chỉ còn cách chờ đợi. Cả tình yêu và cà phê, đều cần thời gian.
- Ngày mai, anh sẽ không còn đến đây nữa! Anh sang Nhật theo chương trình nghiên cứu trong 4 năm.
- Anh sẽ trở về chứ?
- Nhất định là thế và anh muốn ngày ấy sẽ vẫn còn thấy em ở Lâm.
- Anh biết tại sao em lại thích đến đây uống cà phê mỗi ngày không? Em vốn không thích cà phê càng không thích ngồi một mình uống cà phê. Em đến đây là để đợi người, cũng 4 năm rồi nhưng người ấy chưa bao giờ trở về cả.
Mỗi giọt cà phê tí tách rơi là mỗi giọt chạm vào sâu thăm thẳm của những tâm sự cất chất chứa trong tim. Tôi yêu Cà phê, còn Cà phê - cô ấy lại yêu một chàng trai mang tên Lâm, yêu theo cách riêng của mình là chờ một sự trở về. Cuộc đời bỗng nhiên nằm gọn trong một cốc cà phê. Cốc cà phê ở Hà Nội không giống với bất cứ nơi nào khác, nó dường như cô đơn hơn, lặng lẽ hơn bởi những không gian chật hẹp, bởi những bàn ghế không thể bé hơn được nữa, bởi những phút lắng lòng mình. Người ta thấy cuộc đời dường như chỉ còn lại một thứ, là quên lãng, là đằm mình với hơi thở chậm rãi của thời gian. Nhấc cốc cà phê lên, nhấp 1 ngụm và chợt nhận ra rằng, cà phê của bạn chưa có đường hay cần thêm một chút sữa để giảm đi độ đắng. Thế nhưng vì ngại đứng dậy, vì muốn nếm trải, bạn tiếp tục ngồi đó và uống nốt cốc cà phê. Khi cà phê đã gần hết, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy hoặc một vỉ sữa nhỏ ngay bên cạnh mà vô tình vì mải mê lật giở trang sách kia bạn lại không để ý đến nó. Thật ra, cà phê đắng mới là cà phê ngon, và những ai thích cái đắng mới gọi là người mê cà phê. Từ khi yêu em, chẳng hiểu sao cái hương vị này lại khiến tôi say mê luẩn quẩn và thành thói quen trong suốt thời gian dài. Tôi đã yêu, yêu rất nhiều không phải vì caffeine mà vì có một người khác cũng thích nó. Đừng chỉ vì vội vàng nhấp ngụm đầu thấy đắng, mà bỏ lỡ hương vị ngọt ngào phía sau. Cà phê luôn luôn đắng nhưng lớp sữa thì ngọt ngào. Chỉ cần chú ý một chút, khuấy đều hòa lẫn sữa và cà phê, thì chắc chắn bạn sẽ có một ly cà phê sữa hoàn hảo, bạn sẽ vẫn cảm nhận được vị đắng, nhưng nó đã bị lấn át bởi vị ngọt ngào thơm lừng kia.
Cà phê nguội nếu hâm nóng lại thì cà phê sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét. Nhưng tôi lại thích hâm nóng cà phê theo cách của riêng mình bởi cái vị đắng chát của nó làm cho người ta rất nhớ. Khẽ trút tiếng thở dài như để tiễn mùa đi xa để không thôi nhớ thương về người con gái ấy. Cà phê và em chất chứa những nỗi nhớ! Tôi sẽ trở về! Nhất định sẽ trở về.
© Hàng Xóm – blogradio.vn
Bài dự thi cuộc thi viết "ĐỂ YÊU THƯƠNG DẪN LỐI". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn nhấn vào nút "Bình chọn" dưới chân bài viết, để lại bình luận tâm đắc và chia sẻ lên mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn xem tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?