Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đoạn ký ức đứt quãng

2017-04-13 01:18

Tác giả:


blogradio.vn - Tôi lại đặt chân lên con đường đất rẽ vào xóm bốn, thả những bước chân hoang mang ngang qua con ngõ nhà nhỏ… có một thứ cảm giác không rõ rệt lại dâng lên vô cùng mãnh liệt khiến cả người tôi như chao đảo. Hóa ra mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày xưa, dù tôi có cố tình trốn tránh hay chôn nó vào trong sâu thẳm trái tim…

***

Chiếc xe hàng cũ kỹ chậm chạp leo lên đèo. Chúng tôi ngồi trong xe, người ngợm chen chúc với đồ đạc và hàng hóa đủ các thể loại. Chiếc xe này luôn có một thứ mùi đặc trưng không thể nhầm lẫn, cái mùi vừa hăng hắc, ẩm thấp, vừa hôi hám, ngột ngạt đến mức buồn nôn. Kể từ lúc ra Đà Nẵng học đại học, tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ngồi trên chuyến xe khủng khiếp này đi đi về về, nhưng vẫn không tài nào thích ứng với nó một cách triệt để.

Nhỏ ngồi gần cửa sổ, ngay bên cạnh tôi, khẩu trang đeo kín mít, hai mắt nhắm nghiền, người rũ rượi ngã ra lưng ghế, cặp lông mày hơi chau lại, bộ dạng hết sức mệt mỏi và chịu đựng. Lần nào cũng như lần nào, nhìn nhỏ như vậy, lòng tôi không khỏi xót xa.

- Cố gắng tý nữa, sắp qua đèo rồi.

Tôi nói không lớn, nhưng vẫn đủ để nhỏ nghe thấy. Nhỏ vẫn giữ nguyên tư thế, “ừ” nhẹ một tiếng như để thông báo là đã nhận được lời động viên của tôi.

Qua đèo một đoạn là sẽ đến xóm bốn, một xóm nhỏ và nghèo của xã Trung, xã Trung lại là một trong những xã nghèo nhất của cái huyện miền núi heo hút này. Xóm chỉ lác đác vài ba căn nhà, xung quanh nếu không phải cây cối rậm rạp thì cũng là đất trống và đồng cỏ. Tôi và nhỏ cùng xóm, nhưng từ bé chúng tôi không chơi với nhau, à không, nói chính xác hơn là nhỏ không chơi với tôi. Xóm tôi hồi ấy có vài đứa trẻ cùng trang lứa, trai có gái có, thường cùng nhau chơi, cùng nhau đi học, như hình với bóng. Riêng nhỏ lại là một cái bóng lẻ loi, phiền muộn. Trong trí nhớ của tôi, chưa bao giờ thấy nhỏ cười vô tư như những đứa trẻ khác, khuôn mặt lúc nào cũng lạnh như băng, không một chút cảm xúc, đôi mắt đượm buồn dường như ẩn chứa điều gì đấy rất xa xôi, mơ hồ. Tôi thường trộm nghĩ, đó là một cô bé cô độc và thần bí. Từ cái thời xa xưa ấy, không nhớ cụ thể là thời điểm nào, tôi đã bắt đầu âm thầm quan sát nhỏ từ xa.

  Đoạn ký ức đứt quãng

Mãi cho đến năm chúng tôi vào lớp mười trường huyện, tôi mới chính thức được quan sát nhỏ từ… cự ly gần. Chúng tôi là bạn cùng bàn. Sự ngẫu nhiên này thật sự nằm ngoài tưởng tượng và mong đợi của tôi. Hiển nhiên, tôi đã phải cố gắng đè nén để giấu đi sự vui sướng và phấn khích trong lòng. Quan sát nhỏ, với tôi, từ lâu đã trở thành một thói quen, thậm chí là một “sở thích”. Vẫn gương mặt lạnh lùng, không chút cảm xúc, vẫn đôi mắt tròn to đen láy như ẩn chứa một kho tàng bí mật nào đấy… Ngoại trừ những đường nét trên khuôn mặt có chút biến hóa qua năm tháng, tôi không thấy nhỏ có gì khác so với ngày bé…

