Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mùa Xuân đến

2013-02-07 10:45

Tác giả:



Mùa xuân đến làm em hết hồn...

Tối qua lúc rảnh rỗi đang lướt facebook tôi vô tình đọc được một câu status vui như thế. Có lẽ đó là một câu nói vui của tác giả, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng có thể ở tâm trạng đó lắm chứ. Thời gian trôi qua nhanh quá, cuộc sống cuốn tôi theo, dẫu có đếm tháng đếm ngày mong tới Tết thật nhưng thấy vẫn cứ nhanh hơn tôi tưởng. Và hôm nay, 19 âm lịch rồi, còn 11 ngày nữa tôi được về với ba má. Cảm giác thật nhẹ nhàng và ấm áp. Tôi hay cười một mình và nhẩm câu hát mà mỗi năm Tết đến thầy Hiệu trưởng lại hát dưới cờ cho chúng tôi nghe: “Em ơi, mùa xuân đến rồi đó!”.

Bạn bè tôi, nhiều lắm. Đứa thì nhí nhố, đứa thì cứng rắn, đứa thì xì tin, đứa thì khá người lớn…nói chung lại nhiều tính cách, nhưng tôi luôn cảm nhận được rằng, có lẽ tôi vẫn còn “ham” Tết nhiều hơn tất cả tụi nó. Có nhiều lúc tôi ngồi kể đủ thứ suy nghĩ của tôi về Tết cho chúng nó nghe thì lại bị phán một câu xanh rờn rằng: “Mày còn con nít quá Linh à”. Những lúc ấy tôi chỉ biết nhe răng mà cười trừ lại thôi.

Năm nay, không phải năm đầu tiên tôi trong tâm trạng nôn nao của ngày giáp Tết… xa nhà. Nhưng mọi thứ trong tôi vẫn đang rất rộn ràng, có cái gì đó làm tôi luôn thấy mình khác khác. Đi qua những phố phường, hoà mình vào dòng người tấp nập của những giờ tan tầm, nhưng trong dòng suy nghĩ của tôi lại đang miên man chạy theo con đường làng trước ngõ, chút ánh sáng yếu ớt của màu nắng chiều mà tôi cứ ngỡ màu hoa cải. Chiều đi làm về qua những con hẻm nhỏ, mùi cơm chiều, mùi nhang trầm cứ cuốn tôi vào cái tư tưởng ngỡ rằng mình đang ở nhà. Được về nhà! Có lẽ đó là cái lí do lớn nhất khiến tôi “ham” Tết hơn những đứa bạn của mình. Nhưng đâu phải chỉ những đứa sống trong này nói tôi như vậy, kể cả những đứa cùng quê, cùng xa nhà trọ học trong thành phố này cũng phán tôi mấy câu như thế mà. Lại không hiểu nổi mình. Lại tự nhận xét rằng ừ thì mình đa cảm, mình con nít hơn tụi nó tý thôi. Mong về nhà thì là quá tốt, có gì mà phải suy nghĩ nhiều. Tôi lại vui vẻ đi ngủ và vẫn cái suy nghĩ: “đêm nay chắc mình lại mơ sáng mai thức giấc đang là mùng 1 Tết”. Đấy cũng là một điều tôi tự thấy băn khoăn, bao nhiêu năm liền, cứ những ngày tháng chạp là dù đang ở đâu tôi cũng vẫn giấc mơ ấy lặp đi lặp lại hoài. Tôi kể mà hổng đứa bạn nào tin, ngay cả má tôi cũng gõ đầu tôi và bảo: “trẻ con quá, con nôn nóng ghê rứa hả?”.



