Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

2017-01-29 01:25

Tác giả:


blogradio.vn - Hôm nay, bữa ăn có vẻ tươm tất hơn mọi khi rất nhiều. Không khí gia đình cũng trở nên đầm ấm và vui vẻ hơn. Vừa ăn, mọi người lại kể cho nhau nghe đủ chuyện từ nhà ra phố. Thỉnh thoảng, ông bà Phong lại quay sang nháy mắt nhau cười thủ thỉ đầy vẻ bí mật. Trong nhà ngập tràn tiếng cười nói rộn ràng chẳng khác gì ngày Tết.

***

Ánh nắng cuối cùng cũng đã khuất đi để nhường chỗ cho bóng đêm đang dần lui tới. Người ta vẫn thường gắn hoàng hôn với nỗi buồn nhưng ít ai biết rằng khi hoàng hôn không còn mới là lúc khung cảnh trở nên buồn vắng, hắt hiu nhất. Như để trốn chạy nỗi buồn, ai nấy đều mau chóng trở về quây quần bên tổ ấm và quên hết mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Ở vùng thôn quê, ta lại càng dễ dàng bắt gặp cảnh đoàn tụ của các gia đình, nhất là vào bảy giờ tối. Họ ăn cơm cùng nhau trong không khí đầm ấm, yên vui và kể cho nhau nghe về những câu chuyện gần xa, thỉnh thoảng lại rộ lên một tràng cười sảng khoái làm nhộn nhịp khắp ngõ xóm. Nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy.

Phía cuối con đường, nơi cách biệt nhất làng là một ngôi nhà cấp bốn có sân trước khá rộng rãi luôn được quét tước sạch sẽ, xung quanh bao bọc bởi những hàng cây ăn quả, cây cảnh thẳng tắp được tỉa tót cẩn thận. Chủ nhân của căn nhà là ông Phong - một người nông dân rất chăm chỉ, cần mẫn. Trải qua bao nhọc nhằn, vất vả, trên gương mặt ông đầy những nếp nhăn nheo của một con người khắc khổ, rạn dày mưa gió. Ông sống ở đây từ khi lấy vợ, một người hiền lành, hay nói cười vui vẻ và rất mực thương yêu chồng con. Họ có với nhau một cậu con trai và sống vô cùng hạnh phúc suốt hai mươi mấy năm trời. Trong căn nhà nhỏ chỉ có một số đồ dùng cần thiết được sắp xếp gọn gàng, trên tường treo đầy giấy khen các loại. Phía trong góc nhà có một đồ vật đã được ông bà Phong mua cách đây mấy tháng nhưng vẫn chưa ai dám dùng tới mà được bao phủ cẩn thận bằng một tấm vải sạch. Đó là chiếc xe máy ông bà mua để thưởng cho cậu con trai của mình. Chỉ có điều chủ nhân của nó mãi vẫn chưa thấy trở về. Căn nhà lặng thinh, lạnh lẽo, chiếc ti vi chẳng mấy khi được bật lên, bóng đèn cũng mờ dần đi, chỉ còn chiếc đồng hồ cũ kĩ là chạy miết suốt ngày đêm phát ra tiếng kêu tích tắc, tích tắc như phụ họa thêm cho sự vắng vẻ.

- Bà dọn cơm đi. Tôi tưới nốt đám cây này rồi vào.

Người vợ bê mâm cơm đặt lên tấm chiếu đã trải sẵn dưới nền gạch cũ phai màu. Mâm cơm của hai vợ chồng già khá đạm bạc chỉ với vài món ăn đơn giản. Không phải vì họ quá khó khăn mà bởi “nấu ra cũng chẳng ai ăn” đúng như lời bà Phong vẫn thường than thở với hàng xóm.

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

Bỗng chuông điện thoại reo lên phá tan sự im lặng của căn nhà.

- Thằng Đức gọi. Bà ơi!

Giọng ông chồng phấn chấn hẳn lên, khác xa với vẻ ngoài trầm tư như mọi khi.

- Đâu? Đưa tôi nào!

Người vợ mau chóng cầm lấy điện thoại, áp vội vào tai.

- Đức à con. Mẹ đây.

Đầu dây bên kia nói gì đó khiến mắt người mẹ sáng lên lấp lánh. Như để chắc chắn hơn, bà chuyển điện thoại từ tai này sang tai kia thật nhanh và hỏi lại:

- Mai mấy giờ con về? Lần này về thật chứ con?....Ừ… ừ ..

