Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bức thư không lời hẹn ước

2018-01-19 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Nàng đi ngang qua đời tôi như cơn mưa rào chợt đổ trên hoang mạc, đánh thức cõi lòng khô cằn của tôi những cảm xúc tinh khôi. Lòng tôi rộn ràng những điều mới mẻ, và cũng khắc khoải một nỗi mong chờ. Không biết từ khi nào, hình bóng nàng đã gắn liền với tiếng nhạc, với mộng ước của tôi.

***
blogradio, Bức thư không lời hẹn ước

Một đàn chim nhỏ lướt qua bầu trời xanh ngắt. Tôi nhìn theo chúng, tự hỏi sẽ thấy gì khi bay trên trời với những đôi cánh tự do ấy. Tôi nhắm mắt lại, có thể tưởng tượng ra gió mơn man trên mặt, xuyên qua những kẽ ngón tay. Bên dưới tôi những mái nhà lúp xúp nằm chen nhau giữa phố thị đông đúc, người qua kẻ lại nhỏ bé như những chú kiến con. Phía trên tôi, bầu trời xanh thăm thẳm. Tôi đang bay trong ánh hoàng hôn đỏ rực. Và tôi có một tổ ấm để trở về, một cái tổ rơm trên cây cao với bố mẹ và mấy đứa em nhỏ cánh còn chưa mọc đủ lông.

Tôi chồm người tới trước, tay vịn chặt vào lan cao, kéo cho mình thật gần với bầu trời bao la ấy, rồi hít thật sâu cho đầy lồng ngực thứ không khí se lạnh này, hít cho đầy lồng ngực những ngọn gió mơn man để thấy mình tự do như một cánh chim trời. Nhưng dù tôi có cố cách mấy thì cũng chỉ dừng lại ở ngay đó – ngay trước lan can ban công nhà. Tôi không phải là một chú chim, chẳng thể nào mà bay được. Tôi mở mắt ra, hụt hẫng chấp nhận thực tại phũ phàng của đời mình: một căn phòng chật hẹp, cái ban công nhỏ xíu hướng ra mặt đường, dăm ba chậu cây xa lạ nằm lẫn với đất cát trên nền gạch bông, đôi nạng gỗ nằm im lìm trong góc tối, và cái xe lăn lọc cọc này. Tôi thậm chí còn không thể đi hay chạy, nói gì đến bay. Mẹ kể hồi nhỏ xíu tôi bị tai nạn liệt cả hai chân, tôi phải ngồi xe lăn từ năm sáu tuổi đến tận bây giờ và có thể là cả quãng đời dằng dẵng phía trước. Dù sao thì tôi cũng đã quen với chiếc xe lăn và cặp nạng, nên chuyện có phải ngồi xe lăn cả đời đi chăng nữa đối với tôi cũng là điều chấp nhận được.

Chỉ là đôi khi tôi vẫn khao khát được bước đi trên đôi chân mình, cảm nhận nền nhà mát lạnh qua hai bàn chân vững chãi. Tôi vẫn khao khát được chạy nhảy dưới tán cây, trên bờ biển, hay trong sân bóng như lũ con nít. Tôi khao khát một lần thở hổn hển vì được chạy đua, được leo núi như những vận động viên. Và tôi khao khát cảm giác tự do, không phải quanh quẩn trong nhà giữa mấy bức tường như một kẻ vô dụng. Chính vì vậy mà mỗi khi chuyển nhà, tôi luôn đòi mẹ phải dành cho mình căn phòng có ban công để tôi có thể ngắm hoàng hôn mỗi ngày. Khoảnh khắc ngày tàn cho tôi cảm giác tự do. Và hơn nữa khi mặt trời lặn, mọi người trở về nhà. Họ cũng quanh quẩn giữa mấy bức tường. Tôi cũng thế. Đây là khoảng thời gian trong ngày mà tôi có được cảm giác mình cũng như mọi người. Tôi không còn là kẻ duy nhất nằm nhà khi ai ai cũng làm việc. Điều ấy khiến tâm hồn tôi phần nào được xoa dịu.

