Phát thanh xúc cảm của bạn !

Anh và câu chuyện mùa hạ

2018-06-12 01:26

Tác giả:


blogradio.vn - Một tháng 6 nữa lại sắp đến, gió đã bắt đầu nóng và nắng có vẻ gắt hơn. Hạ lại nhớ bố. Bước chân từ bậc thang khu nhà trọ xuống đường, Hạ đã thấy Huy chờ sẵn ở ngõ. Hạ mỉm cười khi thấy bộ dạng nhếch nhác giữa trưa hè tháng 6...

***

blog radio, Anh và câu chuyện mùa hạ

Mẹ sinh Hạ vào một ngày nắng hè gay gắt tháng 6. Có lẽ bởi vậy mà bố mẹ gọi cô bằng cái tên Hạ. Ngày đi học, giữa muôn vàn cái tên Thu, Thủy, Hà, Tâm… Hạ nổi lên như một cái tên độc, lạ. Bạn bè đôi khi biến tấu gọi cô là… Hè. Ừm, Hạ và Hè cũng tương tự nhau. Những năm cấp một Hạ vẫn rơm rớm nước mắt khi bị bạn bè trêu chọc. Lên lớp 6 cô đã chẳng để tâm, Hạ vẫn nghĩ, sinh vào mùa nắng hè, mẹ gọi cô là Hạ có gì lạ. Dù cô có là Hạ hay Hè thì bố vẫn luôn bế bỗng cô lên cổ cười cười vào những năm cô 4 tuổi hay bố vẫn nắm tay thật chặt dắt cô đến trường vào những năm Hạ đủ tuổi đi học. Hạ vẫn mãi nhớ những kỷ niệm ấy.

Năm Hạ lên lớp 10, bố đột ngột qua đời sau vụ tai nạn trên đường đi làm về. Nhìn mẹ vật vã khóc trong đám tang bố giữa mùa hè tháng 6, nước mắt Hạ chan đầy. Hạ nhớ bố. Tháng 6 Hạ sinh và tháng 6 bố ra đi. Sau những ngày lo toan cho bố, mẹ Hạ gầy đi, ánh mắt thất thần, vậy là từ nay nhà chỉ còn mỗi Hạ, mẹ và em Mạnh chưa đầy 5 tuổi. Cuộc sống vẫn trôi diễn từng ngày, mẹ lại nặng gánh lo toan cho hai chị em. Còn Hạ từ ngày đó đã bớt cười, ánh mắt xa xăm. Cô gái từng vui vẻ, nhí nhảnh bỗng chốc trở nên trầm mặc. Năm đó Hạ lên lớp 11.

Nhiều đêm nhìn mẹ ngồi thất thần bên di ảnh bố, Hạ rất muốn cất lời. Hạ muốn nghỉ học nhưng rồi chợt thấy ánh mắt mẹ, cô lại chùn bước. Mẹ khổ quá, Hạ còn học sẽ rất nặng đôi vai kia của mẹ. Em Mạnh cũng sắp vào lớp 1. Đêm ấy Hạ mất ngủ, con ngươi cứ nháo nhác và đôi mi mắt như giận hờn nhau không dám sáp lại. Sáng sớm, bình lặng mang cặp sách đến trường, Hạ mơ hồ đến vô hình.

Hôm ấy, Hạ lùi bước quay lưng khi chân chỉ còn cách cổng trường một khoảng đất không quá hai bước nhảy. Hạ lại ra mộ bố, gần năm rồi, ngôi mộ bố nằm cỏ đã xanh, những nhành hoa cúc mẹ vẫn để thường xuyên ở đấy. Hạ ngồi tựa đầu vào bia mộ, nước mắt Hạ rơi, nhớ bố thật sự. “Con biết làm sao đây hả bố. Ước mơ ngày ấy của con và lời động viên của bố hôm ấy. Nhưng mẹ của ngày hôm nay quá vất vả. Con còn tiếp tục được không bố?”, tiếng lòng Hạ cất lên. Chẳng có ai trả lời Hạ. Gió đầu hè lùa vào tóc Hạ, mái tóc ngắn ngang vai. Hạ từng muốn trở thành cô giáo như bố hằng bảo, nhưng sao nay ước mơ bỗng xa vời đến vậy.