Ông chồng dù không trực tiếp nghe máy nhưng cứ luôn miệng nhắc vợ hỏi han con điều này điều khác. Cuộc gọi chỉ kéo dài chưa đầy một phút nhưng cũng đủ khiến cho không khí ngôi nhà trở nên rộn ràng hơn. Ông bà Phong đã chờ đợi, mong ngóng con từng ngày. Họ đã chuẩn bị một món quà thật bất ngờ cho con. Nếu ước mơ lớn nhất của cha mẹ là giúp con cái thực hiện được ước mơ thì ngày mai đối với ông bà Phong chính là ngày để họ hoàn thành tâm nguyện lớn của đời mình. Hai vợ chồng già lại cầm bát đũa lên giục nhau ăn trong niềm vui, niềm hân hoan khó tả.

Đức – cậu con trai duy nhất của ông bà là một chàng trai hiền lành, khôi ngô và tài giỏi, đặc biệt cậu vô cùng chịu khó y như bố. Anh là niềm hãnh diện lớn của cha mẹ, là sự ghen tị của biết bao gia đình trong xóm. Do ảnh hưởng từ cuộc sống khốn khó của cha mẹ nên Đức vốn là một con người mạnh mẽ, rất tự trọng và sớm tự lập từ khi còn đi học. Đối với Đức, việc dựa dẫm vào cha mẹ giống như một vết nhơ trong cuộc đời. Vì vậy, anh lao đầu vào học hành, vào công việc để mong sớm có sự nghiệp, trở nên thành đạt, giàu có và có thể phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Nhưng cũng vì lẽ đó mà Đức ít về nhà hơn, tính cách của anh trở nên lạnh lùng, ít nói, dù trong lòng rất yêu thương, lo lắng cho cha mẹ nhưng chẳng bao giờ thể hiện bằng lời nói.

Sáng hôm sau, hai vợ chồng già dậy từ rất sớm. Bà vợ sau khi quét dọn chuồng trại, vãi ít cám thóc cho đàn gà sau nhà xong xuôi lại bắt đầu quét tước, dọn dẹp nhà cửa thật kĩ càng. Còn ông chồng thì bỏ hẳn việc tưới đám cây cảnh trước nhà vốn là công việc ông luôn làm đầu tiên mỗi buổi sáng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông bây giờ là lau rửa lại chiếc xe máy mới tinh trong góc nhà. Dù ngày nào cũng được ông lau đi lau lại rất cẩn thận nhưng hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt bởi chiếc xe sẽ chính thức được trao cho chủ nhân thực sự của nó trong vài giờ đồng hồ tới. Đây chính là món quà bất ngờ mà ông bà muốn thưởng cho cậu con trai ngoan của mình. Chiếc xe máy được mua bằng số tiền ông Phong bán vườn cây ăn quả ở vụ trước cộng với tiền dành dụm suốt mấy năm trời của cả nhà. Biết con luôn ao ước có một chiếc xe máy riêng và thường ngày vẫn phải vất vả đi xe buýt đi làm trên thành phố, ông quyết dành tiền mua bằng được món đồ này cho con. Mặc dù là một người cần mẫn, lao lực kiếm sống quanh năm suốt tháng nhưng ông Phong không hề áp đặt điều gì lên con cái. Dẫu luôn nhắc nhở, dạy dỗ con phải sống cho nên người nhưng ông chỉ mong sao chúng luôn ngoan ngoãn, khỏe mạnh sớm ổn định cuộc sống và yên bề gia thất là được. Ông tự nhủ, hôm nay, sau khi giao chiếc xe này cho con, mình phải hỏi nó về chuyện gia đìn, vợ con mới được. Thằng bé cũng đã gần ba mươi tuổi đời rồi chứ còn trẻ trung gì nữa. Cứ yên tâm lấy vợ rồi sinh con, nếu vợ chồng nó bận thì ông bà nội sẽ trông cháu, nhà có thêm đứa trẻ dù sao cũng vui hơn nhiều. Hai vợ chồng tất bật dọn dẹp luôn chân, luôn tay nhưng chẳng biết mệt là gì, thi thoảng ông chồng còn hí hửng huýt sáo phụ họa theo đôi tay đang lau thật kĩ chiếc xe mới.

- Không biết nó về đến bến chưa? Để tôi đi đón nó.

Ông Phong ngó lên chiếc đồng hồ trên tường và nói.

- Không. Hôm nay con nó không đi xe khách. Nó bảo tự về khoog phải đón ông ạ!

