Phát thanh xúc cảm của bạn !

Còn không những cánh thiệp ngày xuân?

2019-02-15 01:25

Tác giả:


blogradio.vn - Những tấm thiệp xuân dần dần bị lãng quên. Hoặc có thể là tôi đã quá già, chỉ mong mỏi nhận được một tấm thiệp chúc tết như ngày xưa.

Những ngày cuối năm, đang dọn dẹp lại nhà cửa, tôi tìm thấy cái hộp đựng thiệp và vật kỷ niệm của tôi ngày trước. Lau lớp bụi bám bên trên, tôi mở hộp, lần hồi đọc lại từng tấm thiệp. Thiệp mừng sinh nhật có, thiệp giáng sinh có và nhiều nhất là thiệp chúc tết. Ký ức về những cái tết xưa ở quê bỗng ùa về.

Chị em tôi ngày trước có truyền thống tặng thiệp chúc tết cho bạn bè. Truyền thống ấy bắt đầu từ khi tôi học lớp tám và được duy trì đến tận năm cuối cấp ba, trước khi tôi vào Sài Gòn thi đại học. Thực ra, tôi là người khởi xướng còn ba đứa em chỉ hưởng ứng theo tôi thôi, tụi nó lúc đó còn nhỏ (khi tôi học lớp tám thì bé út chỉ mới học lớp hai). Mỗi năm, cứ độ khoảng gần một tháng nữa đến tết thì chị em tôi lên danh sách bạn bè sẽ tặng thiệp. Sau khi lên danh sách là công cuộc để dành tiền mua thiệp. Những năm đó quê tôi vẫn còn nghèo lắm. Ba tôi tuy là kỹ sư nhưng nhà tôi đông chị em nên cũng không khá giả gì mấy. Nhà mấy đứa bạn trong lớp tôi lại càng khó khăn hơn, cả lớp tôi chỉ có vài ba đứa gia đình được xem là khá giả.

Còn không những cánh thiệp ngày xuân?

Nói để biết, với học sinh chúng tôi thời bấy giờ, những tấm thiệp đã là món quà quý cho dịp sinh nhật hay lễ tết. Vì thế mà để mua được thiệp, chị em tôi nhịn tiền tiêu vặt. Thời ấy, tiền tiêu vặt (hay nhiều hôm cũng là tiền ăn sáng) của chị em tôi là năm trăm đến một ngàn đồng, ngày có ngày không. Những hôm dậy muộn hay cha con tôi không kịp nấu ăn sáng ở nhà thì số tiền đó là ổ bánh mì chan nước sốt, có khi là gói xôi muối đậu phộng lá chuối cho bữa sáng tới trường. Kể từ ngày lên kế hoạch, buổi sáng chị em tôi dậy thật sớm để nấu cơm ăn sáng. Những ngày cuối năm trời lạnh thấu, có những hôm lười chẳng muốn dậy, mấy chị em cứ nằm ôm nhau, trùm mền kín mít. Mãi đến khi gần muộn giờ học mới lật đật dậy, lục cơm nguội ăn đỡ rồi ù té chạy đi cho kịp giờ (may mà nhà cũng gần trường).

Để dành đủ tiền là xong bước một. Bước thứ hai là mua thiệp. Theo như bảng kế hoạch thì đây là một bước cực kỳ quan trọng, và tôi được ba đứa em tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Cả thị trấn của tôi ngày đó chỉ có một cửa hàng văn phòng phẩm. Nói là văn phòng phẩm cho sang chứ ở đây cũng chỉ bán ít loại viết bi, thước, bút chì, gôm, ít hộp bút chì màu, phấn viết bảng...Thiệp thì chỉ có lèo tèo vài ba tấm thiệp mừng sinh nhật để trong tủ kính, bụi bám đầy. Đối với người dân quê tôi mà nói, việc cho con đi học đã là khó khăn lắm rồi nói chi đến tổ chức sinh nhật hay tặng thiệp cho nhau. Đó cũng là lý do mà bác chủ cửa hàng chẳng bao giờ mua thêm thiệp mới về bán. Để mua được thiệp chúng tôi phải đạp xe lên thị xã (giờ đã là thành phố) cách nhà gần 20 km, ở đó có một cái nhà sách duy nhất, nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Trước khi đi, mấy đứa em còn dặn với theo “chị nhớ lựa thiệp đẹp đẹp nha, mua thiệp có ông đồ đó, có bánh chưng nữa...”, điếc hết cả tai.

Đến nhà sách, chúng tôi bị chìm đắm trong cơ man thiệp chúc tết, thiệp nào cũng đẹp. Thiệp có hình ông đồ đang ngồi viết thư pháp, thiệp có bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, thiệp có cành mai, cành đào... Thiệp với đủ lời chúc “chúc mừng năm mới”, “happy new year”, “vạn sự như ý”...nhiều lắm. Chúng tôi thì phân thiệp làm hai loại: loại năm trăm đồng và loại một nghìn đồng. Loại năm trăm đồng hình vuông 5cm x 5cm, loại một nghìn đồng thì hình chữ nhật, to gấp đôi và có thêm kim tuyến óng ánh phủ bên ngoài. Phải mất cả tiếng đồng hồ để chọn mua đủ số thiệp mình cần, ấy vậy mà khi đến quầy tính tiền vẫn cứ lưỡng lự muốn đổi tấm thiệp này để lấy tấm thiệp khác vì nó có vẻ lung linh và nhiều kim tuyến hơn (đúng kiểu con nít ở quê).

Còn không những cánh thiệp ngày xuân?

