Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những mảnh đời lặng lẽ

2018-09-06 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - “Ba ơi, con đi thành phố nhé. Ở đó sẽ tốt cho con hơn! Con sẽ vừa đi hát kiếm tiền, vừa học. Rồi con sẽ về đưa ba lên ở chung! Nhé!”. Ông cười, gật đầu. Cái gật nhẹ bẫng. Nhìn Diễm, ông chợt nhớ tới câu hỏi như một lời hứa của người đàn bà khi xưa: “Anh sẽ chờ em chứ?”. Ông đưa tay vuốt tóc Diễm, cảm giác những sợi tóc tuột khỏi tay, nhẹ nhàng mà khiến ông đau nhói. Hôm đó, Diễm dúi vào tay ông cái điện thoại cũ, ríu rít dặn ông phải luôn giữ điện thoại bên mình để khi nào Diễm gọi về là gặp được ông. Ông luôn miệng “ba biết rồi, ba biết rồi” cho tới khi chiếc xe chở con gái khuất hẳn.

***

blog radio, Những mảnh đời lặng lẽ

Ba căn nhà trệt mái tôn, vách gỗ, xếp thành hình chữ U nằm lọt thỏm giữa những tán thông xanh. Sau vài cơn mưa, những cây thông bật lên sắc xanh quyến rũ nhưng cũng không khiến khu nhà chữ U kia bớt phần ảm đạm. Căn nhà có đâu gần hai chục người ở.

Một sáng còn sương, ông Hai Thì ngồi trên cái ghế đá trước phòng mình tỉ mẩn lần trong túi áo pyjama kiếm bị thuốc rê. Ngón tay nhiều vết chai sần cứ lập cập hoài mà không lấy được tờ giấy quyến. Ông Hai Thì thấy bực rồi đổ quạu. Ông lầm bầm chửi cái thằng già vô dụng là ông rằng, có lấy mỗi tờ giấy quyến quấn thuốc cũng không xong…

Ông Nhàn về, xách thêm túm cà rốt còn chưa bẻ ngọn, chắc là mới ra đào xới gì đó ngoài vườn rồi tiện tay nhổ mang về. Ông tên Nhàn nhưng chả chịu ngồi một chỗ mà hưởng nhàn, cứ tự ôm việc vào người. Không ra vườn cuốc đất vun luống thì nhổ cỏ, ủ phân; ngoài vườn chẳng còn chuyện thì lại nảy ra cái ý đi vét giếng nước… trong khi thời tiết ở cái xứ này, chỉ nghĩ tới việc tắm thôi là đã rùng mình. Ông Hai Thì hay chửi “lão già điên”, còn ông Nhàn thì lại mắng ông Hai Thì là “cha già quỡn”… Cà khịa nhau vậy, nhưng mỗi khi có gì ngon ngon, ông Nhàn lại mang cho ông Hai Thì, dù lần nào cũng như lần nào, sau khi ăn hết sạch sẽ, ông Hai Thì lại dài giọng chê bai, bài bác. Tiếp đó, hai ông lại hục hặc tiếng qua tiếng lại cho tới khi bà Bì Bì gõ kẻng báo giờ cơm trưa.

***

Chiều ngả tối, ở đây, mới giờ này mà trời đã đổ sương. Ông Hai Thì nhìn qua giường ông Nhàn và thấy làm lạ. Lý ra giờ này, ông Nhàn đã bê cái thùng gỗ đựng nước ấm có pha muối hột và vài lát gừng vào, rủ rê ông Hai Thì ngâm đi cho dễ ngủ. Nhưng ông Hai Thì đâu thèm làm. Ông còn lèm bèm chuyện ông Hai Thì cứ lăn qua trộn lại làm cái giường cứ kêu cọt kẹt hoài khiến ông không ngủ được. Ông Hai Thì cũng thích thọc chân vô nước ấm vậy lắm nhưng một phần là lười, phần còn lại là do cái tánh chướng nên cứ mặc kệ bài “ca cẩm” của ông Nhàn. Làm như nghe riết đâm “lờn” vậy.