Tôi và mẹ sống ở lầu năm của một khu chung cư bậc trung. Chúng tôi vừa chuyển đến đây tuần trước. Tôi chọn phòng ngủ hướng ra một con ngõ không tên, phía bên kia đường là cái công viên nho nhỏ. Chiều chiều, dưới vạt nắng vàng nghiêng nghiêng, tôi thấy người ta tản bộ, đá cầu, nhảy dây bên công viên ấy. Có những cặp tình nhân vừa khoác vai nhau vừa chia sẻ chiếc khăn quàng cổ; cũng có khi họ chỉ nắm tay chậm rãi đi cùng nhau. Thỉnh thoảng lại có một cặp, vì chuyện gì đấy mà cô gái vùng tay khỏi chàng trai rồi giận dỗi đi về hướng ngược lại. Chàng trai dừng bước, trầm ngâm nhìn bóng người yêu đang xa dần một lúc rồi cũng đuổi theo, họ níu tay nhau mặt đối mặt, chàng trai nói điều gì không rõ mà họ lại tay trong tay cùng đi về một hướng – không phải hướng ban nãy họ đã đi. Tôi nghĩ tình yêu thật lạ, điều gì khiến họ đến bên nhau, có khi giận hờn trong tích tắc rồi lại về với nhau như vậy. Và dường như họ chẳng quan trọng mình đang đi đâu, chỉ cần đi với nhau là đủ. Có phải như thế không? Tôi cũng muốn trải nghiệm cái thi vị yêu đương ấy, tôi muốn biết nhớ nhung ai đó đến bật khóc nó ra sao, hay yêu ai đó mà quên cả bản thân mình nó thế nào. Tôi chẳng biết.

Từ nhỏ đến lớn tôi không có bạn, chẳng gặp gỡ một ai. Vì tôi là con một, lại bị liệt hai chân nên bố mẹ ngại đưa tôi ra ngoài, sợ tôi gặp chuyện. Đến tuổi đi học bố mẹ thuê gia sư về dạy riêng cho tôi theo chương trình nước ngoài. Bố bảo:

“Mày chẳng cần đến trường làm gì! Bố cho mày ra nước ngoài học luôn!”

Tôi tặc lưỡi không biết nói gì, mà có nói cũng không thay đổi được ý bố nên cứ làm theo vậy thôi. Dạo ấy nhà tôi khá giả, nếu không muốn nói là giàu. Nhiều năm trước gia đình tôi ở trong một biệt thự cỡ vừa trên con đường đông đúc của phố thị. Thế rồi đùng một cái, cảnh sát đến nhà. Bố tôi bị bắt, tài sản bị tịch thu, phải cố lắm mẹ mới giữ được căn nhà.

Bố đi tù rồi mẹ bán nhà đi, lấy tiền gởi ngân hàng. Từ đó tôi và mẹ sống cảnh một mẹ một con. Chúng tôi từ ở biệt thự sang thuê nhà chung cư. Số tiền còn lại cộng với sức mẹ làm không đủ khả năng thuê gia sư về kèm riêng cho tôi nữa. Chuyện học của tôi vì thế mà bỏ ngang. Tôi cũng không đến trường công vì không có học bạ lẫn bằng tốt nghiệp. Bố tôi dự định cho tôi đi nước ngoài từ ba năm trước, nhưng giờ thì chẳng thực hiện được nữa. Mà dù có đi được tôi cũng không thể để mẹ ở lại một mình. Tôi không muốn thay một gánh nặng bằng một cái gánh khác nặng gấp nhiều lần lên vai mẹ. Nếu phải nuôi một thằng con tật nguyền ở nước ngoài, chẳng mấy chốc mẹ sẽ kiệt quệ. Mọi thứ - đường nào cũng vậy, chúng tôi mắc kẹt trong cái thực tại khốn khổ này.

