Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

2018-09-24 01:30

Tác giả:


Hà Nội của tôi, hồng giòn, cốm xanh và những ngày cận Trung thu se lạnh…

Bạn có biết Hà Nội buồn và bâng khuâng nhất vào thời điểm nào không? Ấy là những đêm muộn, mấy con phố Hàng Buồm, Hàng Mã,… chìm dần vào màn đêm tĩnh mịch, mang theo một vài cơn gió đầu mùa lạc lối nào đó khẽ khàng lướt qua. Lạnh thấu. Phố xá Hà Nội im ắng hẳn, chỉ còn lại tiếng những chiếc là vàng cuối cùng lao xao rơi. Thu về. Đó cũng là lúc tôi tự hỏi, ngày mười lăm của mình, đã theo thu về chưa nhỉ?

blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Ảnh minh họa: Kênh 14

Ở thành phố hơn 7 triệu dân này, chắc tôi không phải kẻ duy nhất quan tâm đến lịch âm, lịch dương một năm 2 lần. Vào dịp Tết nguyên đán và Tết Trung thu. Không mang tâm trạng háo hức như trẻ nhỏ mong được quà, nhưng hai dịp lễ này luôn gợi lại trong tôi những kỹ niệm dịu dàng, hạnh phúc của thời thơ ấu. Chỉ cần chút heo may thôi, là bao miền ký ức êm đềm của Trung thu xưa cũ ùa về, trái tim tôi lại rung lên một sợi nhớ vô hình: Nhớ Hà Nội, nhớ cốm, nhớ hồng và những ngày Trung thu se se lạnh.

Cũng giống như Tết, Trung thu là dịp đặc biệt được chờ mong nhất năm. Tối nào trước khi lên giường, tôi cũng nghển cổ ra ngoài cửa sổ ngắm trăng. Hôm nay nàng thế nào, đã tròn vành chưa nhỉ? Mẹ tôi bảo, chỉ có đúng đêm Rằm thì nàng trăng mới đẹp và rực rỡ nhất. Thế là tôi lại nhắm lịm mắt, mang nàng vào cả những giấc mơ đợi chờ về đêm Rằm ấy.

Từ mồng một, tôi đã nao nao đếm ngược từng ngày đến đêm Mười lăm và tìm đủ cách vòi vĩnh mẹ mua những món quà bánh chỉ có trong ngày Trung thu: “Khi trăng còn khuyết, mẹ phải mua bánh nướng con cá, con lợn vàng ươm mẹ nhé”. Nghe xong, mẹ lại trêu: Cô có tiền không mà đòi ăn bánh sang thế, bánh hình con cá đắt gấp đôi bánh thường. Vậy mà, chỉ cần mặt tôi xị ra nũng nịu, làm mẹ cũng chẳng buồn trêu nữa. Rồi ngày hôm sau khi trên đường đi học về, lại thấy người ta bán những nải chuối vàng rộm, trái hồng giòn béo mụp, hay gói cốm xanh gói ghém hương sen, tôi lại lao về nhà vòi mẹ.


blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Mỗi ngày, trăng to hơn một chút cũng như những lời kỳ kèo của tôi với mẹ ngày càng nhiều. “Mẹ ơi, con thích đèn ông sao, cả đèn kéo quân và trống nữa… Con thích ăn cốm với chuối, cả bưởi và cả hồng cũng ngon nốt. Quả hồng đỏ đẹp í mẹ ạ…”

Mê nhất vẫn là những đêm tụi nhỏ họp nhau làm lồng đèn lon bia. Trước Rằm cả tháng, chúng tôi đã cùng nhau đi nhặt nhạnh và xin vỏ lon bia cũ, rửa thật sạch và phơi khô. Chỉ cần cắt phăng đi phần miệng và phần thân tỉa mỏng thành nhiều nan bằng nhau rồi uốn cong. À, nhớ bỏ thêm nắp bia bên trong đựng nến vậy là đã có một chiếc đèn đẹp ơi là đẹp. Muốn bắt mắt thì nhớ mấy đứa có nhiều hoa tay, không thì nũng nịu với bố đôi chút, bận kiểu gì tối đến bố cũng nài lưng ra vẽ thêm mấy cái hình hoa thật đẹp cho con nhỏ. Niềm vui của những đứa trẻ con nghèo giản dị chỉ có thế.

blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Sau bao ngày chờ mong, cuối cùng đêm mười lăm cũng đến, nàng trăng tròn vành vạnh giữa bầu trời quang mây. Đêm Trung thu chắc hản là bữa tiệc linh đình, rộn ràng nhất. Tụi nhỏ nối đuôi nhau những trò rồng rắn, đuổi nhau chạy xẹt qua sân nhà, nhón tay với cái mâm cỗ “trông trăng”. Nào thì bánh dẻo nhân đậu xanh ngọt lịm, bánh nướng có hạt dưa bùi bùi, những quả hồng ngâm vàng, hồng đỏ mọng như ngọc, chuối trứng cuốc chấm cốm xanh. Người lớn ngồi lại cùng nhau, trải chiếu tâm tình, gọt hồng, gọt bưởi và lâu lâu lại mắng yêu mấy đứa tiểu quỷ:

“Mấy đứa kia sao lại chọc tay vào đèn ông sao thế rách hết bây giờ!”