Chính xác là còn chưa đầy 2 cái cuối tuần nữa là tôi được về nhà, được ôm ba má vào lòng rồi. Nhưng cũng phải nói là dù có nôn nao đến đâu thì cái tật ham ăn ham ngủ của tôi cũng không bớt được miếng nào. Đang trùm kín mít trong chăn ấm, lại nghe con bạn giục dậy đi nhà trẻ tình thương với nó. Tôi càu nhàu ra khỏi chăn, dù tối qua đã hứa đi với nó nhưng sao cứ bị gọi dậy lúc đang ngủ là tôi thấy không vui à. “Ôi, cái nhà hàng xóm sao mới sáng sớm mà đã mở nhạc rùm beng, không cho người ta ngủ”. Tôi nhăn nhó, cố ý nói to chỉ mong người ta nghe mà tắt nhạc đi cho rồi. Nhỏ bạn lại cười: “Tết tới người ta mở nhạc xuân là đúng rồi, giờ mà ngủ gì nữa, làm vệ sinh rồi đi thôi cô nương!”. Do tức cái vụ dậy sớm tôi mới vậy thôi, chứ thật ra tôi thích đi những hoạt động như vậy lắm. Ngày xưa ở trường đại học, vì sợ tôi sức khoẻ yếu, đi đường nguy hiểm nên mỗi lần xin đi hoạt động tình nguyện gì đều bị ba tôi ngăn cản. Ba có một câu lần nào cũng nói: “Con xa nhà, không có ba má chăm sóc, thì cũng phải biết lo cho bản thân, chân tay hậu đậu đi mô cho sinh chuyện”. Thế là tôi lại tiu nghỉu mà ở nhà.

Năm nay, đi làm rồi, tự cho mình lớn, tôi không hỏi ba trước khi đi, vì chí ít chỗ này gần chỗ tôi ở, và cũng muốn chung vui với mấy em nhỏ nữa. Nhìn mấy em vui cười với những món quà mà tôi thấy ấm lòng quá. Tôi cảm nhận được niềm vui mà mấy em đang có. Ngày xưa, tôi có lẽ cũng đã vui như thế. Quê tôi ngày ấy còn khó khăn. Ba má lo cho mấy anh em tôi đủ ăn đủ mặc, được học hành là đã vui lắm rồi. Không hay vòi vĩnh nhiều như bạn bè nhưng trẻ con mà, đứa nào chả thích quà bánh, quần áo mới. Ngày ấy tôi thích nhất là cuỗi mỗi học kỳ, tôi chạy về thật nhanh sau khi nhận kết quả học tập để khoe ba. Thế là tối đó được ba dắt đi ăn kem. Quê tôi không có kem nhiều màu, hay kem nhiều loại trái cây rồi hình dáng này nọ như thành phố. Chỉ mỗi loại kem sữa màu trắng thôi mà cũng đã là mơ ước của nhiều trẻ em. Quà thưởng của tôi chỉ vậy thôi, không được xin thêm gì nữa hết. Chỉ khi nào Tết đến mới được má sắm cho quần áo mới. Có lẽ vậy mà trẻ em chúng tôi đứa nào cũng mong tới Tết. Má mới may về là tôi tự cầm đi giặt liền, treo cẩn thận vào tủ rồi lâu lâu lấy ra ngắm thử, rồi lại hít hà mùi vải mới rồi mới chịu cất vô. Có lẽ Tết mà tôi vui nhất là những năm mấy anh tôi bắt đầu đi làm. Tôi đếm từng ngày trông mấy anh về, là em út trong nhà tôi tha hồ vòi vĩnh quà. Mà quà của mấy anh bao giờ cũng nhiều hơn của ba má hết. Vì đi làm về trễ với lại là con trai nên mấy anh không chở tôi lên chợ mua đồ như má. Tôi được ra thị trấn, vô mấy cửa hàng to to, xịn xịn ấy mà chọn lựa. Tôi tha hồ mà nhìn, mà ngắm, mà thử y như trong phim. Tôi cười híp cả mắt luôn. Ba thì bảo mấy anh đi làm được bao nhiêu mà tôi đòi nhiều vậy. Mấy anh thì bảo đó là phần thưởng tôi được học sinh giỏi. Lần ấy, anh dắt tôi vào tiệm Biti’s – có mà mơ cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ được mua những thứ đồ như thế. Anh lựa cho tôi một đôi màu xanh, có quai hậu để tôi còn đi học được. Về nhà hí hửng khoe, câu đầu tiên tôi nhận được từ dì tôi: “Răng con mua đôi dép mà bằng 3 ang gạo của dì rồi”, lúc ấy tôi không biết một ang gạo là bao nhiêu tiền, và nếu quy ra kg như tôi học thì là bao nhiêu, nhưng nhìn ánh mắt tiếc rẻ của dì tự nhiên tôi thấy ngại quá. Lần đầu tiên tôi được dắt đi sắm đồ mà tối đó tôi ngủ không ngon.