Sau khi mua được thiệp là đến bước thứ ba, cũng không kém phần quan trọng, đó là viết thiệp. Để viết hết mớ thiệp phải mất thêm một giờ đồng hồ nữa. Nhỏ em bình thường viết chữ cẩu thả nói thế nào cũng không chịu sửa, vậy mà khi viết thiệp nó ngồi nắn nót từng chữ một. Lâu lâu tụi nhỏ còn nghía qua xem tôi viết trong thiệp thế nào để copy y chang như vậy nữa chứ. Tôi còn nhớ có tấm thiệp tặng nhỏ bạn thân, cuối thiệp tôi viết “Sincerely yours” rồi ký tên. Nhỏ út mới lớp hai chưa học tiếng Anh mà vẫn copy y chang, xong rồi quay qua hỏi tôi “ủa chị tư, chữ này nghĩa là gì vậy?”. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Trong thiệp chúng tôi thường viết những lời chúc đơn giản như “chúc bạn cùng gia đình năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào” hay là “chúc mày năm mới được nhiều tiền lì xì”... Năm cuối cấp ba thì có thêm những lời chúc như “chúc bạn thi đậu tốt nghiệp, thẳng tiến vào đại học”...

Những buổi học giáp tết thật rộn ràng. Những ngày này vừa kết thúc học kỳ, học sinh chẳng muốn học mà thầy cô cũng chẳng có tâm trí để dạy. Đám học sinh chúng tôi lên lớp tặng thiệp cho nhau và bàn kế hoạch đi chúc tết thầy cô. Cái cảm giác hồi hộp khi đem thiệp tặng cho bạn bè thật khó tả (mặc dù tết năm nào cũng tặng). Tặng thiệp xong thì hồi hộp xem phản ứng của đứa bạn, xem thử nó có thích thiệp của mình tặng không. Có đứa mở ra đọc tại chỗ, có đứa ý tứ thì kêu về nhà xem. Rồi cái cảm giác chờ đợi bạn bè tặng thiệp lại cho mình cũng thật hay. Mình chờ được tặng thiệp, chờ đợi xem tấm thiệp đẹp như thế nào và đứa bạn viết gì ở trong đó. Cảm giác hạnh phúc khi thấy đứa bạn cười hớn hở khi nhận thiệp của mình và khi mình cầm tấm thiệp được tặng trong tay thật khó quên.

Còn không những cánh thiệp ngày xuân?

Những cái tết bây giờ đã có điện thoại, facebook, zalo..., người ta dễ dàng chúc tết cho cả danh sách hàng trăm bạn bè chỉ với một dòng status đăng trên tường facebook, zalo “chúc cả nhà một năm mới an khang...” để rồi ngồi chờ từng lượt like hay comment. Cá nhân hơn một tí thì người ta soạn một tin nhắn chúc tết mẫu rồi gửi cho cả danh bạ điện thoại. Tôi tự hỏi, không biết là khi gửi tin nhắn hay đăng dòng status ấy người ta có cái cảm giác hồi hộp như lúc tận tay tặng tấm thiệp cho bạn bè? Người ta có cảm giác chờ đợi và phấn khởi khi nhận được hồi âm như khi được tặng lại thiệp? Và người ta có thể cảm nhận được cảm xúc của đối phương qua màn hình điện thoại, laptop?

Tôi đem những suy nghĩ này của mình nói với mấy đứa em, tụi nó kêu tôi là người hoài cổ, không chịu theo thời đại. Tụi nó nói là thời buổi này ai còn ngồi hàng giờ để ghi thiệp chúc tết rồi chạy đi tặng cho từng người nữa chứ. Cũng đúng. Cuộc sống bây giờ đã khác xưa, hoàn cảnh sống, khoảng cách địa lý khó cho phép con người ta tặng cho nhau những cánh thiệp như trước. Những tấm thiệp xuân dần dần bị lãng quên. Hoặc có thể là tôi đã quá già, chỉ mong mỏi nhận được một tấm thiệp chúc tết như ngày xưa.

Chiều ba mươi tết cách đây hơn mười năm, đang dọn dẹp nhà cửa thì nghe tiếng í ới ngoài ngõ. Chạy ra thấy thằng bạn đang ngồi trên chiếc xe đạp đòn dông. Hắn đưa vội tấm thiệp chúc tết qua hàng rào với khuôn mặt đỏ ngượng rồi co giò đạp xe chạy vù đi trong gió ngược. Chiều ba mươi tết quê tôi gió thổi lạnh, cầm tấm thiệp trong tay mà thấy lòng ấm áp lạ.

© Tường Hy – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa hè

Mùa hè

Sự khởi đầu hay kết thúc không phản ánh bằng thời gian, điều đó không cần phản ánh hay suy xét. Định nghĩ về thì giờ giữa chúng tôi chẳng còn là một khái niệm, chúng tôi chỉ đơn giản muốn bên nhau chẳng thể tách rời...

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Chúng ta có quyền tự do để tạo ra những chương mới, viết nên những câu chuyện mới, và xây dựng những ý nghĩa mới. Mỗi ngày là một trang mới, và mỗi bước đi là một câu chuyện mới đang được viết.

Nhớ

Nhớ

Em ngồi đây bỏng cháy Tim thành bụi mất rồi

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Vật chất mình tìm được không đuổi kịp trái tim mình đang loạn. Bằng cấp mình đang có không chạy đuổi kịp suy tâm. Công việc mình hiện đang làm chưa hẳn là việc mình yêu thích. Cuối cùng bản thân mình thích gì mình cũng không rõ. Nhưng lại rất vội.

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

back to top