Phát thanh xúc cảm của bạn !

Cây sương rồng trên cát biển Bình Thuận

2012-12-14 16:27

Tác giả:


 Bình chọn bài viết bằng cách nhấn vào nút Chia sẻ (share) lại nội dung thông tin dẫn lại bài viết này tại FanPage của Blog Việt


Bài dự thi Cuộc sống vẫn tươi đẹp - Bình Thuận một chiều nắng, gió biển phần phật quất vào những nóc nhà, bao cồn cát trắng tinh trải dài tít tắp, mùi cá biển mặn mòi càng khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Ngồi đối diện với tôi là một cô bé có đôi chân lùn tịt. Cuộc nói chuyện không dài, nhưng đủ để tôi nhận ra ẩn giấu sau lớp “vỏ bọc” bé nhỏ kia là một tâm hồn sáng trong và chất chứa một nghị lực phi thường, một ý chí quật cường, mạnh mẽ.

Trò đùa của vị thần số phận

Cô bé mà tôi nhắc đến ở đây chính là em Đinh Ngọc Thu, tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Năm nay Thu đã 12 tuổi, học lớp 5A trường tiểu học Tân Thành, nhưng thân hình em chỉ như một em bé học lớp 1 – gầy gò, ốm yếu, với đôi chân lùn tịt. Ngay từ khi chào đời, Thu đã không được may mắn như bao chúng bạn khi mang một cơ thể dị tật bẩm sinh như vậy. Cô Hương – mẹ Thu tâm sự cùng chúng tôi  “hồi mang thai Thu được 6 tháng, cô đã đi siêu âm và biết đứa bé trong bụng mình bị dị tật. Bao nhiêu người đã khuyên cô nên bỏ đứa trẻ đi, nhưng cô nghĩ, đứa con này là giọt máu của mình, dẫu nó có thế nào thì cũng phải cho nó làm người”. Thế là cô quyết tâm giữ lại đứa trẻ, dẫu vẫn biết, cuộc đời phía trước của mấy mẹ con cô sẽ vô cùng khó khăn, vất vả.

 “Cha của cái Thu sau khi biết con mình bị dị tật đã vội vàng bỏ mặc ba mẹ con đi nơi khác sinh sống. Một mình cô nuôi ba chị em nó lớn lên. Để nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cô đi lấy cá rồi đem ra chợ bán. Cũng may, cả ba chị em nó biết thương mẹ, nên đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Cái Thu tuy thiệt thòi nhất, nhưng lại là đứa thể hiện tình yêu thương với mẹ nhiều nhất. Nhờ có những lời động viên của Thu mà cô với đi bao mệt nhọc cháu ạ”. Vừa nói, cô Hương vừa đưa tay quệt những giọt nước mắt đang lăn trên gò má chai xạm vì sương gió.

Lấy tay chỉ vào vết lõm mờ trên trán Thu, cô Hương chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những kỉ niệm ngày Thu mới chào đời. Lúc mới sinh ra, trên trán em có một vết lõm ở giữa trán rất to. Ai cũng sợ, khi nhìn vào vết lõm sâu hoắm ấy. Rất may, theo thời gian, vết lõm đó dần dần nhỏ lại, và giờ chỉ còn lộ ra rất ít. Thu sinh ra với một cơ thể èo uột, yếu ớt thế nên rất khó nuôi, cô bé lớn lên cùng với ốm đau, bệnh tật và đủ thứ thuốc nạp vào người. Nhà đã nghèo, con cái lại ốm đau liên miên, nên cuộc sống gia đình cô Hương cực kỳ khó khăn.

Sinh ra với một cơ thể không vẹn toàn. Thế nên, khi nhìn thấy những anh, những chị có thân hình cao lớn, Thu lại ngước nhìn họ với ánh mắt ngưỡng vọng, đôi khi em thốt lên những lời nói ngô nghê nhưng xót xa vô cùng - “trời ơi, cao thế thì bớt cho em một miếng đi”. Để đo chiều cao của mình, em nằm lên những ô gạch hoa trong nhà, và ướm xem chiều dài cơ thể mình được bao nhiêu ô! Cô bé hồn nhiên “khoe” với chúng tôi rằng “bữa nay, em được 3 ô rưỡi rồi ạ”, câu nói thật thà, ngây thơ của em nghe sao mà đắng đót đến thế. Một học sinh lớp 5, mà lại bị giấu trong thân hình của một cô bé lớp 1. Đôi chân ngắn, đôi tay yếu, khiến cho cơ thể em trông tội nghiệp biết nhường nào.