Con nít mà, mau nghĩ nhưng cũng mau quên. Tôi dậy và hí hửng định đi thử lại lần nữa rồi mới chịu theo ba ra vườn cắt lá chuối gói bánh tét. Tôi không tin vào mắt mình, tối qua vì vui quá, vì đi cả ngày mệt, tôi ngủ sớm mà quên mất không để dôi dép lên cao. Con Kin đang tuổi lớn, nó ngứa răng, thế là kết cục đôi dép của tôi không còn cái quai hậu nào cả, mặt tiền thì toàn dấu răng. Chưa kịp đánh răng, đầu tóc còn chưa chải, chợt câu nói của dì tối qua lại ùa về, tôi nhìn đôi dép và liên tưởng tới 3 ang gạo của má tự nhiên tôi lăn ra khóc giữa nhà. Tôi ức con Kin, tôi tiếc đôi dép, tôi giận má sao không cất dép giúp tôi, hôm nay là 28 Tết rồi đi mua sao được đôi nữa, hay là vì ba ang gạo…tôi chả biết, tôi cố gào thét cho to, lúc đó tôi chả biết làm gì nữa, cũng không thèm cầm đôi dép trong tay, tôi đã vứt mỗi chiếc đi một xó xỉnh nào rồi. Ba cười, thôi lát má chở lên chợ mua cho đôi mới, tôi nín thinh, nhưng sau đó lại tiếc, tôi lại khóc. Khóc càng to hơn, cho tới khi ba hứa cho tôi tự tay gói bánh tét tôi mới nín. Ngày ấy trẻ con, mong Tết nhiều nhất là vậy. Mà chắc không chỉ con nít. Người lớn có khi cũng thế. Quê tôi ngày Tết đẹp lắm, làm lụng vất vả cả năm ai cũng mong tới Tết để được sắm sửa, quan niệm người quê tôi là vậy, có cần gì cũng nói: “thôi để Tết rồi mua luôn”. Mấy đứa nhóc cùng tuổi tôi cũng được ba má nó sắm cho đồ mới, được bao lì xì, được đi chơi nội ngoại. Qua Tết cứ gọi là trẻ thêm mấy tuổi nữa.