“Lại đây, bác cho xem con chó bưởi này…. Nào nào, đừng sờ tay bẩn vào. Tẹo rước đèn rồi vào phá cỗ mới ăn nhé…”.

Tiếng mắng thương ơi là thương, tiếng lũ trẻ chí choé trong một vài bản nhạc đêm trăng, tiếng người lớn cười đùa không ngớt... tất cả là những ký ức tuyệt đẹp về những đêm Trung thu năm xưa.

blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Rồi khi nghe tiếng trống vang dồn, cả xóm lại í ới nhau đi rước đèn, tụi trẻ con chúng tôi sung sướng xách đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ… tung tăng nhập hội. Con đường chỉ từ nhà ra đến đầu đường, ngày nào tôi cũng đi mà sao mỗi dịp Trung thu lại thấy khác quá. Mọi thứ trước mắt đều đẹp hơn, rực rỡ hơn. Mặt trăng tròn vành vạnh trên cao dường như cũng gần hơn đôi chút, lẽo đẽo theo chân đi khắp nẻo xóm.

Chớp mắt, những mùa Trung thu cũ đã lùi xa. Bạn bè tôi thở than: “Sao giờ ăn nướng không ngon như ngày xưa nhỉ?”, “Sao Trung thu bây giờ không còn cảm xúc như ngày xưa nhỉ?”… Mỗi lần nghe, tôi lại lén thở dài thượt. Dù có cố tìm kiếm đến mấy, dường như chúng tôi mãi mãi chẳng bao giờ tìm lại được hương vị chiếc bánh xưa cũ, cũng giống như chẳng thể nào có lại nổi cảm xúc thân thương, gần gũi như những đêm Rằm 15 năm nào. Tôi vẫn hoài niệm hoài về những mảnh ký ức cũ mịch đó mà quên mất, đèn giấy kiếng giờ chỉ toàn tiếng kêu te te của đèn nhựa, hộp bánh đủ nhân mùi: socola, hạnh nhân,… đắt đỏ mang tặng nhau như cái lệ mà thôi. Ấy thế mà, Trung thu mỗi ngày một trống vắng, thiêu thiếu cái cảm giác háo hức như ngày nào...

blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Những chiếc bánh nướng vàng ươm đủ mùi vị chẳng thế níu kéo được tôi nếm lại lần hai. Những món đồ chơi sắc sỡ, những bữa tiệc đêm Trung thu với bạn bè ở quán ăn xịn, quán bar đắt tiền như một cái cớ để ra ngoài tụ tập cũng chẳng khiến tôi để tâm. Vì dường như thứ chúng tôi mong mỏi được nếm, được ngắm nhìn là kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu. Mà thơ ấu thì ai đâu rao bán, nơi nào để tìm. Nên mỗi lần nhớ lại, lòng lại nghẹn ngào: Ô hay! Mình đã từng sống trong những ngày trung thu đẹp nao lòng đến thế sao?

Trung thu Sài Gòn – có gì ngoài phố Lương Nhữ Học, chiếc lồng đèn người Hoa, và hai mùa mùa mưa nắng thân thương?

Tháng 8 Sài Gòn háo hức đợi Trăng Rằm.


Dường như có “cô gái Hà Nội” tình thương mến thương nào đó đã ưu ái cho Sài Gòn mượn mấy tiết thu nhân mùa Rằm tháng 8. Mặc dòng xe vẫn kín trên con đường Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ… Sài Gòn chầm chậm lại đôi chút cùng thu. Khi trời tần ngần những đợt sương sớm, giọt nắng đổ đều nhưng không quá gắt, khi cơn mưa nhẹ nhàng đi đi về về thỏ thẻ, Sài Gòn tròn vo lại trong những ngày như thế. Mẹ dặn: “Ra đường nhớ mặc thêm áo nghen con”, nghe lạ quắc lạ quơ, bởi lâu lắm rồi Sài Gòn đâu có được tiết trời thu như thế.


blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Bài hát “Sài Gòn chợt nắng chợt mưa” của ông nhạc sĩ nào đó phổ nhạc hay quá chừng cuối cùng cũng vào những ngày… sang Thu.