Ông Hai Thì lăn qua trộn lại trên giường mãi mới thấy ông Nhàn về. Da mặt tái đi vì lạnh, hai tay cứ liên tục xoa vào nhau xoàn xoạt rồi đưa lên miệng hà hơi. Nhưng coi bộ ông Nhàn đang có chuyện gì vui lắm. Ông Nhàn cứ thế mà leo lên giường ngủ, quên cả chuyện ngâm chân. Ông Hai Thì ôm một bụng thắc mắc, mãi đến 1 giờ sáng mới bắt đầu thiu thiu ngủ. Trong cơn mơ màng, ông nghe thấy tiếng hát. Tiếng hát như trôi lan man trong sương đêm, có đoạn dường như mất hẳn tiếng:

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải

Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái

Ở đó có những lũ sên bò quanh

Những vết nứt rêu tường xanh

Có giếng nước soi trời trong…”


Tiếng hát làm ông nhớ tới ngôi nhà ông nằm trong một con hẻm nhỏ mát rượi bóng cây, nhớ cái sự im vắng thanh bình và tiếng cười giòn của một đứa con gái. Nhưng mà… tiếng hát này, sao giống tiếng của Diễm – đứa con gái hồn nhiên, đứa con gái dại dột, đứa con gái khiến ông bao lần rớt nước mắt.

Ông Hai Thì muốn mở mắt ra, muốn đứng dậy đi tìm người hát nhưng mắt nặng quá, tay chân cũng không nhấc lên nổi, tiếng hát cứ thế chập chờn, lởn vởn trong giấc ngủ của ông.

***

blog radio, Những mảnh đời lặng lẽ

Lúc ông Hai Thì vắt cái khăn lên vai bước về hướng nhà sinh hoạt để rửa mặt cũng đã 10h sáng. Vừa đi ông vừa làu bàu chuyện ông Nhàn sáng nay chẳng thèm gọi ông dậy để tập thể dục như mọi ngày. Dù ngày nào ông cũng trộn trạo trên giường nằm hồi bảy hiệp mới xuống thì ông Nhàn cũng không nên vì lẽ đó mà sáng nay “bỏ rơi” ông.

Dòng nước mát làm ông tỉnh táo được đôi chút. Lúc ông vừa kéo cái khăn lau mặt qua khỏi mắt thì khựng lại. Ông nhìn thấy trong gương vóc dáng của một người đàn bà đang lom khom quét sân giữa. Không hiểu sao vừa nhìn thấy cái dáng ấy thì tim ông bỗng thắt lại một cái. “Diễm! Là con Diễm!”. Ông Hai Thì lật đật bước xuống bậc thềm hướng về vóc dáng ấy, vội vàng đến mức suýt trật bàn chân. Ông sợ, chỉ chậm một chút thôi thì vóc dáng đó sẽ biến mất, sẽ bặt tăm.

Ông nắm vai người đàn bà đó nhưng rồi hoảng hốt rụt tay ra như bốc phải hòn than đỏ. Một gương mặt chằng chịt những vết sẹo lồi lõm gớm ghiếc quay lại nhìn ông, vẻ thảng thốt hiện lên trong đáy mắt. Môi ông run rẩy, muốn nói xin lỗi nhưng không thể thốt ra lời. Bà Bì Bì đang ngồi bài hãi lặt rau trong nhà bếp, thấy thế thì lạch bạch chạy ra:

- Người mới! Ông Nhàn đưa về. Con nhỏ bị câm, không nói chuyện được gì đâu!

Ông Hai Thì quả là đang sốc nhưng không phải vì gương mặt gớm ghiếc đó mà bởi vì nỗi thất vọng. Không phải Diễm, cái vóc dáng giống Diễm nhưng không phải Diễm.

Bà Bì Bì vẫn đều đều giọng bên cạnh:

- Ông Nhàn nói nó tên Gái, bị người ta hiểu lầm, tạt axit. Uất quá cắn lưỡi tự tử nhưng không chết. Thực hư sao không biết. Ông Nhàn nói sao thì tui biết vậy. – Bà Bì Bì quay sang người phụ nữ. - Vô phụ nấu cơm đi Gái.

Người phụ nữ lách người đi vào bếp. Trước khi đi còn để lại cho ông một ánh nhìn sâu hút.

- Ông Nhàn đâu? – Ông Hai Thì bất thần mở miệng.

- Hả? – Bà Bì Bì hơi giật mình, rồi như hiểu ra, bà đảo mắt nhìn quanh: – Chắc đi đâu đó, giờ này nắng lên vầy chắc không có ngoài vườn rau đâu.

