Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những con đường mòn

2018-01-09 01:10

Tác giả:


blogradio.vn - Tôi nhìn xuống chân mình, con đường mòn heo hút nơi đã diễn ra bao cuộc chia ly buồn bã thế này, những đứa trẻ ai cũng có ước mơ của chúng. Còn tôi, tôi ước gì làng tôi không chỉ có người già và trẻ nhỏ, tôi ước gì trên con đường này sẽ không còn dấu chân của những kẻ xa xứ. Ước gì những đứa trẻ kia không phải lớn lên mà thiếu vắng tình thương của bố mẹ, và những ước mơ của chúng sẽ không bị gánh nặng mưu sinh vùi dập, ước gì làng tôi sẽ đầm ấm, có cả người già, người lớn và trẻ nhỏ, chẳng có giông bão nào ngang qua làng tôi cả.


***
blog radio, Những con đường mòn

Những buổi chiều ở làng tôi trôi qua một cách chậm chạp, nặng trịch như những bánh xe công nông trượt dài trên những con đường mòn heo hút bóng người. Tôi đứng trên một mô đất cao, nhìn xuống cái khung cảnh man mác của quê mình, đợi mẹ về.

Mẹ tôi là cô giáo, trong khi bao người rời quê lên thành phố kiếm sống, mẹ vẫn ở lại quê làm cái nghề gõ đầu trẻ lương ba cọc ba đồng. Ngày nào đi làm về mẹ cũng đem một cuốn truyện từ tủ sách của trường mẹ về cho tôi đọc, dù có khi nó đã rách mất cả nửa quyển, tôi vẫn nâng niu đọc từng trang rồi tự mình tưởng tượng ra đoạn kết. Lũ trẻ trong làng hầu như đều là học sinh của mẹ tôi. Chẳng biết có phải vì mẹ là cô giáo chúng nó mà đứa nào cũng gọi tôi bằng anh, kể cả những đứa lớn như thằng Cáo. Nó to béo lực lưỡng, da đen nhẻm, mồ côi từ nhỏ, ở với bà ngoại, đi học bữa đực đứa cái. Tính nó cục cằn và sẵn sàng giơ nắm đấm với bất kỳ thằng nào nhắc đến mẹ nó. Thực ra nó không hẳn mồ côi, mẹ nó lên thành phố làm ăn gần chục năm chưa về, nó tự dưng bị xem là thằng mồ côi. Hầu như trẻ con trong làng đứa nào cũng từng bị nó đánh, nhưng tuyệt nhiên nó chẳng bao giờ đánh tôi dù đôi lúc tôi cũng hùa vào trêu nó cùng lũ trẻ. Hẳn chúng nó rất yêu quý mẹ tôi, thấy đứa nào khổ quá mẹ vẫn hay cho chúng nó miếng áo manh quần, cũng có khi mẹ chắt bóp mấy đồng lẻ mua cho chúng nó quyển sách, cái bút,... Có lần thằng An em tôi, nó khóc toáng lên khi không thấy cái quần đùi hoa dì tôi gửi từ thành phố cho nó hồi tết năm ngoái, tôi biết mẹ mang cho thằng Định hàng xóm, tôi lẳng lặng ra dỗ thằng An, còn bố tôi chỉ lẩm bẩm:

- Nhà mình không có còn đem đi cho.

Bố tôi làm thuê những việc lặt vặt trong làng, mấy năm nay sức khỏe ông yếu dần, không làm được việc nặng. Những lần bố tôi đi làm về với bộ quần áo lấm lem lại thấy mẹ sửa soạn đồ đi dạy, bố lại thở dài vì mẹ vốn dĩ chỉ có hai bộ quần áo tử tế để mặc. Không hiểu sao tôi rất sợ những tiếng thở dài của bố, lạ lắm, nó nhẹ nhàng mà nặng nề ghê gớm, nó thể hiện sự bế tắc của một người đàn ông, chất chứa tất cả nỗi lo, nỗi khắc khoải về gánh nặng mưu sinh, về trách nhiệm gia đình,...

Những đồng lương của mẹ tôi chẳng đủ nuôi cả nhà, tiền của bố cũng chẳng đáng là bao, nhiều người khuyên mẹ tôi lên thành phố làm thêm vài năm, bỏ quách cái việc gõ đầu trẻ với đồng lương bèo bọt. Nhưng mẹ không làm vậy, tôi biết mẹ yêu những đứa trẻ nghèo đáng thương. Tôi hay quan sát mẹ khi mẹ chấm bài, bên chiếc đèn dầu leo lét, ánh mắt mẹ đăm chiêu vào bài tập của lũ trẻ, đôi lúc lại nhíu mày khi gặp một nét chữ nguệch ngoạc, đôi lúc lại mỉm cười tủm tỉm khi gặp những ý văn vụng về. Có những hôm trời lạnh thấu sương, gió lùa vào cánh cửa mỏng đã mục nát vì mưa gió, tôi thấy vai mẹ run lên vì lạnh nhưng mẹ vẫn ngồi đấy miệt mài bên chồng vở học sinh.Tối tối, mẹ thường nằm đọc cho tôi và thằng An một câu chuyện hay một bài thơ, có những chuyện mẹ đã kể đi kể lại bao nhiêu lần tôi thuộc đến từng chi tiết nhưng lúc nào giọng nói ngọt ngào của mẹ cũng làm tôi thấy háo hức như lần đầu tiên.Tôi nhớ những câu thơ mẹ hay ngâm:

"Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao"

Mẹ yêu quê và tôi cũng vậy, mà sao nhiều người xa quê đến thế? Mỗi chiều đứng trên cao nhìn xuống con đường hun hút chỉ thấy những bóng người hiếm hoi, chỉ có những bóng người già hay bước chân của những đứa trẻ nghịch ngợm, còn bố mẹ chúng đều đã phải ra đi, tôi ôm mẹ thật chặt, mẹ sẽ không ra đi, mẹ sẽ mãi ở làng làm cô giáo.

Tôi thích rúc vào nách mẹ, dụi đầu vào tóc mẹ ngửi mùi bồ kết thơm thơm, sờ vào bàn tay chai sần thô ráp của mẹ. Chẳng giống như những cô giáo khác, ngoài giờ lên lớp, mẹ lại tất bật ngoài đồng. Bàn tay vừa khi nãy còn cầm phấn trắng, viết những nét chữ tròn trịa lên chiếc bảng đen cũ kỹ, nay đã lấm lem bùn đất, tôi hay hôn lên đôi bàn tay mẹ, tôi yêu bàn tay ấy đến lạ lùng.

Con Na, nhà cách nhà tôi đúng bằng một "cái dậu mùng tơi", nó nhỏ hơn tôi 3 tuổi, ngày nào nó cũng sang nhà tôi hỏi bài mẹ. Có một chiều tôi đang ngồi bứt lá dừa gấp cào cào cho thằng An chơi thì nó ngồi xuống cạnh tôi rồi hỏi:

- Anh Bình sau này thích làm gì?

- Tao chưa biết, thế còn mày?

Nó chu mỏ:

- Em á, em thích làm cô giáo như mẹ anh ý, với cả em thích làm con dâu của mẹ anh nữa.

Nó vừa nói vừa cười toe toét, tôi chẳng ưa nổi nó, con gái con đứa vừa đen vừa xấu lại còn suốt ngày nhận vơ tôi làm chồng, tính cách thì đanh đá, chua ngoa chẳng hiền thục như mẹ tôi, tôi thầm nghĩ nó sẽ không trở thành cô giáo như mẹ tôi được.

***

blog radio, Những con đường mòn

Chiều hôm đó, trời bỗng nổi cơn giông, gió giật liên hồi, tiếng gió át hết mọi âm thanh. Bố tôi đi làm về, đến buổi tối thì bắt đầu lên cơn đau, một cơn đau kỳ lạ và khủng khiếp, hai bàn tay bố nắm chặt vào nhau, mồ hôi vã ra như tắm. Mẹ tôi ngồi bên bố khuôn mặt tái nhợt, thất thần, còn tôi chỉ biết ôm thằng An, ngoài kia gió vẫn rít lên từng hồi, mưa tầm tã. Đến nửa đêm, bố tôi thiếp đi, cơn đau đã vắt kiệt sức bố, mẹ tôi cũng chẳng còn chút sức lực nào. Sau trận đau ấy, bố tôi bị bại liệt, mọi người trong làng nói bố tôi bị trúng gió độc, nhưng cũng chẳng ai biết cách giúp. Bố tôi chỉ nằm đó, ông chẳng nói gì, mắt cứ hướng ra phía xa nơi có con đường mòn từ làng vào thị xã, đôi lúc ông lại thở dài, giống như số phận đang trêu đùa ông và gia đình tôi vậy, tiếng thở dài của bố vẫn thật nặng nề. Còn mẹ tôi, vẫn lặng lẽ làm lụng nhưng đôi mắt thì u buồn hơn xưa, mẹ luôn đi vào giấc ngủ khi khóe mắt vẫn chảy xuống những vệt nước dài. Tôi lại hôn lấy đôi bàn tay của mẹ rồi gục đầu xuống gối, giá như tôi có thể làm gì đó cho bố tôi, cho mẹ tôi nữa. Thằng An nằm cạnh tôi, nó thì thào:

- Anh Bình, sao bố cứ nằm mãi thế?

- Bố bị bệnh.

- Sau này, em sẽ làm bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bố!

Tôi chỉ ừ một cái, sợ nó nói nữa sẽ làm mẹ tỉnh giấc.