Đêm mười ba, thằng bạn gặn hỏi tôi: “Có ra Hà Nội chơi không?”. Nó chê mùa này trong Nam hổng có gì hết trơn. Đất Hà thành sinh ra là dành cho thu, cho mùa lá vàng lá đỏ xao xuyến, cho những đêm Hồ Gươm sóng sánh trăng, cho mớ cốm xanh, quả hồng giòn đầy trên mâm cỗ, hay phố Hàng Mã, Hàng Buồm đèn hoa trang hoàng đẹp quá xá…

- Sài Gòn thì chán òm à! Trung thu gì toàn nằm nhà nghe mưa rơi.

- Có đâu, Sài Gòn cũng có những ngày Rằm đẹp lắm chớ bộ.

Đấy là cái độ đầu tháng 8 mong ngóng đèn lồng giấy kiếng ở phố người Hoa, trong đêm mười lăm trăng đầy qua hẻm, cả nhà được dịp quây quần bên mâm cỗ, và sau cùng là mấy tiếng tặc lưỡi tiếc hùi hụi của tụi con nít vì độ Trung thu năm nay sao ngắn ngủi quá…

Ai đó nói: Chơi Trung thu ở Sài Gòn mà không ghé quận 5, dạo phố đèn lồng Lưỡng Nhữ Học, vui sao được? Tôi thấy đúng lắm, bởi đâu có nơi nào ở thành phố, nhà nhà cùng rộn ràng chiếc đèn lồng đỏ khắc chữ Hán cầu an, đẹp như phố Hoa kiều. Hơn 100 năm, con đường Lưỡng Như Học mỗi độ tháng 8 vẫn lấp lánh ánh đèn lồng. Thành một cái nếp quen thuộc, người Hoa bày biện chiếc đèn truyền thống chỉ có độ Rằm, và dành hẳn cho thu. Từ đêm 13, người Sài Gòn đã đổ về đây đông đúc. Lòng vòng trên những con phố dài ngắm giấy kiếng đủ màu xanh đỏ, mà không khỏi mùi lòng nhớ quê, nhờ ngày xưa. Vài đứa bé nũng nịu vòi mua bằng được một chiếc ông sao, mặt sướng rân khi được ba mẹ gật đầu đồng ý.

blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Nếu Hà Nội bao đời nổi tiếng với chiếc đèn ông sao làng Báo Đáp, thì dân Sài Gòn lại xem đèn người Hoa chính là thứ mỹ nghệ được ưa chuộng nhất. Từ đèn giấy kiếng hình con thỏ, con bướm, cá chép, rồng thiêng… đến đèn giấy kéo quân, đèn lồng,… đủ cả. Đèn người Hoa trên đường Lương Nhữ Học, từ xóm đạo Phú Bình vòng vèo qua trung tâm thành phố, lủng lẳng trong những hẻm nhỏ quận 3, quận 1, ra tận Bình Chánh, Cái Bè,… cứ dịp Trung thu nhà nhà được dịp sáng rực.

Cây trái thì quanh năm đó, nhưng Sài Gòn chả có mấy thứ quả là dành tặng riêng cho thu. Chẳng hồng, chẳng cốm,… ra Hà Nội mượn nốt thì kỳ lắm, thôi thì đơn giản hẳn. Các mẹ thường ra chợ Tân Định, thấy gì mua nấy. Có năm mỗi một quả bưởi, năm nhánh chuối tiêu xanh,… cơ mà không thể thiếu hộp bánh nướng đặt cạnh. Mâm cỗ bày biện chỉ chừng đó, có nhiêu chưng nhiêu, mùa nào quả nấy thế vừa rẻ, lại vừa hay.

Thấy vậy, chứ Sài Gòn trân quý những đêm Rằm mười lăm lắm. Bởi cái lẽ hồn hậu, không phải năm nào thu cũng về, coi bộ có hôm trầy trật ra tận miền Bắc mượn, mà Hà Nội giận lẫy, “trả lại thu đây, trả lại trăng Rằm tháng 8”, nghe Sài Gòn hai mùa nắng-mưa đêm nay lại rỉ rã, Trung thu mất vui hẳn.


blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Cái thuở trăng Rằm nô nức thời cắp sách vẫn là vui nhất. Cả xóm chỉ có vài đứa con nhà giàu là được ba má mua cho đèn ông sao chớ mấy, còn lại toàn chơi đèn lon bia, lon sữa bò,… thế mà vẫn vui. Tụi con gái thì cắt lon thành những chiếc đèn hoa, có cánh nhôm mềm, cong vút. Còn tụi con trai thì thích chơi xe đèn đẩy hơn. Cái này thì kỳ công lắm à! Phải cà vào mặt đường cho bung nắp lon sữa, sau đó dùng mũi kéo đục từng lỗ ly ty hình ông sao, càng nhiều lỗ càng đẹp. Mua thêm hai ngàn nến trắng bỏ vào là kéo xe chạy lon ton khắp xóm. Chiếc xe đèn kêu tạch tạch, từ những lỗ nhỏ in trên mặt đường mớ ánh sáng hình ngôi sao đẹp ơi là đẹp. Đi đến đâu lại khiến tụi trẻ con trầm trồ khen ngợi tới đó. Mà dễ móp lắm, nên chơi nhiều thì phải giữ, coi bộ mà hư hổng có tiền mua thêm lon sữa làm đèn đâu.