Từ ngày bố mất, Hạ thích lang thang ra bãi đất trống gần khu nghĩa trang bố nằm. Ai đó thấy Hạ, họ lại rỉ tai nhau “Con bé Hạ nhà chị Thu hình như có vấn đề”, “Từ ngày bố nó mất, tôi đã thấy nó không bình thường”… Rất nhiều, rất nhiều câu nói cứ vậy dội vào tai Hạ. Nhưng mặc nhiên, Hạ chẳng mấy để tâm. Hôm ấy Hạ về nhà khi đã quá giờ cơm tối, lúc em Mạnh đang hồn nhiên chơi ở sân. Vừa thấy Hạ, em đã chạy ngay ra ôm chân.

- Chị Hạ về, chị Hạ về mẹ ơi.

Mẹ bước từ gian bếp ra, mắt mẹ lướt qua Hạ. Có lẽ mẹ đã nghe những lời đồn đại của người trong làng rằng Hạ có vấn đề. Lặng lẽ bỏ cặp sách nơi chiếc võng bố vẫn hay nằm khi còn sống, Hạ xuống bếp phụ mẹ mang cơm ra bàn. Gió mùa hè nắng nóng hắt từng cơn. Gió Lào mang theo hơi ẩm khô tấp mạnh vào khu nhà bếp, hai má Hạ nóng ran.

Bữa cơm tối ấy muộn hơn mọi khi. Hạ ngồi bên em Mạnh, mẹ vẫn lặng không nói gì. Mãi khi gần xong bữa, mẹ mới nhẹ cất lời:

- Hạ, sáng nay cô giáo bảo con không đến lớp.

Hạ lặng đặt bát cơm nhìn mẹ, cất giọng nhỏ

- Con ra mộ bố!

- Hạ! mẹ xin con, con…

Tiếng mẹ ngắt quãng bởi bàn tay gầy guộc đã đặt ở miệng. Hạ biết mẹ lo lắng, Hạ biết những lời của người xung quanh đã đến tai mẹ. Hạ biết hết.

- Từ mai con sẽ không ra nữa đâu. Mẹ ăn cơm đi, con đưa em Mạnh sang nhà bác Hồng.

Hạ lại lấy cớ rời đi trước khi thấy rõ giọt nước mắt lăn dài trên gò má mẹ. Hôm ấy là ngày hè đầu tháng 6.

blog radio, Anh và câu chuyện mùa hạ

Trải qua một mùa hè nắng cháy cùng những đợt gió Lào quen thuộc, Hạ đã bước vào lớp 12. Từ hôm ấy, Hạ ít ra mộ bố hơn. Sau những buổi đến trường, Hạ giúp đỡ mẹ các công việc ở tiệm tạp hóa của gia đình. Em Mạnh đã vào lớp 1, đã cao lớn hơn. Nhiều lần nhìn ánh mắt của em, Hạ nhớ bố đến lạ. Em Mạnh giống bố nhất là đôi mắt, sáng và đầy ấm áp.

Năm cuối cấp kéo Hạ theo những buổi học thêm, những buổi ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Hạ đã bảo mẹ sẽ không thi đại học nhưng sau những tranh cãi thậm chí là cãi vã, Hạ cũng đành thua mẹ. Hạ lại chùn lòng khi mẹ bảo “bố muốn con học tiếp”.

Tháng 6 ngày cuối năm học, trên con đường đã trải dọc rơm rạ ngày mùa, Hạ bước chân mang bó cúc ra mộ bố. Rất lâu rồi Hạ mới ra. Ngôi mộ nơi bố nằm, cỏ vẫn xanh. Những bông cỏ may len lỏi xung quanh. Đặt bó hoa xuống cạnh, nước mắt Hạ chợt rơi. “Hai năm rồi bố ạ! Em Mạnh đã lớn, mẹ đã bớt đau buồn và con cũng đã trưởng thành hơn. Bố thấy đúng không bố?”. Gió tháng 6 tung nhẹ mái tóc Hạ, lọn tóc bay tung tóe táp cả vào mắt. Hạ lại lặng im. Ánh nắng chiều có vẻ dịu nhẹ. Hạ tựa đầu vào bia mộ, nơi khắc những dòng chữ và bức ảnh đen trắng của bố. Hạ cười nhẹ, bố vẫn y như vậy.