- Không đi xe khách thì đi bằng gì? Ông chồng tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Tôi không biết. Con nó chỉ bảo vậy. Chắc nó đi nhờ được ai ông ạ.

- Bà thật là, chẳng hỏi rõ gì cả.

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

Người chồng vẫn còn cằn nhằn đôi lời. Hẳn là suốt đêm qua, ông mong ngóng chờ đợi trời mau sáng để đi đón con đến nhường nào. Nhưng không sao. Ông tự nhủ. Dù sao ông càng có nhiều thời gian để được ở nhà lau rửa chiếc xe cho cẩn thận, ngôi nhà cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp hơn thường ngày. Quên cả đói, hai vợ chồng bỏ qua luôn bữa sáng và chuẩn bị ngay bữa trưa.

Đến 11 giờ thì mọi việc gần như đã hoàn tất. Bà mẹ đang lau lại chiếc bàn uống nước trong gian khách thì bỗng nghe thấy tiếng còi xe máy vang lên ngoài cổng. Bà vội vã ra mở cửa cho con và reo lên mừng rỡ :

- Ông ơi! Con về rồi.

Ông bố ngay lập tức có mặt ở ngoài cửa để đón con. Đã hơn hai tháng kể từ lần gần đây nhất cậu con trai quý tử về thăm nhà. Hôm nay, trông Đức có vẻ đứng đắn hơn trước rất nhiều. Anh ăn vận lịch thiệp với chiếc áo sơ mi trắng được sơ vin cùng chiếc quần Tây và đôi giày đánh si bóng nhoáng. Tóc tai cũng được chải chuốt rất cẩn thận. Đặc biệt là chiếc xe tay ga hiệu Honda đắt tiền vừa được anh dựng ngay ngắn trong góc sân râm mát. Đức xách chiếc cặp đen bóng vào nhà trước sự chào đón ngập tràn hạnh phúc của cha mẹ.

- Mấy giờ con ở đó về? Đi đường có mệt lắm không con?

Người mẹ liên tục hỏi han con trai.

Đức còn chưa kịp trả lời mẹ thì bố đã tiếp lời:

- Đói chưa? Cái thằng. Bảo để bố đón thì không nghe. Giọng ông bố có chút lo lắng, trách móc.

- Bố mẹ đừng lo, con tự về được mà. Vả lại từ nay về sau con sẽ tự về bố ạ!

Đức vội vàng trấn an bố mẹ.

Thương con đi đường xa vất vả, bà Phong nhanh tay giành lấy xách hành lí của con xếp gọn gàng trong căn phòng nhỏ nhưng vẫn không quên nói với ra ngoài bằng giọng đầy hấp dẫn:

- Đức ơi! Tí nữa bố mẹ sẽ nói cho con nghe một chuyện quan trọng mà bất ngờ lắm nhé! Cứ chuẩn bị tinh thần dần đi…

Bỗng người bố quay lại lườm vợ rồi nói:

- Cái bà này, để con nó nghỉ ngơi đã nào.

Đức còn chưa kịp thắc mắc thì bố đã ngắt lời. Nhưng thực ra anh cũng chẳng lấy làm tò mò cho lắm, vì mẹ vốn là một người hay đùa và anh nghĩ chắc cũng chỉ mấy chuyện đồng áng quanh năm vẫn vậy, hay dẫu có chút thay đổi thì nó cũng chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại của anh.

Cả gia đình mỗi người một việc, chẳng mấy chốc mâm cơm đã được dọn lên. Hôm nay, bữa ăn có vẻ tươm tất hơn mọi khi rất nhiều. Không khí gia đình cũng trở nên đầm ấm và vui vẻ hơn. Vừa ăn, mọi người lại kể cho nhau nghe đủ chuyện từ nhà ra phố. Thỉnh thoảng, ông bà Phong lại quay sang nháy mắt nhau cười thủ thỉ đầy vẻ bí mật. Trong nhà ngập tràn tiếng cười nói rộn ràng chẳng khác gì ngày Tết. Có điều, cứ chốc chốc, câu chuyện lại bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của Đức. Anh có vẻ rất bận rộn và tâm trí không hoàn toàn giành cho bữa cơm gia đình. Đức cũng thưa với bố mẹ rằng anh mới thăng chức nên công việc vất vả hơn trước nhưng đổi lại cuộc sống của anh trở nên khấm khá hơn. Hai vợ chồng già cũng lấy làm mừng và tự hào về đứa con đã trưởng thành của mình. Đức luôn nói chuyện với một giọng đầy tự tin và hãnh diện. Nhưng trong câu chuyện anh kể giờ không còn những buổi học trước sân trường hồi còn sinh viên hay bữa cơm đạm bạc trong kí túc xá của trường đại học nữa. Thay vào đó là những lần dự tiệc tại nhà hàng sang trọng, những chuyến du lịch, gặp gỡ đối tác, những con người giàu có chốn thị thành. Người mẹ vẫn cố hỏi han sau mỗi câu chuyện của con nhưng không khí bữa cơm thì trở nên nhạt nhòa dần. Mọi người bắt đầu chuyển sang gắp đồ ăn cho nhau rồi giục nhau ăn những món ăn thôn quê do chính tay mẹ nấu.