Ước mơ vươn xa…

Vất vả là vậy, nhưng cô Hương lại có một niềm an ủi lớn lao, đó là sự chăm ngoan của các con. Thu ham học ngay từ khi còn nhỏ, đến tuổi đi học em chủ động xin mẹ cho em đi học cùng chúng bạn. Mặc dù đến trường, nhiều khi bị bạn bè trêu chọc, đôi khi bật khóc vì tủi thân khi nghe bạn bè chế giễu gọi mình là “con Lùn”. Có lần, tan học Thu chạy thật nhanh về nhà và nức nở sà vào lòng mẹ hỏi “Mẹ ơi, sao chân con không dài như chân các bạn? Sao các bạn cứ trêu chọc con? “ Nghe những lời này, người mẹ nào không xót xa cho được? Thế nhưng, đó cũng chính là động lực để em cố gắng học tập thật giỏi. Hiểu được nỗi khó nhọc của mẹ, cũng như cảm nhận được sự bất hạnh của riêng bản thân mình, thế nên, cô bé Thu luôn chăm chỉ học hành. Năm nào đi học, Thu cũng được giấy khen. Thu còn được cô giáo và các bạn tin tưởng giao cho “chức” lớp phó của lớp. Mặc dù, không có được một cơ thể hoàn thiện như các bạn, nhưng em luôn cố gắng hòa nhập cùng tập thể lớp, không vì những khiếm khuyết của cơ thể mà em tự ti, hoặc đòi hỏi sự “ưu tiên” của mọi người.

Cầm trên tay những cuốn vở đi học của Thu, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước thành tích học tập của em. Cuốn vở chính tả với những nét chữ đều đặn, tròn trịa, không hề có vết tẩy xóa, cuốn vở toán với những con số ngay ngắn, những phép tính được thực hiện cẩn thận, cuốn vở mỹ thuật với những nét vẽ hồn nhiên, sạch đẹp,… Những bông hoa điểm 9, điểm 10 dày đặc trong từng trang viết của em. Đã 3 năm liền, Thu được nhà trường cử đi thi vở sạch chữ đẹp ở huyện, và năm nào em cũng đạt giải cao. Nhìn những tấm bằng khen được treo cẩn thận trên tường nhà, tôi biết, đối với gia đình em, đây là những món quà tinh thần mang ý nghĩa cực kỳ lớn lao. Đó là động lực để Thu và gia đình cố gắng nhiều hơn nữa vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường.
Còn nhỏ, nhưng Thu đã biết thương mẹ và các chị. Em làm mọi việc để đỡ đần cho mẹ trong những lúc bận rộn. Đôi chân không được cao như mọi người, nhưng em làm việc không hề chậm chạp, đôi chân lanh lợi, và đôi tay thoăn thoắt. Từ những việc lặt vặt trong nhà như rửa bát, quét nhà, đến những việc nặng nhọc hơn như xỉa cá,… Thu đều cố gắng hoàn thành. Tết năm vừa rồi, em còn theo người trong làng đi giữ xe mướn. Hình ảnh cô bé lùn len lỏi giữa dòng xe cộ tấp nập khiến ai cũng phải xót xa. Thương con, nên cô Hương cũng muốn giữ Thu ở nhà, nhưng em nhất định không chịu. Em nói em muốn kiếm thêm tiền phụ mẹ nuôi cả gia đình. Hết tết, không còn đi trông xe nữa, em lại bảo với mẹ cho mình đi bán vé số những lúc không đi học. Thu bảo “Mẹ em vất vả lắm mới nuôi được ba chị em em ăn học, nên em muốn làm việc gì đó để đỡ gánh nặng cho mẹ”. Thu quả là một người con có hiếu.