Tôi và mẹ phải chuyển nhà liên tục. Cứ ba đến bốn tháng lại chuyển một lần, lâu thì cũng chỉ khoảng sáu tháng. Bố đi tù rồi nhưng nhiều chủ nợ vẫn tìm đến, họ đòi những khoản tiền gì đấy mà tôi không hiểu. Nếu không phải chủ nợ thì cũng là một nhóm côn đồ được ai đó thuê đến gây chuyện. Mẹ đã khóc, nài nỉ, van xin mà họ cũng chẳng tha. Tôi cay đắng chứng kiến mẹ bị dày vò, nước mắt tôi chảy trên gò má, nóng hổi, mặn chát. Tôi không nói được một lời nào, và tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Nếu không phải là những người ấy thì cũng là những người ở quanh chúng tôi. Họ vẫn bình thường, đôi khi niềm nở chào đón người mới cho đến khi họ nhận ra sự bất thường. Một gia đình không có người đàn ông, một đứa con trai tật nguyền không có bố, một bà vợ không chồng. Họ sẽ dòm ngó, bàn tán, nói ra nói vào hay thậm chí là buông lời mai mỉa. Những thị phi đó đã gắn liền với chúng tôi, trở thành một phần cuộc sống của tôi và mẹ. Có khi, một lời nói cay độc, một cái nhìn ghẻ lạnh của người hàng xóm kế bên khiến mẹ tôi chỉ biết cúi đầu lặng thinh, cố nén dòng nước mắt đang rỉ ra nơi khóe mắt đã in dấu chân chim. Nhưng rồi đêm về mẹ ngồi gục đầu khóc nức nở trên gối giữa bóng tối thăm thẳm của căn phòng thinh lặng.

Rồi cũng vì tủi nhục quá mà phải lặng lẽ dọn đi. Tôi thấy mẹ già hơn, đôi mắt mẹ nặng trĩu muộn phiền. Còn tôi thì lúc nào trông cũng buồn thảm nên tôi tránh gặp mẹ. Tôi không muốn mẹ nhìn thấy bộ dạng này để rồi phải thêm lo buồn. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong bữa cơm, có khi trò chuyện đôi ba câu, có khi không ai nói lời nào.

blogradio, Bức thư không lời hẹn ước


Chiều nay tôi lại ra ban công nhìn mặt trời đổ cái bóng đỏ rực xuống mặt sông xa xa. Bầu trời vẫn xanh, gió vẫn sẽ lạnh. Cảnh trí vẫn như vậy từ ngày tôi đến. Bên công viên người ta vẫn dạo chơi. Tiệm café dưới tầng trệt khu nhà tôi lác đác người ngồi. Mấy cái bàn con con để lấn hết một nửa hè phố, vẫn còn một nửa cho người ta đi bộ. Tôi mải nhìn người ta lững thững rảo bước trên hè, hững hờ với những lời mời chào từ trong tiệm café. Chợt tôi trông thấy nàng. Tôi khựng lại chốc lát, lòng xao xuyến lạ lùng. Cô gái mặc áo lạnh màu kem, cổ quấn dải khăn xanh nước biển. Chiếc áo trông dày và to hơn hẳn so với người mặc nó khiến đôi bàn tay mảnh khảnh của cô trông bé xíu thật dễ thương. Mái tóc cô dài chừng qua vai. Tôi nghĩ phía cuối ngọn gió ấy sẽ quyến luyến một thứ mùi hương rất dịu dàng. Thấp thoáng sau mỗi bước chân cô là chiếc quần đen cùng đôi giày thể thao màu xanh nhạt đế trắng. Tôi nhìn theo từng bước cô đi, mãi đến khi cô đã khuất sau ngã rẽ cuối phố, hình dáng cô vẫn còn in lại trong tâm trí tôi một dư vị êm đềm.

Tôi cứ nghĩ mãi về cô gái đã đi ngang qua buổi chiều hôm ấy. Tôi nằm trên giường, nhìn mông lung lên trần nhà. Chiếc đèn ngủ hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt khiến bóng tối trong phòng co lại đen đặc nơi mấy góc tường. Tôi ngủ thiếp đi, mơ màng về một cô gái đang nhảy những điệu thật mượt mà trên nền giai điệu bản Nocturne số mười lăm của Chopin. Tiếng piano lọt qua khe cửa, thấm vào màn đêm bao la tĩnh mịch của phố thị.

Từ hôm nhìn thấy nàng, ngày nào tôi cũng đợi hoàng hôn. Tôi đợi nàng đi ngang qua ngõ. Tôi đợi một bóng hình bước đi rất vội trên hè. Tôi đợi chiếc khăn cổ màu xanh biển cùng làn tóc mềm óng ả trong ngọn gió mùa thu. Có hôm tôi thấy nàng, có hôm lại không. Dù thế nào thì đối với tôi, cuộc sống này đã bớt đi nhiều phần vô vị. Tôi có việc để làm, có thứ để mong đợi và đôi khi, có người để nhớ nhung.