Ông bố bỗng nhớ ra chuyện quan trọng muốn nói với con nhưng vẫn còn chần chừ chưa dám lên tiếng. Như hiểu suy nghĩ của chồng, bà vợ khẽ huých vào đùi ông thay cho lời nhắc nhở. Ông Phong gắp cho con miếng thịt gà rồi hắng giọng hỏi khéo:

- Từ chỗ con ơ đến công ty có xa không?

- Cũng xa lắm bố ạ! Đức lễ phép trả lời.

- Đi xe buýt thì vất vả lắm con nhỉ?

- Vâng ạ!

Không chờ đợi thêm nữa, ông Phong đi thẳng luôn vào vấn đề.

- Không có xe đi lại bất tiện lắm phải không con? Cứ mỗi lần về lại phải mượn xe của bạn như thế này thì khổ cho con lắm. Cho nên bố với mẹ đã…

- Dạ? Bố nói gì cơ?

Chưa chờ bố nói hết câu, Đức đã ngắt lời với vẻ đầy ngạc nhiên.

Cả ba người ngơ ngác nhìn nhau trong ít phút cho đến khi Đức phá lên cười thật thoải mái.

- À… Chiếc xe này là của con mới mua gần trăm triệu đấy bố ạ!

Thấy bố mẹ vẫn chưa hết ngạc nhiên quay sang nhìn nhau với vẻ mặt thất thần, Đức lại tự tin nói thêm:

- Thưa bố mẹ, từ nay cuộc sống của con đã dư dả hơn nên bố mẹ không phải lo cho con nữa đâu. Có điều công việc ngày càng bận rộn nên sẽ rất lâu nữa con mới có dịp về thăm nhà ạ. Con sẽ gửi tiền về thường xuyên nên bố mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi cho khỏe.

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

Người cha gượng cười khen con nhưng không hiểu sao đôi mắt ông trùng xuống, đượm màu buồn. Những lời quan trọng trước đó ông định nói với con giờ đây đã không cần thiết nữa và nghẹn ứ trong cổ họng từ khi nào. Người vợ thì dám nói với chồng lời nào. Hai người im lặng thật lâu, chẳng ai nhìn ai, không khí bỗng nặng nề hơn bất cứ khi nào.

Thấy bố mẹ lặng im đến lạ, Đức định thay đổi không khí bằng một câu hỏi đánh sang một chủ đề khác.

- Bố mẹ sao thế? À mà lúc trưa mẹ bảo có chuyện gì quan trọng muốn nói với con ạ?

- À…

Bà mẹ nhanh nhảu định nói điều gì nhưng ngay lập tức bị chồng ngắt lời.

- À không… Không có gì con ạ! Chỉ là mấy chuyện linh tinh thôi. Nào! Ăn đi chứ, đồ ăn nguội hết cả rồi. Vừa nói, ông bố lại vừa liến thoắng gắp thức ăn cho vợ rồi đến con như để che giấu đi phần nào tâm trạng rối bời đến khó tả đang diễn ra trong lòng mình.

Cả gia đình ba người lại tiếp tục bữa ăn nhưng những câu chuyện, những lời hỏi han thì trở nên thưa dần. Thỉnh thoảng, bà mẹ khẽ liếc sang nhìn chồng, bắt gặp ánh mắt buồn bã, hụt hẫng của ông, bà lại quay đi giả bộ cười nói vui vẻ như không có chuyện gì để phút giây đoàn tụ hiếm hoi của gia đình không bị phá hỏng.

