Phát thanh xúc cảm của bạn !

Vườn địa đàng bí ẩn

2013-01-23 09:52

Tác giả:


Bài dự thi Tết trong tim tôi - Để bình chọn bài viết này mời bạn để lại bình luận, phản hồi cuối bài viết!

Buổi sáng, mây mịn màng và dịu nhẹ như bông sà xuống vuốt nhẹ lên mặt đường rồi len lỏi chui cả vào xe. Cô gái người Sài Gòn có đôi mắt to đen láy, má hây đỏ ngồi cạnh cứ hít hà xuýt xoa mãi. Bên này cửa sổ là ruộng bậc thang sau mùa gặt còn trơ những cọng rơm vàng, lấp ló là những ngôi nhà màu đen nằm cheo leo ở lưng chừng trời. Sa Pa mùa này sũng nước, nước đính cườm trên ngọn sa mộc, nước tung mình trong những con suối thành màu trắng mềm óng như tơ. Cô gái chợt quay sang hỏi: "Tết Sa Pa có zì hông anh?"."Sa Pa không cho bố cưới vợ hai, nên Sa Pa không có dì". Cô gái cười chung chiêng rồi lại quay ra cửa sổ hít hà cái gió lạnh của buổi sớm.

Thật khó trả lời khi ai đó hỏi, tết Sa Pa có gì? Sa Pa có mây, có sương, có nắng, có gió, có lạnh, có hoa đào, có tầm xuân, có nỗi nhớ lao xao như hạt lúa còn sót lại trên bông lúa sau mùa gặt. Mỗi khoảnh khắc Sa Pa lại đẹp theo một vẻ rất riêng và tùy theo cảm nhận của mỗi người. Sa Pa như một tiểu thư đỏng đảnh khó đoán định.

Cô gái lại quay sang hỏi: “Anh về quê à ?”.”Không, anh chỉ đi tìm một cái Tết đặc biệt thôi”. Cô gái khẽ lưỡng lự một chút rồi nói: “Chìa tay ra, em cho anh số của em”.

Áo choàng tơ lụa một dải giữa trời.

Ai đó dù chưa đến Sa Pa dù chỉ một lần nhưng đã từng nghe câu hát: “Anh chỉ nghe em hát vang lên trong biển mây. Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa rừng cây. Mà người đâu chẳng thấy, mặt người thương chẳng thấy, ôi Sa Pa mù sương”.

Buổi sớm đến Sa Pa khi nhiệt độ còn ở dưới 5 độ C, chỉ nghe tiếng nói xôn xao, í ới, tiếng bước chân chạy rập rạp đâu đó. Tiếng vó ngựa lóc cóc trên đường, tiếng leng keng của chiếc chuông gió làm bằng tre treo ở một góc phố chưa kịp hiện ra. Thấp thoáng trong sương mù ở khoảng cách rất gần có vài tấm áo thổ cẩm lướt qua rồi lại ẩn mình vào sương sớm.

Tôi nói với cô gái Sài Gòn: “Mù rồi em ạ”. Tiếng cười khúc khích vang lên: “Nãy giờ sương giăng quá em có nhìn thấy cảnh HOT nào đâu mà anh đã đui con mắt rồi”. Tôi bật cười. Mù ở đây là sương giăng trên phố vắng, sương vội vàng che phủ cả vòm cây tầm xuân quấn quýt bên hàng rào. Một dải mây trắng lửng lơ vắt ngang nhà thờ im phăng phắc. Nếu có kẻ nào mù lòa đi lạc đến Sa Pa có thể nghe được tiếng hạt sương rơi rón rén trên từng chiếc lá, từng viên đá rêu phong trước bậc thềm nhà, nghe mùa Xuân nơi đây róc rách tự tình.

Mặt trời bắt đầu lên, đó chỉ là phán đoán sự có mặt của “gã” khi gã lần lượt vén từng làn sương mỏng ra một cách khoan khoái, nhâm nhi như gã đang thưởng thức một ly Cocktail Pink Lady với nhiều siro lựu Grenadine vào buổi sáng.

Sa Pa bất thần hiện ra trước mắt trông như một tiểu thư đài các khoác chiếc áo mỏng tang xuống phố, bắt đầu một cuộc phiêu du với nhiều ánh mắt trầm trồ.
Tôi lại nhớ ánh mắt lung liêng của cô gái Sài Gòn: “Tết Sa pa có zì hông anh”.

Cô gái có đôi má hồng

Ở đâu đó trong một con phố Hà Nội có tấm biển treo vào những ngày giáp tết: “Bán đào Sa Pa”, khách mua đào về cắm Tết nườm nượp vào ngã giá những cành đào. Thì ở Sa Pa, người ta không chặt cành đào mang về nhà cắm.

