Tết và những giá trị vĩnh hằng của các thế hệ người Việt
2013-02-08 08:30
Tác giả:
Sau những đợt hành quân di chuyển liên miên suốt mấy tháng ròng, đơn vị chúng tôi được lệnh sẵn sàng nổ súng. Khác hoàn toàn với không khí nhộn nhịp đón Tết ở vùng quê nghèo ngoại ô Hà Nội, khoảnh khắc trước trận chiến đấu thật yên lặng. Sắp tới giờ giao thừa, tôi và Khắc ôm nhau khóc vì cái Tết đầu tiên phải xa nhà – Tết năm 1968. Bỗng dưng, Khắc trầm ngâm, nhìn phía trước xa thẳm, tâm trạng kỳ lạ.
- Cái gì? Sao vậy? – tôi hỏi.
Khắc vẫn không nói, không rằng. Tôi đứng dậy định đi chỗ khác thì Khắc giữ lại, kéo ngồi xuống.
- Giờ này Hạnh đang làm gì hả mày? – Khắc hỏi, tiếng Khắc phát ra từ sâu trong cuống họng, nghe khàn khàn.
- Tao chắc chắn “nàng” đang ôm gối khóc nhớ thương mày! - tôi kịp nghĩ nhanh để động viên Khắc.
- Tao nhớ Hạnh quá mày ơi! – Khắc ôm chặt lấy tôi thổn thức.
Khoảng gần 1 giờ sau, đơn vị chúng tôi được lệnh bước vào trận chiến đấu. Trung đội tôi có nhiệm vụ đánh chiếm một mục tiêu sát cửa ngõ Sài Gòn, phối hợp với các hướng khác. Thật không may, các hướng khác phát triển thuận lợi, còn hướng của trung đội tôi bị khựng lại do một ổ đại liên của địch bắn rát, khống chế con đường độc đạo, hai bên đường dốc dựng đứng với những mỏm đá sắc nhọn.
- Các đồng chí, tập trung hỏa lực, nhằm thẳng ổ Đại liên bắn yểm trợ; Đồng chí Cần - B40, tiếp cận tiêu diệt Đại liên - Trung đội trưởng hô dõng dạc.
- Rõ! Cả Trung đội đồng thanh hô lớn.
Đồng chí Cần bò sát mép đường, tiến lên được hơn chục mét thì hi sinh.
- Trung đội trưởng! để em! Một tiếng thét lên.
Liền ngay sau đó, Khắc băng lên với khẩu B40 lăm lăm trong tay, người khom khom, chạy nhanh rích rắc theo hình chữ chi. Với cách sáng tạo này, địch chưa kịp trở tay thì Khẩu B40 của Khắc đã nhả đạn, khẩu Đại liên của địch phụt tắt tiếng nổ. Toàn Trung đội tôi xông lên đánh chiếm mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ. Tôi kịp đến với Khắc trước khi bộ phận quân y chuyển Khắc về Hậu cứ.
- Mày hứa sẽ chăm lo cho Hạnh giúp tao nhé - Rất tỉnh táo, Khắc nói.
Khắc đưa cho tôi chiếc khăn tay Hạnh tặng trước khi chúng tôi lên đường nhập ngũ. Chiếc khăn có dòng thêu “Đợi Anh Về” Khắc đã khoe với tôi và luôn giữ nó bên người như bảo bối quý giá.
Tôi khẽ gật đầu, đồng ý với lời thỉnh cầu của người bạn cùng quê, cùng học phổ thông, hơn thế nữa – người sắp đi vào cõi vĩnh hằng. Khắc nắm chặt tay tôi, đôi mắt ánh lên vẻ mãn nguyện và sau đó tay Khắc lỏng dần, từ từ nhắm mắt.
Tôi tiếp tục theo đơn vị chiến đấu, trận chiến càng ngày càng ác liệt. Sau choáng váng do bị ta đánh đòn phủ đầu bất ngờ, địch củng cố, tập trung hỏa lực phản kích mạnh.
Trong một trận chiến đấu khác, Thành quê Nam Định, người cùng đơn vị tôi bị thương nặng phải chuyển ra Hậu cứ.
- Mày sẽ được chữa vết thương và ra Bắc, hãy mang chiếc khăn này về gặp Hạnh, động viên cô ấy đi lấy chồng. Tao có lỗi với thằng Khắc nhưng tao không biết có thể ra Bắc được không nữa - Tôi đã chuyển chiếc khăn tay cho Thành, cùng lời tâm sự bộc bạch.