Ăn cơm xong, chỉ kịp nghỉ ngơi một lúc, Đức lại thu dọn hành lí để chuẩn bị lên đường cho kịp chuyến công tác xa nhà dài ngày. Trước khi lên đường, Đức cũng không quên đưa cho mẹ chút tiền, mẹ nhất quyết không lấy, anh dúi vội vào tay mẹ rồi mau chóng ngồi lên xe, chào ba mẹ và phóng đi. Khi tiếng máy êm ru phát ra từ chiếc xe đắt tiền khuất dần cuối đoạn đường làng nhỏ hẹp cũng là lúc vợ chồng ông Phong thu mình lại ngồi thẫn thờ ở góc hiên nhà. Ngôi nhà sau vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi rộn ràng, đầm ấm giờ lại trở về với sự lạnh lẽo, vắng vẻ thường ngày. Còn chiếc xe máy được lau rửa sạch sẽ, bóng bẩy dựng gọn ghẽ ở góc nhà kia vẫn chưa được chủ nhân của nó ngó ngàng tới, dù chỉ là một lần.

Có lẽ nào cuộc sống đông vui, náo nhiệt chốn phồn hoa đô hội hay hoài bão lớn lao của một chàng trai vốn xuất thân từ nơi thôn quê dân đã khiến anh vội quên đi con đường làng sỏi đá nhưng rất đỗi thân thương, quên đi rằng tại sao lại có những vết chai sạn trên đôi tay của mẹ hay nếp nhăn kéo dài trên vầng trán bố. Anh thực sự không hiểu hay đã quên lời bố vẫn thường tâm sự, rằng ba mẹ sinh con ra nào mong con trở thành người quyền cao chức trọng, chỉ cần con mạnh khỏe, bình an, mãi là một cậu con trai ngoan ngoãn là bố mẹ đã yên lòng.

Thấy con mình trưởng thành, khôn lớn, là bố mẹ đương nhiên rất vui và tự hào. Nhưng không hiểu sao, trong lòng ông bà Phong lại có những thứ cảm giác khó tả, một sự lạc lõng, hụt hẫng, có chút tổn thương giống như vừa để tuột mất thứ gì đó rất có giá trị khỏi tầm tay. Nắm chặt xấp tiền trong tay, bà mẹ cố xua tan không khí ngột ngạt bằng vài câu nói vô nghĩa nhưng tuyệt đối không dám đả động đến chuyện chiếc xe. Ông bố chẳng buồn đáp lời, lẳng lặng bước vào nhà. Ông bật chiếc ti vi lên, mở thật to rồi ngả lưng trên chiếc ghế gấp giữa nhà chợp mắt như đang ngủ. Lúc này, cái ti vi cũ kĩ ấy đã thay vợ ông làm công việc quen thuộc của bà. Người vợ lúc này mới an tâm vào nhà và khẽ khàng lấy tấm vải định phủ lên chiếc xe máy như thường ngày. Nhưng ông chồng dù đang nhắm nghiền mắt vẫn cố lên tiếng:

- Bà để đấy, tôi đi chỗ này có tí việc.

Ông bố ngồi lên chiếc xe mua bằng tiền của dành dụm bao năm, rồi nâng niu bảo quản mấy tháng trời không dám cho ai đụng tới để dành cho cậu con trai quý tử, ông phóng nhanh trên con đường làng. Bà vợ không cảm thấy lạ về điều đó vì bà là người hiểu chồng mình hơn bất cứ ai. Đứng lặng lẽ ở góc sân, bây giờ bà mới dám buông những tiếng thở dài nghe thật não nề. Bà yêu con nhưng càng thương chồng, và cũng tủi thân cho chình mình. Trên đời này, con cái đã thành đạt chẳng mấy ai còn nhớ tới cha mẹ nhưng chúng đâu biết rằng, cha mẹ luôn rất cần con cái. Không phải để nương tựa, dựa dẫm hay nhờ vả, cha mẹ chỉ ước mong mãi được ôm ấp, vỗ về, che chở con như khi chúng vẫn là những đứa trẻ lọt lòng.

