Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tuổi thơ ai bán mà mua

2018-06-02 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Quê hương là nơi mỗi chiều những người nông dân hiền lành chất phác dắt từng con trâu, lùa từng đàn bò về chuồng khi nắng chiều đã tắt. Nơi tiếng ếch, nhái, dế mèn cùng rộn lên “bản tình ca bất hủ”. Nơi mỗi bình minh những chú gà choai choai thi nhau tập gáy, tiếng cuốc, xẻng va vào nhau thủng thẳng báo hiệu cho ngày làm việc mới bắt đầu. Nơi khói bếp vẫn lan tỏa mỗi chiều nơi mái nhà. Nơi có những con đường trải đầy sỏi đá ngày tôi đang tập đi xe đạp. Con đường cha mẹ tiễn chị em tôi lên đường vào Nam lập nghiệp, với ánh mắt lo lắng, buồn vui lẫn lộn. Nơi có những người bạn đã cùng vui chơi để dệt nên cả một tuổi thơ êm đẹp… Nơi những câu chuyện dài còn đang bỏ ngỏ, những lời nói yêu thương vẫn còn đang ngại ngùng chưa được nói ra…

***

blog radio, Tuổi thơ ai bán mà mua

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

(Chế Lan Viên)

Ngày tôi nghe được câu thơ đó, là cái ngày mà tôi còn chưa kịp hiểu nó có ý nghĩa gì. Rõ ràng là “đất” với “tâm hồn” là hai thứ khác nhau hoàn toàn, ấy vậy mà cũng làm ra câu thơ đó được. Vâng, ngày ấy - cái ngày tôi nghe được câu thơ từ chiếc ti vi màu cũ kĩ trên nóc tủ nơi góc nhà, tôi mới chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi. Tôi chẳng kịp hiểu, chẳng thắc mắc và cũng chẳng ai giải thích gì thêm cho một đứa bé như tôi lúc đó hiểu vì đâu lại nói “đất có thể hóa thành tâm hồn”. Và cho đến một ngày kia, một ngày của 11 năm sau, khi tôi rời quê nhà xa xôi để vào Nam học tập, tự nhiên tôi nhớ lại câu thơ hôm nào tôi nghe được trên ti vi, rồi thấy thấm thía đến lạ kì.

Quê nhà – tối qua, tôi có dạy cho em – nhóc học trò lém lỉnh của tôi đánh vần từng chữ “q-uê –quê , nh-a – nha huyền nhà”. Rồi bất giác tôi nghe tim mình thắt lại, trống ngực đập rộn ràng, khóe mắt cay cay và tự hỏi “bao lâu rồi tôi chưa về lại nơi quê nhà ấy?” Rời mắt khỏi quyển sách tập đọc của nhóc và nhìn ra ngoài đường, khung cảnh phố thị Sài Gòn vẫn tấp nập, ồn ào như thế. Những chiếc xe máy, ô tô sang trọng, hào nhoáng hay những chiếc xe đạp kẽo kẹt “ai xôi khúc, bánh chưng, bánh giò” vẫn cứ đang hối hả chạy về phía trước. Chợt nghĩ xa xăm về nơi “quê nhà” – nơi thân thương ấy, nơi ta được sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ cha ông, nơi mà khác xa thị thành này.

blog radio, Tuổi thơ ai bán mà mua

Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua

Nhưng trong trái tim không bao giờ xa…

Câu hát ầu ơ, ngân lên lại làm lòng tôi trùng lại, bần thần rơi vào một khoảng lặng. Nỗi nhớ quê lại cồn cào, da diết trong lòng, trong tim. Khi nhắc về quê hương là bao nhiêu kỉ niệm ùa về, có rất nhiều thứ để tôi nhớ và rất nhiều người để tôi thương. Ở đó có cả một tình yêu bao la, luôn dang rộng vòng tay chờ đón tôi trở về, có cả một khoảng trời tuổi thơ êm đẹp, có cả một hoàng hôn cuối ngày màu đỏ đục, có cả những bình minh bằng đủ các thứ tiếng, âm thanh nhộn nhịp từ cuộc sống phát ra. Có cả những thức quà, tình người luôn nồng ấm, cả những con đường khiến ai đi xa cũng thấy nhớ…