Xe phanh gấp và tiếng anh phụ xe la hét um sùm cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi giật mình nhìn sang bên cạnh, nhỏ đã đứng dậy mang ba lô lên vai:

- Ê, làm gì mà ngồi ngẩn ra thế. Tới rồi. – Nhỏ giương cặp mắt to nhìn tôi có chút ngờ vực, nói.

Tôi như bị điện giật, lật đật đứng dậy mang ba lô rồi đi ra, nhỏ cũng nhanh chóng đi theo sau. Chúng tôi bước xuống xe, đáp chân xuống mấy bụi cỏ ngay bên bờ ruộng. Chiếc xe vội vã lao đi, để lại trong không khí một làn khói đen kịt, hôi hám.

Hai bên đường là những ruộng lúa vàng ươm đang chờ ngày gặt hái. Giữa cái nắng chói chang của một ngày vào hè, gió lùa đến từng cơn, phả vào mặt mát rượi. Chúng tôi rẽ phải vào con đường đất dẫn về xóm bốn. Như thường lệ, nhỏ bước đi rất nhanh, bước chân mạnh mẽ và đầy dứt khoát. Tôi cũng nhẹ nhàng sải từng bước theo kịp nhỏ.

Đến đầu ngõ, nhỏ quay đầu lại nhìn tôi một cái, giơ tay lên vẫy vẫy rồi rẽ luôn vào nhà. Tôi đứng nhìn theo một lúc rồi cũng nhanh chóng đi về nhà mình.

Mẹ biết trước hôm nay tôi về nên chuẩn bị khá nhiều món cho bữa trưa: thịt heo cuốn bánh tráng, rau muống xào tỏi, càng cua trộn thịt bò, toàn là những món tôi thích. Bữa trưa diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm cúng như thường lệ. Mẹ tôi huyên thuyên hỏi tôi chuyện học hành ở phố, chuyện ăn ở, chuyện bạn bè, xoay đi xoay lại một hồi, vẫn trở lại đề tài “bạn gái của tôi”. Ba tôi không nói nhiều, ông trầm ổn ngồi nghe hai mẹ con nói chuyện, thi thoảng đệm vô đôi câu.

- Con trai còn trẻ, lo học hành, sự nghiệp trước đã. Bà nôn nóng làm gì?

Mẹ tôi ngay lập tức phản bác:

- Học thì cứ việc học, nhưng bạn gái phải lo kiếm dần đi là vừa. Đợi đến lúc con trai ông có sự nghiệp thì mấy đứa con gái tốt nó đã có người rước hết cả rồi.

Tôi là con trai một trong nhà, hơn nữa bố mẹ tôi tuổi cũng không còn trẻ. Tôi cười cười:

- Mẹ nói cũng có lý. Có điều hiện tại con chưa tìm được đối tượng “tốt”, nên mẹ cố gắng chờ một thời gian nữa.

Mẹ tôi khựng lại một chút, rồi dường như sực nhớ ra điều gì đó, bà quay đầu sang nhìn tôi nói với vẻ mặt có phần trầm trọng:

- Con cứ suốt ngày dính nhau với con Quyên thì làm sao mà có bạn gái được. Tốt nhất là tránh nó xa xa ra một chút.

Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ, ánh mắt bà mơ hồ phản chiếu một sự khó chịu, bực dọc.