Thời gian tuy là một phạm trù mặc định nhưng mỗi người lại có cách nhìn nhận về độ dài ngắn khác nhau. Đôi khi trong chính một con người cũng có sự cảm nhận thay đổi tùy vào trạng thái cảm xúc. Người hằng ngày vất vả, nghèo khó, không tình yêu, không mục đích sống sẽ thấy thời gian sao mà dài lê thê đến vậy. Ngược lại, những ai đang sống một cuộc đời ý nghĩa, thành công, hừng hực nhựa sống nhất là người đang độ thanh xuân giống như Đức thì với họ thời gian trôi qua thật nhanh chóng. Đức xa nhà đến nay đã được nửa năm. Giờ đây, công danh sự nghiệp của anh đã được như ý muốn, anh cũng đã có được một cô bạn gái xinh đẹp, ngoan ngoãn con nhà đàng hoàng, tử tế. Nhưng rồi tình yêu chẳng mấy lại đổ vỡ, cuộc sống bộn bề, đầy gánh nặng và áp lực cũng khiến cho một “con người của công việc” như Đức cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Anh bỗng thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ nhưng lại chợt nhận ra lâu rồi mình không còn thấy những cuộc gọi của mẹ. Trong lòng anh cảm thấy một sự trống trải, thiếu vắng đến khó tả. Anh lập tức nhấc điện thoại lên gọi về nhà nhưng mấy cuộc liền mà không thấy ai bắt máy. Đức có chút lo lắng. Vừa hay, công ty đang trong đợt nghỉ lễ nên Đức quyết định thu dọn hành lí về quê thay vì tổ chức đi du lịch cùng đồng nghiệp như đã dự định từ trước.

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

Đức về đến nhà khi trời đã chập choạng tối. Dừng xe trước cổng, anh gọi với một giọng thật to:

- Mẹ ơi! Bố ơi! Con về rồi…

Gọi liên tục như thế một hồi không thấy ai trả lời, Đức tự đẩy cửa vào nhà. Cả ngôi nhà tối om, tĩnh mịch và lặng im đến đáng sợ. Anh vội lần theo mép tường để tìm công tắc bật điện. Ngoài sân, hàng cây cảnh đã già héo tự khi nào, lá vàng rụng kín cả gốc cây không được ai tưới tắm, quét dọn. Trong nhà, bàn ghế, tủ kệ, ti vi vẫn được kê ngăn nắp, gọn gàng nhưng bụi bặm bám đầy mọi bề mặt, bộ ấm chén úp dưới gầm bàn két bụi lại như cả năm chưa dùng tới. Đức mở tủ lạnh để kiếm thứ gì đó lót dạ nhưng rồi lại đóng bịch vào ngay vì bên trong trống rỗng chỉ ngoại từ mấy chai nước lọc với vài đĩa thức ăn thừa đã đông cứng.

Đức mệt mỏi ngả lưng xuống ghế. Lúc này, anh mới cảm nhận rõ nhất sự vắng vẻ, lạnh lẽo, xa lạ của căn nhà – nơi anh đã sinh ra và sống vi vẻ, hạnh phúc suốt quãng đời ấu thơ cùng cha mẹ. Xung quang, tiếng ồn ào, náo nhiệt, tiếng trẻ con quấy khóc, nô đùa từ những ngôi nhà khác chỉ khiến Đức cảm thấy trống trải và cô đơn hơn. Anh nghĩ đến cuộc sống thường ngày mà cha mẹ phải trải qua, nhớ nhiều hơn về tuổi thơ quây quần bên mâm cơm gia đình. Bỗng nhiên Đức thấy thương bố mẹ vô cùng.

Sau một hồi suy nghĩ mông lung, Đức sực nhớ ra bố mẹ và cảm thấy vì tại sao giờ này họ vẫn chưa về nhà. Anh bắt đầu lo lắng và nhấc điện thoại lên gọi liền mấy cuộc nhưng vẫn chưa thấy ai trả lời. Đức lại càng nghĩ dại. Không biết trong họ có chuyện quan trọng hay bố mẹ có ốm đau gì không. Anh nhớ là bố bị viêm khớp còn mẹ thì hay đau đầu mỗi khi trở trời. Cuối cùng, người ở đầu dây bên kia cũng bắt máy:

- A lô, mẹ đây rồi! Giọng bà mẹ thật to để cố át đi tiếng nổ ầm ĩ của cỗ máy đang vận hành bên cạnh.

Nghe thấy tiếng mẹ, Đức có chút nhẹ nhõm hơn nhưng vẫn không khỏi lo lắng:

- Mẹ à? Bố mẹ đi đâu mà để nhà cửa vắng tanh thế? Con gọi điện mấy cuộc mẹ cũng chẳng bắt máy…

Phía bên kia, tiếng bà mẹ cười lên thật giòn giã:

- Bố mẹ còn đang ở đồng làm cho xong rồi mới về được. Hôm nay nhà mình thu lúa mà con. Ở nhà đợi mẹ về nấu cơm con nhé!