Giờ tôi đi làm rồi, tự mua được những gì tôi thích, Tết đến hàng quán bán toàn đồ mới, chỉ màu sắc thôi đã làm rộn ràng phố thị, chứ chưa kể đến việc người người tấp nập mua sắm. Tôi gọi cho má: “má ơi, Tết má thích gì con mua cho, con mới lãnh lương”. Giọng má vẫn như ngày nào, không mừng mà cũng không vui: “Thôi con, má quanh năm ở nhà có đi mô, Tết về là má vui rồi, tranh thủ về sớm mua hoa quả trang trí bàn thờ là được rồi”. Tôi dạ mà lòng nghẹn lại. Lâu nay má vẫn vậy, không hề nghĩ cho mình. Tôi gọi lại, chưa kịp nói đã nghe má bảo: “má nói rứa mà con không nghe hả, đừng mua nghe”, “dạ không, con về trễ nên má mua hoa cúc trước nghe, con về đi mua giấy cúng với trái cây sau cũng được, sợ hoa mấy ngày cuối không đẹp”, “ủa, chớ không phải con ưng hoa cúc lắm hả, Tết về đi lựa cho sướng” “dạ, con ưng nhưng trễ quá sợ chưng không được lâu”, “ừ, rứa để má mua trước”. Má nói làm tôi nhớ lâu nay tôi không được ngắm một đoá cúc nào cả. Còn ở nhà, cứ có cúng kính hay lễ lộc gì tôi cũng giành má đi lựa hoa cúc, tôi thích tới mức mà chỉ muốn chưng toàn hoa cúc tôi. Má hay gõ đầu tôi: “cha mi, sinh mùa thu cái ưng hoa cúc rứa đó hả”, “dạ đâu có, con thấy đẹp mà, mai mốt cúng xong má cho con trông nghe”. “trồng răng được mà trồng, cái ni nhổ lên rồi trồng không lên mô, mình cũng không có thuốc răng hắn sống được”. Tôi bí xị “rứa tôi má cho con chưng trong xô nước cũng được”, “ừ, rứa để má nói ba cúng xong cho con”. Vậy đó, qua bao mùa hoa cúc, qua bao lần nôn nao, đi cặp với màu hoa cải ba trồng nữa, tôi lại thấy được những cái mới, cái mong chờ hơn ở Tết.

Mấy ngày trước nghe sắp có lịch trực Tết cho nhân viên, tôi cứ thót tim, cả năm tôi chưa về thăm ba má, Tết này mà không về tôi sống sao nổi. Mấy anh chị lại xúm nhau hù tôi: “Nhân viên mới thì có ở xa cũng phải trực, thành lệ rồi. Sếp bảo không ai không nghe hết”. Tôi lại bắt đầu lo, ba má mà nghe tin này thì chắc buồn lắm. Má lại khóc như cái hồi tôi học Đại học cho coi. Cũng may là lịch trực chỉ áp dụng cho nhân viên nội thành thôi. Những đứa xa quê như tôi được đặt cách. Tôi gọi ngay cho má báo ngày về, má ừ nghe giòn tan. Dù không thấy nhưng tôi đang hình dung rõ nụ cười của má lúc ấy. Thế nào má cũng gọi ba trước khi ba đi làm về mà.

Đường hoa cũng đã bắt đầu xây dựng, những mô hình thịt mỡ, dưa hành, rồi đủ loại trái cây, đủ loại hoa được dựng lên càng thêm xoáy sâu vào niềm háo hức của tôi. Thấy bánh chưng tôi lại nhớ bánh tét ba tôi gói, thấy hoa đào tôi lại nhớ hoa mai ba tôi trồng, thấy dưa hành tôi lại nhớ củ kiệu má tôi dầm, thấy trái cây tôi lại nhớ lúc chạy quanh xóm tìm cho ra trái dừa non để chưng mâm ngủ quả “cầu vừa đủ xài” theo quan niệm làm ăn đầu năm. Có thể không như người ta nói “đi xa mới nhớ quê nhà” nhưng đúng là “đi xa mới nhớ quê nhà nhiều đến không thể tả”. Không biết có ai hiểu cho cái tâm trạng sáng sáng ngủ dậy nghe khúc nhạc xuân, nhìn ra cửa thấy nhà hàng xóm sơn lại hàng rào mới, chạy ra đầu cổng thấy mấy bác xe thồ chở cây kiểng ngược xuôi, chiều chiều là hình ảnh mẹ dắt tay con đi sắm đồ mới, tối tối là nhấp nháy những ánh đèn “chào xuân mới”. Nhưng có lẽ cảm giác này vẫn không trống trải bằng cảm giác thấy con cái người ta về đông đủ, đứa này chào, đứa kia hỏi thăm, đứa lớn, đứa nhỏ, đứa đi làm, đứa lấy vợ làm ba má không nhận ra đứa nào con ai nữa rồi. Mà con mình lại chưa về. Năm nay mấy anh có con nhỏ không về được, thế nào ba cũng mở mãi bài hát “Xuân này con không về” cho tới khi má gắt gỏng “Vui gì mà mở miết cái bài nớ” thì ba mới chịu tắt. Thế nào ba cũng cái điệp khúc “Tết ni mấy đứa hắn không về thì mua chi cho nhiều, cúng ra ai ăn đâu”, má biết thế nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn “thì lễ mễ cúng là phải đầy đủ rứa, mấy đứa hắn không về ăn thì tôi với ông ăn, ông ni hay quá hỉ, cứ ngồi than khang rứa”.