Nói rồi, bà Bì Bì quày quả bỏ vô bếp. Ông Hai Thì nhìn theo, nhưng không phải nhìn bà Bì Bì mà nhìn cái dáng nhỏ đang lúi húi nhặt rau. Sao cái dáng ấy giống Diễm như tạc vậy không biết.

Ông Hai Thì bần thần bước tới cái ghế đá đặt trước phòng ông ngồi xuống. Ông nhắm chặt mắt, nghe tiếng gọi lanh lảnh của một đứa con gái trong quá khứ vang vọng bên tai.

“Ba ơi, ba ơi! Ra đây coi rêu mọc dày quanh chân tường nhà mình rồi nè!” “Ba ơi, ba ơi, nhanh nhanh đi ba, ba coi dưới gốc cây có mấy con ốc sên nè. Ui trời, nó bò gì mà chậm quá trời quá đất luôn á ba!”… đứa con gái nhỏ nhắn, đôi mắt sáng long lanh với cái cằm nhọn bướng bỉnh của ông đang chạy nhảy khắp khu vườn bọc quanh căn nhà nhỏ. Con gái ông, Diễm, kỷ vật duy nhất mà vợ ông để lại. Vợ ông là con chim luôn muốn hót líu lo giữa một vùng trời cao rộng mà khoảng sân vườn nhà ông quá chật hẹp và ngôi nhà của ông lại như một cái lồng cũ càng. Bà muốn đi, nhưng không thể. Có lần dụi đầu vào lồng ngực của ông, bà thẽ thọt: “Anh Thì, em ước gì mình nhẫn tâm hơn một chút!”. Trái tim ông thắt lại vì xót xa. Ông biết, gia đình bé nhỏ này, ngôi nhà bé nhỏ này như một sợi chỉ đỏ mỏng manh mà chắc chắn, thít chặt cổ họng làm tắt tiếng hát của con chim oanh. Và rồi con chim oanh mất sớm. Mất trong ủ rủ.

Thời gian trôi, Diễm cứ thế hồn nhiên mà lớn trong vòng tay ông, trong ngôi nhà ngày một thêm cũ kỹ. Một ngày, Diễm xếp quần áo vào một cái giỏ nhỏ, ôm ông một cái thật chặt rồi nói:

“Ba ơi, con đi thành phố nhé. Ở đó sẽ tốt cho con hơn! Con sẽ vừa đi hát kiếm tiền, vừa học. Rồi con sẽ về đưa ba lên ở chung! Nhé!”. Ông cười, gật đầu. Cái gật nhẹ bẫng. Nhìn Diễm, ông chợt nhớ tới câu hỏi như một lời hứa của người đàn bà khi xưa: “Anh sẽ chờ em chứ?”. Ông đưa tay vuốt tóc Diễm, cảm giác những sợi tóc tuột khỏi tay, nhẹ nhàng mà khiến ông đau nhói. Hôm đó, Diễm dúi vào tay ông cái điện thoại cũ, ríu rít dặn ông phải luôn giữ điện thoại bên mình để khi nào Diễm gọi về là gặp được ông. Ông luôn miệng “ba biết rồi, ba biết rồi” cho tới khi chiếc xe chở con gái khuất hẳn.

Thoạt đầu, Diễm còn hay gọi điện cho ông. Diễm kể cô được nhận vào hát cho một quán bar mỗi tối. Qua giọng con gái, ông nhận ra, Diễm háo hức biết mấy với ánh đèn sân khấu và không gian phòng trà sang trọng. Đôi khi hứng khởi, Diễm còn hát một đoạn cho ông nghe. Diễm còn khoe cô có một fan hâm mộ đặc biệt, tối nào cũng đến nghe cô hát và tặng hoa. Rồi những cuộc gọi ngày một thưa. Một ngày, ông nhận được một cái máy đọc đĩa và cái CD. Loay hoay cả buổi ông mới biết cách mở. Là giọng Diễm, nhưng ông không nghe ra sự hồn nhiên trong giọng con gái mà là sự hoang hoải mỏi mòn:

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải

Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái

Ở đó có những lũ sên bò quanh

Những vết nứt rêu tường xanh

Có giếng nước soi trời trong

Ở đó có lá cuốn dây ngoài song

Có gió mát đêm bình yên

Có những tiếng chuông gần lắm

Vang cùng tiếng cầu kinh...”. Hạt bất an trong ông được nuôi từ những ngày Diễm đi bật mầm lớn dậy. Ông bán căn nhà cũ, xuống phố tìm Diễm.

