Chị Tôn ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam ở nhà một mình nuôi con do chồng chị làm thuê xa nhà, chỉ về dịp Tết Nguyên đán. Từ giữa năm 2021, chị phát hiện đàn gà mình nuôi liên tục mất mỗi hôm vài con. Một hôm khoảng 12h đêm, chị nghe tiếng chó sủa, dậy hé cửa nhìn ra ngoài, thấy trong vườn có một bóng đen.
Chị vừa lấy điện thoại di động ra định báo cảnh sát thì người kia phát hiện bị lộ, vội vã trèo rào chạy mất. Cả đêm hôm đó chị không ngủ được, sáng hôm sau ra chuồng gà, phát hiện mất bốn con.
Chị rất tiếc của, muốn báo cảnh sát nhưng cũng không biết kẻ trộm là ai. Sau mấy ngày suy nghĩ, Tôn quyết định mua mấy bánh pháo về để sẵn ở nhà, nếu kẻ trộm một lần nữa đột nhập, chị sẽ đốt để xua đuổi.
Một tối tháng 8/2021, chị lại bị tiếng chó sủa đánh thức. Nhìn ra vườn thấy bóng đen lén lút gần chuồng gà, chị lấy một bánh pháo ra, châm lửa đốt rồi ném ra sân. Sau khi đốt pháo, chị không dám đi ra ngoài xem, thầm nghĩ kẻ trộm đã chạy rồi nên quay về phòng ngủ.
Sáng sớm hôm sau, Tôn đi ra chuồng gà nhặt trứng gà, nhìn thấy một người đàn ông nằm bất động. Chị gọi điện thọai báo cảnh sát.
Theo kết quả điều tra, người chết họ Hồ, sống cùng thôn. Trên tay Hồ còn dính lông gà, dấu chân khớp với dấu chân trong chuồng gà. Kết hợp với lời khai của chị Tôn, cảnh sát xác định Hồ xuất hiện ở đây là để ăn trộm gà.
Điều tra về Hồ, cảnh sát phát hiện Hồ thường xuyên ăn cắp vặt, trước đó đã nhiều lần mang gà về nhà, phù hợp với thời gian chị Tôn mất gà trước đó. Người nhà của Hồ cũng biết nửa đêm anh ta ra ngoài là để ăn trộm gà, nhưng không có ai ngăn cản.
Theo kết quả khám nghiệm, Hồ bị mắc bệnh tim, do tâm lý căng thẳng khi đột nhập trộm cắp tài sản, lại đột nhiên nghe thấy tiếng pháo nổ nên quá mức sợ hãi, bệnh tim phát tác mà chết. Cuối cùng, cảnh sát nhận định đây là tai nạn ngoài ý muốn.
Mọi chuyện tưởng như đã kết thúc nhưng người nhà Hồ không chịu bỏ qua, kiện chị Tôn ra tòa, bắt đền 500.000 nhân dân tệ và yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Trong phiên xét xử, tòa án thành phố Nam Dương xác định Hồ đã nhiều lần đột nhập vào nhà chị Tôn, tổng cộng lấy trộm hơn 10 con gà, cấu thành tội trộm cắp tài sản. Song do Hồ đã chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn hành vi của chị Tôn không cấu thành tội vô ý làm chết người mà là hành vi phòng vệ chính đáng.
Hai người không quen biết, chị Tôn cũng không biết đối phương mắc bệnh tim. Hành vi đốt pháo của chị Tôn là xuất phát từ nhu cầu phòng vệ, ngăn cản sự xâm phạm phi pháp của người khác với mình.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, để được coi là hành vi phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn đồng thời năm điều kiện: về nguyên nhân: Hành vi xâm phạm thực sự tồn tại; về thời gian: Hành vi xâm phạm phi pháp đang được tiến hành; về chủ quan: có ý thức phòng vệ; về đối tượng: phòng vệ nhằm vào người có hành vi xâm phạm và cuối cùng; về mức độ: không vượt quá mức độ cần thiết.
Trở lại vụ án này, hành vi xâm phạm phi pháp thực sự tồn tại (Hồ đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản của chị Tôn), hành vi xâm phạm phi pháp đang được tiến hành (khi thấy chó nhà chị Tôn sủa, Hồ không chấm dứt hành vi xâm phạm phi pháp của mình).
Chị Tôn đốt pháo là hành vi có ý thức phòng vệ, đối tượng chỉ nhằm vào Hồ, cũng không vượt quá mức độ phòng vệ cần thiết. Vì vậy hành vi này là phòng vệ chính đáng.
Tòa án cho rằng, trong quá trình Hồ thực hiện hành vi phạm tội, để bảo vệ tài sản và an toàn nhân thân của mình, chị Tôn đã cùng cách ném pháo để ngăn chặn hành vi phạm tội của đối phương tiếp tục tiến hành, đây là phòng vệ chính đáng.
Hồ bị kinh động dẫn đến đột tử có liên quan bệnh tật của bản thân, không tồn tại quan hệ nhân quả về pháp luật với hành vi ném pháo của chị Tôn, vì vậy chị Tôn không cần chịu trách nhiệm hình sự, cũng không cần chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
Cuối cùng, tòa án trung cấp thành phố Nam Dương bác yêu cầu của phía người nhà Hồ đưa ra.