Tiếng piano từ trong phòng trôi qua cửa ra ban công rồi mất hút trong mớ âm thanh ồn ã của phố thị. Tôi vẫn có thể nghe rõ từng nốt nhạc trong trẻo. Chúng như đang phát ra từ trong đầu tôi chứ không phải từ mấy chiếc loa nữa, vì những bản nhạc ấy tôi đã nghe rất nhiều lần rồi. Suốt những năm tháng tăm tối của đời mình, chỉ có âm nhạc mới gợi được nơi cõi lòng tôi những rung động. Và bây giờ, ngoài những nốt nhạc ra, cô gái vẫn thường đi qua con ngõ trước nhà là điều thứ hai khiến tôi rung động. Nàng đi ngang qua đời tôi như cơn mưa rào chợt đổ trên hoang mạc, đánh thức cõi lòng khô cằn của tôi những cảm xúc tinh khôi. Lòng tôi rộn ràng những điều mới mẻ, và cũng khắc khoải một nỗi mong chờ. Không biết từ khi nào, hình bóng nàng đã gắn liền với tiếng nhạc, với mộng ước của tôi.

Ngày tháng trôi qua, tôi đã quen với chuyện đợi nàng mỗi buổi hoàng hôn. Hình bóng nàng trong tôi cũng đã thân thuộc như những nốt nhạc. Tôi có thể nhận ra nàng từ đám đông ở rất xa nơi đầu ngõ cũng giống như tôi có thể nghe rõ từng nốt nhạc trong một bản nhạc đang trôi giữa những tiếng ồn. Nhiều khi hình bóng ấy trong tôi đã thân thuộc đến mức tôi có thể tưởng tượng ra nàng đang ngồi bên tôi, tựa đầu vào vai tôi thì thầm những lời êm ả về buổi chiều trải dài trên con ngõ bằng một giọng nói rất nhẹ nhàng. Mái tóc nàng chảy trên vai tôi, tỏa hương dịu dàng. Tôi nhìn lên bầu trời thăm thắm mà nao núng cả cõi lòng.

Tôi có thể hình dung ra rất nhiều thứ ở nàng dù chúng tôi chưa từng gặp mặt. Nàng thích màu xanh nước biển. Nàng có đôi giày màu xanh, chiếc khăn quàng cổ và áo lạnh cũng màu ấy; và hầu như ngày nào tôi cũng thấy nàng mang theo ít nhất một thứ màu xanh biển. Một cô gái thích màu ấy thì sẽ thông minh và có chút cá tính, một chút quậy. Tôi nghĩ thế. Gu ăn mặc của nàng rất hợp mắt, đôi khi dễ thương. Tôi đoán nàng trạc chừng tuổi tôi, vì nàng thường đeo một cái balo đen mỗi buổi chiều đi về qua ngõ. Có thể nàng đang học đại học hay một trường cao đẳng nào đó. Nếu tôi đi học thì có lẽ bây giờ tôi cũng đang ở đại học hoặc cao đẳng như nàng.

Gần như hôm nào đi học về nàng cũng xách theo một bịch đồ ăn có lẽ được mua ở khu chợ chiều cách nhà tôi mấy ngõ. Vậy là nàng ở trọ, nàng tự nấu ăn. Tôi không biết cảnh ở trọ xa gia đình nó thế nào, nhưng với tôi tự nấu ăn được là cả một tài năng. Tôi ngưỡng mộ một cô gái có thể tự làm được tất cả những việc ấy cho cuộc sống của mình: đến trường mỗi ngày, tự nấu mỗi bữa ăn, rửa bát, giặt giũ, phơi phóng, dọn dẹp nhà cửa, thanh toán các hóa đơn, có khi nàng còn đi làm thêm, và học bài cho những kì thi triền miên,… Đấy là chưa kể lâu lâu tôi còn thấy nàng mang về một hai cái bóng điện dài, hay có hôm nào nàng khệ nệ xách theo một cái quạt nhỏ trên đường đi học về. Tôi tưởng tượng ra nàng là một cô gái tỉnh lẻ của một gia đình có truyền thống đảm đang lên phố thị học hành với tất cả sự bỡ ngỡ, chân chất của một người ở quê, rồi trưởng thành rắn rỏi dần theo nhịp sống hối hả này.