Khi tôi hỏi về ước mơ sau này của em, Thu ngượng ngùng chia sẻ cùng chúng tôi “em ước mơ tương lai sẽ trở thành một bác sĩ giỏi, để chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người có số phận như em”. Có lẽ đó chính là những điều mà cô bé luôn ấp ủ trong tim từ khi có những ý thức rõ ràng về căn bệnh mà mình mắc phải. Khi chúng tôi hỏi vì sao em lại chọn nghề bác sĩ, mà không chọn những nghề khác, em cười hiền chia sẻ cùng chúng tôi rằng, chỉ có nghề bác sĩ là không cần chiều cao, còn những nghề khác như công an, cô giáo thì đều cần chiều cao cả!? Chúng tôi đùa em, nghề bác sĩ khổ và để làm được bác sĩ thì khó lắm. Em đã mạnh dạn khẳng định “chỉ cần cố gắng là mình sẽ làm được mà chị, em quyết tâm học để trở thành bác sĩ giỏi chị ạ”. Nghe được câu nói này của em, chúng tôi thật sự thấy vui và ấm áp trong lòng. Bởi lời em nói, chứa chan sự quyết tâm, và ý chí vươn lên mạnh mẽ. Em đã không ngã gục trước khó khăn, mà cố gắng vươn lên chiến thắng vị thần số phận.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,…

Cô Hương nói với chúng tôi trong ngậm ngùi “giờ cô chỉ ước sao có tiền để đưa cái Thu ra bệnh viện Trung ương chạy chữa cho chiều cao của em nó tăng lên, chứ cứ để nó lùn tịt, ốm đau liên miên như thế này cô thấy đau lòng lắm”. Vừa nói, người mẹ ấy vừa lau vội những dòng nước mắt đang lăn trên gò má đã xạm đi vì nắng, vì gió.

Mới gần đây thôi, Thu bị bệnh nặng, mẹ em phải đưa em vào thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu. Cũng may, bệnh tình của em qua khỏi và dần dần lấy lại được sức khỏe. Lần ấy, sau khi lành bệnh, có một bác sĩ tốt bụng đã đưa Thu đi khám bệnh miễn phí, tìm hiểu về căn bệnh “Lùn” của em. Tia hi vọng về việc “cải thiện chiều cao” lại được dịp bùng cháy trong suy nghĩ của bản thân Thu, cũng như của những người thân trong gia đình. Dẫu biết là cả gia đình đang nuôi một hi vọng mong manh, nhưng ai cũng trông đợi bệnh tình của em sẽ có hướng cứu chữa. Rất tiếc lần đó, vì hết tiền, nên mẹ Thu không thể để Thu ở thêm để khám bệnh cho kĩ lưỡng, mà đành phải đưa em về nhà. Cô đang ấp ủ dồn tiền để đưa em ra các bệnh viện Trung ương khám chữa một lần nữa. Ước mong sao có thể chữa được phần nào căn bệnh mà cô bé Đinh Ngọc Thu đang mang trong người.

Chúng tôi chia tay gia đình bé Thu khi trời đã về chiều, gió biển lồng lộng thổi, những con sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô bờ,… Em đứng đó, giơ bàn tay bé nhỏ vẫy chào chúng tôi. Ngoảnh đầu lại nhìn em, cô bé “Lùn” đáng yêu, đang nở nụ cười tươi tắn, thấy sống mũi mình cay cay, khóe mắt ươn ướt. Em đã dạy tôi những bài học cuộc sống đầy ý nghĩa, cho tôi thấy ý chí vươn lên mạnh mẽ của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Ước mong của mẹ Thu, cũng chính là ước mong của chúng tôi, hi vọng căn bệnh của em sẽ tìm được hướng cứu chữa. Chẳng thể làm gì giúp em, chỉ hi vọng thông qua bài viết này, sẽ có những tấm lòng hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ, để em có thể chữa khỏi căn bệnh của mình, tự tin bước vào đời và để đất nước ta có thêm một bác sĩ giỏi mà không phải “Lùn” nữa.

  • Ngô Mai Nga - lenga.tear@



Blog Việt – Blog Radio trân trọng thông báo và rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình từ quý bạn đọc! Mời bạn click vào đây để gửi bài dự thi "Cuộc sống vẫn tươi đẹp"




Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top