Trời đổ dần về chiều tà, ánh nắng như nhạt hơn, mây có vẻ kéo đến nhiều. Sắp mưa. Hạ đứng dậy chào bố để về trước cơn giông ngày đầu hè ập đến. Hạ bước chân nhanh hơn trên đoạn đường dài 2km. Hạt mưa nhỏ bắt đầu rơi, gió vẫn thổi, những sợ lông trên tay Hạ được dịp co lại né tránh. Dồn mắt trước con đường nhỏ, màn mưa có vẻ ngập ngừng nhưng giăng lối che khuất một ít tầm nhìn, bỗng phía sau vang lên tiếng hỏi làm Hạ giật mình.

- Em ơi, nhà văn hóa thôn Trung ở chỗ nào chỉ hộ anh với.

Tiếng người con trai kéo Hạ quay lại. Trong cơn mưa giông ngày hè, Hạ chỉ tay theo hướng đã định sẵn.

- Anh chạy thẳng lên trước, rẽ sang trái một đoạn là tới nơi.

Người con trai lạ mặt mỉm cười chào Hạ, cố đi chậm và bảo Hạ quá giang nhưng cô từ chối. Chiếc xe vượt lên trước cô ít bước. Thật lạ, Hạ cứ nhìn mãi bóng lưng anh. Rộng và vững chãi y như lưng bố, Hạ chợt nghĩ. Hôm ấy, về tới nhà người Hạ đã ướt đẫm nước mưa, mái tóc bết lại.

Tháng 6 qua đi sau ít cơn mưa giông đột ngột như ngày hôm đó. Mùa hè lại nắng rát như nó đã từng. Hạ đã thi xong tốt nghiệp, còn chờ kết quả đại học. Em Mạnh cũng đã nghỉ hè. Tháng 7, đoàn tình nguyện các sinh viên đại học đã tụ tập đông đủ ở xã của Hạ. Hóa ra, người con trai lạ mặt Hạ gặp ngày hôm đó là Huy – trưởng đoàn tình nguyện hè lần này. Anh về thôn trao đổi mọi việc trước khi các anh chị tình nguyện khác nhập cuộc vào tháng 7.

Mỗi ngày Hạ vẫn ra giúp mẹ ở tiệm tạp hóa. Em Mạnh tham gia lớp học hè do các anh chị sinh viên tổ chức. Những lần sang đón Mạnh, Hạ có khi giáp mặt Huy. Anh vẫn cười chào Hạ. Có lần anh bảo Hạ tham gia cùng các anh chị nhưng cô từ chối. Thấy Hạ không muốn, đôi lần Huy cố ý thuyết phục nhưng khi thấy đôi mắt xa xăm buồn của Hạ, anh lại thôi. Anh cười, xoa đầu em Mạnh:

- Chị em còn cứng đầu hơn em.

Hạ không hiểu nhưng thấy em Mạnh cười toe, cô cũng chợt mỉm cười. Số lần Huy và Hạ giáp mặt ngày một nhiều. Hạ biết anh cũng là dân vùng nông thôn như Hạ lên thành phố trọ học. Đôi lúc cô cũng bỏ qua khoảng cách, trò chuyện cùng anh vào những hôm anh và nhóm tình nguyện ra quán mẹ Hạ mua thức ăn.

Tháng 7 lại qua nhanh, tiếng ve mùa hạ chỉ còn lác đác. Hạ đã đậu vào một trường sư phạm, đúng theo nguyện vọng của bố ngày xưa. Mẹ thì bảo Hạ thi vào trường kinh tế vì sư phạm ra trường khó tìm việc làm nhưng Hạ vẫn muốn học trường bố đã chọn cho cô ngày còn bé. Và hơn hết, học sư phạm thì mẹ Hạ sẽ đỡ vất vả hơn, không phải lo toan những khoản học phí nặng nề. Trước ngày rời nhà lên phố học, Hạ lại ra mộ bố. Cơn gió tháng 8 nhàn nhạt, se se đùa trên những lọn tóc của Hạ.“Chắc bố vui lắm đúng không?”, lòng Hạ vang lên câu hỏi khiến lòng cô an yên. Ngày ấy, một mùa hè nữa lại qua.

Hôm Hạ đi, mẹ lại ngoảnh mặt đi nơi khác che nhanh giọt nước đang trực trào trên đôi mắt đã hằn những nếp nhăn. Mẹ dặn Hạ đủ điều và không quên nhắc cô hãy chú ý chăm sóc mình. Em Mạnh ôm lấy người Hạ, khóc to như bị mẹ đánh.