Duy chỉ có một điều, tôi chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy khuôn mặt nàng, đôi mắt nàng. Tôi có thể chắp vá những gì mình thấy từ trên cao để đoán được khuôn mặt nàng trông thế nào, nhưng cái hình hài mà tôi thường tưởng tượng ra ấy thật không hoàn ảo, không hợp với nàng chút nào. Tôi muốn gặp nàng. Tôi muốn nhìn vào đôi mắt trong veo ấy tìm những gợn sóng u buồn mà nàng chôn giấu để hiểu và chia sẻ với nàng những nhọc nhằn. Và sau tất cả những ngày tháng thầm lặng nhìn nàng từ ban công, tôi muốn nàng cũng nhìn thấy tôi, nhìn thấy nỗi lòng da diết của kẻ khờ dại này.

Tôi ra phòng khách, nhìn mình trước gương, cảm giác như gặp một người bạn đã biệt tăm lâu ngày. Tôi rất ít khi soi gương, vì tôi là người không muốn thấy bộ dạng của mình hơn ai hết. Tôi không biết và cũng không muốn biết mình trông thảm hại thế nào. Tóc tôi rối bù, chiếc áo thun mỏng nhăn nheo rộng thùng thình so với cơ thể gầy gò. Hai chân tôi cứ đơ ra, đã teo đi vì không vận động. Tôi chải gọn lại mái đầu, thay một chiếc áo thun màu xanh dương rồi mở cửa ra ngoài. Mẹ tôi kinh ngạc chạy ra từ bếp, gọi với theo:

- Con đi đâu?

- Con xuống tiệm café một chút. Mẹ làm gì cứ làm đi, một lát con về! Đừng lo!

Tôi đi mất hút tầm mắt mẹ ở ngã rẽ cuối hành lang. Tôi bấm thang máy và chờ đợi. Cả người tôi nóng bừng, cảm giác hồi hộp cứ dâng lên mãi. Mồ hôi rịn ra tay tôi khiến hai cái vòng đẩy hai bên bánh xe trở nên trơn tuột. Đầu tôi trống rỗng, tôi không nghĩ được gì, chỉ cứ lăn chiếc xe ra hè vậy thôi. “Chào bạn! Mình là Đan, mình muốn làm quen!”, “Bạn gái gì ơi cho mình làm quen được không?”, “Bạn ơi, chúng mình làm quen nhé!”. Tôi không biết nên mở lời như thế nào, thế nào thì hợp lý, thế nào thì tạo được thiện cảm, thế nào thì nàng sẽ đồng ý. Tôi không biết, tôi hoàn toàn mù tịt về việc khó nhằn này. Nếu chuyện này cũng dễ dàng như một bản nhạc thì hay biết mấy!

Tôi lăn xe ra đến hè, tiếng ồn của phố thị trùm lấy tôi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cuộc sống gần đến vậy, gần như chiếc máy nhạc của tôi, gần như hai cái nạng, gần như chiếc xe lăn, gần như những chậu cây ngoài ban công. Những âm thanh hằng ngày tôi chỉ nghe từ trên cao, bây giờ chúng ở ngay cạnh tôi. Phố thị như đang thì thầm vào tai tôi những lời ồn ã, gần gũi đến mức tôi tưởng mình có thể đưa tay ra chạm vào chúng.

blogradio, Bức thư không lời hẹn ước


Tôi chọn một góc trong tiệm café – góc gần hè nhất để khi nàng đi qua tôi có thể bắt được khoảnh khắc giao tiếp với nàng ngay, và gọi một ly café đen nóng. Lâu lâu lại có một người nhìn tôi lạ lùng, nhưng tôi không để tâm đến họ. Tâm trí tôi bây giờ chỉ có duy nhất một mối quan tâm: nàng. Tôi uống một ngụm café, vị ngọt kèm vị đắng trộn lẫn vào nhau trên đầu lưỡi, chúng chỉ đi chung thế thôi chứ chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Café cũng không thơm như loại ba tôi hay uống khi ông còn ở nhà. Chẳng trách sao tiệm này thưa khách thế. Tôi để ý thấy người ta chỉ vào tiệm để uống nước ngọt, không ai đến đây để thưởng thức café.