***

Mẹ lặng lẽ bón từng thìa cháo cho bố rồi ra hiệu cho anh em tôi xuống bếp, thằng An háo hức mở nồi, rồi khóc òa lên khi thấy toàn khoai, tôi biết nhà tôi đã cạn tiền, mẹ ôm nó dỗ dành.

Một chiều tôi thấy mẹ sửa soạn ít đồ rồi sang nhà bà ngoại, thằng An đòi đi theo mẹ không cho, tự dưng tôi có linh cảm không lành. Tối đó, khi thằng An đã ngủ say, mẹ lặng lẽ ôm tôi, mẹ nói mẹ phải đi, mẹ phải xuống dưới thành phố tìm việc làm. Tôi ngồi bật dậy, òa khóc:

- Mẹ đừng đi, con xin mẹ...

Mẹ khẽ xoa đầu tôi:

- Mẹ cần phải đi con ạ, mẹ muốn chữa bệnh cho bố, mẹ không muốn hai con nghỉ học...

Tôi nằm khóc gục đầu vào mẹ, mái tóc mẹ vẫn thơm mùi bồ kết, bàn tay mẹ vẫn thô ráp như tường nhà, mùi của mẹ vẫn thật dễ chịu,...nhưng chỉ ngày mai thôi, tôi không còn được nằm cạnh mẹ nữa...

Chiều hôm ấy, một chiều mùa thu ảm đạm, mẹ sửa soạn đồ rồi đi, bố tôi vẫn nằm đó, ông chỉ im lặng, lúc đó tôi cứ nghĩ dường như không một người đàn ông nào cô độc hơn bố tôi.

Con đường mòn hôm đấy toàn trẻ con, thằng An khóc ướt đẫm áo tôi, còn lũ trẻ trong làng đứa nào đứa nấy mặt buồn rười rượi, những đứa trẻ đáng thương mà mẹ tôi coi chúng là một phần cuộc đời mình, chúng nó đứa nào cũng chuẩn bị thứ gì đó cho mẹ tôi, đứa tặng mẹ chiếc khăn mùi soa, đứa cho mẹ tôi bọc cơm nắm ăn đi đường,... riêng cái Na nó tặng mẹ tôi một cây bút. Mẹ bật khóc, mẹ tôi liệu có dịp nào để dùng đến cây bút đó nữa không, mẹ chẳng là cô giáo nữa, mẹ không là cái cớ để tôi oai với bọn trẻ nữa, mẹ phải đi thật rồi... Thằng Cáo đừng từ xa, nó lấy tay quệt nước mắt, nó nhớ mẹ nó chăng, trong thoáng chốc, tôi hỏi lòng liệu mẹ tôi có đi mãi không về như mẹ nó không.

blog radio, Những con đường mòn

Tôi nhìn cái Na, nó vẫn khóc thút thít, thực ra nó cũng không đáng ghét như tôi nghĩ, liệu sau này nó có thể làm cô giáo như ước mơ của nó không? Thằng An vẫn gào khóc, nó có thể làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố không? Và cả lũ trẻ kia những ước mơ của chúng, có thực hiện được không hay khi lớn lên, chúng sẽ lại đi trên con đường này, đến những nơi xa lạ để mưu sinh và không quay về nữa...

Tôi nhìn theo bóng mẹ, tấm lưng mỏng manh của mẹ rồi sẽ oằn mình chịu đựng sức nặng của những bao si măng, sỏi đá. Nơi mẹ đến mỗi ngày không phải là lớp học tồi tàn nơi miền quê nghèo mà là những công trường bụi bặm. Bàn tay của mẹ không còn cầm những viên phấn trắng mà sẽ bón từng thìa cháo cho đứa trẻ xa lạ con một gia đình giàu có trong thành phố. Ở nơi đó không có ai gọi mẹ là cô giáo. Mồ hôi mẹ sẽ rơi xuống từng giọt, đắng đót đến nhói lòng.

Tôi nhìn xuống chân mình, con đường mòn heo hút nơi đã diễn ra bao cuộc chia ly buồn bã thế này, những đứa trẻ ai cũng có ước mơ của chúng. Còn tôi, tôi ước gì làng tôi không chỉ có người già và trẻ nhỏ, tôi ước gì trên con đường này sẽ không còn dấu chân của những kẻ xa xứ. Ước gì những đứa trẻ kia không phải lớn lên mà thiếu vắng tình thương của bố mẹ, và những ước mơ của chúng sẽ không bị gánh nặng mưu sinh vùi dập, ước gì làng tôi sẽ đầm ấm, có cả người già, người lớn và trẻ nhỏ, chẳng có giông bão nào ngang qua làng tôi cả.

Một cơn gió thổi qua, nó mang ước mơ của tôi đến phương trời nào đó...

Hoàng hôn đã buông xuống nơi vùng quê nghèo nàn, con đường mòn đã khuất bóng mẹ tôi...

© Nguyễn Hoàng Dương – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top