Tết – với tôi giờ không phải là được mua quần áo mới, được cầm những phong bao lì xì mới, được tha hồ đi chơi, được ăn quà bánh.

Tết - cũng không phải là những buổi chiều giáp Tết chạy lên chợ chỉ để được hoà mình vào dòng người rộn ràng ấy mà mua sắm, mà đem về những bụi hoa cúc to nhất, vàng nhất và thơm nhất.

Tết – cũng không phải là rộn ràng giặt giũ, lau chùi nhà cửa, chạy tới chạy lui mà đôi khi bỏ quên nồi bánh tét của ba đang nhỏ lửa.

Tết – giờ là đếm ngày được trở về. Vì chỉ cần trở về, được hoà mình vào cuộc sống của ba má là tôi có thể làm được tất cả những điều tôi muốn.

Được trở về những ngày cấp 3, vui buồn gì trong bữa cơm chỉ cần kể hết cho má nghe là thấy nhẹ lòng.

Được trở về cả ngày tiểu học, muốn ăn kem là rủ ba đi mua, rồi vừa than lạnh vừa ăn liên tù tì 3,4 que.

Sáng sáng ngủ dậy được nghe cái mùi ngai ngái của ruộng vườn dưới sương sớm, hít một cái thật sâu và tự cười một mình, đôi lúc vươn tay một cái mà tưởng muốn ôm trọn bầu trời này vào lòng.

Chiều chiều lại thấy lững thững từng đàn bò gặm cỏ theo triền ruộng, lại được dịp nghe mấy đứa nhóc nhảy nhót hát bậy bạ mà om sòm, để rồi quên rằng trời đã tối, bò nhổ cọc đi lạc, “ậm bò” đi tìm vang cả xóm.
Tối tối lại râm rang khúc nhạc du dương của đủ loại côn trùng, từ dế đến cóc đến nhái, nói chung là vô số con tôi chưa biết nữa, nhưng cứ nghe thế là thấy đỡ sợ hơn được tý. Dù đã lớn, đã đi xa sống tự lập nhưng cái tật sơ ma trong tôi dường như càng ngày càng lớn, không thể nào mà sửa được.

Đêm đêm lạnh có má nằm bên ôm tôi, ngủ quên không lo muỗi cắn, mê truyện quên ăn có ba nhắc…kể ra thì cũng là vô số mấy cái tật xấu sửa hoài không thành của tôi, nhưng vui lắm. “Con cái có hư thì mới biết lòng ba mẹ” – tôi hay chống chế như thế khi bị ba má la, má lại cười “ừ, hư miết rứa ba má vui ghê hị”.

Quê nhà – hai tiếng thân thương và gần gũi, dẫu có mạnh mẽ, có cứng rắn như thế nào trong cuộc sống này thì tôi luôn tin đó là nơi mà bất cứ ai cũng có thể trải lòng để tâm hồn mình thơ bé nhất. Vì thế mà ngày nào còn xa quê thì tôi vẫn còn từng chiều dáo dát tìm về một miền ký ức xa mà không hề cũ. Cũng như Tết, mỗi năm một lần mà chưa khi nào tôi thấy Tết năm này giống với những năm trước cả, bởi Tết luôn cho tôi những niềm riêng thật hạnh phúc.

  • Bài dự thi của Phạm Bảo Linh

Để bình chọn bài viết này mời bạn để lại bình luận - phản hồi cuối bài viết!



Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn
.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

back to top