Tôi trông thấy nàng từ đầu ngõ, bóng hình quen thuộc nơi cõi lòng tôi giờ đây đang ở gần tôi hơn bao giờ hết. Khuôn mặt nàng thanh tú, chiếc mũi nhỏ nhắn ửng đỏ vì lạnh. Hai mắt nàng long lanh dưới đôi lông mày dày nhưng không đậm với những sợi mềm như tóc mai. Nàng đi rất nhanh đến gần tôi, rồi ngang qua tôi chỉ trong một tích tắc. Không một ánh nhìn. Tôi ngồi ngây ra một lúc lâu, rồi tính tiền ly café và trở lên nhà. Ít nhất thì tôi cũng đã biết mặt nàng. Tôi tự an ủi mình thế, nhưng cũng không tránh khỏi một nỗi buồn mênh mang. Đêm nay những bản nhạc nghe như thiếu một thứ gì.

Tôi ra tiệm café dưới nhà thêm ba hôm nữa. Nhưng không hôm nào tôi có đủ can đảm để bắt chuyện với nàng. Và lần nào cũng vậy, nàng đi qua tôi rất nhanh, nhanh đến nỗi không kịp lưu lại một ánh nhìn. Không lần nào nàng nhìn tôi dù chỉ bằng một cái liếc mắt. Cho đến hôm thứ năm, hôm ấy tôi cũng ngồi đợi nàng cùng ly café đen nóng. Lần này tôi đã sẵn sàng. Khi thấy nàng từ đầu ngõ, tôi lăn xe ra hè. Nàng nhìn thấy tôi, bắt gặp ánh mắt tôi nhìn nàng, rồi nàng tránh sang một bên nhường đường cho kẻ tật nguyên đang chật vật với chiếc xe lăn trên hè kia. Khi nàng đã đi qua, hương tóc vẫn còn vương vấn trong chốc lát trước khi tan vào gió. Tôi vội vã quay xe, hai bàn tay đẫm mồ hôi cố lăn thật nhanh chiếc xe lọc cọc. Tôi gọi với theo nàng:

- Này, bạn gì ơi…

Nàng quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Nắng chiều ghé qua bờ vai gầy của nàng đặt lên áo tôi một mảng sáng bừng.

- Sao hở bạn? Bạn cần giúp gì?

Tôi lắp bắp không nói nên lời, hai bàn tay đẫm mồ hôi, mặt tôi nóng bừng lên. Tim tôi đánh liền hồi những nhịp chắc nịch vào lồng ngực.

- À..ừm…ờ…

Lúc này nàng đã quay hẳn lại, kiên nhẫn chờ đợi.

- Mình… mình muốn làm quen!

Nàng càng ngạc nhiên hơn nữa. Tôi cố nở một nụ cười thật tự nhiên, nhưng tôi biết điệu bộ tôi lúc ấy trông ngố đến mức nào. Nàng mỉm cười một cái rồi gật đầu.

- Ừm mình là Nhi. Còn bạn?

- À…ừm…mình là Đan.

- Vậy nhé, hẹn gặp lại, giờ mình đang hơi vội.

- Ừ vậy bạn đi đi! – Tôi trả lời, lòng hụt hẫng. Rồi khi nàng đã đi được một đoạn tôi mới lăn xe theo sau.

- À bạn ơi! Hôm nào mình mời bạn ly café nhé? Ở ngay đây này, tiệm café kia?

Nàng không dừng bước, chỉ quay lại nhìn tôi mỉm cười, gật đầu đồng ý.

Từ hôm ấy lòng tôi vui như hội. Tôi đợi mãi đến ngày gặp nàng. Chúng tôi bắt đầu bằng những lời hỏi han, những mẩu chuyện xã giao người ta vẫn thường trao nhau mỗi khi bắt đầu một mối quan hệ. Rồi khi đã thân thiết hơn, chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những mẩu chuyện chúng tôi cóp nhặt hằng ngày. Cứ mỗi tuần tôi lại xuống tiệm café đợi nàng về qua một đến hai lần, và lần nào cũng vậy hễ trông thấy tôi là nàng lại ghé vào ngồi ngay đối diện. Chúng tôi ngồi với nhau như vậy cho đến khi buổi chiều trôi qua gần hết, khi mặt trời đã gần sang đến nửa bên kia địa cầu. Tôi kể cho nàng về những buổi chiều phố thị từ ban công nhà, những người đi qua ngõ, những thứ bên công viên, về mặt sông lấp lánh, và về những điệu nhạc của đời tôi. Nhưng tôi tuyệt nhiên không nói gì về chuyện tôi đã đợi nàng về qua ngõ mấy tháng liền trước khi tôi đến gặp nàng. Nàng thích thú ngồi nghe tôi kể, rồi cũng kể cho tôi về trường lớp, về những người bạn, về cuộc sống hằng ngày của nàng. Nhiều tháng trôi qua, mỗi ngày chúng tôi một gần nhau hơn.