Đêm 15, tiếng trống lân vừa vang lên, tất cả bỏ vội chén cơm, chạy ào ra hẻm. Mỗi đứa tay cầm một con đèn, mong ngóng lân vừa qua là đốt đèn lên cho kịp. Cứ thế, những chiếc đèn tự chế nghèo-ơi-là-nghèo đi qua cùng năm tháng tuổi thơ, trong con hẻm dài độ 10 mét cơ mà rước đèn ra ra vào vào 4-5 bận hoài không chán.

“Trăng lên cao rồi, mấy đứa tụ họp nhà dì Hai phá cỗ thôi”. Vừa nghe dứt, tụi nhỏ lại chạy ào ra sân nhà dì Hai, khoanh chân ngồi chờ. Dì bưng ra một mâm bánh nướng vàng lịm tròn vành như trăng, thêm đĩa kẹo ngọt, tô trái cây,… chia cho mỗi đứa một ít. Tụi nhỏ háo hức, vừa ăn vừa nhìn nhau cười, chia nhau cắn miếng to miếng nhỏ. Trăng vắt trên đỉnh đầu, rải màu bàng bạc khắp nơi, ngọt lịm trong niềm vui của tụi trẻ con, trong câu chuyện hỏi thăm rôm rã của người lớn như thế!


blog radio,   Hai miền Nam - Bắc, đong đầy nhớ thương những mùa trung thu cũ

Mấy cụ già thì thích yên tĩnh hơn, rủ nhau xách ghế ra hẻm, khum giò ngồi thưởng trăng. Bày biện thêm tách trà lài, mẩu bánh dẻo, vài mươi miếng bánh nướng vàng ươm… vừa móm mém nhai, vừa quở trách sao Trung thu nay nhạt nhẽo. Trách yêu vậy thôi, chớ chả ai để bụng mà giận trăng Rằm cả, “Thời trước nghèo lắm, đêm mười lăm còn ra đồng mót lúa chứ làm gì được ăn chơi như giờ. Kệ thôi, trách rồi trăng nó đi mất, bánh nướng lại không có mà ăn. Phí luôn một năm đợi chờ.”

Hơn 20 năm ở thành phố, thế mà nói để tận hưởng đủ cái mùa Trung thu, tui còn phải đếm kỹ càng chẳng hết 5 đầu ngón tay. Vậy nên Sài Gòn càng thêm trân quý những mùa trăng Rằm tháng 8. Như Hà Nội có hồng đỏ, cốm xanh dành riêng cho mình, Trung thu Sài Gòn cũng có những thứ rất riêng. Như phố đèn Lương Nhữ Học, như chiếc đèn lồng người Hoa, như mớ bánh nướng, bánh dẻo, bánh gai lá xanh… bao đời.

Mỗi lần nhắc nhớ, tụi bạn lại bảo: “Sến quá, thời a-cộng rồi lại cứ đem chuyện thuở đâu đâu kể lể, chuyện của Sài Gòn có gì mà mùi mẫn”. Kệ, ai thấy đẹp thì vẫn thương hoài như tui. Ngay cả lúc này đây, nhìn qua bậu cửa sổ dòm ông trăng (đang thì còn non), lại nhớ mà thỏ thẻ dăm ba chuyện. Cho những người Sài Gòn cũng đương độ nhớ thu, nhớ mùa trăng Rằm tháng 8, thế thôi!

Theo Thiếu Khanh - Thúy Hậu/ thethaovanhoa

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Bình tĩnh! Chậm lại thật sâu rồi bản thân sẽ tự phát hiện ra những giá trị cốt lõi, những tài năng và điểm mạnh của mình để vun trồng, bồi đắp và tu dưỡng. Chính những giá trị ấy sẽ đưa chúng ta vào một chu kỳ tuần hoàn mới của cuộc sống

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Về nhà cô đúng thực là một nàng công chúa, không nhà cao xe sang hay khoác lên người bộ váy lấp lánh. Nơi đây chỉ là một vùng quê với con đường nhỏ rợp hàng cây xanh, căn nhà cây được ba cô giữ gìn từ thời ông nội tới giờ. Nhưng nơi đây có những không khí yên bình và những người quý giá nhất đối với cô.

Tình ban đầu

Tình ban đầu

Nụ cười trong như ánh nắng ban mai Cho hồn em thơ thẩn buổi bình minh

back to top