Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nhớ lắm mùa lũ tuổi thơ tôi

2014-11-19 01:00

Tác giả: Phan Thị Kim Thảo


Café Blog - Tuổi thơ trôi qua, tôi đã nhìn thấy nỗi buồn của ba mạ mình trong những mùa lũ nhưng lại có chút niềm vui riêng đối với kí ức, hoài niệm của bản thân. Tôi vẫn nhớ hoài cái màu nước vàng ngập ngụa ấy sau vườn nhà mình, vẫn muốn tranh nhau miếng cháy vàng của nồi cơm nấu bếp và thèm lắm món thịt kho sả mạ tôi làm bên ngọn đèn dầu leo lắt.

***

Cơn mưa lùa xuống như thác đổ, từng làn nước vội vã rơi đều kêu rả rích trên mái tôn cũ căn nhà nhỏ của gia đình tôi. Vài ba tiếng một trận to, vài ba hồi thêm một trận nhỏ, cứ ỉ ôi như đàn bà đau đẻ ngóng mãi đứa con vẫn chưa thấy ra đời, cứ nhức nha nhức nhói đến xé ruột gan. Buổi tối cả gia đình tôi vây quanh bên mâm cơm nấu bếp với món đặc sản của mùa mưa là muối mè và sả vằm vụn với thịt ba chỉ kho ruốt. Ngọn đèn dầu leo lắt đặt trên chiếc bàn gỗ khá cao mới có thể chiếu sáng một góc nhỏ của mâm cơm. Gần mười con người vây quanh mâm cơm ngày lụt, ai nấy đều thích thú với miếng cơm nóng hổi có cháy vàng giòn, mấy chị em tôi tranh nhau vét nồi kêu ken két.

Mùa mưa, mùa lụt ở Huế kéo dài khiến lòng người sầu thảm, ước chừng mỗi mùa mưa đi qua như kéo theo cả một thế kỉ dài. Trước mái hiên nhà, gió thổi mạnh một vài tấm tôn bay xa, vài tấm còn lại thì đã rách hết phần nửa kêu bành bạch, nước tạt vào đến tận cửa chính, mấy chân cột bằng gỗ cũng đã liêu xiêu. Ba tôi phải mang chiếc áo mưa nhàu nát chạy xuống vườn lựa cây tre nào chắc chắn đốn lên để chống tạm. Mạ tôi loay hoay đào mương cho nước thoát kẻo ngập vào nhà bếp không còn chỗ nấu nướng. Chị gái đầu của tôi năm đó mới mười ba tuổi đã phải lấy giẻ lâu nền nhà cho khỏi rịn nước đi trượt, tôi và những đứa em sau còn nhỏ nên chỉ việc trùm mền chơi trò trỏ đầu tìm người.

Hết ngày này qua ngày khác, mưa vẫn không dứt mà ngày càng lớn hơn. Trong nhà chỉ còn mỗi chiếc đài bỏ pin con thỏ mới biết được thông tin thời tiết từ xa, ba tôi nghe đài rồi thở dài nói: “Còn mưa lâu lắm”. Mạ tôi nằm trên giường, không than nửa lời nhưng tôi thấy nước trong khóe mắt mạ khẽ ứa ra.