Cho đến một hôm, mẹ tôi để ý. Bà hỏi tôi hay ra ngoài làm gì. Tôi nói tôi đang gặp gỡ một người bạn, một cô gái.

- Con bé nào vậy con, bé đó tên gì?

- Dạ cậu ấy tên Nhi.

- Nhi nào?

- Dạ Nhi ở trọ cuối ngõ mình rẽ trái đó mẹ.

- À con bé học Đại học gì ấy hở.

- Dạ.

Rồi chợt mẹ tôi nhớ ra điều gì, mặt bà sa sầm. Bà buông đũa xuống nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt nghiêm nghị:

- Con bé Nhi ấy, mẹ nghe người ta đồn nó cặp đại gia để có tiền. Hôm nọ bà Tư hàng vải có bảo là thấy nó đi với ông nào vào khách sạn bên khu gần chợ đầu mối. Mấy lần có người đưa rước nó đến tận cổng chợ gần nhà mình bằng ô tô hẳn hoi.

Tôi kinh ngạc hỏi lại mẹ:

- Có thật không mẹ? Người ta chỉ đồn thôi mà, ai biết bà Tư thấy ai, lỡ bả nhìn nhầm?

- Bà ấy bảo là đúng nó, chính cái áo lạnh màu xanh biển nó hay mặc ấy mà! Với lại nhiều người nói thế thì chắc không sai đâu. Với sinh viên như nó thì làm gì có xe hơi nào mà đưa rước nếu không cặp đại gia? Con cẩn thận đấy!

Đầu óc tôi choáng váng. Tôi bỏ dở chén cơm lăn xe một mạch vào phòng đóng kín cửa lại. Bóng tối trùm lấy tôi. Tiếng nhạc trùm lấy tôi. Tôi nấp vào góc phòng, nhìn ra màn đêm phố thị qua cửa kính ban công, cảnh vật cứ thế nhòe dần đi rồi gom lại thành những giọt nóng hổi lăn dài trên má. Những lời mẹ nói nhẹ nhàng thôi mà sao nghe chát chúa đến vậy. Tôi giận nàng ghê gớm. Tôi giận cả bản thân tôi nữa, giận cái cuộc đời khốn khổ của tôi sao không có chút gì để trao cho nàng. Hôm ấy, lần đầu tiên sau rất nhiều năm tháng, tôi không mở nhạc khi ngủ. Căn phòng thinh lặng. Tôi nằm im lìm nhìn trân trân lên trần nhà, nhìn mộng ước của mình tan tành đổ vỡ.

blogradio, Bức thư không lời hẹn ước


Hôm sau tôi bảo mẹ rằng tôi muốn chuyển đi. Cuộc sống ở đây bây giờ đối với tôi ngột ngạt quá mức. Căn phòng nhỏ ấy, những tiếng nhạc ấy, cái ban công ấy, hè phố ấy, con ngõ ấy, và cả buổi chiều phố thị nhìn từ đây, mọi thứ như bóp nghẹt tôi đến từng hơi thở. Và tôi muốn gặp nàng thêm một lần cuối cùng nữa.

- Mình biết rồi! – Tôi nói, không đợi nàng kịp ngồi xuống. Nàng ngạc nhiên nhìn tôi:

- Cậu biết gì nào, kể mình nghe với! – Nàng mỉm cười.

- Mình biết cậu cặp đại gia để có tiền. Có người nhìn thấy cậu vào khách sạn với người ta!

Mặt nàng sa sầm, hai má đỏ ửng lên, đôi mắt long lành nhìn tôi ngây dại. Nàng ấp úng gì đó những tôi không để nàng kịp nói.

- Như vậy có khác nào cậu bán thân đâu hả! – Tôi gằn giọng, cố nói thật nhỏ để những người chung quanh không nghe thấy. Còn nàng cúi gằm mặt xuống nhìn chằm chằm vào ly café sữa đang bốc khói nghi ngút.