Ông - một lão già quê trất chẳng mấy chốc tiêu sạch số tiền bán nhà cho mấy phòng trà khi vẫn chưa tìm thấy con gái. Trở thành kẻ tứ cô vô thân phải nương náu gầm cầu góc chợ. Số điện thoại Diễm thường hay gọi cho ông không còn liên lạc được từ lâu. Bất đắc dĩ, ông phải theo người ta về mái ấm dành cho người già neo đơn.

- Ê Gái, dọn bàn đi con! Tới giờ cơm rồi!

Tiếng bà Bì Bì cắt đứt suy nghĩ của ông Hai Thì. Ông nhìn về phía nhà ăn thì thấy ông Nhàn đang lăng xăng xếp ghế phụ người đàn bà mà bà Bì Bì mới gọi là Gái. Ông Hai Thì thoáng cau mày, nghĩ, người có thể giải đáp một mớ thắc mắc lẫn ấm ách trong bụng ông lúc này chỉ có ông Nhàn.

blog radio, Những mảnh đời lặng lẽ

***

Lúc ông kéo ghế ngồi cạnh ông Nhàn thì ông này chỉ ngước lên nhìn ông cười trừ một cái, xong lại lùa vội lùa vàng. Nhận ra cái vẻ trốn tránh kì kì của ông bạn già, ông Hai Thì càng thêm quyết hỏi cho ra lẽ. Lúc ông Nhàn vừa dợm người đứng lên thì đã bị ông Hai Thì kéo giật cho ngồi xuống, ông Hai Thì gằn giọng:

“Nói chuyện chút coi!”.

Ông Nhàn ngượng ngịu:

“Không gấp thì để tối nói! Tui còn đi phụ con nhỏ dọn bàn rửa chén!”

Ông Nhàn lại dợm đi, ông Hai Thì lại kéo giật trở lại:

“Nghe nói con nhỏ đó cũng do ông đem về! Ông là gì của nó?”

Ông Nhàn chặc lưỡi:

“Hổng là gì hết! Nó là con của bạn tui.”

“Con bạn ông để bạn ông lo, liên quan gì ông?”, ông Hai Thì làu bàu. Tự nhiên ông Nhàn nhìn ông Hai Thì chằm chằm, cái nhìn làm ông khó chịu: “Tui nói sai chỗ nào đâu mà ông nhìn tui kiểu đó!”. “Nói vậy – ông Nhàn hạ giọng – nếu sau này con tui bơ vơ mà không có tui, ông biết ông cũng… để nó vậy hả?”. Ông Hai Thì ngớ ra, hơi ấm ớ rồi xụ mặt làu bàu:

“Nhưng có cần quan tâm tới nó tới mức bỏ bê tui vậy không?”. Vẻ hờn dỗi con nít của ông Hai Thì khiến ông Nhàn phì cười: “Yên tâm đi. Tui không như vợ con ông…”. Ông Nhàn chưa kịp nói hết câu thì ông Hai Thì đã đập bàn cái rầm, bật dậy, bỏ đi một nước.

Trên bàn, chén cơm của ông Hai Thì còn dang dở.

***

Trong buổi tối của ngày giận ông Nhàn thứ mười hai, ông Hai Thì không quay về phòng mà lang thang ra vườn rau bởi ghét thấy cái mặt ông Nhàn. Với lại mấy nay, đêm nào ông cũng nghe tiếng hát vẳng lại từ phía vườn rau. Mùi lá xanh hòa cùng sương đêm man mát phả vào mặt, câu nói của ông Nhàn trong giờ cơm làm như cũng theo gió mà tạt vào suy nghĩ của ông Hai Thì “tui không như vợ con ông…” làm đầu ông thấy đau buốt. Ông Hai Thì ngồi phịch xuống, áp cái điện thoại có màn hình tắt ngóm lên tai:

“Diễm hả con? Bữa giờ khỏe luôn hả con? Ờ… ba trên này cũng khỏe lắm. Ba nói thiệt mà, ba còn sức đi cãi lộn với mấy ông bạn già mà sao bệnh được… Ba…” Có ai đó giật mạnh cái điện thoại trên tay ông làm ông giật mình. Ông Nhàn đang cầm cái điện thoại của ông Hai Thì, vẻ mặt tức giận. Ông Nhàn quẳng mạnh cái điện thoại của ông Hai Thì xuống đất.