Đức còn chưa kịp hỏi thêm điều gì thì đầu dây bên kia đã cúp máy. Đức đứng lặng hồi lâu. Trước giờ anh vẫn tưởng rằng với số tiền anh gửi về hàng tháng thì cuộc sông của bố mẹ sẽ trở nên an nhàn hơn. Ai ngờ họ vẫn vất vả sớm hôm, cơ cực trăm bề. Ban ngày lao lực ngoài đồng kiếm sống, tối về lạ tự giam cầm mình trong căn nhà lạnh lẽo, thiếu hơi ấm, vắng tiếng cười. Nhưng Đức đâu hiểu rằng, đối với cha mẹ anh giờ đây, những giây phút dầm mưa, dã nắng ngoài đông tuy có cơ cực nhưng lại giúp họ quên đi nỗi nhớ thương con da diết, giúp họ có thể tự lo cho mình mà không phải phiền hà đến con cái. Bởi cũng giống như tình thương, lòng tự trọng của cha mẹ là vô cùng lớn.

Nơi đâu cũng chẳng bằng nhà mình

Đức nhận ra những điều mình làm xưa nay thật vô nghĩa. Anh cứ ngỡ chỉ cần mình giỏi giang, giàu có là bố mẹ đã có thể sống thật hạnh phúc và thoải mái. Đâu ngờ chính anh đã vô tình làm tổn thương cha mẹ mình. Đức xắn tay áo lên định xuống bếp nấu cơm sẵn chờ bố mẹ về ăn. Nhưng vừa quay người lại thì anh đã bắt gặp ngay một đồ vật mà anh chưa từng nhìn thấy trong nhà. Đó là một chiếc xe máy mới tinh, dù được che đậy rất cẩn thận bằng một miếng vải rộng màu tím than nhưng cả thân xe đều bị phủ kín bụi, từ đầu xe, yếm, yên xe, nhất là hai chiếc gương bị giăng bụi đến nỗi soi vào không nhìn rõ mặt còn biển số thì không thể nào đọc được dãy số in trên đó. Từng lớp bụi dày khiến cho chiếc xe mới tinh trở nên cũ kĩ dù chưa được chủ nhân thực sự chạy đến một lần, trông nó bây giờ thật thảm hại, xấu xí chẳng khác nào sự hao mòn trong tâm hồn của hai mảnh đời già nua trong căn nhà này. Nhìn qua là biết đây không phải hãng xe xịn. Nếu so với chiếc tay ga đang dựng ở góc sân của Đức thì còn kém xa. Nhưng Đức không kịp nghĩ nhiều đến thế. Sau vài phút ngạc nhiên, bối rối, anh nhớ lại những cuộc gọi rất lạ trước đây của bố. Mấy ngày liền bố gọi anh chỉ để hỏi anh thích xe màu gì khiến anh phát cáu vì đang trong giờ họp. Nhớ lại cả cuộc gọi của mẹ giục anh về có chuyện quan trọng nhưng anh luôn từ chối vì bận công việc. Anh nhớ đến bữa cơm lặng thinh sáu tháng trước, cái ngày mà anh đi chiếc tay ga đắt tiền về một cách đầy kiêu hãnh. Đức nín lặng, tiếng thở dài không nén nổi giọt nước mặt lăn dài trên má. Anh lao ra cửa định phóng đi tìm bố mẹ nhưng bỗ đứng khựng lại trước cửa. Anh quay lại thật nhanh cạnh chiếc xe trong góc tường, quăng mảnh vải màu tím than sang một bên, Đức nhẹ nhàng dắt xe ra khỏi nhà. Vừa đến cổng, anh ngồi lên xe một cách cẩn thận, nâng niu, trân trọng. Người chủ hết nhìn sang trái lại quay sang phải, nhìn trước, ngó sau ngắm nghía dáng mình trên chiếc xe mới của mình. Đây sẽ là lần đầu tiên anh ngồi lên chiếc xe bố tặng, và từ nay anh sẽ đi làm, đi chơi trên chính chiếc xe này chứ không phải bất kì chiếc xe nào khác. Đức phóng chầm chậm chiếc xe trên đường, lướt qua những hàng cây xanh mướt đã ướt dần bởi những giọt sương đêm, lướt qua những ngôi nhà quen thuộc anh vẫn thường ghé chơi khi còn nhỏ, anh cảm nhận được cả hương lúa chín phảng phất trên cánh đồng bát ngát, mùi vị của quê hương, tình thương của gia đình, đó mới là điều tuyệt vời nhất đối với Đức bây giờ. Anh không kìm nén được niềm hạnh phúc đang trào dâng trong lồng ngực, giống như anh đang được sống lại tuổi thơ tươi đẹp của mình vậy. Dẫu chưa phải quá muộn nhưng trong lòng Đức cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Anh tiếc quãng thời gian đã trôi qua mà không được ở cùng và chăm sóc cha mẹ. Dù chỉ là một phút, một giây giờ đây với anh cũng thật quý giá.