  Đoạn ký ức đứt quãng

Quyên trong tôi, bao giờ cũng rất đặc biệt. Chính tôi cũng không rõ vì sao ngay từ nhỏ mình đã bị sự thần bí của nhỏ thu hút, cho đến khi lớn lên, thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn mơ hồ cảm thấy ở nhỏ có một điều gì đó mà tôi cho dù có cố gắng đến mấy vẫn không tài nào nắm bắt nổi.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một cô bé hờ hững lướt qua đám con nít tụi tôi lúc ấy đang túm tụm chơi bi, chơi cụm. Thình lình có một đứa miệng mồm xấu xa trong đám bật lên cười khúc khích, kẽ răng rít lên ba chữ rành rọt “đồ con hoang”, nhỏ vẫn lãnh đạm bước đi như không hề nghe gì, không hề thấy gì, như thể cả đám chúng tôi sớm đã tàng hình trong mắt nhỏ vậy. Tôi cũng nhớ rất rõ lúc ấy mình đã tức giận ra sao, vội vội vàng vàng quay sang cái đứa đó, túm áo nó đe dọa, mặt hầm hầm sát khí. Mãi đến khi đầu nó gật lấy gật để, đám bảo sẽ không có lần sau, tôi mới miễn cưỡng buông nó ra. Sau đó tôi hùng hổ bỏ về, mặc cho lũ bạn chạy theo kèo nèo năn nỉ tôi chơi tiếp.

Càng ngày tôi càng ý thức được bộ nhớ của mình dường như bị những hình ảnh và ký ức về nhỏ lấp đầy. Chỉ cần vô tình chạm đến một góc nào đó, là sẽ có một hình ảnh tương ứng hiện ra. Mỗi một mảnh ghép đều là một câu chuyện rõ ràng, sống động đã diễn ra trong quá khứ. Càng lớn tôi càng rõ ràng hơn những điều ấy có ý nghĩa như thế nào đối với mình, chỉ là, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi vẫn chưa dám đối diện.

Mùa hè năm ấy cũng nhẹ nhàng đi qua như những mùa hè nhiều năm về trước. Năm tháng lặng lẽ trôi, mang theo tuổi xuân, hy vọng và cả sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ.

Thấm thoắt, nhỏ đã ra trường, đang chờ xin việc. Còn tôi, vài tháng nữa cũng chính thức giã từ quãng đời sinh viên.

Tôi vùi mình trên máy vi tính và những buổi họp nhóm liên miên để chạy đua nước rút cho khóa luận tốt nghiệp đang cận kề. Không còn thời gian để bận tâm đến những việc nhỏ nhặt thường ngày, cũng không còn thời gian để thi thoảng lại lặn lội mười mấy cây số sang trường Kinh tế dù chỉ để đứng nhìn nhỏ một cái từ xa rồi về. Dăm ba lần cầm máy định bấm số nhỏ, nhưng rốt cuộc lại thôi.

Đã bao lâu rồi? Từ lúc nào tôi không còn tỏ ra quan tâm nhỏ như trước, không thường xuyên liên lạc, cũng không nhiệt tình chạy sang đón nhỏ đi chơi? Hai năm. Đối với tôi như hai thế kỷ!

Vẫn chiếc xe đò cũ kỹ nồng nặc mùi ẩm thấp, hôi hám đang ườn mình, chật vật leo lên đèo, nhưng lần này lại chỉ có mình tôi. Hai năm rồi, vẫn chỉ một mình tôi. Nhỏ không còn ở bên cạnh.

Tôi luôn tìm cớ trốn tránh mỗi khi nhỏ rủ về quê cùng. Vài lần như thế, thưa dần rồi mất hẳn. Tôi đã nghĩ mình có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng lại cảm thấy có chút mất mát không thể diễn tả thành lời. Có lần nhỏ nhắn cho tôi một dòng tin ngắn ngủi “Tại sao lại như vậy?”. Tôi ôm máy ngồi ngẩn ngơ cả buổi trời, rồi lại nhìn chằm chằm từng chữ nhỏ gửi, dù chúng chỉ là những con chữ vô tri vô giác qua màn hình điện thoại. Rốt cuộc tôi đã im lặng. Đó là tin nhắn duy nhất cũng là tin nhắn cuối cùng. Nhỏ luôn là người mạnh mẽ và dứt khoát như thế.