Ông Hai Thì tức giận, bật dậy: “Ê, ông kia, tui nhịn ông nhiều lắm rồi nha, đừng làm quá nha!”

Ông Nhàn cũng sừng sộ lại: “Ông mới làm quá! Lừa mình gạt người! Cái điện thoại quỷ này hư từ lâu rồi, có gọi được nữa đâu mà ngày nào ông cũng giả bộ có người gọi…”

Ông Hai Thì tức đến đỏ mặt: “Ông… ông… ông muốn kiếm chuyện với tui đúng không? Được, ông thích thì tui…”

Ông Hai Thì sấn sổ định nhào tới chỗ ông Nhàn nhưng chân ông chưa kịp dợm thì bỗng khựng lại bởi ông nghe tiếng hát. Trời ơi, tiếng hát đó, tiếng hát mỏng nhẹ như sương lan man trong màn đêm:

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải

Nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái

Ở đó có những lũ sên bò quanh

Những vết nứt rêu tường xanh

Ở đó có lá cuốn dây ngoài song

Có giếng nước soi trời trong

Có gió mát đêm bình yên

Có những tiếng chuông gần lắm

Pha hòa tiếng cầu kin

Ngân nga vang qua sân giáo đường

Từng ngày nghe đã quen”.

blog radio, Những mảnh đời lặng lẽ

Ông Hai Thì khụy xuống, lắp bắp:

“Diễm… trời ơi… con Diễm… Ông Nhàn… ông có nghe… có nghe…”

Ông Nhàn hướng mặt về phía phát ra tiếng hát, khẽ thở dài, rồi hạ người ngồi xuống cạnh ông Hai Thì, nhẹ giọng: “Tui có nghe…”

Ông Hai Thì đột nhiên nắm níu lấy ông Nhàn, hối hả: “Dắt… dắt tôi đi tìm… tìm người hát…”.

Ông Nhàn vẫn không nhúc nhích, chỉ siết nhẹ bả vai ông Hai Thì: “Không cần tìm đâu! Nó ở đây mà!”

“Ông biết nó là ai sao?" – ông Hai Thì kinh ngạc.

Ông Nhàn chậm chạp gật đầu: “Biết! Vì đó là người tui đưa về! Con gái ông! Diễm!”

Một gương mặt chằng chịt vết sẹo xẹt qua óc làm mọi sức lực của ông Hai Thì như bốc hơi đâu mất, ông Hai Thì khuỵu xuống như một chiếc lá rũ rồi bất thần bật khóc tức tưởi như một đứa trẻ con. Giọng ông Nhàn nhè nhẹ đều đều bên tai. Hóa ra, Diễm đã từng tới đây tìm ông nhưng cô e ngại chính mình sẽ làm vỡ những hình ảnh về đứa con gái tên Diễm xinh đẹp linh hoạt mà ông Hai Thì luôn giữ gìn trong lòng. Một trong những lần đó, ông Nhàn đã nhìn thấy. Sau bao lần thuyết phục, Diễm mới chịu về đây nhưng cô nói, hãy để ông quen với gương mặt xấu xí của cô trước rồi mới nhận cha sau.

Ông Hai Thì vẫn khóc, vừa khóc vừa làu bàu: “Ông là cha già dịch, cha già cà chớn, ông biết tui muốn tìm nó tới cỡ nào vậy mà ông tìm được ông lại giấu tui… ông là cha già lựu đạn… huhu…”.

Ông Nhàn cười méo xẹo, ôm ông Hai thì, vỗ vỗ vào bả vai ông, hạ giọng: “Ừ, tui là cha già lựu đạn nên mới chơi với cha già cố chấp như ông! Mà mắc gì ông khóc! Ông còn có con về kiếm, ông sướng nhất còn gì?”.

Ông Hai Thì quẹt nước mắt: “Vầy đi, chia cho ông. Tui làm cha chính, ông làm cha phụ! Chịu không?”

Ông Nhàn bật cười, gật gật.

Từ xa, người đàn bà đang đứng nhìn hai tay, vội đưa tay quẹt giọt nước mắt đang chảy trên gương mặt chằng chịt vết sẹo.

© Trịnh Mỹ Ngọc – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top