Phía xa xa trên cách đồng, đèn xe máy sáng trưng soi rọi vào những người đang tất bật làm nốt công việc cuối ngày. Đức nhận ra thấp thoáng đâu đó là nụ cười mừng rỡ của bố mẹ. Nhìn thấy cậu con trai đi trên chính chiếc xe mà mình mua tặng với bao nhiêu tình yêu thương chứa đựng trong đó, ông bà Phong hẳn là đang vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Còn Đức thì nghẹn ngào, xúc động, anh càng cảm thấy thương ba mẹ vô cùng. Nếu có thể, anh mong có thể được ở mãi bên ba mẹ, chỉ cần hằng ngày được ăn cơm mẹ nấu, được tán ngẫu với bố những câu chuyện miệt vườn, đồng áng. Thế là đủ, hạnh phúc đôi khi chỉ cần có vậy, thật đơn giản và rất dễ kiếm tìm.

Trong đời sống gia đình, con cái không phải cứ tài giỏi đã là ngoan. Có những người vì muốn chứng tỏ mình không dựa dẫm vào cha mẹ và có thể gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lúc về già mà lao đầu vào công việc một cách mù quáng đến nỗi quên cả gia đình, lãng quên những người mình yêu thương, quên đi cả mục đích ban đầu mà mình phấn đấu. Sự sĩ diện của con cái không bao giờ lớn bằng lòng tự trọng của cha mẹ. Và nếu nói đến sự chung thủy thì thì có lẽ cha mẹ chính là những người thủy chung, cao thượng nhất trên đời bởi với họ yêu thương, chờ đợi con, làm tất cả vì con là vô điều kiện.

© Trần Thị Lan – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Cuộc hẹn chụp ảnh này, Phong cảm thấy có chút mong chờ. Khi bạn được gặp người tạo ra thứ bạn thích, trong bạn đã tồn tại một sự ngưỡng mộ về tài năng con người đó. Phong nghĩ mình nên kết bạn với anh chàng thú vị này.

Yêu “Nhạt

Yêu “Nhạt" nhưng “Lành"

Mình cố gắng nói ít đi, làm nhiều hơn. Kết quả là cách mình trả lời cho câu hỏi “Có yêu không?" Bởi mấy ai chấm điểm quá trình, cái cuối cùng chúng ta quan tâm chẳng phải là đích đến tròn, méo, vuông vức ra sao đúng chứ?

Năm mới xinh tươi

Năm mới xinh tươi

Trong bao bước chân nhẹ êm trên những con đường vắng Năm mới vừa đi qua với giao thừa rộn rã

Hai đầu ngọn sóng

Hai đầu ngọn sóng

Bảo thấy gia đình em rất giống một bài hát mà em hay nghe là “Ở hai đầu nỗi nhớ”, nhưng Bảo lại muốn thêm vào là gia đình có đến ba đầu nỗi nhớ lận. Vì mẹ luôn trong bệnh viện và quay cuồng với những ca cấp cứu với những bệnh nhân còn ba ở ngoài tận khơi xa, chỉ có mỗi Bảo ở nhà và luôn ngồi vào bàn ăn một mình.

Mùa đông dang dở

Mùa đông dang dở

Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Mùa đông có anh một mùa đông có anh Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Anh bên cạnh em và bên em suốt con đường

Lời ước hẹn

Lời ước hẹn

Anh có còn nhớ lời ước hẹn cùng em Lời ước hẹn năm xưa anh đã nói Lời ước hẹn trong một ngày đông cũ Khi cơn gió đông về cứ buốt lạnh tim em

Cho con cả bầu trời

Cho con cả bầu trời

Chị nói là mẹ sẽ cho con cả bầu trời này trong đó có vô vàn tình thương của mẹ gởi theo con, để ở một nơi thật xa con sẽ luôn có mẹ, luôn có tình thương của mẹ bên cạnh, và con sẽ được ấm áp được bình yên dù không có mẹ bên cạnh.

Ngày ta gặp nhau

Ngày ta gặp nhau

Anh có đếm những ngày xuân lặng lẽ Khi cả anh cả em đều cùng ngóng trông nhau Khi bao xuân qua ta cứ mãi đợi chờ Vì những niềm vui vẫn cứ còn dang dở

Nhân vật

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

Ngày toàn thắng

Ngày toàn thắng

Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

back to top