Và tôi nhớ nhất những “phiên chợ quê” của cả người lớn lẫn bọn trẻ con tụi tôi. Ngày ấy, cứ dăm ba làng tụ họp lại tại một khoảnh đất lớn, thành lập một cái chợ. Chợ quê nhỏ thôi, những đồ ăn, thức uống đều do những người dân trong làng làm ra, có dư thì đem đi bán. Và tôi nhớ chợ Đình, chợ Đống- chợ này không nằm ở làng tôi nhưng nó là cái chợ mà từ nhà tôi đi ra thì gần nhất. Gần vậy đấy nhưng chả khi nào bọn trẻ con được mon men tới đó. Vì ít khi nào bà nội hay các mẹ cho tụi trẻ con chúng tôi theo cùng. Chỉ biết hôm nào mà nghe mẹ đi chợ là ngồi ngoài cổng, nghển cổ lên ngóng mẹ về. Nghe tiếng xe đạp cọt kẹt là biết ngay tiếng xe Thống Nhất năm nào của mẹ đã trở về. Chỉ chờ có thế, tôi chạy ù ra đón mẹ. Hôm thì chiếc bánh gai, bánh rán, hôm thì bánh lá, bánh đúc… Có hôm có bộ quần áo mới nên càng thích và chỉ mong ngày nào mẹ cũng đi chợ để mang về nhiều thứ như thế.

Bởi vì chợ mang lại những niềm vui có khi là cả ngày cho tôi như thế, cho những đứa trẻ cùng quê với tôi như thế nên chúng tôi lại càng thấy “chợ thật bí ẩn, kì thú và xa xôi quá”. Đó là chợ của người lớn, vì tò mò nên đám trẻ con chúng tôi cũng chơi trò “bán hàng” nơi “phiên chợ quê” thu nhỏ mà chúng tôi bày ra. Chợ ở đây cũng được bán trên một khoảnh đất trống nhưng không lớn. Nó chỉ là một góc vườn nho nhỏ của nhà đứa nào đấy trong xóm. Trong chợ có bày bán đủ các thứ mà không biết người mua về có ăn hay làm gì được không. Những thứ hàng quê ngày đó chỉ là quả sung, quả mâm xôi, quả cà gai, quả vối…, sang trọng hơn một tí khi mùa vải, mùa nhãn về thì có thêm quả nhãn, quả vải, nhưng tôi đảm bảo những thứ quả ấy sẽ hiếm khi nào được bày bán, hoặc có bán xong rồi lại dặn với một câu “bác mua đi rồi tẹo nữa tôi với bác ăn chung”; rau thì có đủ các loại lá lá mít, lá tre, lá bưởi,… Và tiền dùng để mua hàng ngày ấy là lá nhãn, lá nào càng to thì giá trị càng lớn nhưng chẳng bao giờ những đứa trẻ gọi rõ chiếc lá này 1.000 đồng, 2.000 đồng hay hơn thế nữa. Chỉ nhớ rằng nó được gọi là tiền, dùng để mua hàng của cô Út, chị Tí, bác Vi – những cái tên chẳng phải tên thật của người bán cũng như người mua hàng. Và những câu nói mà tự đám trẻ ấy nghĩ ra trong phiên chợ nhỏ đó:

- Bác Vi đi đâu đấy. Vào đây mua rau này về nấu cho con bò nó ăn này.

- À, tôi đi chợ đây. Chị bán rau gì đấy, bán cho tôi một ít rau kia kìa. (chỉ trỏ). Chị có bán quả sung nữa cơ à? Tôi có mang theo muối này, hay mình lấy sung chấm muối ăn đi…

Kèm theo đó là tiếng suýt xoa muối của bác mặn thế, sung của chị chát thế… mà chẳng cần phải mua.