Xuân về, tết đến, nắng ấm lên, Hoa đào nở rộ khắp núi rừng bừng lên sức sống đầy kiêu hãnh, mãnh liệt. Lấp lóa trong sương trắng, bản làng nhấp nhô dưới những ngọn thông cao vút trở mình đón cơn gió lạnh từ nơi đâu bất chợt ghé thăm.

Hoa đào Sa Pa từ lâu đã hấp dẫn không chỉ với người Lào Cai mà cả với nhiều người dân miền xuôi. Có lẽ vì thế người ta thích tìm đến mảnh đất vùng cao này những ngày cuối đông khi thời tiết đang chuyển mình sang xuân, khi mà đào Sa Pa chưa theo chân người “xuống phố”, còn đang e ấp những nụ hoa chắc mẩy, chờ đợi được cựa mình khoe sắc.

Tết đến, Hoa đào nở thật, đung đưa ngay trước mắt, bên đường, trong sân nhà ai đó, dưới hồ bơi của một vài khách sạn, những thân cây khẳng khiu bên hàng rào cũng nở đầy hoa. Mặc cho Tháng giêng, trời sương nặng trĩu, khăn đùm khăn đống lùm xùm, mây một màu đùng đục, vậy mà hoa đào vẫn hớn hở vui vẻ rung rinh trên cành. Cô gái người Mông bất chấp cái lạnh thấu vẫn đi chân trần, e thẹn tạo dáng dưới bóng hoa đào rực rỡ. Du khách người Kinh đang cố vươn tay lên cao ngắt trộm một cánh hoa bỏ vào túi áo, giọt sương làm tê lạnh những ngón tay.

Nàng Đào Bích cánh kép mầu đỏ thắm như cô nàng trẻ trung sành điệu đầy chất rock đứng khơi khơi như mời gọi. Cô nàng Đào phai dịu dàng khoe tà áo mỏng gợi tình khiến cho người ta có cảm giác nhẹ bẫng trong tâm hồn. Cô nàng Bạch đào thì đứng thẹn thùng sau phiến đá, đôi khi túm năm tụm ba chơi trò trốn tìm trong sương mù.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, những vạt rừng đào thướt tha trong sương, thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, những cánh hoa rời cành bay lả tả như muôn ngàn cánh bướm rập rờn đuổi theo cơn gió. Nếu leo lên núi Hàm Rồng, hoa đào sẽ thật gần, có thể vướng cả cành hoa làm rối bời mái tóc. Hoa đào ở Sa Pa có vẻ đẹp tự nhiên, có cành la, cành bổng, có nhiều nụ, nhiều hoa và lác đác vài quả non đã đậu cành.

Nếu như buổi sáng sớm Sa Pa điệu đà mong manh như một tiểu thư khoác lên mình chiếc áo mỏng bằng sương trắng đang ngái ngủ, thì khi nắng lên, Nàng đã tô điểm cho sắc má thêm hồng bằng những cánh hoa đào rợp đến tận chân trời.

Cùng với những loài hoa khác, đào rừng đã góp phần làm cho mùa xuân thêm hương thêm sắc.



Chợ tình không phải để mua tình.

Buổi trưa, thấy cô gái người Dao đứng tần ngần trên bậc thềm nhà thờ đá, tôi hỏi: “Đêm nay đi chợ tình không em”. Cô lắc đầu nói câu gì đó. Tôi hỏi lại bằng tiếng Anh, cô nhoẻn miệng cười lấp lóa: “No, I can’t”.

Hai chữ "chợ tình" đã đi vào cách hiểu của mọi người như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Vậy, sao gọi là chợ tình?
Nhưng ở nơi đây, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hẹn hò. Bởi vậy, chợ tình Sa Pa là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tùy từng địa phương.

Có những năm tuyết rơi vào dịp cuối đông, đầu xuân nên thật lãng mạn, hấp dẫn du khách. Mỗi tuần, chợ tình họp một lần vào tối thứ bảy. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ tươi và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Ðối tượng của họ là những chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, khăn cũng cùng mầu.
Ở một góc nọ, chàng trai người Dao nắm tay một cô gái ánh mắt như con Thỏ, con Nai đang say đắm giữa khu rừng đầy hoa lạ. Ở góc kia, cô gái ngượng ngùng cúi đầu hoặc lấy tay che mặt, nhưng vẫn hát những lời tự tình với những với giai điệu run run như tiếng ong tiếng ve tìm thấy một lòai hoa nhiều mật ngọt.