Tôi kể cho nàng về lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng từ ban công, về những ngày tôi đợi nàng đi qua ngõ. Tôi kể về những lần tôi tưởng tượng ra nàng đang khiêu vũ trên nền những giai điệu mượt mà của cuộc đời tôi. Tôi kể cho nàng những thứ ấy đã thay đổi cuộc đời tăm tối của tôi ra sao. Và tôi kể cho nàng về sự đổ vỡ của chúng. Nàng chỉ im lặng, giọt nước mắt rơi nhanh thấm vào nền gạch lạnh giá.

- Mình sẽ chuyển nhà. Đây có lẽ là lần cuối cùng mình với cậu gặp nhau rồi!

Tôi nói thêm một lời nữa trước khi lăn xe đi, rằng tôi muốn nàng nghe một bản nhạc: Bản sonata Ánh trăng của Beethoven.

Nàng chạy theo tôi, tay gạt nước mắt rồi nói trong tiếng khóc:

- Cậu coi đó là bán thân cũng được! Nhưng có biết bao nhiêu người không màng nhân phẩm để kiếm tiền! Ai sẽ lên án họ, ai sẽ khinh ghét họ, ai sẽ coi thường họ? Bán thân hay bán nhân phẩm thì có khác gì nhau đâu!

Rồi nàng chạy vụt đi, để lại tôi ngồi sững sờ giữa màn đêm đang trùm lên phố thị. Bóng tối nuốt chửng nàng nơi ngã rẽ cuối phố.

Nàng nói đúng. Tôi cay đắng nhận ra lý lẽ của nàng. Và càng cay đắng hơn khi chính bố tôi là kẻ bán đi nhân phẩm vì tiền, bố tôi là một tên lừa đảo! Nhưng tôi vẫn coi ông là bố, mẹ vẫn coi ông là chồng. Không ai khinh ghét, ghẻ lạnh, coi thường ông cả. Họ chỉ bắt ông đi tù. Ông đi tù mười mấy năm. Còn nàng, với vết nhơ đó, với sự ghẻ lạnh của xã hội này và cả tôi nữa, nàng sẽ là tù nhân của chính mình suốt cả cuộc đời.

Nàng gửi cho tôi một bức thư đúng ngày tôi đi. Một bức thư rất dài nhưng không có một lời nào trong đó. Nàng chép tay lại toàn bộ bản Sonata Ánh trăng mà tôi bảo nàng nghe. Tôi hiểu đây là một lời hẹn ước.

Hai tháng sau tôi trở lại con ngõ cũ. Cảnh trí trải ra trước mắt tôi quen thuộc đến từng gốc cây ngọn cỏ. Tôi lăn xe chầm chậm trên hè, vạt nắng chiều trải nhẹ trên vai áo. Theo từng vòng bánh xe lăn, cái bản ngã khi trước dần trở lại với tôi nặng nề đến từng hơi thở. Tôi thấy nàng đang ngồi học bài trong tiệm café, vẻ rất chăm chú. Nghe thấy tiếng xe lăn, nàng ngước lên. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau trìu mến, mà sao ánh mắt nàng lại buồn đến vậy. Có phải nàng tin rằng, rồi đây tôi sẽ lại ra đi thêm một lần nữa?

© Hoàng Phạm – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết "ĐỂ YÊU THƯƠNG DẪN LỐI". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn nhấn vào nút "Bình chọn" dưới chân bài viết, để lại bình luận tâm đắc và chia sẻ lên mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Những con còng trên biển

Những con còng trên biển

Nhi nhìn chăm chăm vào bức tranh trước mặt. Sao lại có một sự trùng hợp đến vậy chứ, đây có phải là bức tranh mà Nhi rất thích và đặc biệt rất thích trong cả hai lần được xem ngoài con đường biển không?

Đóa hoa bên đường

Đóa hoa bên đường

Chợt, tôi bắt gặp một đóa hoa nhỏ bên lề đường. Đóa hoa ấy, mặc dù nở giữa bụi rậm và khô cằn, nhưng vẫn tỏa sáng với vẻ đẹp riêng của mình. Tôi ngừng bước, nhìn chăm chú vào đóa hoa và bắt đầu suy tư về ý nghĩa của nó.

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Tôi đã tự nhủ, dù cho có chuyện gì xảy ra, trước hết tôi phải giữ vững quan điểm cư xử phải phép, khiêm nhường, dùng sự bình tĩnh và tôn trọng để đối đãi với mọi người một cách thật thận trọng để rồi sau đó, tôi sẽ biết ai là người xứng đáng để tôi dụng tâm mà chân thành khoan dung.

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

back to top