- Chị phải nhanh về với em.

- Ừm!

Hạ chỉ bật ra được tiếng nói thật nhẹ ấy. Cô cố cười thật vui để mẹ an lòng. Lần đầu Hạ xa mẹ và em Mạnh. Tàu bắt đầu chuyển bánh, nước mắt Hạ trào ra. Hạ khóc vì nhớ, vì thương và vì tất cả. Mấy năm rồi, từ ngày bố mất, Hạ chai lì khác hẳn Hạ của ngày xưa. Chẳng bao giờ ai thấy Hạ rơi nước mắt, từ sau đám tang bố. Hạ biết mình cần phải mạnh mẽ, để là chỗ dựa cho mẹ và em Mạnh.

Những tháng ngày sinh viên bắt đầu, Hạ luôn cố gắng học. Ngoài những giờ lên lớp, Hạ lại tranh thủ làm thêm. Thời gian với Hạ cứ như thứ có lực, kéo cô hết việc này đến việc khác. Hàng đêm những cuộc điện thoại cùng mẹ và em Mạnh là khoảng thời gian Hạ thấy mình an vui nhất. Đã mấy tháng rồi Hạ không về nhà. Vì muốn gom góp ít tiền học cộng thêm thi thoảng giúp mẹ lo cho em Mạnh, Hạ muốn tiết kiệm tất cả, kể cả vé tàu về quê những dịp được nghỉ lễ.

Hạ vẫn ít nói như trước. Nhưng ngoài việc làm thêm, Hạ lại giành thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện. Dịp cuối tuần cô vẫn tranh thủ đến dạy cho những đứa trẻ nghèo ở xóm chài gần thành phố. Thế rồi tại đây như cơ duyên, Hạ gặp lại Huy sau gần 1 năm kể từ hôm chia tay anh đợt tình nguyện hè. Ngày gặp lại anh, Hạ ngỡ ngàng còn Huy cười nụ cười trìu mến, tỏa nắng.

- Hạ! Hạ ơi.

Tiếng Huy vang vọng phía sau khi cô bước từ con đường nhỏ để ra về. Quay đầu nhìn lại, bóng dáng to lớn cùng khuôn mặt của Huy khiến Hạ có chút lạ lẫm nhưng nhanh chóng lấy lại sự ôn hòa. Hạ mỉm cười.

- Anh Huy!

- May quá, anh cứ nghĩ mình nhìn nhầm người. Em vẫn chẳng khác là bao, lạnh lùng từ cả bóng lưng.

Huy buông câu đùa Hạ mà trên môi cười tươi. Hạ cười, đôi mắt nheo lại có tý rạng rỡ, bớt xa xăm.

- Anh đi đâu đấy.

- Anh dạy tình nguyện. Vẫn y như ngày xưa về quê em đấy.

Giọng nói sáng trong của Huy khiến Hạ thấy nhẹ nhàng.

- Bao năm rồi anh vẫn không thay đổi. Anh sắp tốt nghiệp chưa?

Hạ cất tiếng hỏi Huy khi cả hai bước bộ trên con đường dẫn ra đại lộ lớn.

- Em cũng vậy, không khác trước là bao. Anh còn 2 năm nữa mới tốt nghiệp

Những câu hỏi han, đùa nghịch giữa Hạ và anh kéo dài thêm một đoạn đường nữa trước khi cả hai chia tay nhau. Huy đã kịp lưu lại số điện thoại của Hạ trước khi ra về. Lần gặp ấy như níu thêm sự thân thiết cho cả hai của gần 2 năm sau đó.

Công việc và chuyện học vẫn kéo Hạ bận rộn từng ngày như trước. Một tháng 6 nữa lại sắp đến, gió đã bắt đầu nóng và nắng có vẻ gắt hơn. Hạ lại nhớ bố. Bước chân từ bậc thang khu nhà trọ xuống đường, Hạ đã thấy Huy chờ sẵn ở ngõ. Hạ mỉm cười khi thấy bộ dạng nhếch nhác giữa trưa hè tháng 6. Mấy tháng qua, Huy bận cho công việc tốt nghiệp, Hạ và anh đã chẳng gặp nhau nhiều. Thi thoảng Huy tạt qua phòng Hạ, khi thì mang cho Hạ cuốn sách, khi khi gói bánh gạo cô thích ăn. Hạ và anh vẫn quý nhau như tháng 6 mùa hè năm ấy.