Khi đêm xuống cái lạnh thêm ngọt, ánh trăng khuyết bắt đầu treo trên đỉnh núi, lờ mờ sau làn sương. Những tiếng kèn lá trầm bổng vang lên mời gọi. tiếng kèn môi cũng bồng bềnh trong đêm. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, hát cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại. Ðộng tác này gọi là "kéo", một biểu hiện đặc trưng cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới lúc "chấm" được một chàng, cô gái dúi vào tay người đó một vật định ước. Vật định ước ấy có thể là một chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay cái lược... Thế là đám đông ồ lên, tản ra. Cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau khi yên tĩnh trở lại, hai ba cô bạn đưa cô gái này đến "gửi gắm" cho chàng trai nọ. Rồi thì đôi bạn tình đưa nhau tới đâu chỉ có rừng sa mu xào xạc kia mới biết...

Chợ tình cũng chẳng thể mua tình, chỉ có cái tình của những đôi trai gái khắc quện lấy nhau, ánh mắt sáng bừng trong đêm mù sương.

Lễ Hội mùa Xuân

Tết Nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao ở Tả Vạn. Trước Tết, nam thanh niên ôn luyện các điệu nhảy múa. Các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới. Lễ Tết nhảy thường diễn ra ở nhà ông trưởng họ và các thành viên trong họ đều tấp nập đến giúp trưởng họ chuẩn bị Tết.

Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Đó là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ, công lao tổ tiên. Đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ... sinh hoạt tết của người Dao đỏ Tả Vạn, Sa Pa giầu bản sắc, độc đáo nhưng đều thấm đậm tính nhân văn.

Hay lễ hội Nhặn Sồng, Nào Sồng của người Dao đỏ cúng thần thổ địa “Thủ Ti” - Vị thần cai quản cộng đồng làng để giữ rừng không bị tàn phá, hàng năm xanh tốt phì nhiêu.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy cũng diễn ra vào tháng Giêng để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.

Người Mông thì làm lễ Hội Gầu Tào cầu để cầu mệnh, cầu an, cầu phúc, cầu tự. Ở Sa Pa, sáng ngày mồng một tết làm lễ mở hội. Sau phần cúng khai hội của thầy cúng, mọi người cùng tham gia các cuộc thi trò chơi tưng bừng không khí Tết.



Say

Đến Sa Pa uống vài ly rượu Sán Nùng, thấy đầu lâng lâng, bước chân nhẹ bẫng. Ở đây say cảnh, say tình, bỗng chốc rũ bỏ mọi ưu phiền. Ai đó đã ví Sa Pa vào xuân cảnh đẹp như cõi tiên và mỗi người đến nơi đây như một anh chàng tham lam họ Chư thèm ăn trái đào trên thượng giới. Muốn cắn vào Sa Pa một miếng ngọt lịm, nhấm nháp hương vị của hương hoa, của sương sớm trên đầu lưỡi. Dấu một chút tình vào trong lồng ngực để thỉnh thoảng mang ra thở dè từng chút.

Nào là núi Hàm Rồng bốn mùa hoa nở rộ. Những bông Tú cầu đủ mầu sắc chung chiêng trên những cành hoa bé xíu, nhưng vạt hoa cúc đủ mầu như những cánh bướm rập rờn sau phiến đá. Những bông Bạch Yến nở bung trên nền vách núi xanh thẫm. Những nhành địa lan kiêu hãnh trong vườn treo.. trên cao, gió từ khe núi thổi vào vi vu như khúc nhạc liêu trai. Thỉnh thoảng một cơn lốc xoáy nhỏ nhoi hất tung đống đồ thổ cầm của những em bé người Mông bày bán ven khe núi khiến chúng lẫn lộn vào nhau. Mấy cái bóng nhỏ lúp xúp đuổi theo những chiếc mũ đang bị gió cuốn đi, giọng cười giòn tan trong cơn lốc nhẹ.

Xa xa, thung lũng Mường Hoa được mệnh danh là Thung lũng hoa hồng, những ngôi nhà sàn nằm chen giữa rừng hồng nhìn ra thung lũng Lao Chải với những thửa ruộng bậc thang, tất cả tạo nên một bức tranh đầy huyền ảo. Đến Thung lũng hoa hồng từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm để thưởng thức mùi hương ngây ngất của triệu triệu đóa hồng nở vào mỗi sáng.
Nếu có bạn đồng hành thì lên Thác Bạc ngắm ngọn thác đổ từ độ cao hơn 100 mét từ đỉnh núi xuống. Đứng dưới chân Thác Bạc, nhìn ngắm đất trời bao la và những rặng núi trùng điệp xa xa, ta bỗng có cảm giác mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ.

Cây cầu mây bắc ngang qua suối Mường Hoa đã đi vào thơ ca: “Sa Pa Thác Bạc Cầu Mây, từ xa Anh đến nơi này tìm Em”. Vào lúc sương mù cuộn từ dòng Mường Hoa lên phủ kín Cầu Mây, ta thấy mình như đang bồng bềnh trong mây.