nhớ mùa lũ

Nửa đêm tỉnh giấc, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cửa hông cứ kéo ra kéo vào kêu cọt kẹt, tưởng đâu gió thổi mạnh làm nó lung lay, tôi xuống giường định kéo chặt lại nhưng khi thấy mạ tôi đứng đó nhìn về phía vườn, tôi mới hay mạ lo lắng ngủ không được nên đi lui đi tới ngóng nước sợ vào nhà. Sáng ra, tôi mở cửa hông đứng nhìn, căng mắt hết cỡ vì ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy nước lên cao như thế, một màu vàng sền sệt rộng mênh mông lút đến tận đọt những bụi sắn sau vườn và chỉ còn cách cánh cửa hông tôi đứng chừng vài mươi mét. Nếu hôm nay mưa lớn giống hôm qua thì có lẽ gia đình tôi phải chuyển ra trường Tiểu học gần nhà mà lánh tạm, địa điểm mà ủy ban xã đã bàn trước cho mỗi hộ gia đình khi nước vào nhà. Nhưng may thay cơn lũ thôi không kéo dài nữa, mưa tạnh nên nước cũng rút dần, bầu trời hanh hao. Mấy chị em tôi chạy ra vườn xem những “chiến công” mà cơn lũ để lại và vỏn vẹn chỉ còn một lớp bùn non nhão nhoẹt trên vườn sắn nhà tôi. Đợi cho cơn lũ đã qua vài hôm, chị em chúng tôi rủ nhau đi xem nước, nước đã hạ xuống rất nhiều nhưng vẫn còn cao hơn trước mùa mưa vài mươi mét. Chúng tôi thấy vài ba chiếc ghe chèo ven sông vớt củi, vài ba chiếc khác lại giăng lưới bủa cá. Do ở thượng nguồn của sông Hương, nước lớn cá lùa về theo dòng chảy mạnh nên những mẻ cá được bủa lưới khi kéo lên chi chít các loài cá chình, cá xanh và rất nhiều cá rô phi... Rãi rác khắp mặt sông, là nồi niêu xoong chảo, chị em tôi đang loay hoay cầm sào để vớt thì tiếng ba tôi gọi lớn, đứa nào đứa nấy sợ hãi chạy lên nhà nhưng có cố gắng chạy nhanh thế nào đi chăng nữa thì vẫn bị đòn dính vào mông vì cái tội không nghe lời người lớn. Và tôi vẫn nhớ rất rõ đó là kỉ niệm của mùa lũ năm 99, mùa lũ đi vào lịch sử của Việt Nam.

Vài năm sau đó không có cơn lũ nào lớn hơn cơn lũ ấy nữa và người ta nhanh chóng cho xây dựng đập thủy điện Bình Điền theo quy mô lớn nên cũng chẳng còn ai biết đến lụt là gì. Có cái đập cản nước thì ai nấy cũng vui sướng như được vàng, không lo lụt lội, nước ngập nhà ngập cửa nữa. Chỉ riêng bọn trẻ chúng tôi lại thấy hơi tiếc vì không còn được nhìn nước lên sau vườn sắn, không còn được rong ruổi những ngày vớt xoong nồi nổi lềnh bềnh trên sông và không còn phải khó ngủ vì tiếng cọt kẹt của cánh cửa hông. Bởi vài năm sau đó, nhà tôi được xây cất lại khang trang hơn, che chắn an toàn hơn, lợp mái ngói để chống ồn, tường xây vách để nước khỏi tóe qua các khe gỗ như trước kia.

Sau khi tôi đậu Đại học phải về thành phố ở trọ, mỗi mùa lụt đến, cơn mưa mới kéo xuống ngày đêm thì các con đường chính như Bến Nghé, Đống Đa hay ngay cả Nguyễn Huệ cũng đã ngập đến gần nửa người. Thảm hại nhất vẫn là đoạn qua Đập Đá, nước lên nhanh nhưng rút lại rất chậm. Vậy là tôi lại được ngắm lụt, ngắm nước dâng cao giữa thành phố Huế. Nhưng mùa lụt ở thành phố không làm tôi thích thú như ở quê mình, vì tôi không nhìn thấy cái màu vàng sền sệt của nước và không nhìn thấy cái xoong nồi nào nổi trên mặt nước để vớt.

Tuổi thơ trôi qua, tôi đã nhìn thấy nỗi buồn của ba mạ mình trong những mùa lũ nhưng lại có chút niềm vui riêng đối với kí ức, hoài niệm của bản thân. Tôi vẫn nhớ hoài cái màu nước vàng ngập ngụa ấy sau vườn nhà mình, vẫn muốn tranh nhau miếng cháy vàng của nồi cơm nấu bếp và thèm lắm món thịt kho sả mạ tôi làm bên ngọn đèn dầu leo lắt.
  • Phan Thị Kim Thảo

Bài viết tham dự tuyển tập "Mở lòng & Yêu đi!". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn like, share và bình luận bằng plug-in mạng xã hội ở chân bài viết. Lượt like, share và comment được tính bằng hệ thống đếm tự động.



Click vào đây để theo dõi thông tin chi tiết


Để những câu chuyện, tâm sự và phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của blogradio.vn. Bạn đừng quên địa chỉ email blogradio@dalink.vn và trên website blogradio.vnblogviet.com.vn.

yeublogradio


Phan Thị Kim Thảo

Lênh đênh lạc bước đường về Hỏi ai xa lắm mộng trần nơi nao? Mơ hồ mới tỏ chiêm bao Mà sao khi tỉnh vẫn còn chênh vênh...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top