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), tôi được tham gia vào Uỷ ban Quân quản thành phố Sài Gòn, năm 1977 mới có dịp về thăm quê. Hỏi thăm mọi người thì được biết: Căn nhà gia đình Hạnh bị trúng bom B52 của Mỹ vào tối ngày 27 tháng 12 năm 1972, bố và mẹ Hạnh chết. Tối hôm đó, hai chị em Hạnh trực chiến đấu theo đơn vị tự vệ của cơ quan nên còn sống. Đầu năm 1976, Hạnh đã lấy chồng ở tỉnh xa, nghe nói chồng Hạnh là một Giám đốc giỏi, cậu em của Hạnh đang du học ở nước ngoài.
Tôi phải trở vào đơn vị ở miền Nam nên không có nhiều thời gian để dò hỏi thêm thông tin về Hạnh. Tôi khấp khởi chúc cho Hạnh có cuộc sống hạnh phúc. Cảm giác có lỗi với Khắc đã nguôi ngoai trong tôi. Năm 1978, tôi chuyển ngành, lấy vợ, bận rộn với công việc và cuộc sống mới.
Cuối năm 2005, vào tháng sáp Tết, tôi tham dự Hội nghị tổng kết của Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ miền Bắc, tổ chức tại Hà Nội. Nhìn người đang đọc báo cáo điển hình trên khán đài, tôi ngờ ngợ là người quen cũ trong chiến trường. Ký ức một thời lửa đạn cứ thế hiện về trong trí nhớ của tôi, tới khi cả hội trường vỗ tay rầm rập vì bản Báo cáo gây ấn tượng mạnh, tôi giật mình trở lại hiện tại.
- Thành hả? - Không chờ lâu hơn được nữa, tôi di chuyển tới người vừa báo cáo hỏi ngay.
- Thằng Mạnh, mày chưa chết à! – Một thoáng ngỡ ngàng, Thành bật đứng dậy, húc mạnh đầu vào ngực tôi và nói.
Tôi ôm chặt lấy Thành, còn Thành, hai cánh tay đã cụt sát gần vai nên cứ dí bụng vào bụng tôi, rồi cà râu vào má tôi, nấc khục khục. Chúng tôi đã quên mất không gian xung quanh. Cả Hội trường đổ dồn nhìn chúng tôi ngạc nhiên, cảm động.
Tôi về Nam Định thăm gia đình Thành, căn nhà khang trang, vườn cây, ao cá được thiết kế rất đẹp mắt. Vào trong nhà, tôi thấy một thanh niên đang tắm cho hai người con trai bị tật nguyền. Nhìn động tác của người thanh niên này tôi không khỏi ngạc nhiên, không có sự khác biệt nào, giống hệt như cách các bà mẹ tắm cho con thơ.
- Hạnh đang đi ký hợp đồng trong miền Nam vắng nhà; bọn mình sinh được hai con, nhưng tội ác của thằng Mỹ đã không cho chúng được làm người, chúng hoàn toàn vô thức; còn cháu Nam (người thanh niên) là con nuôi, bố mẹ cháu đều là liệt sĩ, bọn mình nuôi cháu từ nhỏ - Thành thủng thẳng nói.
Tết năm nay đang đến gần, bồi hồi nhớ lại Tết năm 1968, chứng kiến những gì đã diễn ra, trong tôi chộn rộn với suy nghĩ miên man. Trước cái Tết cổ truyền của dân tộc, có những cảm xúc, hành xử khác nhau của các lớp người, lứa tuổi, vùng miền... nhưng có điểm chung: ai ai cũng cởi mở, thân thiện, gác lại những lo toan vất vả thường ngày, chúc nhau và cầu mong những điều tốt đẹp hơn.
Tôi nghĩ: Thế giới dù có đổi thay như thế nào đi nữa, những giá trị cổ truyền dân tộc về Tết sẽ tồn tại mãi mãi, cùng với đó là những giá trị về tinh thần quả cảm chống ngoại xâm, về đức hi sinh, lòng nhân ái, về tình yêu đôi lứa… Đó là những giá trị vĩnh hằng của các thế hệ người Việt Nam.
- Bài dự thi của Lê Văn Tuấn Anh - tuananhlv.2012@
Lời tựa: "Chào blog Việt, đây là bài viết của bố mình vừa viết mấy tuần trước nhờ mình gửi đi dự thi nếu có cuộc thi nào viết về tết năm nay. Mình tìm trên google thì thấy Blog Việt có cuộc thi nên mình gửi đến tham gia".
Để bình chọn bài viết này mời bạn để lại bình luận - phản hồi cuối bài viết!
Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.