Xuống thung lũng Cát Cát để đắm mình bên thác Tiên sa. Cảnh quan ở đây thật kỳ vĩ, ba dòng suối hội tụ bên dòng thác tuyệt đẹp tung bọt trắng xóa. Đêm đến, lửa trại được đốt lên bên dòng thác, những điệu múa, câu hát hòa vào tiếng ầm ào của dòng thác như một bản nhạc đệm du dương. Những ánh mắt trao tình, những cái vòng tay ấm áp, ai đó nép vào ai để cho trái tim rạo rực bồi hồi.
Trở về thị trấn, hoa Tầm xuân nở vắt víu trên hàng rào, nở rập rờn ven hồ Sa Pa mờ nhạt hơi sương. Cô gái người Dao không còn đứng bên thềm đá nhà thờ hoài cổ, những gánh gồng thổ cẩm vẫn leng keng trong sương. Chiếc khăn ấm ai mua đã quàng lên cổ, những bàn tay đan vào tay nhau để tìm hơi ấm.

Rời Sa Pa, cô gái Sài Gòn ngồi bên cửa xe mắt buồn xa lắc. Tôi khẽ đặt tay lên vai em cùng nhìn theo ánh mắt em nhìn. Ruộng bậc thang vàng ươm gốc rạ, sa mu thăm thẳm trời chiều. “Em vừa đánh mất cái gì phải không ?”. Cô quay lại mỉm cười: “Em làm rơi chiếc khăn trên vườn địa đàng”. Tôi thò tay vào túi xách, lấy ra chiếc khăn thổ cẩm mua lúc chiều quàng vào cổ em. Sắp tối rồi, lạnh lắm. Cô gái để yên chiếc khăn trên vai, ánh mắt lấp lánh như giọt sương sớm làm trái tim tôi dội lên xôn xao.

“Hết tết rồi, anh đã tìm được cái gì đặc biệt chưa ?”. Cô gái hỏi và tôi khẽ trả lời: “Anh tìm được nhiều hơn thứ mình muốn”. Và khi ấy, bờ vai cô gái ở rất gần, tôi nói thì thầm: “Tên em là gì, bé con”.

  • Bài dự thi Tết trong tim tôi của Phạm Bảo Thoa



Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn
.


Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa đông dang dở

Mùa đông dang dở

Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Mùa đông có anh một mùa đông có anh Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Anh bên cạnh em và bên em suốt con đường

Lời ước hẹn

Lời ước hẹn

Anh có còn nhớ lời ước hẹn cùng em Lời ước hẹn năm xưa anh đã nói Lời ước hẹn trong một ngày đông cũ Khi cơn gió đông về cứ buốt lạnh tim em

Cho con cả bầu trời

Cho con cả bầu trời

Chị nói là mẹ sẽ cho con cả bầu trời này trong đó có vô vàn tình thương của mẹ gởi theo con, để ở một nơi thật xa con sẽ luôn có mẹ, luôn có tình thương của mẹ bên cạnh, và con sẽ được ấm áp được bình yên dù không có mẹ bên cạnh.

Ngày ta gặp nhau

Ngày ta gặp nhau

Anh có đếm những ngày xuân lặng lẽ Khi cả anh cả em đều cùng ngóng trông nhau Khi bao xuân qua ta cứ mãi đợi chờ Vì những niềm vui vẫn cứ còn dang dở

Nhân vật

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

Ngày toàn thắng

Ngày toàn thắng

Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

Lòng tự kiêu

Lòng tự kiêu

Rồi cuối cùng khi anh ta giật mình quay lại sau một khoảng thời gian dài bỏ mặc người mình yêu như thế thì cô gái đã hạnh phúc bên một người khác. Điều mà anh ta không thể ngờ tới, vì anh ta rất tự tin là cô gái đã yêu anh ta sâu nặng như vậy thì chỉ chờ đợi mỗi anh ta mà thôi cho dù là có chờ đến bao lâu.

Tình điên dại

Tình điên dại

Tiếng tình yêu nghe sao mà da diết Nửa hồn tình anh biết gửi tặng ai Nửa mây mù chia cắt đốt hình hài Mà đau quá anh gọi mây bất diệt

Xã giao

Xã giao

Đàn ông quả nhiên không thể tin Trêu đùa xong xuôi rồi vô hình Xã giao vài câu thì biến mất Vậy nói câu đó để làm chi.

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Có nghĩa là tôi không hề thật sự thích con người cậu ấy như cách mà cậu ấy thích tôi, cái tôi thích ở cậu chỉ đơn giản là vẻ bề ngoài của cậu. Tôi nhẹ nhõm khi cuối cùng cậu đã có thể từ bỏ một chút rung cảm đó với tôi để tìm được người đáp lại được tình cảm của cậu.

back to top