- Anh xong đồ án chưa, sao thẫn thờ thế kia?

Hạ cất tiếng hỏi Huy khi bước chân chỉ còn cách anh một quãng ngắn.

- Mình đi ăn kem đi Hạ.

Huy nhìn Hạ rồi cất tiếng chẳng ăn nhập gì câu hỏi của cô.

blog radio, Anh và câu chuyện mùa hạ

Hạ lại cười nhẹ, cô không nói gì, theo thói quen ngồi lên chiếc xe máy của Huy. Hạ và anh rong ruổi khắp các con phố nhỏ trước khi kịp đến một quán kem quen thuộc của cả hai. Thật lạ, những lần ngồi sao tấm lưng rộng của Huy, Hạ lại nhớ bố đến lạ. Ngày ấy, Hạ cũng từng ngồi sao tấm lưng rộng của bố những ngày hè tháng 6 trên chiếc xe đạp nhỏ. Đôi lúc Hạ nghĩ, cô thích thực sự thích cảm giác ngồi lặng sau Huy, ngắm tấm lưng rộng, che hết cả người cô của anh rồi vòng vòng trong thành phố. Mãi suy nghĩ, Huy đã dừng xe ở quán kem quen từ hồi nào.

- Hạ, xuống xe nào.

Huy luôn vậy, anh trầm lắng và có khi bình ổn đến lạ. Ở bất cứ tình huống nào anh cũng không thúc giục, kể cả lúc Hạ đang xa xăm ngồi lỳ trên ghế sau của chiếc xe Dream.

- À.

Hạ chỉ à lên một tiếng kèm nụ cười khiến đôi mắt như nheo lại. Hạ và anh chọn cho mình hai món kem socola và kem chanh, cùng nhìn phố xá mà ăn.

- Sau khi tốt nghiệp, anh vào Tây Nguyên.

Huy bất ngờ cất lời. Hạ không nói gì, cô chỉ quay đầu lại nhìn anh.

- Anh quyết định rồi sao?

- Ừm!

Không gian lại trầm lắng, tiếng chân người đi ra đi vào lấn át hết tiếng nghẹn nơi cổ họng Hạ. Rất lâu rồi sau khi gặp lại Huy, Hạ đã nghĩ về chuyện xa cách. Thật ra, Hạ và anh chưa một lần ngõ ý. Chỉ là tháng ngày qua cả hai không ngừng quan tâm, chăm sóc cho nhau. Hạ không cản những quyết định của Huy vì thực chất Hạ không có lí do để ngăn cản hay bảo Huy nên suy nghĩ lại. Hạ luôn mong Huy vui nhất, bình yên nhất với các quyết định mình đưa ra.

- Em không hỏi anh lí do sao?

Huy lên tiếng kéo Hạ ra khỏi những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Hạ cười nhẹ.

- Dù lí do gì, em vẫn ủng hộ anh.

- Em sẽ không nhớ anh?

Huy tinh nghịch trêu Hạ, nhưng cô biết anh đang cố đưa đánh ánh mắt ra xa sau câu nói vừa phát ra.

- Em sẽ nhớ!

Tiếng Hạ như đánh thức sự bình lặng trong Huy. Lần đầu tiên Hạ dám nói lên tiếng lòng của mình. Huy cười, nhìn Hạ ấm áp nhưng anh không nói gì. Hôm ấy, Hạ và anh lại loanh quanh đường phố cho đến tận tối muộn.

Tháng 7 đến, Hạ đã quyết định mùa hè này sẽ về với em Mạnh và mẹ. Hạ muốn ra khu đất đầy gió nơi bố nằm. Hạ muốn kể cho bố nghe về Huy.

Ngày Hạ ra bến tàu về quê nghỉ hè cũng là lúc Huy mang vác hành lý vào Tây Nguyên, anh và cô chẳng hứa hẹn gì. Chỉ một cái ôm chặt và ánh mắt ấm áp của Huy, nhưng Hạ biết cô và anh sẽ còn có những ngày tươi đẹp phía trước. Hạ tin vào một ngày tháng 6 nơi Tây Nguyên đầy nắng và gió ấy, Hạ sẽ cam đảm nói cho Huy nghe về mẹ, về em Mạnh và cả về tấm lưng của bố mà mỗi lần nhìn Huy, Hạ đều nhớ…

© Song Ngư – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top