blog radio, Tuổi thơ ai bán mà mua

Gác lại “phiên chợ quê”, đám trẻ con chúng tôi lại bày ra hay đi học lỏm những trò chơi mới. Sẽ là phong phú hơn cho những lần chơi sau, và hứa hẹn biết bao điều thú vị với những trò: bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bậc… Những buổi trưa mùa hè nóng nực,oi ả là các bậc cha mẹ lại bắt đám trẻ con ấy đi ngủ trưa. Ngày ấy, có đứa nào thích ngủ trưa đâu. Nằm mãi, loay hoay cũng không ngủ được, mà nhất là đang cố để ngủ lại nghe thấy tiếng mấy đứa nhí nhố, í ới gọi nhau là chỉ muốn chạy ngay đi chơi. Nhưng mắt thì giả vờ nhắm, tai thì nghe, lâu lâu lại mở ra nhìn trộm về phía mẹ xem mẹ đã ngủ chưa. Nếu mẹ ngủ rồi là nhẹ nhàng đi xuống khỏi giường ra hòa cùng đồng bọn đi bắt chuồn chuồn, bắt kính keng. Hậu quả cho những lần trốn mẹ, không ngủ trưa mà đi chơi như thế là có khi sẽ bị vài roi vào mông, úp mặt vào tường…

Quê hương – nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi có cha mẹ tôi vẫn ra ngóng vào trông mỗi mùa tết đến xuân về. Nơi đồng quê chiêm trũng, nơi khi xuân về thì cây lá mơn mởn sức xuân, nơi hè tới thì tiếng ve kêu rợp cả một góc làng, nắng cháy da khi mùa gặt mùa cấy tràn về, nơi chẳng có lá xào xạc rơi như trong phim hay các tác phẩm văn học nhưng vẫn thấy thấm đậm mùa thu qua ngõ bằng hương ổi chín nơi góc vườn nhà ai, nơi mùa đông tìm đến như một lẽ tự nhiên cho bốn mùa xum họp.

Quê hương là nơi mỗi chiều những người nông dân hiền lành chất phác dắt từng con trâu, lùa từng đàn bò về chuồng khi nắng chiều đã tắt. Nơi tiếng ếch, nhái, dế mèn cùng rộn lên “bản tình ca bất hủ”. Nơi mỗi bình minh những chú gà choai choai thi nhau tập gáy, tiếng cuốc, xẻng va vào nhau thủng thẳng báo hiệu cho ngày làm việc mới bắt đầu. Nơi khói bếp vẫn lan tỏa mỗi chiều nơi mái nhà. Nơi có những con đường trải đầy sỏi đá ngày tôi đang tập đi xe đạp. Con đường cha mẹ tiễn chị em tôi lên đường vào Nam lập nghiệp, với ánh mắt lo lắng, buồn vui lẫn lộn. Nơi có những người bạn đã cùng vui chơi để dệt nên cả một tuổi thơ êm đẹp… Nơi những câu chuyện dài còn đang bỏ ngỏ, những lời nói yêu thương vẫn còn đang ngại ngùng chưa được nói ra…

Vậy đó, quê hương ơi, đi xa là càng nhớ. Dù đi đâu, ở đâu, làm gì, là ai thì tôi vẫn luôn tự hào về nơi mình được sinh ra. Mỗi khi đôi chân mỏi mệt, khó khăn, bất an…tôi lại chỉ mong mình có phép màu gì đó để chạy thật nhanh về miền quê ấy. Dù đi bốn phương trời, thì nơi để quay về chỉ có một - đó là gia đình. Vì nơi đó có quê hương tôi.

© Tác giả ẩn danh – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Tôi đã tự nhủ, dù cho có chuyện gì xảy ra, trước hết tôi phải giữ vững quan điểm cư xử phải phép, khiêm nhường, dùng sự bình tĩnh và tôn trọng để đối đãi với mọi người một cách thật thận trọng để rồi sau đó, tôi sẽ biết ai là người xứng đáng để tôi dụng tâm mà chân thành khoan dung.

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

Ở lại hay ra đi

Ở lại hay ra đi

Ngắm nhìn anh - người thiếu niên em thương Cất lên khúc ca ấy Cùng hào vào mơ mộng em của em

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Cuộc hẹn chụp ảnh này, Phong cảm thấy có chút mong chờ. Khi bạn được gặp người tạo ra thứ bạn thích, trong bạn đã tồn tại một sự ngưỡng mộ về tài năng con người đó. Phong nghĩ mình nên kết bạn với anh chàng thú vị này.

back to top