Tôi thẫn thờ nhìn những hàng cây bên đường đang lướt đi vun vút qua ô kính cửa xe.

Một mùa hè nữa lại về!

Mùa hè thứ hai mươi ba trong cuộc đời tôi, tại cái làng quê nhỏ bé này.

Mùa hè thứ ba không có nhỏ.

Tôi lại đặt chân lên con đường đất rẽ vào xóm bốn, thả những bước chân hoang mang ngang qua con ngõ nhà nhỏ… có một thứ cảm giác không rõ rệt lại dâng lên vô cùng mãnh liệt khiến cả người tôi như chao đảo. Hóa ra mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày xưa, dù tôi có cố tình trốn tránh hay chôn nó vào trong sâu thẳm trái tim…

Tôi lại một lần nữa vác ba lô nhảy lên xe, nhưng lần này là một chuyến xe khác.

Mẹ tôi sụt sùi đưa tôi ra tận đường cái. Hai mắt bà đỏ hoe nhìn tôi chòng chọc dường như muốn soi xem có khi nào thằng con mình bất ngờ suy nghĩ lại và thay đổi quyết định hay không. Tôi nhìn mẹ, cố kìm nén cảm giác chua xót đang xông lên trong lồng ngực.

Trong lúc mẹ tôi dặn đi dặn lại những điều đã nói từ tối qua, tôi đưa mắt nhìn lại xung quanh một lần, vô hình chung tôi lại nhìn vào con đường đất trước mặt, tưởng tượng hình bóng nhỏ đang sải những bước chân gấp gáp tiến về phía tôi. Có chút ngọt ngào, có chút cay đắng, có cả sự đau đớn không tên đang dâng lên bóp nghẹt lồng ngực tôi, vò nát trái tim đã có nhiều vết nứt.

Đi thôi. Sài Gòn - Miền đất hứa vẫn đang chờ tôi.

Xe chầm chậm lăn bánh đưa tôi xa dần mảnh đất của đau thương và kỷ niệm.

  Đoạn ký ức đứt quãng

Từng thứ, từng thứ một đua nhau chạy ra từ trong tiềm thức như đang chiếu lại một cuốn phim về đoạn ký ức hai mươi mấy năm với nhiều mảnh ghép đứt quãng nhưng vô cùng rõ ràng. Bộ phim có gương mặt lạnh lùng, cô đơn của nhỏ, có cả những nụ cười hiếm hoi nhưng lại tỏa sáng cả một khoảng trời trong tim tôi, có hình ảnh chúng tôi ngồi cùng nhau bên bờ sông Thu ngắm hoàng hôn, có những buổi chiều bình yên tôi đèo nhỏ tan trường…

Cuối cùng, phim dừng lại ở gương mặt ba tôi, mẹ tôi và… mẹ nhỏ. Một buổi chiều nọ cách đây hơn hai năm tôi đứng sau hàng rào nhà nhỏ, nghe tiếng mẹ tôi cất lên ở bên trong với đầy sự tức giận và đau đớn “Cô làm gì thì làm, đừng để hai đứa nó ở gần nhau nữa. Cô mặt dày ngủ với chồng người khác đã đành, giờ đừng để con gái cô hại con trai tôi. Loạn luân là tội lỗi kinh khủng thế nào? Cô cũng tự biết rồi đó…”. Sau đó là tiếng mẹ nhỏ lí nhí đáp lại “Em biết rồi. Xin lỗi chị”.

Có tiếng khóc thút thít nghẹn ngào vang lên giữa một buổi chiều quê yên ả, có cả tiếng thở dài não nùng hòa lẫn vào thanh âm từ những ngọn tre cao vút đang cong mình đung đưa trước gió…

© Tiểu Tịnh Vũ – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết CẦN LẮM MỘT CHỮ DUYÊN. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top